Header Ads

  • Breaking News

    Công an CSVN áp dụng triệt để Luật An Ninh Mạng

    Bộ Công An CSVN vừa công bố dự thảo “Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An Ninh Mạng,” trong đó có nhiều điều gây bất lợi cho người dân và doanh nghiệp.

    Facebook phải lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. (Hình minh họa: Arun Sankar/AFP/Getty Images)
    Ngày 2 Tháng Mười Một, 2018, Bộ Công An CSVN chính thức công bố dự thảo lần hai nghị định này “để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian một tháng.” Nếu được thông qua, ngày 1 Tháng Giêng, 2019, sẽ được áp dụng.

    Theo báo Pháp Luật TP.HCM, dự thảo nghị định gồm 6 chương 30 điều, trong đó các điều khoản về lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam mà dư luận quan tâm thời gian qua cũng được quy định chi tiết.

    Theo đó, Điều 24 của dự thảo này quy định dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam lên đến 19 mục. Cụ thể: họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học.

    Thậm chí, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác cũng phải kê khai. Ngoài ra, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra gồm: thông tin chọn tải lên, đồng bộ hoặc nhập từ thiết bị.

    Về phía doanh nghiệp, Điều 25 dự thảo nêu rõ “doanh nghiệp trong và ngoài nước có đầy đủ các điều kiện sau đây phải lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.”

    Cụ thể, thứ nhất là doanh nghiệp cung cấp một trong các dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như: Dịch vụ viễn thông; dịch vụ lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng; cung cấp tên miền quốc gia hoặc quốc tế cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; thương mại điện tử; thanh toán trực tuyến; trung gian thanh toán; dịch vụ kết nối vận chuyển qua không gian mạng; mạng xã hội và truyền thông xã hội; trò chơi điện tử trên mạng; thư điện tử.

    Thứ hai, doanh nghiệp thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam.

    Thứ ba, doanh nghiệp để cho người sử dụng dịch vụ thực hiện các hành vi bị cấm theo Luật An Ninh Mạng; và cuối cùng, doanh nghiệp vi phạm một số quy định về bảo đảm an ninh thông tin theo Luật An Ninh Mạng.

    Thời gian lưu trữ dữ liệu theo nghị định này quy định tối thiểu là từ 12 đến 36 tháng “tùy theo từng đối tượng doanh nghiệp.”

    Đặc biệt, cũng theo dự thảo này, bộ trưởng Bộ Công An “có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp trong diện điều chỉnh thực hiện quy định này. Doanh nghiệp không chấp hành, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý.”

    Trước đó, hồi Tháng Sáu, 2018, bản dự thảo này của Bộ Công An đang soạn thảo gây bất an cho người dân.

    Trong khi giới chuyên gia, công chức, doanh nghiệp lo ngại về những tác động xấu mà luật này có thể gây ra cho nền kinh tế đang tăng trưởng của Việt Nam, giới hoạt động xã hội và nhiều người dân nói luật này là công cụ mà chính quyền sẽ sử dụng để “xâm hại thô bạo” quyền riêng tư của người dân.

    (Người Việt)

    Không có nhận xét nào