Header Ads

  • Breaking News

    Lê Văn Ngọc - Đi Học Thời Đệ Nhất Cộng Hòa

    Vài lời nói đầu: Đây không phải là một bài tham luận về chương trình giáo dục của Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà. Công việc ấy phải để dành cho các vị Thạc Học và có nhiều thời gian tra cứu khác. Đây chỉ là một vài ký ức và nhận định nông cạn của một người may mắn được trải nghiệm việc học trong thời kỳ gói trọn trong thời gian Đệ Nhất Cộng Hoà.

    Trước đây, ông Mandella, nguyên Tổng Thống Nam Phi có nói rất thống thiết về giáo dục:

    “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử, hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục, và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả:

    Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy.

    Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy.

    Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy.

    Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia.”

    Như thế về mặt tích cực, những người lãnh đạo quốc gia phải nghĩ đến giáo dục trước hết cho dân chúng.

    Hình minh họa
    Ôn lại lịch sử Việt Nam trong thời Pháp thuộc, người Pháp trong những năm đầu đặt nền đô hộ trên nước ta, họ rất khôn ngoan, vẫn để Triều Đình Huế duy trì nền giáo dục cũ, với những khoa cử từ lâu chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Sự yếu kém về khoa học và đời sống của nền giáo dục này, hiển nhiên đã xảy ra ngay từ gốc của nó là Trung Hoa thua kém các nước Âu châu và phải ký những hiệp ước bất bình đẳng. Những trí thức Trung Hoa cũng như Việt Nam thấy rõ phải cải cách giáo dục, nếu muốn đừng bị lạc hậu và yếu kém.

    Những nhà nho VN tuy thành đạt về khoa cử, nhưng vẫn ý thức: chính vì đường lối giáo dục cũ đã đưa đến sự yếu kém và mất nước, nên như Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã phải đề ra mục tiêu giáo dục cho người dân là nâng cao dân trí. Nhưng họ đã không thành công vì chính quyền Thực dân lúc đó lại có ý định xoá bỏ dân trí và dân phong với một đường lối giáo dục nhằm đào tạo những tên “nô bộc”: biết nói giỏi tiếng Tây và biết vâng lời để gia nhập guồng máy cai trị của Pháp ở Đông Dương. Cho nên những phong trào rất sáng suốt như “Duy Tân” hay “Đông Kinh Nghĩa Thục”, dù đã học hỏi từ sự thành công “Duy tân” của Nhật Bản, cũng bị Pháp dẹp bỏ với những biện pháp có tính cách khủng bố như: đày các nhà nho tham gia nghĩa thục ra Côn Đảo, để không gây ảnh hưởng đến khối quần chúng.

    Có lẽ người Pháp cũng không ngờ, khi Pháp hoá nền giáo dục Việt Nam, thì chính những tài liệu giáo dục như văn chương, lịch sử nước Pháp đã làm cho những học sinh, sinh viên Việt Nam càng củng cố tinh thần quốc gia và ý niệm tự do, nhân bản vốn cũng là tiêu chỉ giáo dục của Pháp. Người Pháp không thể hiểu được một số trí thức VN được sang Pháp học, lại không cày cục làm việc cho Pháp, mà lại làm những nghề tự do, để mưu cầu độc lập cho nước nhà. Một sự thật hiển nhiên là trong thời Pháp thuộc, người ta lại xây dựng được nền tảng của văn hoá Việt Nam với rất nhiều tác phẩm đi tìm những tinh hoa văn hoá VN và dự phóng những nét mới về văn hoá cho thời đại mới.

    Hãy lấy thí dụ về ngôn ngữ Việt Nam để thấy sự chuyển biến từ lối văn “biền ngẫu” viết ra cốt để “chơi” sang lối văn mới với những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn và những nhà văn tự do khác. Lối văn lý luận văn học hoàn toàn xa lạ với lối văn khoa cử của các nhà nho ở Thế kỷ 19 và còn dây dưa sang những năm đầu của thế kỷ 20. Hãy xem những tác phẩm của Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Phan Khôi cùng một số rất lớn các người viết biên khảo đã ảnh hưởng thế nào đến thế hệ sau khi nhu cầu một nền văn hoá dân tộc là khẩn thiết trong khi về chính trị vẫn tranh đấu cho sự độc lập hoàn toàn của quốc gia.

    Thành ra trong sự nô lệ hoá giáo dục của Pháp, người Việt đã biết nương theo đó để mà củng cố tinh thần quốc gia cũng như văn hoá dân tộc.

    Một điều quan trong mà chúng ta học được của văn hoá Pháp là ý niệm quốc gia. Trong chế độ Phong kiến ngày trước đã có hàng ngàn năm người dân Việt vẫn được giáo dục “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Nước Nam là vua Nam ở); hay: “một tấc đất cũng của vua Lê”, thì bây giờ quốc gia là nơi mà mọi người dân sinh sống trên đấy, có cùng một ngôn ngữ và văn hoá.

    Tất cả môi trường đã được sửa soạn để khi nước nhà độc lập, dù là sự độc lập “bất chiến tự nhiên thành” của chính phủ đầu tiên của Việt Nam là Chính Phủ Trần Trọng Kim. Điều đáng ca ngợi của Chính phủ này là chương trình giáo dục do Tổng Trưởng Giáo Dục lúc ấy là ông Hoàng Xuân Hãn, một học giả tuy xuất thân ở những Đại Học Pháp, nhưng đã tạo một chương trình hoàn thiện cho nước Việt Nam độc lập. Dù Chính Phủ Trần Trọng Kim đã không thọ được một năm, nhưng nền tảng do chương trình giáo dục ấy đã đặt vững để cho những nhà giáo dục đi sau có cơ sở hoàn thiện nền giáo dục cho Đệ Nhất Cộng Hoà cũng như cả Đệ Nhị Cộng Hoà.

    Người ta có thể nói như Việt Cộng thường tuyên truyền Chính Phủ Trần Trọng Kim là chính phủ bù nhìn của Nhật; nhưng có một điều chắc chắn và đáng hãnh diện là chương trình Giáo Dục Hoàng Xuân Hãn không hề bị người Nhật chi phối. Chương trình ấy đề cao và đưa tiếng Việt làm chuyển ngữ ở Đại Học. Cái chương trình ấy đã tạo nên tinh thần độc lập cho người dân, cho nên sau này dù người Pháp có trở lại Đông Dương, nhưng vẫn không thi hành được chính sách giáo dục thời Thực dân ngày trước.

    Cũng phải nói một cách công bình rằng chính những người thành đạt ở hai nền giáo dục cũ ấy đã góp công làm ra chương trình giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa (Thời ấy không gọi là Đệ Nhất Cộng Hòa. Chỉ từ khi ông Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng Thống VNCH nguời ta mới đặt ra Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà.)

    Tôi hoàn toàn học Trung Học và Đại Học ở thời gian Đệ Nhất Cộng Hoà ấy. Nhưng trong thời gian đi học, thành thật mà nói, không hiểu được triết lý giáo dục của chương trình ấy. Sau này nhiều năm khi đã đi dạy học, mới thực sự ý thức được tinh thần của nền giáo dục ấy: Ba tiêu chỉ của nền giáo dục VNCH là Dân Tộc, Nhân Bản và Khai Phóng.

    Phải nói rõ rằng: không có một nền giáo dục nào mà dời xa dân tộc nếu muốn dân tộc đó được độc lập và tiến bộ trong xu hướng canh tân của thế giới. Người ta nói nhiều đến tinh thần dân tộc quá khích nó làm cho người dân có mặc cảm coi dân tộc mình hơn hẳn những dân tộc khác, khiến cho không biết đến những nhược điểm của mình để mà hãnh diện vô lối, bỏ qua rất nhiều cơ hội để tiến bộ. Miền Nam VN không thích nói một cách mị dân: “Nhân dân ta rất anh hùng” mà chỉ nói ta có nhiều tố chất để nếu được một nền giáo dục tốt, sẽ không thua kém gì các dân tộc trong thế giới Tự do đã may mắn được hưởng từ lâu một nền giáo dục tốt và tiên tiến.

    Trong hoàn cảnh chế độ Cộng Sản ở miền Bắc áp đặt một nền giáo dục nô dịch và đề cao Đảng Cộng Sản, thì miền Nam phải phát huy một nền giáo dục, không hẳn là trực tiếp đối đầu với Cộng Sản, mà là phải nương theo xu hướng nhân bản của các chương trình giáo dục trong thế giới tự do. Nói thế không phải như Việt cộng tuyên truyền rằng Việt Nam Cộng Hòa ôm nguyên chương trình giáo dục của Pháp hay Mỹ với tinh thần nô lệ. Trí thức miền Nam không bị chính trị chi phối, nhất là ở địa hạt giáo dục. Trong thời gian học Trung Học và Đại Học, tôi đã chứng nghiệm điều đó. Người ta có thể ca ngợi Ngô Tổng Thống ở nơi nào, chứ trong học đường, nhận định của học sinh Đệ Nhị Cấp và sinh viên, thì Tổng Thống chỉ là một chức vụ do Hiến pháp VNCH quy định. Và lời chúc “Ngô Tổng Thống muôn năm” xem ra có chút gì khôi hài. Ngay cả chửi bới Cộng Sản cũng không có trong học đường. Người ta biết được những tệ hại của Cộng Sản là do báo chí, sách vở được tự do phát hành ngoài xã hội. Chính vì thế mà có được những tên Việt Cộng về văn hoá nằm vùng kín đáo tuyên truyền cho Cộng Sản như: Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung.v.v

    Vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo không có trong học đường. Cứ nghĩ mà xem: cuộc Cách Mạng Dân Chủ của Pháp đã chủ trương: “Chính giáo phân ly”. Chương trình giáo dục của VN do Hoàng Xuân Hãn ít nhiều chịu ảnh hưởng của tư tưởng nhân bản và Tự do của Pháp, nên người học sinh rất thoải mái và chỉ chuyên chú vào học vấn.. Cũng có những giờ giáo lý, nhưng là ở những trường tư do Thiên Chúa giáo tổ chức như trường Tabert, Don Bosco, những học sinh học ở trường này phần lớn là có đạo. Không ai bắt buộc họ phải vào học những trường này vì vừa tốn tiền, vừa có những quy định khe khắt. Nhưng khi ra trường, họ là những người dễ dàng du học, hay vào những phân khoa Đại Học giảng dạy bằng sinh ngữ Pháp. Việc học trường Tây ở thời VNCH khác với thời kỳ đô hộ. Trong thời kỳ đô hộ, trường Tây mở ra cho “con Tây” học. Những ngươi Việt vào làng Tây hay thuộc các gia đình thân thiết với Tây mới được học. Trong các trường này, họ dạy chương trình của chính quốc, nên khi tốt nghiệp, học sinh dễ dàng theo học các trường Đại Học bên Pháp.

    Chương trình giáo dục thời VNCH có tham khảo chương trình Hoàng Xuân Hãn, nên ngoài vấn đề Pháp văn hay Anh văn được học như một sinh ngữ, còn các môn khoa học, nhất là toán học đều theo tiêu chuẩn quốc tế. Tôi nhớ có nhiều bạn vẫn lấy sách toán học bằng tiếng Pháp ra giải bài nhẹ nhàng. Thậm chí có những người còn giải bài trong Tạp chí Toán học của Pháp nữa.

    Chương trình học nhằm mục đích đào tạo con người toàn diện để sống trong xã hội Dân chủ. Nên quan trọng nhất, không dung dưỡng sự nói dối, thiên vị hay lừa đảo trong giáo dục. Có lẽ ở thời gian ấy vẫn còn nặng nghĩa “quân, sư, phụ”; nhưng ở trường Tây thì thầy trò đối sử với nhau dân chủ hơn. Còn ở trường ta thì học trò kính trọng thầy gần như là một quán tính. Thầy thì ai cũng muốn đào tạo học trò mình nên người ngay thẳng, có trách nhiệm và khả năng để sống tốt trong xã hội. Có lẽ, thâm ý của những người soạn chương trình giáo dục là muốn đào tạo một mẫu người gọi là gentleman. Có lẽ nên dịch là “người tử tế” để đối chọi với người Cộng sản gọi là “con người xã hội chủ nghĩa” với tất cả những tính xấu như đểu cáng, lưu manh, gian dối, hung bạo, tàn nhẫn.

    Thực ra trong thời gian đi học ở Trung Học và Đại Học, tôi không có những nhận định triết lý về nền giáo dục mình đã thừa hưởng, nhưng chỉ thấy những người trong độ tuổi chúng tôi, rất ham mê học. Cho đến khi may mắn tốt nghiệp, đi làm việc mới thấy được xã hội kính trọng và yêu mến mình là vì cá tính công bằng, ngay thẳng, trách nhiệm và nhất là tôn trọng lương tâm nghề nghiệp. Sự ngay thẳng thể hiện trong giới giáo dục là không có giáo chức nào dạy học trò những điều bậy bạ về đạo đức và sai trái về kiến thức. Kiến thức mà truyền đạt sai lầm là làm hại ngay cả một thế hệ học trò. Do đấy mà sự hiểu biết về xã hội và khoa học không bị lạc hậu so với quốc tế. Mình chỉ kém sinh viên ngoại quốc ở sinh ngữ vì là tiếng mẹ đẻ của họ. Sinh viên ngoại quốc nào cũng sẽ khổ sở về vấn đề ngôn ngữ khi học “Cử nhân Văn chương VN” (Đây là nói cho vui). Một thí dụ điển hình, thế hệ chúng tôi sau ngày Quốc nạn 30/4/1975, chạy nạn sang được ngoại quốc, không gặp khó khăn gì lắm khi đi học trở lại, để gia nhập dòng chính (Mainstream) văn hoá nước mà mình định cư.

    Thí dụ cụ thể nhất là chúng ta hôm nay còn ngồi đây nói về (có thể gọi là ánh hào quang của một thời lịch sử) có lẽ cũng là nhờ cái chương trình giáo dục ấy, đã dạy cho chúng ta hãnh diện và kính trọng lịch sử VN, một dân tộc luôn luôn phải đấu tranh từ thuở dựng nước, trước sự hung hăng của Tàu phương Bắc, lúc nào cũng muốn đồng hoá VN. Cái nền giáo dục ấy dạy những câu thơ làm chúng ta ngậm ngùi và xác quyết tin tưởng vào dân tộc trường tồn:

    Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy,
    Chỉ thấy Tây Hồ bóng nuớc gương

    Bây giờ thì nền giáo dục ấy đã chết rồi. Nhưng, như Nguyễn Du đã nói: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Một mai nước nhà được quang phục, nó phải sống lại để xây dựng cho nền văn hoá Việt Nam có đủ những tiêu chỉ: Dân tộc, Nhân Bản và Khai phóng.

    Lê Văn Ngọc

    (Tống Phước Hiệp) 

    Không có nhận xét nào