Header Ads

  • Breaking News

    Liệu Trung Quốc có trở thành cường quốc hình mẫu của thế kỷ 21?

    Trung Quốc đã nổi lên là một cường quốc kinh tế, và mong muốn trở thành cường quốc trong mọi lĩnh vực. Trung Quốc đang phát triển một chiến lược gắn kết và tổng thể nhằm khẳng định, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, là một cường quốc hình mẫu về kinh tế, quân sự, ngoại giao, chính trị và ý thức hệ. Trung Quốc còn dự định đề xuất một mô hình phát triển và quản trị đất nước thực sự, và tiến hành cơ cấu lại quản trị toàn cầu.


    Việc nổi lên của một cường quốc là một hiện tượng tương đối hiếm gặp, và chỉ có thể nhận thấy trong cả quãng thời gian dài. Sau sự xuất hiện của các cường quốc Anh và Mỹ trong những thế kỷ trước, thế kỷ 21 có thể là thế kỷ của siêu cường Trung Quốc.

    Sự phát triển kinh tế không ngừng của Trung Quốc kể từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách và mở cửa vào năm 1978 đã góp phần làm Trung Quốc dần nổi lên như là một cường quốc. Đặc biệt, chính khả năng chống đỡ của Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009 đã khẳng định nước này là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, làm thay đổi tương quan lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Nhưng nếu sự ra đời của một cường quốc tầm thế giới là kết quả tự nhiên từ sự trỗi dậy kinh tế của nó, thì quá trình này có thể đi kèm với một tham vọng chính trị mạnh mẽ. Trong trường hợp của Trung Quốc, chính phủ nước này đã xây dựng một chiến lược đặc biệt đầy tham vọng và có kế hoạch nhằm củng cố vị thế cường quốc từ nay đến năm 2050. Ngoài các thành tựu kinh tế, có lẽ điều phân biệt Trung Quốc với các nước mới nổi khác là quyết tâm không thể lay chuyển của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thúc đẩy "sự đổi mới vĩ đại của nhà nước Trung Quốc".

    Một ý chí sức mạnh 360°

    Dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào (2002-2012), đặc biệt kể từ khi người kế nhiệm Tập Cận Bình lên nắm quyền, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh các sáng kiến nhằm củng cố vị thế của Trung Quốc để trở thành một cường quốc trong ngày càng nhiều lĩnh vực.

    Trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, Trung Quốc đã nỗ lực chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước, đổi mới công nghệ và sử dụng tốt hơn các nguồn lực tài chính trong nước. Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc hiện đại hóa các năng lực tác chiến, tái cơ cấu quân đội, và từ nay có tất cả mọi đặc điểm của một cường quốc quân sự khu vực. Sự hiện đại hóa này được thúc đẩy bởi ý chí trở thành một cường quốc công nghệ - một mục tiêu gắn liền với hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, và khuyến khích sự gắn kết giữa dân sự và quân sự, đặc biệt trong cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo rộng lớn. Trung Quốc cũng khuyến khích các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, với ý chí trở thành một cường quốc xanh, một nước đi đầu về các nguồn năng lượng tái tạo. Tất cả những định hướng này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhờ chính sách ngoại giao Trung Quốc, đồng thời nước này củng cố vị thế cường quốc ngoại giao thông qua việc tăng cường mạng lưới đại diện ở nước ngoài, thiết lập các thể chế mới, các tổ chức tư vấn chiến lược, các diễn đàn và các cơ chế hợp tác song phương và đa phương nhằm gia tăng các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài.

    Trung Quốc cũng muốn giành vị thế cường quốc trong các lĩnh vực khác, đặc biệt trong lĩnh vực không gian khi tích cực thực hiện các chuyến thăm dò Mặt Trăng và sao Hỏa, các chuyến bay có người lái, phóng vệ tinh khoa học, thương mại hoặc quân sự, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp vũ trụ nhà nước và tư nhân.

    Cách tiếp cận của Chính quyền Bắc Kinh nhằm củng cố vị thế cường quốc trong các lĩnh vực tương đối giống nhau và có thể được tóm lược như sau:

    + Mỗi lĩnh vực được phân bổ một nguồn ngân sách riêng và ngày càng tăng. Ngân sách được ưu tiên dành cho quốc phòng (năm 2018 tăng 8,1% so với năm 2017), ngân sách phục vụ chính sách đối ngoại còn gia tăng với tốc độ nhanh hơn (tăng 15% so với năm 2017).

    + Một lịch trình củng cố quyền lực khá chi tiết và dài hạn được thiết lập, với những mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, trong trung hạn (từ nay tới năm 2035) và trong dài hạn (từ nay tới năm 2050) - kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thời điểm mà nước này xác định phải trở thành nước đi đầu trong các lĩnh vực liên quan.

    + Các kế hoạch thường được Trung Quốc đặt ra với đối thủ cạnh tranh là Mỹ. Từ nay tới năm 2050, Trung Quốc không những phải đuổi kịp Mỹ, mà còn phải vượt Mỹ trong tất cả các lĩnh vực.

    + Để làm được điều này, Bắc Kinh áp dụng cách tiếp cận bất đối xứng. Nhận thức được rằng không thể bắt kịp Mỹ trong mọi lĩnh vực, Trung Quốc đã dành ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực tương lai, nơi thị trường vẫn còn bỏ ngỏ. Do vậy, trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã trở thành nước đi đầu trong một số lĩnh vực mới nổi, như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, các công nghệ viễn thông mới (5G, mạng di động…) và một số công nghệ quân sự như máy bay không người lái…

    Một ý chí mạnh mẽ muốn được thừa nhận là cường quốc

    Chiến lược củng cố quyền lực của Trung Quốc mang tính thực dụng và được lên kế hoạch một cách có phương pháp, với các động lực giàu tính cảm xúc mà trước hết là mong muốn mạnh mẽ được thế giới thừa nhận. Hơn bao giờ hết, ngoại giao Trung Quốc đang tìm kiếm sự thừa nhận của quốc tế, bởi các nhà lãnh đạo nước này cho rằng đất nước của họ đã bị phương Tây làm nhục trong một thời gian quá dài (thế kỷ ô nhục và cuộc chiến tranh nha phiến thường xuyên được nhắc đến dưới thời Tập Cận Bình), và đã đến lúc đất nước của họ phải được thừa nhận là cường quốc thế giới, và trước hết từ các cường quốc từng hạ nhục Trung Quốc.

    Đối với ngoại giao Trung Quốc, nghi thức ngoại giao hơn bao giờ hết thể hiện vị thế cường quốc của họ. Do vậy, việc thu xếp các chuyến thăm chính thức, mức độ sẵn sàng của các nhà lãnh đạo được điều chỉnh theo vị thế cường quốc mới của Trung Quốc và theo tầm ảnh hưởng của bên đối tác đối thoại nước ngoài.

    Ngoài việc điều chỉnh các nghi thức ngoại giao, mong muốn được thừa nhận là cường quốc của Trung Quốc được phản ánh qua việc nước này chú ý tới các bảng xếp hạng quốc tế - từ các huy chương thể thao tới thứ bậc của các trường đại học. Trung Quốc không chỉ muốn cải thiện vị trí của mình trong các bảng xếp hạng hiện tại, mà còn muốn thiết kế những bảng xếp hạng mới, mà ở đó họ hy vọng xếp ở những thứ hạng đầu tiên. Ngoài bảng xếp hạng các trường đại học (còn gọi là "Bảng xếp hạng Thượng Hải"), những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ việc tạo ra rất nhiều bảng xếp hạng quốc gia và quốc tế (còn gọi là bảng xếp hạng các chỉ số), như bảng xếp hạng các think tanks (các tổ chức nghiên cứu và tư vấn chiến lược, năm 2015), bảng xếp hạng về phát triển xanh (năm 2017), về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (năm 2018), về công nghệ đổi mới hàng hải (nhiều chỉ số được tạo ra năm 2014)…

    Nhìn chung, Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào những gì được gọi là "những đặc trưng thể hiện sức mạnh": các bảng xếp hạng, các báo cáo, các cơ sở dữ liệu tham chiếu và các chỉ số quốc tế khác. Trung Quốc đã đầu tư vào các cơ quan đánh giá, xếp hạng tài chính: Ngay từ năm 1994, nước này đã thành lập cơ quan đánh giá, xếp hạng tài chính Dagong, với mục đích phá vỡ sự độc quyền của các cơ quan đánh giá, xếp hạng tài chính phương Tây. Trung Quốc cũng đầu tư vào các mối quan hệ quốc tế: Trong 5 năm trở lại đây, nước này đã công bố nhiều báo cáo quốc tế thay thế các báo cáo do Mỹ hay châu Âu công bố. Tháng 4/2018, Văn phòng thông tin thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã công bố một báo cáo rất quan trọng về nhân quyền ở Mỹ ngay sau "Báo cáo quốc gia về thực tiễn nhân quyền năm 2017" mà Mỹ công bố một vài ngày trước đó.

    Những động thái trả đũa theo kiểu "ăn miếng trả miếng" giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là mới, nhưng trở nên thường xuyên hơn trong 5 năm qua, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa 2 nước. Trên thực tế, tư tưởng chống Mỹ, khái quát hơn là chống phương Tây, của Bắc Kinh có thể được nhận thấy rõ ràng hơn kể từ năm 2013, và đặc biệt kể từ gần một năm trở lại đây, từ Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017.

    Một Trung Quốc hình mẫu cho các nước khác

    Trung Quốc không chỉ đầu tư vào việc tạo ra các "đặc trưng khẳng định sức mạnh" để đối trọng với các đặc trưng sức mạnh của phương Tây mà nước này cho là thiếu tính chính đáng và gây phương hại tới lợi ích của Trung Quốc. Những chỉ số của Trung Quốc không chỉ là những chỉ số thay thế, mà sẽ trở thành những chỉ số tham chiếu cho cả thế giới - đó là tham vọng mà ngành ngoại giao Trung Quốc công khai tuyên bố.

    Tham vọng này cũng được nhận thấy ở góc độ ngôn ngữ. Trung Quốc ngày càng có tham vọng đưa ra những định nghĩa riêng của họ về nhân quyền, luật pháp, chủ nghĩa đa phương, Internet, nghệ thuật và văn hóa trước các tổ chức đa phương, nhằm làm đối trọng với luận điểm của phương Tây.

    Trong lịch sử, những nước đạt vị thế cường quốc đều tìm cách truyền bá thế giới quan và các phương thức hành động của họ. Trung Quốc cũng không là ngoại lệ. Trong 5 năm qua, có ít nhất 7 dấu hiệu chỉ ra rằng Bắc Kinh đang tìm cách khẳng định vai trò hình mẫu trên thế giới:

    + Trước hết là bài diễn văn mang màu sắc chủ nghĩa quốc tế của Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc ngày càng đề cập đến các khái niệm "tài sản của nhân loại", "tài sản chung", "sự phát triển của tất cả các nước", và một cách khái quát hơn đề cập đến vai trò mà Trung Quốc phải đảm nhiệm vì lợi ích của toàn thế giới.

    + Trong bài diễn văn này, Trung Quốc khẳng định vị thế của họ như là một hình mẫu về phát triển kinh tế và quản trị. Tháng 7/2017, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã chỉ rõ: "Chúng ta cần củng cố niềm tin về con đường, lý luận, hệ thống và văn hóa của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, và chia sẻ kinh nghiệm quản trị với các nước khác". Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, Trung Quốc ngày càng tìm cách thúc đẩy một "giải pháp Trung Quốc" cho thế giới và tự khẳng định như là một cường quốc về ý thức hệ.

    + Vì mục tiêu nói trên, Trung Quốc đã trang bị các công cụ truyền thông và gây ảnh hưởng nhằm khẳng định sức mạnh không chỉ về ngôn ngữ, văn hóa, mà còn về khái niệm và tri thức. Trung Quốc hy vọng thúc đẩy, trong cuộc tranh luận quốc tế, những dạng thức tham chiếu khác với những dạng thức của Mỹ hay của Liên minh châu Âu (EU). Do vậy, Bắc Kinh cố gắng quốc tế hóa một số khái niệm và một số cách diễn đạt chính thức của họ. ĐCSTQ vốn dĩ rất coi trọng vai trò của lý luận trong việc điều hành đất nước của họ.

    + Vượt ra khỏi những khái niệm, Trung Quốc hướng tới mục tiêu trở thành một cường quốc về tiêu chuẩn. Trung Quốc đã thiết lập một chiến lược tạo ra các chuẩn mực và tiêu chuẩn kỹ thuật mới trong các lĩnh vực hết sức đa dạng, và hy vọng rằng chúng sẽ trở thành những tiêu chuẩn tham chiếu cho toàn thế giới.

    + Việc tạo ra những chuẩn mực và tiêu chuẩn mới này được xem xét trong khuôn khổ rộng lớn hơn - một hình thái toàn cầu hóa mới do Trung Quốc tạo ra, dựa trên các tuyến đường thương mại mới (thông qua dự án các Con đường tơ lụa mới) và được phát triển nhờ việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng quản lý các luồng hàng hóa, năng lượng, dữ liệu/viễn thông, du lịch... Trung Quốc hiện đang cố gắng khắc phục sự tụt hậu trong các mạng lưới cơ sở hạ tầng hiện có (hệ thống đường sắt, cảng biển, năng lượng, mạng cáp ngầm…), đồng thời hy vọng hạn chế sự phụ thuộc vào các mạng lưới cơ sở hạ tầng do các tập đoàn nước ngoài quản lý, và mục tiêu cuối cùng mà Trung Quốc hướng tới là nhanh chóng phát triển các mạng lưới này để phục vụ nhu cầu quốc gia, cũng như nhu cầu của các nước khác.

    + Bên cạnh mong muốn trở thành một cường quốc về tiêu chuẩn, Trung Quốc còn hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc về cấu trúc. Cụ thể là việc Trung Quốc tăng cường năng lực xác định các quy tắc của nền kinh tế và chính trị quốc tế. Do vậy, Bắc Kinh đang đầu tư mạnh mẽ vào việc cấu trúc lại quản trị toàn cầu, bằng cách tham gia các thể chế hiện có và tạo ra những thể chế mới. Mục tiêu của Trung Quốc là nhanh chóng kiểm soát tốt hơn, hoặc tạo ra các cấu trúc ảnh hưởng tới hành vi của các chủ thể quốc tế khác, và cuối cùng là làm chủ và điều chỉnh các nguyên tắc quốc tế được kế thừa từ hệ thống tài chính Bretton Woods. Trên thực tế, Trung Quốc có thể được coi là nước hiện đang có chiến lược quản trị toàn cầu tham vọng và toàn diện nhất - với những mục tiêu được đề ra cho từng lĩnh vực quản trị (kinh tế, khí hậu, không gian mạng, an ninh…).

    + Trong bối cảnh này, Tập Cận Bình cũng thúc đẩy cách tiếp cận phát triển các mối quan hệ. Ông đặc biệt kêu gọi ngoại giao Trung Quốc tạo ra một "vòng tròn bạn bè" ở châu Á và trên thế giới, với mục tiêu đặt Trung Quốc vào vị trí trung tâm của các hành động quốc tế với một mạng lưới các nước đối tác rộng lớn nhất có thể.

    Liệu Trung Quốc có thực sự trở thành một cường quốc hình mẫu?

    Quyết tâm của Trung Quốc khẳng định và được thừa nhận là một cường quốc chưa bao giờ mạnh đến thế kể từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Do vậy, Bắc Kinh đã thiết lập một chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng, với những mục tiêu cụ thể và lịch trình từ nay đến năm 2050. Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có thực sự trở thành hình mẫu trong thế kỷ 19 như Mỹ trong thế kỷ trước hay không?

    ĐCSTQ cho rằng bối cảnh hiện tại thuận lợi cho Trung Quốc, và mong chờ thập kỷ sắp tới với một sự lạc quan nhất định, đồng thời không ngần ngại nhấn mạnh mặt trái của thế giới và người dân phương Tây.

    Theo Tập Cận Bình, quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc nhằm củng cố vị thế cường quốc mạnh mẽ đến mức chỉ có sự thay đổi bộ máy lãnh đạo (ít có khả năng xảy ra sau khi sửa đổi Hiến pháp bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước) hay tăng trưởng sụt giảm mạnh (ở mức lớn hơn nhiều so với những gì quan sát được ở thời điểm hiện tại) mới có thể gây ảnh hưởng tới lịch trình và những mục tiêu củng cố vị thế cường quốc đã đề ra.

    Nhưng vào thời điểm sự cứng nhắc trong việc thực hiện các chỉ thị trung ương ở nước ngoài có thể cản trở việc Trung Quốc được chấp nhận như một hình mẫu. Phương pháp mà ĐCSTQ sử dụng để phát triển một số khái niệm, dự án hay ý tưởng bắt đầu được coi là mang nặng tính chỉ huy, máy móc và được đón nhận miễn cưỡng ở Tây Âu. Tuy nhiên, một số nước Trung và Đông Âu lại nhận thấy Trung Quốc là "yếu tố cân bằng", cả về kinh tế lẫn chính trị, trước EU.

    Một điều chắc chắn là: Sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc sẽ mở ra một giai đoạn cạnh tranh đặc biệt khốc liệt giữa Bắc Kinh và Washington, và cả châu Âu vốn đang chia rẽ trước Trung Quốc. Đó là sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, thể chế và ý thức hệ. Hai hệ thống chính trị rất khác biệt, và những quan điểm đối lập về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, xã hội. Nó đặt một loạt vấn đề cơ bản liên quan tới tương lai của các mối quan hệ quốc tế và những tương tác trong xã hội vào trung tâm của cuộc tranh luận quốc tế: từ việc sử dụng các công nghệ mới tới việc cấu trúc hóa quản trị toàn cầu.

    Hương Lan (gt)

    Theo Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), tháng 10/2018.

    (Nghiên cứu Quốc tế) 

    Không có nhận xét nào