Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Thế Phương - Bình luận về đề xuất VN tham gia Bộ tứ Quad

    Ý kiến nói rằng đối với Việt Nam, mọi hợp tác an ninh khu vực "phải được tiến hành trên cơ sở đa phương, và có mục đích và chương trình nghị sự rõ ràng".

    Hải quân Việt Nam diễu binh trong buổi lễ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11/2017
    Bộ "Tứ cường", tên gọi không chính thức của đối thoại an ninh bốn bên bao gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.

    Chỉ trong vòng 1 tháng kể từ giữa cuối tháng 10/2018, đã có ít nhất hai học giả Mỹ đưa ra đề xuất Washington nên mời Việt Nam tham gia vào "bộ tứ". Từ đề xuất này có thể thấy:
    • Mỹ đang muốn bộ "Tứ cường" trở thành một cơ chế an ninh hiệu quả và thực chất hơn trong tổng thể chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIP)
    • Việt Nam hiện tại được Mỹ xem như là một đối tác không thể thiếu của FOIP
    Derek Grossman, từ RAND, cho rằng "Bộ tứ" thực chất không phải là một cơ chế đối thoại hiệu quả. Xuất hiện lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm, từ giữa năm 2006, "Bộ tứ" là tập hợp của bốn quốc gia dân chủ nhằm đối thoại và trao đổi về các vấn đề an ninh mà các bên "có lợi ích chung". Tuy nhiên, cả bốn quốc gia dường như chưa bao giờ thống nhất được về khái niệm, nội hàm, hay lịch trình nghị sự của đối thoại này. Liệu Bộ tứ này là một liên minh, một diễn đàn an ninh, hay chỉ đơn giản là một sự mở rộng của đối thoại an ninh chiến lược ba bên? (trước đó chỉ bao gồm Mỹ, Nhật, Úc). Bốn nước trong bộ tứ họp lại với nhau một lần duy nhất vào tháng 5/2007 mà không có một nghị trình hay kết quả cụ thể nào. Tháng 9 cùng năm, cuộc tập trận hải quân đầu tiên - và cũng là duy nhất - của bộ tứ diễn ra tại Vịnh Bengal với sự tham gia của Singapore.

    "Phiên bản" đầu tiên này của "Bộ tứ", còn được gọi là Quad 1.0, kết thúc bởi nhiều lý do, trong đó có sự e ngại phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc cũng như các vận động chính trị nội bộ của các nước trong bộ tứ (bầu cử ở Úc, Nhật, sự chống đối trong nội bộ Ấn Độ). Một sáng kiến mơ hồ trong định nghĩa, lai gặp phải phản ứng có phần lạnh nhạt của các thành viên trong bối cảnh Trung Quốc vẫn chưa quá hung hăng đã dẫn tới sự kết thúc của Quad 1.0.

    Kỳ vọng về một Quad 2.0 nổi lên từ cuối năm 2017 khi khái niệm một "Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do" ra đời dưới thời kỳ chính quyền Trump. Cả bốn nước đều có một số động thái với mong muốn "hồi sinh" bộ tứ kim cương, song đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Tứ giác quan hệ này thực chất là môt sự tứ trùng lợi ích phức tạp từ các cặp quan hệ lớn, cùng với đó là tam giác chiến lược Mỹ-Ấn-Nhật và Mỹ-Nhật-Úc. Đó là còn chưa kể yếu tố Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, quan hệ quốc tế đã có những biến chuyển mới khi các nước trong "Bộ tứ" nay đã có nhu cầu gắn kết chặt hơn, một phần do sự hung hăng và phiêu lưu ngày càng lớn của Trung Quốc, cả về mặt an ninh cũng như kinh tế.

    Cả Rossman và Kurlantzick từ Hội đồng Quan hệ Đối thoại đều đồng ý với nhau một điểm rằng Quad 2.0 lần này sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự tham gia của tổ chức đa phương hàng đầu khu vực: ASEAN. Nếu xem Quad là một trong những trụ cột của FOIP, thì phải thuyết phục các nước ASEAN về sự cần thiết và tầm quan trọng của Quad. Theo cả hai học giả, để thuyết phục được ASEAN thì cần lôi kéo một số nước đầu tàu tham gia, và Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại là quốc gia phù hợp nhất.

    Theo Kurlantzick, việc mời Việt Nam tham gia vào Quad là một phần trong những biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ, trong đó có đề xuất nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược. Kurlantzick cho rằng Việt Nam sẽ là quốc gia phù hợp nhất, quốc gia đi đầu trong ASEAN giúp Mỹ tăng cường lợi ích tại khu vực trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Cả hai nước có lợi ích song trùng một cách rõ rệt.

    Diễn tập không quân và hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông vào cuối tháng 3/2018
    Hà Nội được cho là quốc gia chủ động quyết liệt nhất trong việc kìm hãm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc cả về an ninh và kinh tế ở Đông Nam Á, dù Việt Nam phải rất thận trọng để không làm phật lòng Bắc Kinh trong một số vấn đề. Các lãnh đạo của Việt Nam khá kiên định trong chính sách đối ngoại, tiếp tục thực hiện cân bằng chiến lược cùng với việc công khai chính sách trung lập một cách nhất quán. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa Việt Nam với bốn thành viên của Quad ngày càng được thắt chặt.

    Hà Nội thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với cả Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, trong khi quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ ngày càng được thắt chặt.

    Yếu tố nữa khiến Kurlantzick cảm thấy tự tin là sự ủng hộ của người dân Việt Nam trong quan hệ với Mỹ, khi sự ủng hộ Mỹ nói chung và chính quyền Trump nói riêng của người dân luôn ở mức rất cao. Yếu tố này lại không được mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á khác, như Malaysia hay Indonesia. Trong khi đó tại Thái Lan hay Philippines, chính phủ dường như đang ngày càng chấp nhận vai trò của Trung Quốc tại khu vực.

    Việt Nam nên phản ứng thế nào?

    Sẽ là một phản ứng hết sức thận trọng.

    Nâng cấp mối quan hệ lên hàng đối tác chiến lược và tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh-quốc phòng sẽ là mục tiêu của cả hai quốc gia trong tương lai gần. Tuy nhiên, việc có tham gia vào Quad hay không thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nên lưu ý rằng Việt Nam vẫn đang trung thành với chính sách ba không, trong đó có việc không gia nhập vào liên minh quân sự nào. Một khi bản thân bộ tứ vẫn chưa thể định nghĩa được nội hàm của Quad là gì, và chưa định hình được chương trình nghị sự tương lai, thì Việt Nam vẫn sẽ xem Quad như một liên minh quân sự tiềm tàng.

    Điều này là rõ ràng khi tân Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu, khi trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ về việc có hay không ủng hộ Quad, đã thể hiện rõ quan điểm rằng Việt Nam sẽ không ủng hộ bất cứ một hình thức liên minh quân sự nào có khả năng gây phương hại tới ổn định và hoà bình của khu vực. Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh rõ: sẽ là "đi ngược lại lợi ích của Việt Nam nếu bất cứ một tập hợp quốc gia nào có ý định sử dụng vũ lực" tại khu vực.

    Đối với Việt Nam, mọi hợp tác an ninh khu vực phải được tiến hành trên cơ sở đa phương, và có mục đích và chương trình nghị sự rõ ràng. Quad muốn trở thành một thiết chế đa phương thành công, nhất thiết phải thuyết phục được các nước khác tham gia. Và để như thế, chương trình nghị sự của Quad phải được thay đổi để phù hợp hơn với xu thế hợp tác hoà bình của khu vực. Ở đây có thể bao gồm mở rộng danh mục tập trận, không chỉ gồm tập trận hải quân mà còn phải mở rộng ra thành phối hợp tuần tra chung, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an ninh hàng hải, chống lại các thách thức an ninh phi truyền thống...

    Đối với Mỹ và rộng ra hơn là sáng kiến FOIP, Quad dường như đang được xây dựng như một trụ cột về an ninh quốc phòng. Việc khởi động lại Quad 2.0 có thể được xem như là nỗ lực của Washington trong việc tập hợp lại đồng minh và kiềm tỏa Trung Quốc, nhưng Mỹ phải khôn khéo hơn nếu như muốn gia tăng sự hấp dẫn của sáng kiến này.

    Nguyễn Thế Phương 
    Gửi cho BBC Tiếng Việt

    * Bài thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS).

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào