Header Ads

  • Breaking News

    Phó Chủ tịch TP. HCM Nguyễn Hữu Tín và hành trình thao túng đất công ở Sài Gòn

    Chiều 19-11, cơ quan điều tra đã bắt giam ông Nguyễn Hữu Tín – cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Chỉ trong vòng 2 tháng, ông Nguyễn Hữu Tín và những quan chức dưới quyền đã phải đối mặt với hai quyết định khởi tố theo tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai”. Khác với hành vi khống chế và thay đổi quy hoạch nhằm trục lợi tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Hữu Tín cùng các đồng phạm khác đã hô biến những khu đất vàng mang hồn vía Sài Gòn xưa thuộc sở hữu Nhà nước trở thành tài sản cá nhân một cách trắng trợn!

    Bị can Nguyễn Hữu Tín – cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM
    Hai lần bị khởi tố, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM – Nguyễn Hữu Tín liên quan đến hai bản án có chút khác biệt. Nếu tháng 9-2018, ông Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố theo điều 219 Bộ Luật hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" thì đến tháng 11-2018, ông Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố theo điều 229 Bộ Luật hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai”. Tuy nhiên, sự khác biệt ấy chỉ nhìn thấy về mặt định dạng văn bản pháp quy, còn về mặt thực tế thì hai lần bị khởi tố của ông Nguyễn Hữu Tín đều giống hệt nhau về động cơ và mục đích! Hơn nữa, cùng hội cùng thuyền với ông Nguyễn Hữu Tín trong những sai phạm luôn có ông Đào Anh Kiệt – Nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, chứng tỏ việc thao túng đất công có hẳn một liên minh ma quỷ được tổ chức thành đường dây mờ ám và xảo quyệt!

    Những mảnh đất tại khu vực trung tâm Sài Gòn càng ngày càng khan hiếm. Có những vị trí muốn mua cũng rất khó, vì chẳng ai chịu bán. Đất vàng mà đem vàng đến đổi cũng không dễ, là một thực tế cho thấy giá trị ngất ngưởng của nó. Thế nhưng, khi sự thèm khát của giới đại gia và sự toan tính của giới quan chức gặp gỡ nhau, thì nhiều câu chuyện trớ trêu và ly kỳ xuất hiện. Khu vực trung tâm Sài Gòn thuộc diện đô thị đã ổn định thì không thể sử dụng chiêu trò để thu hồi đất ở của người dân giao cho doanh nghiệp, do đó thượng sách của những kẻ cơ hội và biến chất là… thâu tóm đất công. Ông Nguyễn Hữu Tín từng làm Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư sau đó mới làm Phó Chủ tịch UBND TPHCM nên rất tường tận đường đi lắt léo của những kỹ nghệ chiếm đoạt tài sản Nhà nước đang hiện hữu để bỏ vào túi riêng.

    Khi đối tượng lưu manh giả danh công ty bình phong của ngành công an – Phan Văn Anh Vũ vươn vòi bạch tuộc từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, thì cánh tay dơ bản của ông Nguyễn Hữu Tín cũng thò vào những công trình đang nằm trong kế hoạch thay đổi công năng tại thành phố lớn nhất phương Nam. Nhờ sự tận tuỵ giúp đỡ của ông Nguyễn Hữu Tín, đối tượng Phan Văn Anh Vũ đã làm chủ khu đất 15 Thi Sách và khu đất 8 Nguyễn Trung Trực. Thủ đoạn phù phép của ông Nguyễn Hữu Tín thì những người dân bình thường không thể biết được sự uyển chuyển của bao nhiêu văn bản và bao nhiêu thủ tục. Chỉ biết rằng, khu đất 15 Thi Sách vốn là địa điểm xử lý kỹ thuật hậu kỳ của Hãng phim Giải Phóng, còn khu đất 8 Nguyễn Trung Trực từng được đề xuất làm Thư viện Thiếu nhi. Hiện tại, khu đất 15 Thi Sách đã bị đối tượng Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho công ty địa ốc khác xây dựng khu phức hợp cao cấp, còn khu đất 8 Nguyễn Trung Trực thì tạm ngưng thi công dự án với những trụ bê tông nham nhở. Với việc cho thuê 50 năm (nhưng thực chất là bán đất công với giá rẻ) ông Nguyễn Hữu Tín đã chuyển 2337 mét vuông khu đất 15 Thi Sách và 1296 mét vuông khu đất 8 Nguyễn Trung Trực của Nhà nước sang cho tư nhân rất nhẹ nhàng và rất man trá! Chẳng ai tin ông Nguyễn Hữu Tín hoàn toàn bất vụ lợi trong hai dự án này, nhưng chưa hết, khu đất công ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hàng chục ngàn tỷ cũng bị ngài Phó Chủ tịch UBND TPHCM lấy quyền lực sang tên cho tư nhân.

    Khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng rộng 6.000 m2, được UBND TP.HCM giao cho tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (tức Sabeco - trước đây thuộc Bộ Công thương) vào năm 2008 mà không qua đấu thầu. Bộ Công thương chấp thuận cho Sabeco sử dụng lô đất để xây dựng dự án trụ sở văn phòng và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng. Năm 2015, ông Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định giao khu đất cho công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl thuê 50 năm, trả tiền 1 lần. Nơi đây được biến thành khu phức hợp căn hộ thương mại - văn phòng - khách sạn 6 sao. Việc giao đất này không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua ý kiến của Bộ Tài chính. Khó hiểu thay và éo le thay, công ty cổ phần Sabeco Pearl đã đóng tiền sử dụng đất trước khi có quyết định chính thức... 13 ngày. Điều này được xác định là gây ra thất thoát tiền thuê đất rất lớn, bởi việc định giá trị thuê đất đối với Sabeco dùng để xây dựng trụ sở văn phòng làm việc hoàn toàn khác biệt với giá trị thuê đất để Sabeco Pearl sử dụng cho mục đích kinh doanh thương mại. Công ty cổ phần Sabeco Pearl tiếp nhận dự án cũng có nhiều đáng ngờ, khi có 4 cổ đông tham gia, trong đó Sabeco chỉ chiếm 26%. Sau khi có quyết định giao đất, Sabeco Pearl đã xin điều chỉnh dự án thành xây dựng, kinh doanh trung tâm hội nghị, thương mại - dịch vụ văn phòng và căn hộ. Đồng thời, Sabeco cũng rút ra khỏi liên doanh Sabeco Pearl từ chỉ đạo của Bộ Công thương, do không được đầu tư ngoài ngành. Sabeco đã thoái vốn thông qua việc đấu giá hơn 14,7 triệu cổ phần cho các cổ đông khác, thu về 195 tỷ đồng. Nghĩa là công ty cổ phần Sabeco Pearl chỉ còn 3 cá nhân kiểm soát, và ai cũng choáng váng với thực tế bẽ bàng là khu đất công sản 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng đã bị tư nhân hóa thật ngoạn mục!

    Ông Nguyễn Hữu Tín dù phân bua ra sao, cũng không thể che đậy việc làm sai trái của ông với những khu đất vàng tại khu vực trung tâm Sài Gòn. Với kiểu tham mưu và đề xuất đầy khuất tất của cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM – Đào Anh Kiệt, ông Nguyễn Hữu Tín đã táo tợn phê duyệt nhiều quyết định gây tổn hại cho tài sản Nhà nước và gây bức xúc dư luận. Ngoài hai lệnh khởi tố đã đưa ra vào tháng 9-2018 và tháng 11-2018, cơ quan điều tra cũng đang tập trung làm rõ những dự án sử dụng đất công khác được ban hành khi ông Nguyễn Hữu Tín giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách mảng xây dựng và đô thị. Theo một nguồn tin tiết lộ, có ít nhẩt khoảng 50 nhà đất công sản đã bị giao trái quy định trong thời ông Nguyễn Hữu Tín còn tại chức. Tất cả các vụ việc này có dấu hiệu là giao tài sản nhà nước cho tư nhân không qua hoạt động đấu giá, chỉ định giao với nhiều quy trình khéo léo kiểu ỡm ờ chia phần lợi ích! Ví dụ, khu đất 129 Pasteur cũng được bán chỉ định cho Công ty CP Nova Bắc Nam 79 theo đề nghị của UBND TPHCM (Công văn 571/UBND-ĐTMT ngày 14-8-2015, do ông Nguyễn Hữu Tín ký) mà hiện nay đã thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư Peak View và Công ty TNHH Saigon Premier.

    Ông Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố hai lần trong vòng hai tháng, chỉ vì năng lực hạn chế chăng? Chắc chắn không phải. Ông Nguyễn Hữu Tín cũng được đào tạo theo bài bản công chức và được rèn luyện theo chuẩn mực cán bộ lãnh đạo. Vốn sinh trưởng ở Tân Trụ - Long An, ông Nguyễn Hữu Tín rời mảnh đất nghèo nơi hai nhánh sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông nhập lại thành một dòng, để lên Sài Gòn theo học khoa Vật Lý trường ĐH Tổng hợp TPHCM ngay sau ngày đất nước thống nhất. Thành tích học hành của Nguyễn Hữu Tín không cao và dung mạo của Nguyễn Hữu Tín cũng không có gì nổi bật. Những bạn bè đồng môn của Nguyễn Hữu Tín chỉ nhớ ông ở một ưu điểm duy nhất là ham đá bóng. Nhờ sự may mắn của số phận, Nguyễn Hữu Tín được làm con rể của ông Lê Quang Chánh (từng chữ chức Phó Chủ tịch UBND TPHCM suốt giai đoạn ông Mai Chí Thọ và ông Phan Văn Khải nối tiếp nhau làm Chủ tịch UBND TPHCM). Nương tựa uy tín của cha vợ, Nguyễn Hữu Tín được lọt vào quy hoạch, và cứ thế chui sâu trèo cao vào hệ thống chính quyền TPHCM. Khi ứng xử với công sản, ông Nguyễn Hữu Tín có nghĩ đến sự trong sáng và trang nghiêm của bố vợ mình suốt một đời phụng sự cho cách mạng không? Nỗi ê chề đó, càng nghĩ càng xót xa!

    Tâm Huyền

    (Blog Lê Thiếu Nhơn) 

    Không có nhận xét nào