Header Ads

  • Breaking News

    Cấm vận dầu lửa Venezuela: Mỹ đã tung đại pháo

    Le Figaro nhận định « Washington tìm cách bóp nghẹt Caracas » : Venezuela không còn có thể xuất khẩu dầu lửa qua khách hàng chính yếu và hầu như duy nhất, đó là Mỹ.

    Cấm vận dầu lửa Venezuela: Mỹ đã tung đại pháo
    Cấm vận dầu lửa Venezuela : Mỹ đã tung đại pháo

    Washington đã quyết định tung ra vũ khí hạng nặng để chống lại chế độ Nicolas Maduro. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin loan báo sẽ phong tỏa tất cả tài sản của tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA, và mọi khoản tiền chi trả mua dầu từ nay sẽ chuyển vào một tài khoản được đóng băng. Số tiền mua dầu trong năm nay là khoảng 11 tỉ đô la, và tài sản của PDVSA tại Hoa Kỳ khoảng 7 tỉ đô la.

    Tổng thống Maduro giận dữ tuyên bố quyết định của Mỹ là « bất hợp pháp, đơn phương, vô đạo đức, đáng lên án », là « lời kêu gọi thẳng thừng làm đảo chính ». Về phía ông Juan Guaido loan báo sẽ bổ nhiệm một ban giám đốc mới cho tập đoàn dầu khí để « thu hồi một ngành kỹ nghệ đang trong tình trạng thê thảm. Mục đích là nhằm tránh một khi rời quyền lực, những kẻ đã vơ vét mọi thứ ở Venezuela có thể đánh cắp những đồng bạc cuối cùng ».

    Le Figaro nhắc lại, PDVSA đang bị rất nhiều vụ tai tiếng tham nhũng, và hiện đang có cuộc điều tra ở Andorre về vụ biển thủ 2 tỉ đô la. Libération nói thêm Caracas cũng nhìn nhận tình trạng này, vì đã truy tố các cựu lãnh đạo PDVSA do ông Chávez bổ nhiệm, hiện nay đang đào tẩu.

    Dầu nặng của Venezuela được lọc ở Mỹ

    Venezuela là nhà cung cấp dầu lửa thứ ba cho Hoa Kỳ. Công ty Citgo của Venezuela sở hữu ba nhà máy lọc dầu : Lake Charles và Lemont ở Texas, Corpus Christi ở Louisiana. Mỗi ngày các nhà máy này lọc được 750.000 thùng dầu, trong đó phân nửa là từ Venezuela, gồm toàn dầu nặng, cần phải có kỹ năng và thiết bị đặc biệt để lọc. Citgo cũng có 14.885 trạm xăng trên lãnh thổ Mỹ.

    Hồi năm 1986, PDVSA quyết định mua lại 50% mạng lưới phân phối này, vốn là chi nhánh mang lại lợi nhuận nhiều nhất. Đầu tư vào mạng lưới xăng dầu ở Mỹ, PDVSA muốn nắm toàn bộ các khâu từ sản xuất đến phân phối. Vào thời đó, Hoa Kỳ đã là khách hàng chính của Venezuela, nhập khẩu 30% sản lượng. Một phần dầu lọc tại Mỹ lại được nhập về Venezuela, vì năng lực lọc dầu trong nước rất yếu do không được đầu tư.

    Vốn của Citgo được dùng để bảo đảm cho món vay 11 tỉ đô la từ Matxcơva. Do không trả được nợ, có lúc đã đặt vấn đề để cho 49% vốn Citgo rơi vào tay Rosneft của Nga. Mayela Rivero, cựu nhân viên PDVSA giải thích : « Hoa Kỳ là một trong những thị trường cuối cùng trả tiền dầu sòng phẳng cho Venezuela ».

    Hoa Kỳ : Khách hàng lớn duy nhất trả tiền theo giá thế giới

    Rivero nằm trong số 30.000 nhân viên bị ông Chávez sa thải trực tiếp trên truyền hình năm 2003 sau « cuộc đình công nổi dậy ».Ông cho biết : « Mỗi ngày, 350.000 thùng dầu được chuyển đi gần như miễn phí. Có 300.000 thùng để trả nợ cho Nga và Trung Quốc, và 50.000 thùng cho Cuba với giá rẻ mạt. Chỉ có 300.000 đến 500.000 thùng bán cho Hoa Kỳ là được chi trả theo giá thị trường thế giới ».

    Theo Rivero, quyết định mới đây của Washington sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng, vì như vậy dầu lửa Venezuela xuất đi gần như không thu lại được xu nào. Thiếu tiền, khủng hoảng nhân đạo càng thêm nặng nề. Chính phủ không thể xử lý dầu để bán cho dân, và người dân không chỉ thiếu ăn mà còn không thể di chuyển.

    Nicolas Maduro loan báo từ nay dầu lửa trên các tàu ở cảng Venezuela sẽ phải trả tiền trước. Nhưng ông Rivero nhận định, rất khó chuyển 4 triệu thùng dầu định xuất cho Mỹ sang hướng khác. Trước hết, khách hàng mới phải là những nước không buôn bán với Hoa Kỳ, thứ đến, giá dầu Venezuela cạnh tranh được nhờ phí vận chuyển sang Mỹ thấp, còn nếu xuất sang Trung Quốc sẽ đắt hơn nhiều. Cuối cùng, như trên đã nói, vì là dầu nặng, cần có thiết bị và năng lực đặc thù để xử lý.

    Bóp nghẹt chế độ Maduro, người dân Venezuela thêm khốn khổ

    Đối với nhà phân tích chính trị Luis Vicente Leon, « chính quyền Mỹ muốn đánh vào nền kinh tế Venezuela để khiến chính phủ Nicolas Maduro phải nghiêng ngã. Nếu thành công, chế độ cánh tả này sẽ sụp đổ, nhưng nếu thất bại, nạn nhân chính sẽ là người dân ».

    Nhật báo thiên tả Libération gọi đây là vụ « săng-ta » của Washington. Hoa Kỳ đã giáng một đòn mạnh, khiến chế độ « xã hội chủ nghĩa » Venezuela mất đi nguồn thu từ dầu lửa chiếm đến 95% nguồn thu xuất khẩu đồng thời là thu ngân sách. Đó là bóp nghẹt Venezuela về kinh tế, có nguy cơ làm 32 triệu dân nước này thêm đói kém.

    Tờ báo giải thích vì sao Hoa Kỳ là đối tác truyền thống của Venezuela về dầu lửa. Trước hết do gần gũi về địa lý : dầu được đưa một cách dễ dàng từ dòng sông chính Orénoque của Venezuela đi qua biển Caribê và vịnh Mêhicô, đến các nhà máy lọc dầu ở Texas hay Louisiana. Thứ hai, dầu nặng của Venezuela cần phải pha loãng với dầu nhẹ mà nước này không có. Trong thế kỷ 20, Caracas không tìm cách tự lọc dầu, vì lý do kỹ thuật đã đành, nhưng chủ yếu muốn để các công ty ngoại quốc hoạt động trong lãnh vực này, và họ giao nộp một phần lợi tức vào ngân sách nhà nước.

    Hai chủ nợ Nga và Trung Quốc lo sợ

    Dầu lửa từ Venezuela chiếm 9% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ, và nay chỉ còn 3%, Hoa Kỳ có thể dễ dàng tìm nguồn khác. Thế nên ông Donald Trump có thể xuống tay thẳng thừng với Caracas.

    Libération kết luận, gọng kềm đang siết chặt xung quanh ông Maduro vào lúc những cuộc biểu tình mới sắp diễn ra theo lời kêu gọi của đối lập, làm hai đối tác chính của Venezuela hết sức lo sợ. Trung Quốc và Nga đã cho Venezuela vay nhiều tỉ USD, sợ rằng sẽ chẳng bao giờ thấy lại được những đồng đô la của mình.

    « Bắc Kinh và Caracas, liên minh nợ nần », đó là tựa đề một bài báo của El Pais được Les Echos trích dẫn. Theo tờ báo, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ vì là chủ nợ lớn nhất của Venezuela với 54 tỉ đô la, chiếm 40% tổng nợ của nước này, và từ 2010 mỗi năm vẫn đầu tư thêm 2,2 tỉ đô la. Những sự kiện dồn dập diễn ra tại Venezuela vào lúc kinh tế Trung Quốc đang lao đao vì cuộc chiến thương mại với Mỹ, và diễn biến trong những tuần lễ sắp tới mang tính quyết định cho quan hệ song phương Bắc Kinh – Caracas.

    Nghi vấn Mỹ gởi 5.000 quân sang Colombia

    Le Monde nhận định, chính sách của tổng thống Donald Trump được ủng hộ rộng rãi tại châu Mỹ La-tinh, nơi mà những lời gào thét của ông Nicolas Maduro ít gây được cảm tình. Tuy nhiên kịch bản một sự chuyển giao chính trị vẫn còn bất định, và nhiều nước lo ngại khủng hoảng Venezuela biến thành xung đột quân sự.

    Trong những cuộc biểu tình làm rung chuyển đất nước từ ngày 23/1, đã có 35 người thiệt mạng và 850 người bị bắt. Được hỏi về ý định của Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trả lời như ông Trump tuần trước : « Tất cả các giải pháp đều được đặt lên bàn ». Một bức ảnh chụp ông Bolton đang cầm cuốn sổ tay trong phòng báo chí Nhà Trắng đã gây xôn xao : trong cuốn sổ này có ghi câu « 5.000 quân nhân ở Colombia ». Truyền thông lập tức đoán rằng có thể Mỹ sẽ gởi quân đến nước láng giềng của Venezuela.

    Colombia có 2.000 km đường biên giới trên bộ với Venezuela, luôn là đồng minh trung thành của Washington. Bộ trưởng Ngoại giao Colombia nói rằng không biết gì về những ghi chú này, còn lãnh tụ đối lập Juan Guaido tuyên bố không có thông tin nào, đồng thời khẳng định mong muốn nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng với những biện pháp của chính người Venezuela.

    Trên lãnh vực xã hội, bài phóng sự của thông tín viên Libération ở Caracas cho biết, tại La Vega, một khu phố bình dân của thủ đô Venezuela, người dân sống vật vờ qua ngày. Một phần ba cư dân tại đây cầm cự được nhờ có tiền của người thân từ nước ngoài gởi về. Hầu hết những người ở lại đều trên 60 tuổi, những người trẻ đã tha phương cầu thực.

    Hoa Vi bị kết tội cùng lúc với khởi động đàm phán thương mại

    Về hồ sơ lớn thứ hai là Hoa Vi (Huawei), Libération chạy tựa « Tại Hoa Kỳ, Hoa Vi rơi vào vùng cấm », Les Echos nhấn mạnh « Hoa Vị bị Mỹ cáo buộc gian lận và làm gián điệp ». Le Figaro nhận định « Việc kết tội Hoa Vi khiến Bắc Kinh tức giận », Le Monde ghi nhận « Chính quyền Trump rầm rộ tổ chức kết tội Hoa Vi », còn La Croix mô tả chân dung « Hai nhân vật để chấm dứt thương chiến» : đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

    Les Echos nhận định đây quả là một khởi đầu kỳ lạ cho cuộc đàm phán thương mại sẽ tái lập từ hôm nay tại Washington giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đoàn đại biểu từ Hoa lục vừa đặt chân đến thủ đô nước Mỹ thì được biết các cáo buộc mới đối với Hoa Vi.

    Theo thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh, Lưu Hạc khó thể cho đây là một sự trùng hợp tình cờ, ông ta có thể nghĩ rằng một số diều hâu ở Washington không muốn có thỏa thuận thương mại. Tương tự, thông tín viên của tờ báo cánh hữu ở Washington cũng cho rằng bộ Tư pháp Hoa Kỳ lẽ ra có thể loan báo tin trên một cách kém phần khiêu khích hơn.

    Khi huy động đến ba bộ trưởng trong việc long trọng công bố 23 tội danh của Hoa Vi, tổng thống Donald Trump nhắm ba mục tiêu. Thứ nhất, gây áp lực để tư pháp Canada đồng ý cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu. Thứ hai, chứng tỏ với các đồng minh và các công ty viễn thông trên thế giới quyết tâm của Mỹ trừng trị Hoa Vi. Cuối cùng là thông điệp rõ ràng cho Bắc Kinh : Hoa Kỳ sẽ không còn để cho các công ty Trung Quốc chinh phục thị trường của mình trong khi vẫn vi phạm lệnh trừng phạt các « nhà nước du côn », và khuyến khích đánh cắp bí mật công nghệ.

    Thưởng cho nhân viên đánh cắp thông tin : Chủ trương từ cấp cao Hoa Vi

    Các báo cho biết có hai cáo buộc riêng biệt từ tòa án New York và tư pháp bang Washington. New York khởi tố Hoa Vi và hai chi nhánh cùng với giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu, vì vi phạm trừng phạt Iran và che giấu điều này với các ngân hàng và chính quyền Mỹ. Các tội danh là : gian lận ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt, âm mưu ngăn trở tư pháp.

    Tòa án Washington cáo buộc Hoa Vi đánh cắp bí mật thương mại của một trong những đối tác Mỹ là T-Mobile. Đó là thông tin về Tappy, một robot giúp thử nghiệm điện thoại bằng cách mô phỏng những hoạt động của con người. Trước đó T-Mobile từng kiện Hoa Vi ra tòa, nhưng chỉ được bồi thường 4,8 triệu đô la thay vì 500 triệu đô la như đòi hỏi.

    Quyền bộ trưởng tư pháp Mỹ Matthew Whitaker loan báo, theo điều tra sơ khởi, Hoa Vi tặng thưởng cho những nhân viên nào đánh cắp được các thông tin quý giá. Đây không phải là những trường hợp cá biệt, mà theo chủ trương từ cấp cao. Washington cũng yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, và Canada có 30 ngày để quyết định.

    Libération nhận xét, nỗ lực của Mỹ để chống lại Hoa Vi bắt đầu mang lại kết quả, nhất là nơi các đồng minh thân cận nhất như Úc, Anh, còn Đức và Pháp nay cũng đã do dự không muốn sử dụng công nghệ 5G của Hoa Vi. Les Echos dẫn nguồn từ Bloomberg cho rằng như vậy châu Âu phải chấp nhận bị trễ hai năm về công nghệ này, vì mạng 5G sẽ được xây dựng trên cơ sở mạng 4G đã có sẵn, trong khi thiết bị Hoa Vi vẫn đang được sử dụng rộng rãi.

    Thụy My

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào