Header Ads

  • Breaking News

    Giao thông hỗn loạn, tai nạn kinh hoàng phản ánh điều gì?

    Cách đây đúng một năm, tại một buổi lễ trao giải báo chí viết về an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã phát biểu: “Có thể nói chúng ta sống trong thời bình nhưng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giống như những năm chiến tranh”.

    Bức ảnh giao thông hỗn loạn ở Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế. (Ảnh: Minh Tân)

    Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2018 khép lại với hơn 8.200 người chết vì tai nạn giao thông và chỉ riêng 4 ngày nghỉ lễ đầu năm 2019, cũng đã có gần 120 người bị chết vì tai nạn giao thông, trong đó có một vụ đặc biệt nghiêm trọng tại Bến Lức.

    Giao thông vẫn luôn là một chủ để nhức nhối, một món “đặc sản” không hề đáng tự hào của Việt Nam. Không biết thực hư ra sao, nhưng người Việt đã truyền tai nhau câu chuyện về khách du lịch nước ngoài kháo nhau rằng: “Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam”.

    Ai là người có lỗi?

    Ở Việt Nam, cái chết vì tai nạn giao thông có thể xảy ra ngay cả khi ta ngồi ở… trong nhà, đi bộ trên vỉa hè, hay khi đang thực hành đúng luật giao thông như đứng đợi đèn đỏ. Thậm chí, có thể chết chỉ vì cây đổ vào người, lao trúng “ổ voi”, một tiếng còi gây choáng váng, một cái mở cửa xe vô ý của bác tài nào đó làm người khác ngã nhào ra đường và bị xe khác cán lên. Những cái chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam cứ như trong phim kinh dị Hollywood “Final Destination” (Tựa tiếng Việt: Điểm đến cuối cùng), với những cách gây ra thảm họa bất ngờ và khó lường nhất.

    Và tất nhiên mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó. Sau một loạt những vụ tai nạn thảm khốc của những chiếc xe không hề mất phanh, người ta bắt đầu muốn đi tìm những nguyên nhân sâu xa hơn, chứ không chỉ bằng lòng với lý do “ý thức tham gia giao thông kém”. Nào là trách nhiệm của những doanh nghiệp vận tải khi ép lái xe chuyến chạy với cường độ cao liên tục; nào là đường sá xuống cấp, phân làn không hợp lý; nào là quản lý giao thông yếu kém, luật quy định hình phạt cho người gây ra tai nạn giao thông không quá nặng khiến cánh lái xe thà gây chết người còn hơn phải đền tiền hàng, chăm sóc nạn nhân đến hết đời hoặc đánh đổi bằng chính mạng sống của mình v.v.

    Nhìn lại thì từ người tham gia giao thông, chủ xe, người làm đường, công an giao thông, quản lý các cấp các ngành… ai cũng có một phần lỗi ở trong đó. Bởi giờ đây, nhìn vào lĩnh vực, ngành nghề, vị trí nào, cũng có những người đang chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

    Cái trách nhiệm đó dựa trên một nền tảng chung để đánh giá xem anh đã làm tốt hay chưa: đó là đạo đức làm người, rồi từ đó mà có đạo đức nghề nghiệp. Nên anh lái xe, anh cảnh sát, anh xây dựng, anh quản lý… chẳng phải đều cần có đạo đức làm người cơ bản thì sẽ tự khắc có được cái đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực để phục vụ xã hội cho được tốt hay sao? Người đi trên đường, cũng vì có đạo đức, biết nghĩ cho người khác nên sẽ tuân thủ luật lệ, hòa ái, bình tĩnh chứ chẳng tranh cướp từng giây đèn đỏ, từng xen-ti-mét đường.

    Thời nay, nhìn vào đâu người ta cũng thấy tiêu cực; bởi ngành nghề, lĩnh vực nào cũng có những vi phạm đạo đức nghiêm trọng, từ đó gây ra tệ nạn, vấn nạn, tai nạn đủ mọi cấp độ. Chúng ta hay nghe thấy rằng “ý thức dân mình kém”, vậy cái ý thức đó từ đâu mà ra? Một người không có được những nền tảng đạo đức cơ bản để “có ý thức” phân biệt tốt xấu, để phân tích và lựa chọn cách hành xử cho đúng đắn và nhân văn, thì đó là sự thất bại của giáo dục. Bởi giáo dục là để dạy con người ta làm người tử tế, trước khi trở thành người giỏi.

    Chúng ta có một thế hệ những công dân chăm chăm kiếm tiền, kiếm lợi cho mình mà chà đạp lên người khác, lên cộng đồng. Người nông dân thì phun thuốc trừ sâu, dùng thuốc tăng trưởng vô tội vạ để kiếm lời vì còn bị người thu mua chèn ép. Người kinh doanh phải cắt giảm rất nhiều chi phí mà họ cho rằng “không cần thiết” như chi phí liên quan đến môi trường, phúc lợi người lao động… để còn chi cho những khoản khó kể tên như “bôi trơn”, “làm luật”, “bảo kê”… Người làm quản lý thì phải tận dụng những năm tháng đương chức mà “thu vén” cho mình, và cũng là để bù lại khoản đã chạy chức. Đến người làm thầy, góp công và có trách nhiệm tạo ra thế hệ tương lai cho cộng đồng cũng lại chỉ lo kiếm tiền, kiếm danh hiệu, chạy theo chỉ tiêu mà chẳng dạy đạo làm người. Thực là một cái vòng luẩn quẩn của danh lợi.

    Hỏi thế hệ trẻ đương đại của Việt Nam học được cái “ý thức kém” ở đâu ra? Chính là từ ngay trên ghế nhà trường, các em học được cách gian dối, chạy điểm, chạy bằng, hình thức từ ngay thầy cô mình. Hỏi thế hệ đã trưởng thành đương đại của Việt Nam bị nhiễm cái “ý thức kém” từ khi nào? Chính là từ khi đất nước chỉ lo phát triển kinh tế, chỉ tiêu “phấn đấu” và tổng kết mỗi năm phát trên truyền hình chỉ là những con số tăng trưởng GDP, FDI, xuất nhập khẩu… mà không mấy quan tâm tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng giáo dục và đạo đức xã hội. Thậm chí tổng kết chất lượng ngành giáo dục, cũng lại là những con số về tỷ lệ lên lớp, học sinh giỏi, số giáo sư, tiến sĩ… mà không biết thực chất đằng sau những con số ấy là như thế nào.

    Đạo đức xuống dốc, nhân tính bị xói mòn là khi nỗi sợ làm việc sai và trách nhiệm không còn

    Người xưa nói “Lý nhân vi mỹ”, nghĩa là nơi có đức Nhân thì tốt đẹp. Tuy không phải mọi sự suy ngược lại đều là có logic, nhưng ở đây, nói nơi không tốt đẹp là vì thiếu đức Nhân chắc cũng không phải là quá khiên cưỡng. Một xã hội mà hàng ngày ta đều thấy những thông tin đau lòng, ám ảnh, khiến ta chẳng còn dám tin tưởng, thì đó là vì xã hội đã quá thiếu đức Nhân để giáo hóa lòng người.

    Vì đâu nên nỗi như vậy? Vì chúng ta đã bỏ quên việc dạy dỗ, ca ngợi và thực hành đạo đức. Chỉ giáo dục mà không có ca ngợi thì chẳng ai thấy cần làm. Chỉ có giáo dục, ca ngợi mà không có thực hành thì không có ai muốn noi theo. Học sinh nhìn thầy cô giáo, con cái nhìn bố mẹ, nhân viên nhìn lãnh đạo, hàng xóm láng giềng nhìn nhau, vợ chồng bạn bè học nhau, người dưng truyền cảm hứng cho nhau… Tất cả đều phải có trách nhiệm thực hành đạo đức thì mới mong người khác đối tốt với mình, với con cháu mình.

    Khi đạo đức không được truyền dạy, ca ngợi và thực hành thì nó sẽ xuống dốc, nhân tính cũng sẽ thui chột dần. Cảm giác về sự lo lắng, hối hận, day dứt khi xâm phạm lợi ích của người khác sẽ chai lỳ dần rồi trở thành không có. Đấy là lúc người ta không cần lường trước, tưởng tượng ra mình có thể gây ra tội ác kinh hoàng thế nào khi uống rượu mà lái xe, khi lùi xe vô tội vạ trên đường cao tốc hay khi chưa có bằng mà ngồi lên xe điều khiển chiếc vô-lăng. Khi nhân tính đã thui chột, người ta cũng sẵn sàng ném đứa con mới sinh đi, bán con lấy tiền, giết người chỉ vì cái mâu thuẫn bé xíu, thậm chí thảm sát cả gia đình chỉ vì xung đột nhỏ.

    Không chỉ giao thông hỗn loạn, tai nạn kinh hoàng, mà ở đâu cũng có những câu chuyện rất buồn vì xa rời đức Nhân. Nếu xã hội coi trọng đạo đức, thì mọi thành viên trong đó tất yếu sẽ phải có khái niệm về việc trân trọng và nghĩ tới người khác trước khi nghĩ đến mình. Lúc đó thì ngành nghề nào cũng đều sẽ có mặt bằng chung đạo đức nghề nghiệp cao, để ai ai cũng làm tròn trách nhiệm và nhiệm vụ của mình. Thông qua đó, họ phục vụ xã hội, làm đẹp cho đời và gây dựng niềm tin cho người khác.

    Một xã hội có đạo đức, sẽ có niềm tin; và một xã hội có niềm tin sẽ khiến dân chúng muốn làm việc tốt. Một xã hội có đạo đức, người dân sẽ biết sợ; biết sợ rồi sẽ không phải việc gì cũng dám làm. Một xã hội có đạo đức, người dân sẽ biết có trách nhiệm; có trách nhiệm rồi thì không cần ai ép, ai quản, mọi việc sẽ đều tự nó trở nên tốt đẹp.


    Thuần Dương
    Đkn.TV

    Không có nhận xét nào