Header Ads

  • Breaking News

    Kami - Chuyển Lư Hương tượng Trần Hưng Đạo: Chuyện lớn hay chuyện nhỏ?

    Người ta cho rằng, Trung Quốc không bao giờ cần nghĩ đến chuyện xâm lược, biến Việt Nam thành một Tây tạng hay Duy Ngô Nhĩ. Vì nếu có như thế thì họ cũng không thể có một ban lãnh đạo thần phục, quỳ gối như ban lãnh đạo hiện tại tại Việt Nam hiện nay.

    Hình minh họa
    Mấy hôm trước, dư luận xã hội xôn xao trước việc sau gần 40 năm im hơi lặng tiếng về cuộc chiến Biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979. Thì đột nhiên năm nay, truyền thông nhà nước Việt Nam được bật đèn xanh cho phép đưa tin tương đối thoải mái về cuộc chiến Việt - Trung năm 1979. Cho dù những tư liệu về cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt này đã có rất nhiều và dễ dàng truy cập trên mạng internet. Người ta cho rằng, việc truyền thông nhà nước dường như được loan tin như thể không có vùng cấm là điều đáng ngạc nhiên.

    Giải thích về sự đột biến này, nhiều người thấy rằng có sự "dễ dãi" từ Ban Tuyên Giáo như thế, có lẽ quan điểm của Ban lãnh đạo Việt Nam phải chăng đã có những thay đổi quan trọng trong chính sách quan hệ với Trung Quốc?

    Song trên thực tế thì hoàn toàn không có điều "cởi mở" như người ta tưởng. Tại TP. HCM, tượng đài Trần Hưng Đạo một địa điểm mà người dân thường đến để thắp hương tri ân và tưởng niệm Đức Thánh Trần, người vốn đã có công đánh bại quân xâm lược phương Bắc từ hàng trăm năm trước. Vậy mà sợ người dân đến tưởng niệm làm mếch lòng kẻ thù Trung Quốc xâm lược, ban lãnh đạo thành Hồ đã cho rào chắn khu tưởng niệm, cẩu lư hương chuyển đi chỗ khác và thay vào đó là những xe rác. Với lời giải thích "chống chế" của Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến rằng, "Công viên không phải là nơi thờ phụng, mà việc thờ phụng này nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc hết sức bình thường. Mình đưa việc thờ phụng về đúng vị trí".

    Trên mạng xã hội, người ta giận dữ, bực tức rủa xả về hành động bán nước trắng trợn như thế của lãnh đạo TP. HCM. Câu hỏi được đặt ra rằng, tại sao việc di dời lư hương lại được chọn đúng thời điểm nhạy cảm đã khiến dư luận bức xúc như vậy?

    Song nếu người ta biết và hiểu câu ngạn ngữ, "Đừng tưởng đỏ là chín", thì có lẽ sẽ không bức xúc tột độ như thế.

    Nếu chúng ta biết tới hai câu trả lời, một của học giả quốc tế và một là của một cựu thần của chế độ đều có điểm tương đồng, đó là sự thừa nhận sự lệ thuộc Trung Quốc về mọi mặt của ban lãnh đạo Việt Nam, thậm chí còn được nhìn nhận đó là những kẻ bán nước, "cõng rắn, cắn gà nhà".

    Theo Giáo sư Hirohide Kurihara từ Đại học Tokyo bình luận với BBC cho rằng, "Tôi đoán nếu Đảng Cộng sản Việt Nam (cấp Trung ương) cứ im lặng thì mức độ nghi ngờ của người dân đối với chính sách của Đảng Cộng sản về quan hệ hai nước sẽ tăng lên.". Hay, Tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, "... có lẽ bây giờ các vị lãnh đạo chả dại gì lại để hậu thế họ sẽ bảo mình, nguyền rủa mình là” những Lê Chiêu Thống mới ”cả!". Câu trả lời của Tướng Phạm Chuyên có lẽ hết sức xác đáng.

    Những đánh giá như thế được chứng minh bằng việc tối 17/2/2019, VTV1 một kênh truyền hình chính thức của Việt Nam trong chương trình thời sự có một phóng sự đặc biệt về cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược. Tuy nhiên, trong cả 9 phút của phóng sự này, không một từ nhắc tới Trung Quốc, hay Bắc Kinh. Mà được né tránh với tên gọi đây là cuộc chiến với “đối phương”, “phía bên kia biên giới’ v.v....

    Không chỉ riêng trong lĩnh vực truyền thông, trên mạng xã hội xuất hiện bút tích tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu và ngã xuống trong cuộc chiến Chống quân bành trướng Trung Quốc nhân ngày 17/2/2019, tại một nghĩa trang liệt sĩ một tỉnh Biên giới phía Bắc của nguyên Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, với nội dung hèn hạ không kém. (Ảnh dưới) Với nội dung như sau:
    "                                                                              Ngày 17 tháng 12 năm 2019.
    Đời đời nhớ ơn các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nước.
    Đảng, Tổ Quốc, Nhân dân đời đời ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ biên cương của Tổ Quốc trong giai đoạn tháng 2/1979 ở tuyến biên giới phía Bắc này!Và kéo dài cả 10 năm ròng rã và đầy hy sinh nhưng cũng đầy khí phách Việt Nam.
    Kính cẩn nghiêng mình thương nhớ các đ/c.
                                                                                               Trương Tấn Sang
                                                Nguyên UVBCT, nguyên Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam."

    Bút tích của nguyên Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang
    Ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Nước vốn là người được ca ngợi cho rằng, "Năm xưa, khi còn đương chức, ông đã có mặt nơi này, cúi đầu tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ anh dũng hi sinh chống quân Trung Quốc xâm lược. Năm nay, đã về hưu, ông vẫn có mặt ở nơi mà 40 năm về trước, tập đoàn phản động Bắc Kinh xua quân xâm lược nước ta, để cúi đầu tưởng nhớ quân và dân ta đã anh dũng hi sinh." . Thật nực cười ông Tư Sang khi đã về hưu mà còn không dám nhắc đến chữ Trung Quốc, Bắc Kinh chứ không dám nghĩ đến cụm từ "Quân xâm lược Trung Quốc". Chính vì thế thì chẳng có lý gì để trách Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến khi có những phát biểu vớ vấn như đã nêu.

    Nếu chúng ta bình tĩnh và nhìn lại lịch sử ra đời và phát triển của đảng CSVN ai cũng thấy, Trung Quốc không chỉ là cái nôi của mà còn là bà đỡ, bà vú nuôi nấng. Cả chiều dài 89 năm phát triển, với 74 năm cầm quyền, song duy nhất chỉ có một giai đoạn ngắn ngủi 1976 -1986 dưới thời Tổng Bí thư Lê Duẩn, đảng CSVN mới dám đối đầu với Trung Quốc một cách thực thụ và mù quáng, dưới sự chống lưng của Liên Xô.

    Chính vì thế, từ đã rất lâu đặc biệt là sau Hội Nghị Thành Đô, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn cố gắng tin vào thiện chí của ban lãnh đạo Trung Quốc. Với hy vọng rằng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc có thể hòa thuận để cùng phát triển, quan trọng hơn là sự bền vũng của chế độ. Khi nói về sự lệ thuộc của ban lãnh đạo Việt Nam vào Trung Quốc, người ta có chính là lý do người ta có câu rằng, "Mưa ở Bắc Kinh, Hà nội giương ô.".

    Đó chính là lý do, đã khiến Việt Nam ngày càng bị lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội... Về mặt chủ quyền, Bắc Kinh đã ngày càng lấn lướt ra tăng sức ép trên Biển Đông. Về kinh tế, những dự án đầu tư từ Trung Quốc tại Việt Nam thực chất là sự xuất khẩu các nhà máy cũ, lạc hậu về kỹ thuật với nguy cơ lớn sẽ gây ra thảm họa về môi trường. Hay sự chèn ép một cách có chủ ý nguồn thu từ khai thác dầu của Việt Nam trên Biển Đông, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách của Việt Nam v.v...

    Sự lệ thuộc về chính trị của ban lãnh đạo đảng CSVN khóa 12 là biểu hiện rõ ràng nhất, mà đỉnh cao là chuyến thăm bất thường của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cuối tháng 12/2015 - trước thềm Đại Hội đảng khóa 12, với mục đích nhờ ban lãnh đạo Trung Quốc hỗ trợ, trong việc gây sức ép buộc nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi chính trường. Đó cũng chính là lý do, tại sao kể từ năm 2016, sau Đại hội 12 thế lực chính trị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỗng như có một phép thần, có khả năng khuynh đảo chính trường Việt Nam. Và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành một lãnh tụ cộng sản có tên tuổi nổi bật, được so gần ngang với ông Hồ Chí Minh.

    Năm 2019, là năm kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh Biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược, nhưng cũng là năm then chốt, bản lề để lựa chọn nhân sự lãnh đạo cho Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 (2021). Vì thế, thực chất của việc cởi mở đưa tin về cuộc chiến 1979 cũng là phép thử lòng trung thành đối với Trung Quốc của gần 200 Ủy viên Trung ương đảng tương lai mà thôi.

    Người ta cho rằng, Trung Quốc không bao giờ cần nghĩ đến chuyện xâm lược, biến Việt Nam thành một Tây tạng hay Duy Ngô Nhĩ. Vì nếu có như thế thì họ cũng không thể có một ban lãnh đạo thần phục, quỳ gối như ban lãnh đạo hiện tại tại Việt Nam hiện nay.

    Ngày 18 tháng 2 năm 2019

    © Kami

    (Blog RFA)

    Không có nhận xét nào