Header Ads

  • Breaking News

    Nhà Trắng không cho một số phóng viên tường trình về bữa tối Trump-Kim

    Nhà Trắng ngăn các phóng viên của hãng tin Reuters, AP và Bloomberg tường trình về bữa tối giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hôm thứ Tư sau khi hai nhà báo đặt câu hỏi cho ông Trump về những tương tác ban đầu của ông với ông Kim.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu khi ông và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un chuẩn bị dùng bữa tối trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Khách sạn Metropole ở Hà Nội, ngày 27 tháng 2, 2019.
    Ba hãng thông tấn này chuyên cung cấp các bản tin cho các cơ quan tin tức khác và là thành viên của đoàn báo chí Nhà Trắng theo sát tổng thống Mỹ ở bất cứ nơi đâu.

    Các phóng viên trong đoàn báo chí Nhà Trắng thường xuyên hô to câu hỏi của mình cho các nhà lãnh đạo và vào ngày thứ Tư, họ hỏi ông Trump về hội nghị thượng đỉnh và lời khai chứng tại Quốc hội của cựu luật sư cá nhân của ông Trump là Michael Cohen, trong hai lần tiếp xúc báo chí riêng rẽ.

    Các phóng viên này sau đó không được cho tường trình về bữa tối vì điều mà phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói là “những sự nhạy cảm về các câu hỏi được hô to trong dịp tiếp xúc báo chí trước đó,” theo báo The Washington Post.

    Đoàn báo chí có mặt khi ông Trump và ông Kim gặp nhau lần đầu tiên và bắt tay. Trong cuộc gặp gỡ ban đầu ngắn ngủi đó, trong khi máy quay đang quay, phóng viên Jeff Mason của Reuters hỏi ông Trump muốn đạt được điều gì tại hội nghị thượng đỉnh và liệu ông có rút lại đòi hỏi giải trừ hạt nhân Triều Tiên hay không.

    Ông Trump trả lời “Không” cho câu hỏi thứ hai và đưa ra câu trả lời dài hơn cho câu hỏi thứ nhất.

    Phóng viên AP Jonathan Lemire sau đó hỏi ông Trump rằng liệu ông có định chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên hay không. Ông Trump nói: “Để xem.”

    Các phóng viên sau đó được đưa ra khỏi phòng. Ngay sau đó họ được đưa trở lại để lắng nghe ông Trump và ông Kim.

    Vào cuối buổi tiếp xúc báo chí, phóng viên Lemire của AP hỏi ông Trump rằng ông có phản ứng gì với lời khai chứng của ông Cohen hay không mà sẽ diễn ra sau đó trong ngày thứ Tư. Với những trích đoạn từ lời khai chứng được soạn sẵn và công khai của ông Cohen, ông Trump cau có và lắc đầu.

    Ông Cohen cáo buộc ông Trump một người kì thị chủng tộc, một kẻ lừa đảo và bịp bợm.

    Sau lần tương tác thứ hai, các phóng viên đoàn báo chí quay trở lại không gian làm việc của họ. Bà Sanders, người bày tỏ lo ngại về các câu hỏi được hỏi trước đó, thông báo lần tiếp xúc báo chí thứ ba được giới hạn cho các nhiếp ảnh gia mà thôi. Các phóng viên của đoàn báo chí bày tỏ bất đồng và thuyết phục bà Sanders cho thêm một phóng viên báo in và một phóng viên đài phát thanh cùng một phóng viên đài truyền hình.

    Các phóng viên của các hãng cung cấp tin - hai người đặt câu hỏi, cộng thêm một người nữa và một phóng viên báo in khác - vẫn không được cho tham dự.

    “Do tính chất nhạy cảm của các cuộc họp, chúng tôi đã giới hạn một nhóm nhỏ đoàn báo chí tường trình về bữa tối, nhưng đảm bảo có sự đại diện của nhiếp ảnh gia, phóng viên truyền hình, đài phát thanh và báo in đều có mặt ở trong phòng,” bà Sanders nói trong một thông cáo.

    “Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán các khía cạnh của hội nghị thượng đỉnh lịch sử này và sẽ luôn nỗ lực để đảm bảo giới truyền thông Mỹ có quyền tiếp cận nhiều nhất có thể.”

    Reuters nói họ “hết sức lo ngại” về việc không cho ông Mason và các phóng viên khác tham gia tường trình về bữa tối.

    “Chúng tôi tin rằng điều thiết yếu là chính phủ phải cho nhà báo tiếp cận và đặt câu hỏi cho các quan chức và buộc họ chịu trách nhiệm,” Reuters trong một tuyên bố.

    AP nói họ phản đối những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm hạn chế sự tiếp cận đối với tổng thống.

    “Điều hết sức hệ trọng là bất kì tổng thống nào cũng phải giữ gìn các tiêu chuẩn tự do báo chí của Mỹ, không chỉ ở trong nước mà đặc biệt là ở nước ngoài,” phát ngôn viên của AP, Lauren Easton, nói.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào