Header Ads

  • Breaking News

    Sao Việt Nam không thể ‘dứt áo’ với những dự án vay vốn Trung Quốc?

    Theo bản tin AFP hôm 27 tháng Giêng, Thủ tướng Mahathir Mohamad quyết định hủy bỏ dự án đường sắt từ Tây sang Đông trên lãnh thổ Malaysia, gọi tắt là ECRL, mà Trung Quốc trúng thầu với trị giá 81 tỷ ringgit tương đương 19 tỷ 600 triệu đô la.

    Thanh Trúc
    Đây là dự án lớn ký với Trung Quốc từ thời chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Najib Razak, hiện đang bị truy tố vì tội tham nhũng.

    Tin cho biết Bộ trưởng Kinh tế Malaysia, ông Azmin Ali, nói rằng phát triển tuyến hỏa xa từ Tây sang Đông là dự án quá sức tốn kém vào khi Malaysia không đủ khả năng tài chính trong lúc này.

    Vẫn theo lời ông Azmin Ali, nếu không ngưng lại thì mỗi năm chính phủ phải chi trả 500 triệu ringgit tiền lời mà Kuala Lumpur không kham nổi.

    Trong lúc giới phân tích bên ngoài quan ngại rằng quyết định của Thủ tướng Mahathir Mohamad ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ song phương Malaysia-Trung Quốc, người am hiểu tình hình ở Việt Nam, nơi có nhiều dự án bạc tỷ vay vốn và thực hiện bởi tổng thầu Hoa Lục, lại bày tỏ sự đồng tình với vị Thủ tướng cao tuổi của Malaysia,

    Đối với Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ Và Môi Trường, Thủ tướng Mahathir Mohamad là một người sáng suốt:

    "Sáng suốt ở quyết định phải ngưng lại hơn là tiếp tục theo đuổi, bởi từ 16 đến 20 tỷ đô la mà chưa nói tới phát sinh thì mỗi năm như thế lấy đâu cả mấy trăm triệu đô la để trả cho nhà thi công. Hai nữa cái thiệt hại của họ là người Malaysia không được công ăn việc làm, vì người Trung Quốc đưa cả thợ thuyền của họ kéo sang làm. Nghĩa là công việc làm cho người bản địa là không có mà lại còn gánh năng nợ nần. Quyết định phải ngưng lại là sáng suốt."

    Nhà quan sát Phạm Chí Dũng, từng làm việc trong ngành Nội Chính Đảng, cho rằng quyết định của Thủ tướng Malaysia là một đòn đau cho Trung Quốc đối với những dự án đầu tư ra nước ngoài mà không mang lại phúc lợi cho dân bản địa: :

    "Tôi cho đấy là một quyết định tuyệt vời. Vào năm 2013, dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 7 tỷ đô la của Trung Quốc ở Myanmar đã phải ngưng lại và từ đó tới nay không triển khai nữa. Và quyết định thứ hai mà Mahathir Mohamad giáng vào Trung Quốc cho thấy không thể dùng tiền mua cả thế giới như Trung Quốc thường khoe khoang, và Malaysia cũng không phải như một số nước Châu Phi, không phải là Zimbabwe hay là Venezuela ở Châu Mỹ La Tinh mà Trung Quốc có thể vung tiền vào các dự án đầu tư để chi phối nền kinh tế và thao túng chính trị."

    Theo số liệu từ Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, trong một thập niên trở lại đây nhiều nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu các dự án của Việt Nam. Quá trình thực hiện cho thấy nhiều dự án lâm cảnh chậm trễ, đội vốn, kiện tụng. Nguyên nhân trì trệ phần lớn từ phía Trung Quốc, điển hình như dự án đạm Ninh Bình đã không thể tiến hành sau khi vay vốn và sử dụng nhà thầu Trung Quốc. Kế đó là dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên từ năm 2007 vì kéo dài khiến mức vốn tăng cao.

    Nhiều dự án của ngành Công Thương cũng gặp cảnh gọi là ngậm đắng nuốt cay khi đối mặt và làm việc chung với nhà thầu Trung Quốc.

    Một trong những chuyện gần nhất và được nói tới nhiều nhất là dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã hai lần tăng vốn khiến một số nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các tổ chức dân sự lên tiếng bằng nhiều bài phản biện trên mạng.

    Dưới mắt Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Bá, đường sắt đô thị Cái Linh - Hà Đông là dự án kéo dài quá lâu :

    "Quá lâu mà còn đôi vốn lên nhiều lần, còn công nghệ thì theo tôi biết cũng không phải là công nghệ tiên tiến. Người sử dụng kỹ thuật đưa sang đây làm cũng không phải loại hảo hạng, có thể nói là người của công ty bản địa thuộc hạng kém mới cho sang đây. Đấy là những yếu tố làm cho kéo dài, đội vốn. Khi đấu giá thì họ đấu giá thấp, nhưng quá trình làm thì cứ phát sinh và phát sinh mãi làm đội vốn lên nhiều và thời gian lâu."

    Tháng Mười Một năm 2018 vừa qua, một bản tin trên VietnamNet cũng cho hay vì nhiều vấn đề trì trệ và bất ưng khiến nhiều chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng với phía nhà thầu Trung Quốc, thậm chí chấp nhận bị thưa kiện.

    Câu hỏi ở đây là tại sao Việt Nam không thể chấm dứt hay ngưng cho tiến hành những dự án tốn kém đã ký với tổng thầu Trung Quốc như Myanmar lúc trước và Malaysia mới đây? Kỹ sư Ngô Sĩ thiết, một thành viên nhóm Minh Triết ở Hà Nội nhận định:

    "Đất nước người ta có độc lập trong cách hành xử, còn Việt Nam lãnh đạo phải xứ lý những quan hệ rất khó khăn vì bị phụ thuộc vào nhiều thứ mà từ góc độ ở ngoài mình không thể biết hết được. Cho nên đối với những dự án có Trung Quốc đầu tư thì không dễ mà từ chối như là Malaysia hoặc một nước khác.

    Từ việc khởi xướng dự án đến việc chọn nhà thầu đến việc vay vốn đến tiến trình triển khai Việt Nam thực sự bị lệ thuộc trong việc đưa ra những quyết định mang tính chất độc lập. Ngày trước ông Đinh La Thăng có thể hiện ý kiến cá nhân là “đuổi nhà thầu Trung Quốc” mà hậu quả là ông bây giờ đã bị bỏ tù, hầu như không ai dám mạnh bạo như ông Đinh La Thăng nữa."

    Đinh La Thăng là cựu Ủy viên Bộ Chính trị, từng có thời là Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải và đã có những chỉ trích mạnh mẽ đối với nhà thầu Trung Quốc. Ông Thăng bị kết án tù vào năm ngoái về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

    Tế nhị và phức tạp là nhận xét của giáo sư Đào Công Tiến, cựu Hiệu trưởng Đại Học Kinh Tế Sài Gòn:

    "Bỏ một dự án? Có những cái không thể chuyển được đâu, còn cái chuyển được thì cũng phải gỡ những cái vướng những cái phức tạp. Đấy là vì sao? Vì nó liên quan đến những cái không thể giải quyết bằng phương án bỏ được, phải tính toán nhiều thứ không thể nói dông dài trên máy được."

    Nhà quan sát chính trị Phạm Chí Dũng phân tích thêm:

    "Tại sao không dừng được? Lý do đầu tiên thành thực mà nói là khó có bằng chứng nhưng mà vô cùng nhiều dư luận cho rằng lãnh đạo hoặc giới chuyên trách đã không quyết tâm, không dứt khoát và không dám làm rõ. Các doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ liên kết liên doanh với Trung Quốc thì đã nhận chung chi, và rất nhiều dư luận cho rằng Trung Quốc là một quốc gia chịu chung chi, chịu hối lộ thoáng nhất thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp có mối quan hệ đặc thù với Trung Quốc, đặc thù ở đây có nghĩa là có lợi nhuận, và những dự án liên quan tới ODA hoặc liên quan tới ngân sách nhà nước, thì dư luận cho rằng không hiếm những doanh nghiệp này đã nhận tiền từ các doanh nghiệp Trung Quốc và để cho Trung Quốc trở thành tổng thầu. Tôi cho rằng vấn đề tham nhũng là lý do đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt Nam không dám bỏ những dự án với Trung Quốc.

    Lý do thứ hai thì cho tới nay Việt Nam không chỉ lệ thuộc vào kinh tế cho tới những dự án đấu thầu có Trung Quốc mà còn bị chi phối bởi mặt chính trị, thậm chí dư luận còn đồn đoán là Trung Quốc chi phối tới cấp trung ương của đảng. Thế thì việc hủy bỏ những dự án lớn của Trung Quốc ở Việt Nam thì rõ ràng vì lý do chính trị Việt Nam đã không dám làm, điển hình là dự án bô xít Tây Nguyên."

    Vẫn theo báo mạng Vietnam.Net tháng Mười Một năm 2018, để nâng cao giải pháp cũng như chấn chỉnh công tác quản lý lãnh vực đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các dự án lớn nhỏ, từ năm 2015 Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương đồng thời sửa đổi Luật Đấu Thầu và các văn bản liên quan.

    Bên cạnh đó, chính phủ và các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm mà theo báo cáo thì đã có chuyển biến tích cực.

    Tuy nhiên theo các nhà quan sát và các tổ chức dân sự ở trong nước, minh bạch mới là cần thiết chứ không chỉ những qui định trên giấy mà đủ, và giải pháp nào cho những gói thầu với Trung Quốc bị trì trệ và đội vốn vẫn còn là câu hỏi phía trước.

    Thanh Trúc

    (RFA)

    Không có nhận xét nào