Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Hải Vân - Sùng bái lãnh tụ

    Người dân Triều Tiên (không phải tất cả, nhưng là đa số) yêu lãnh tụ, khóc lãnh tụ, mới đây lãnh tụ đi xa mấy ngày họ còn “nhớ lãnh tụ không ngủ được”. Đương nhiên báo chí Triều Tiên có nói vống lên, nhưng không quá xa sự thật. Đừng nghĩ họ giả vờ, đừng nghĩ họ bị bắt ép phải như vậy. Họ yêu, họ khóc, họ nhớ thật đấy. Đó là đất nước sùng bái lãnh tụ kỳ dị nhất mọi thời đại. Họ là sản phẩm thành công nhất và là sản phẩm duy nhất còn lại của nền kinh tế kế hoạch hóa. Triều Tiên ngày nay là một “bảo tàng” sống về sản phẩm này. Đó là thành công điển hình của “Đường về nô lệ” mà triết gia tự do nổi tiếng thế giới F. A. Hayek đã đề cập.

    Sùng bái lãnh tụ
    Dân Triều Tiên không thất nghiệp, lương thực và nhu yếu phẩm được nhà nước phân phối, đi học từ mẫu giáo đến đại học không mất tiền, toàn dân chữa bệnh miễn phí. Triều Tiên rất ít tai nạn giao thông, không có nhiều cướp giật, không có nạn buôn thần bán thánh. Triều Tiên đã trở thành một nước công nghiệp hóa vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 2.400 USD vào năm 1986 (tương đương với 5.500 USD năm 2017, theo wikipedia) trong khi mức tương ứng của nước ta chỉ hơn 100 USD, là một trong hai nước công nghiệp có trình độ hiện đại hóa cao nhất Đông Á, chỉ sau Nhật Bản. Chúng ta nghe nhiều về nạn đói ở nước này nhưng không có bằng chứng. Tại sao một nước thông tin bị bưng bít toàn diện lại để thông tin về nạn đói lọt ra ngoài ? Rất có thể có tình trạng thiếu lương thực do mất mùa, còn nạn đói chủ yếu do chính quyền công bố để lên án các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên hiệp quốc.

    Ngày nay dân Triều Tiên không có quyền tư hữu. Bán đảo Triều Tiên có một lịch sử phức tạp (không nói được trong một cái tút ngắn), đến cuối thế kỷ 19 vẫn bế quan tỏa cảng với bên ngoài, nửa đầu thế kỷ 20 thì bị Nhật thôn tính. Khi CHDCND Triều Tiên được thành lập, nước này hầu như không có di sản gì của kinh tế thị trường, các tư tưởng tự do dân chủ của phương Tây chưa thâm nhập. Người dân được nhà nước lo cho từng miếng ăn giấc ngủ, không chịu ơn lãnh tụ thì chịu ơn ai ?

    Với đặc điểm lịch sử đó, sẽ không có cuộc cải cách nào xuất phát từ sự thúc đẩy của dân chúng, không có “phong trào” nào đòi cái này cái kia. Tự do đi liền với rủi ro, nhưng người dân Triều Tiên thì muốn an toàn. Nhưng chớ có coi thường người dân Triều Tiên. Họ sẽ vô cùng quật cường nếu có chiến tranh, đó là lòng quật cường của các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô mà ta từng biết đến trong Đại chiến 2 và có thể còn hơn thế nữa. Chế độ của các nhà độc tài Sadam Hussein, Muammar al-Gaddafi, Robert Mugabe, Hugo Chávez… không thể có được một “nhân dân” như thế.

    Nền kinh tế kế hoạch hóa đẻ ra các lãnh tụ được sùng bái. Staline uy quyền đến mức, nghe kể rằng có lần Liên Xô lấy được một chiếc trực thăng của Mỹ, chiếc trực thăng có một vết đạn trên thân, ông lệnh phải chế tạo một chiếc trực thăng giống y như thế. Kết quả là một chiếc trực thăng giống hệt đã ra đời, giống luôn cả vết đạn trên thân. Đó có thể là một giai thoại, nhưng giai thoại đó hàm chứa sự thật. Nhưng uy quyền của Staline còn lâu mới bằng uy quyền của ông Kim Nhật Thành, nghe nói ông đến đứng ngắm cảnh ở nơi nào thì đất dưới chân ông trở thành di tích lịch sử.

    Bi kịch của người dân Triều Tiên là sống trong nô lệ nhưng không biết mình là nô lệ. Người Triều Tiên không cần thế giới dạy dỗ, không có người thầy nào hơn lãnh tụ của họ. Họ không cần ai than khóc giùm họ. Một nước mang danh là nước “cộng hòa” mà lãnh đạo quốc gia cha truyền con nối là độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới, nhưng không có vấn đề gì đối với người dân Triều Tiên.

    Triều Tiên trước sau gì cũng phải thay đổi, nhưng sự thay đổi đó chỉ có thể bắt nguồn từ lãnh tụ của họ. Có lẽ Donald Trump là chính khách hiểu hơn ai hết điều này, nên ông lấy Việt Nam ra làm “mồi nhử”. Có vẻ như cá sắp cắn câu, nhưng vẫn còn khó đoán lắm.

    Hoàng Hải Vân

    (FB Hoàng Hải Vân)

    Không có nhận xét nào