Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 'vẫn vì công nhân' sau 9 năm tù

    Cộng sự của nhà hoạt động cho quyền lợi công nhân Nguyễn Hoàng Quốc Hùng nói với BBC rằng ông "vẫn kiên cường và hết lòng vì công nhân" sau khi vừa mãn hạn 9 năm tù."

    Nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và bà Đỗ Thị Minh Hạnh trong ngày ông ra tù
    Ra tù hôm 24/2, ông Hùng là người cuối cùng trong nhóm ba người sáng lập phong trào Lao Động Việt, cùng với ông Đoàn Huy Chương và bà Đỗ Thị Minh Hạnh.

    Hồi tháng 3/2011, tòa phúc thẩm tỉnh Trà Vinh tuyên y án đối với ba nhà hoạt động trong lĩnh vực quyền lao động nêu trên.

    Báo Công an Nhân dân thời điểm đó nói ông Hùng, người sinh năm 1981, "từng bị Công an TP Hồ Chí Minh lập biên bản cảnh cáo về hành vi cấu kết với một số đối tượng chống đối chính trị, khiếu kiện cực đoan, gây rối trật tự công cộng".

    Hôm 27/2, ông Hùng nói với BBC rằng ông "chưa tiện trả lời phỏng vấn vì đang cập nhật tình hình đời sống xã hội".

    'Kiên cường và hết lòng'

    Bà Đỗ Thị Minh Hạnh, người đồng sáng lập phong trào Lao Động Việt cùng với ông Hùng, nói với BBC: "Những người có dịp gặp lại ông Hùng đều thấy ông vẫn kiên cường và hết lòng vì công nhân dù trải qua một bản án khắc nghiệt."

    "Tôi tin là ông sẽ sớm quay lại dẫn dắt phong trào tranh đấu cho quyền của công nhân."

    "Tương tự như những tù nhân lương tâm khác sau khi mãn án, ông Hùng rất cần sự trợ giúp không chỉ tài chính mà còn tinh thần và sự cổ vũ của cộng đồng."

    "Những điều đó lúc này rất đáng giá với ông."

    Bà Hạnh nói thêm: "Có thể thấy còn nhiều thử thách đang đợi ông Hùng ở phía trước. Từ chuyện cuộc gặp mặt bạn cũ đầu tiên của ông sau khi ra tù bị quấy nhiễu, ông cũng bắt đầu quen với việc bị nhân viên an ninh đi theo mỗi bước chân."

    "Tôi tin là những thử thách sẽ giúp ông thích ứng với thực tế để tìm ra phương thức tranh đấu hữu hiệu."

    "Về tình hình đấu tranh cho người lao động trong 9 năm ông ở tù, nếu có tiến triển nào thì đó là sự thay đổi về ý thức của người công nhân."

    "Bên cạnh đó là áp lực từ quốc tế xoay quanh các hiệp định CPTPP và EVFTA tạo nên làn sóng đấu tranh cho người lao động ở Việt Nam của các tổ chức xã hội dân sự."

    "Điều đáng nói là chính quyền đã bưng bít về quyền lợi của công nhân trong các hiệp định mà họ ký kết, trong lúc công đoàn nhà nước không đứng về phía người lao động."

    "Việc cho thành lập công đoàn độc lập bị đánh tráo khái niệm thành "công đoàn cơ sở", khiến công nhân không hiểu sự độc lập thật sự nằm ở đâu."

    Bà Đỗ Thị Minh Hạnh cũng cho biết: "Hiện tại chúng tôi rất cảm kích trước sự ủng hộ, lời kêu gọi trao trả tự do cho các tù nhân lương tâm cũng một số thành viên phong trào Lao Động Việt đang ở trong tù như các ông Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Đức Độ và Trương Minh Đức."

    "Tôi muốn nói thêm rằng dù một số thành viên của chúng tôi liên tục bị sách nhiễu, trấn áp thì phong trào Lao Động Việt vẫn đang hoạt động và chưa bao giờ dừng lại."

    'Công đoàn vàng'

    Trong một bài viết gần đây trên BBC Tiếng Việt, ông Joe Buckely, nghiên cứu sinh tiến sĩ về International Development tại SOAS University of London, người có thời gian sống ở Việt Nam và tiếp xúc với giới hoạt động công nhân, viết:

    "Ở Việt Nam, mong muốn về việc thành lập các công đoàn độc lập không đến từ người công nhân, mà thay vào đó là từ những người sử dụng lao động (dù là một phần rất nhỏ), như một cách để ngăn chặn các cuộc đình công tự phát, gây ra gián đoạn đến hoạt động sản xuất."

    "Theo ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông lo lắng rằng các công đoàn độc lập sẽ trở thành các "công đoàn vàng", thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một liên đoàn mà trên thực tế được điều hành bởi các ông chủ để đàn áp và bóc lột công nhân hơn nữa."

    "Điều này nghe có vẻ khá là nực cười, khi ông sử dụng lý lẽ đó để bảo vệ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một liên đoàn mà đa số công nhân cho là vô dụng."

    "Tuy nhiên, ở một chiều hướng khác, ông cũng có lý."

    "Tất nhiên, không ai muốn tước bỏ quyền được liên minh của các công nhân để phản đối việc bóc lột sức lao động. Nhưng cũng cần phải lo ngại về quá trình hình thành tự do hội họp hiện tại."

    "Việc phát triển những hoạt động đến từ phía dưới - các cuộc đình công tự phát vốn hiệu quả của công nhân - có tốt hơn việc giới thiệu một mô hình mới từ cấp trên áp xuống?"

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào