Header Ads

  • Breaking News

    Thủ tướng Phúc muốn tránh bong bóng bất động sản

    Thủ tướng Việt Nam vừa ký một chỉ thị nhằm "bình ổn" thị trường bất động sản. Thủ tướng Phúc tuần trước yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội kiểm tra dự án đô thị gần 2.000 héc ta "bị bỏ hoang" tại huyện Mê Linh, Hà Nội.


    Chỉ thị số 11/CT-TTg ban hành hôm 23/04/2019 nói Chính phủ chủ trương kiên quyết thu đồi theo quy định pháp luật đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm.

    Chỉ thị được đưa ra chỉ khoảng một tuần sau khi ông Phúc yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội kiểm tra dự án đô thị gần 2.000 héc ta "bị bỏ hoang" tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

    Truyền thông trong nước cho hay ngoài dự án đô thị tại Mê Linh, hàng loạt khu đô thị mới được phê duyệt ồ ạt ở các cửa ngõ Thủ đô như Đan Phượng, Hoài Đức... sau 10 năm sáp nhập về Hà Nội đến nay vẫn trong cảnh "đắp chiếu".

    Phần lớn các dự án này được mô tả là "từng gây sốt" bất động sản, nhưng lại trở thành khu đất trống sau ngày sáp nhập về Hà Nội nhưng đã huy động vốn triển khai và thậm chí án đã bán thu tiền 100% giá trị lô đất.

    Chỉ thị này cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trong quý ba năm nay phải rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, trong bối cảnh thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân và dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn với giá bán cao.

    Năm bộ liên quan gồm Bộ Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Văn hóa Thể thao Du lịch và Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu có các hành động cụ thể trong nỗ lực rà soát để kịp thời có biện pháp bình ổn thị trường khi có dấu hiệu không bình thường hoặc biến động lớn.

    Được biết kế hoạch sử dụng đất, việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô sử dụng đất lớn các dự án đầu tư sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm trong quản lý, sử dụng đất sẽ được "thanh tra toàn diện".

    Chỉ thị do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng "ký thay" nói về nỗ lực không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đối với hoạt động cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh bất động sản.

    Hiệp hội Bất động sản Tp HCM (HoREA) trong một báo cáo vào đầu năm nay gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ một số quan ngại về thị trường bất động sản tại thành phố này năm 2018 và cảnh báo hiện tượng rửa tiền ở "phân khúc cao cấp và hạng sang".

    TS Nguyễn Trí Hiếu được truyền thông trong nước dẫn lời đưa ra khuyến cáo việc hạn chế giao dịch bằng tiền mặt nhằm hạn chế sự lưu thông của các dòng tiền "không rõ nguồn gốc".

    "Cần làm sáng tỏ tất cả những vấn đề liên quan tới các hoạt động mua bán bất động sản tại phân khúc cao cấp bởi đây là phân khúc đa số người dân Việt Nam "không thể với tới được" nhưng lại hoạt động khá sôi nổi.

    "Đây là phân khúc dành cho các đại gia, những tỷ phú đô la của Việt Nam. Chỉ những người rất nhiều tiền ở Việt Nam mới có thể tham gia đầu tư, mua bán," ông Hiếu nói.

    Vào đầu tháng này báo tài chính Bloomberg của Mỹ có bài mô tả 80% người mua căn hộ cao cấp trên thị trường bất động sản TP. HCM chỉ là để đầu tư (không để ở)

    Bài báo nói thị trường căn hộ thứ cấp ngày một "phình to" thị trường gia tăng giá trị ảo... theo Bloomberg, hiện tượng này của TP. HCM rất giống Thượng Hải ở Trung Quốc cách đây 10 năm.

    Điểm đáng chú ‎ ý là kể từ khi Việt Nam cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ trong nước vào tháng 7/2015, phân khúc nhà ở cao cấp là nơi tăng trưởng mạnh nhất và trong năm 2018, nhà đầu tư Trung Quốc là khách hàng lớn nhất đối với các căn hộ cao cấp của TP. HCM.

    Tuy nhiên bài báo khuyến cáo giới đầu tư về thực trạng thị trường bất động sản "quá nóng" tại Tp HCM trong khi hạ tầng cơ sở lại bình lặng đến mức đáng lo ngại, tức là không đủ để sánh với Thượng Hải.

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào