Header Ads

  • Breaking News

    Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung : Nguy hại hơn thời Liên Xô cũ

    Về cuộc xung đột hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tác giả Nouriel Roubini trên Les Echos hôm nay 23/05/2019cho rằng « Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung sẽ tệ hại hơn so với Liên Xô trước đây ».

    Thời kỳ trăng mật Trump-Tập đã qua, bây giờ là cuộc chiến tranh lạnh mới. Ảnh tư liệu chụp ngày 09/11/2017 khi tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Bắc Kinh.
    Tuy cả Washington lẫn Bắc Kinh đều ý thức về « chiếc bẫy Thucydide » - một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi giữa cường quốc đang thống trị và cường quốc đang lên muốn hất cẳng - nhưng cả đôi bên dường như đều ngả theo xu hướng này. Nếu một cuộc chiến tranh trực diện giữa hai đại cường Mỹ-Trung khó thể xảy ra, nhưng sự kiện được khởi đầu như một cuộc chiến thương mại từ nay chuyển thành tình trạng xung khắc thường trực.

    Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Donald Trump coi Trung Quốc là « đối thủ cạnh tranh chiến lược », cần ngăn chận trên mọi lãnh vực. Hoa Kỳ hạn chế hẳn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các lãnh vực nhạy cảm, và có những động thái để bảo đảm sự thống trị của phương Tây trong những ngành kỹ nghệ chiến lược như trí thông minh nhân tạo và 5G.

    Mỹ gây áp lực để các đồng minh và đối tác không tham gia chương trình đại quy mô từ Âu sang Á mang tên « Một vành đai, Một con đường » của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng tăng cường các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải tại Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra hung hăng để áp đặt các yêu sách chủ quyền gây tranh cãi.

    Tác giả cho rằng hậu quả toàn cầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trầm trọng hơn chiến tranh lạnh trước đây giữa Hoa Kỳ và Liên Xô cũ.

    Bởi vì nếu Liên Xô thời đó là một cường quốc đang đi xuống, với mô hình kinh tế thất bại, thì Trung Quốc lại sắp trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và còn tiếp tục phát triển. Ngoài ra, trao đổi thương mại giữa Mỹ và Liên Xô rất ít ỏi, trong khi Trung Quốc nay đã hội nhập hoàn toàn vào hệ thống thương mại và đầu tư thế giới, có quan hệ tương tác chặt giữa các bên, cụ thể là với Hoa Kỳ.

    Một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện có nguy cơ gây ra một thời kỳ mới phi toàn cầu hóa, hay một sự phân đôi thành hai khối kinh tế không tương hợp. Trong các kịch bản này, việc buôn bán hàng hóa, dịch vụ, người lao động, công nghệ và dữ liệu bị giới hạn, môi trường kỹ thuật số không còn nối kết giữa phương Tây và Trung Quốc. Như khi Mỹ trừng phạt Hoa Vi (Huawei) và ZTE (Trung Hưng), Bắc Kinh sẽ giúp hai tập đoàn này có được các đầu vào quan trọng, có thể từ các đối tác thương mại bạn bè độc lập với Mỹ.

    Trong thế giới phân cực này, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều chờ đợi các nước khác chọn lựa đứng về phía mình, trong khi đa số các chính phủ cố gắng duy trì quan hệ kinh tế tốt đẹp với cả hai. Số đồng minh của Mỹ làm ăn với Trung Quốc nhiều hơn với Hoa Kỳ, và việc thỏa hiệp ngày càng khó khăn hơn.

    Dù sao đi nữa, quan hệ Mỹ-Trung là vấn đề địa chính trị chủ yếu của thế kỷ, một sự đối địch, ở mức nào đó, là không thể tránh khỏi. Trong giả thiết lạc quan, hai bên có thể hợp tác trên một số vấn đề và cạnh tranh lành mạnh trên các lãnh vực khác. Một trật tự thế giới mới được thành lập, dựa trên việc công nhận vai trò của cường quốc trong việc hình thành các quy chuẩn và định chế quốc tế.

    Còn ngược lại, nếu Mỹ nhất quyết cản trở trong lúc Trung Quốc hung hăng phô diễn sức mạnh tại châu Á và trên thế giới, thì không loại trừ giả thiết cuộc chiến tranh lạnh sẽ được tiếp nối bằng một cuộc chiến mở rộng, hoặc một loạt các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Chiếc bẫy Thucydide trong thế kỷ 21 có nguy cơ nuốt chửng không chỉ hai cường quốc này, mà cả phần còn lại của thế giới.

    Điện thoại Hoa Vi bị loại ở Anh và Nhật

    Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos nêu ra việc « Các điện thoại thông minh của Hoa Vi bị loại ở Anh và Nhật ».

    Tuần tới, công nghệ 5G sẽ trở thành hiện thực ở Luân Đôn và năm thành phố khác của Anh quốc. Khách hàng của hãng EE, nhánh điện thoại di động của BT, có thể lướt web nhanh gấp 10 lần so với các láng giềng…nhưng không phải với một điện thoại do Hoa Vi sản xuất. Mẫu điện thoại 5G mới nhất của Hoa Vi là Mate20X sẽ không được EE đề nghị với khách hàng trong dịp này.

    Đau hơn nữa cho Hoa Vi, EE không phải là trường hợp đơn lẻ. Tập đoàn Anh Vodafone, sẽ cung cấp 5G vào mùa này, cũng ngưng mua các điện thoại hiệu Huawei. Tại Nhật Bản, nhiều nhà cung cấp cũng theo chân : NTT DoCoMo, KDDI và Softbank. Chưa hết, theo BBC, hãng Anh ARM trong một thông cáo nội bộ đã chỉ thị cho các nhân viên ngưng mọi việc hợp tác với Hoa Vi. Hãng này cung ứng các thành phần căn bản và thiết kế các chip vi xử lý cho điện thoại di động Hoa Vi. Phát triển các vi mạch mới mà không còn đối tác Anh cũng phức tạp như không còn dịch vụ của Google.

    Nga : Biểu tình và một xã hội dân sự mới

    Tại Nga « Những vụ xuống đường lẻ tẻ của người dân cũng đã làm rung chuyển điện Kremlin », theo Les Echos. « Một dự án nhà thờ làm Ekaterinbourg bốc lửa » - phóng sự của Libération.

    Les Echos cho rằng thắng lợi của đường phố đã khẳng định sự trỗi dậy của một xã hội dân sự mới tại Nga : sẵn sàng phản kháng Kremlin. Tại Ekaterinbourg, thủ phủ Oural, quê hương của Boris Eltsine, các nhà đấu tranh sau bốn ngày đêm đã làm chính quyền thành phố, các nhà tài phiệt và giới chức Chính Thống giáo phải lùi bước. Họ phản đối một dự án xây nhà thờ mới tại một trong những quảng trường ưa thích của người dân, hiện vẫn tránh được cơn sốt xây dựng.

    Đây không phải là chiến thắng đầu tiên của người biểu tình. Tại Arkhangelsk, một thành phố lớn phía bắc Matxcơva, hàng ngàn người liên tục xuống đường phản đối một bãi rác do tài phiệt cấu kết với chính quyền âm thầm lập ra. Nhiều người thay phiên nhau canh gác địa điểm, rốt cuộc Matxcơva đã yêu cầu ngưng dự án. Không có thủ lãnh lẫn tổ chức, các phong trào loại này đều tự khởi phát trên mạng xã hội.

    Venezuela : Đối thoại giữa Maduro và đối lập qua trung gian Na Uy

    Le Figaro nhìn sang Venezuela, cho biết « Na Uy cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Maduro và Guaido ». Các cuộc đối thoại sẽ được tái khởi động vào tuần tới ở Oslo, nhưng không có cuộc gặp trực tiếp nào giữa hai phe.

    Đối với nhiều người trong phe đối lập, từ « đối thoại » lâu nay bị coi là cấm kỵ. Dù sao đi nữa, ngày càng nhiều người nhận ra rằng những lời kêu gọi đối với quân đội không mang lại hiệu quả, và cần đối thoại với phe Maduro. Thật ra đôi bên cũng đã từng đàm phán tại Saint-Domingue năm 2017 để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống. Ủy ban bầu cử được bố trí lại, có cả sự hiện diện của quan sát viên quốc tế, nhưng rốt cuộc những người cực đoan của cả hai phía đã làm cuộc đối thoại thất bại.

    Còn các đại diện của Maduro cố lợi dụng tối đa việc hòa giải ở Oslo để gây chia rẽ trong phe đối lập, và trưng ra một bộ mặt ôn hòa. Nicolas Maduro nói rằng ông ta đã đề nghị đối thoại « hơn 600 lần » và sẽ còn tiếp tục. Nhưng mỗi một ngày trôi qua mà không có thay đổi gì là Maduro lại được lợi, còn thủ lãnh đối lập Juan Guaido bị thiệt hại : tình trạng này càng kéo dài, người ủng hộ càng nản lòng.

    Trong khi chờ đợi, Quốc Hội được bầu lên một cách dân chủ và do đối lập kiểm soát vẫn rất khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. Các dân biểu không được trả lương từ năm 2015 đến nay, quyền đặc miễn của một số bị bãi bỏ, số khác bị khởi tố, và đôi khi lối vào tòa nhà Quốc Hội còn bị phong tỏa.

    Công chúng và sức sáng tạo của điện ảnh Pháp

    Trên lãnh vực văn hóa, xã luận của Le Monde kêu gọi « Bảo vệ sáng tạo trong điện ảnh ».

    Trước khi Liên hoan điện ảnh Cannes lần thứ 72 khai mạc, chủ tịch hội đồng giám khảo người Mêhicô khi trả lời phỏng vấn đã đặt câu hỏi : « Trong số những phim mà chúng ta sẽ xem, có bao nhiêu phim sẽ được chiếu hàng loạt tại các rạp ? May lắm là 10% ». Theo Le Monde, tỉ lệ này đúng đối với Mỹ và Mêhicô, nhưng không đúng đối với Pháp.

    Mỗi tuần lại có khoảng 20 phim mới ra rạp, trong đó phân nửa sản xuất tại Pháp, và không chỉ ở các thành phố lớn, nhờ một mạng lưới rạp chiếu duy nhất trên thế giới : phim Nhật « Một câu chuyện gia đình », đoạt Cành cọ vàng năm 2018 hay phim bom tấn « Avengers » đều thu hút đông đảo công chúng.

    Tuy nhiên ngân sách trung bình cho phim đang giảm xuống từ 10 năm qua, còn số lượng phim lại tăng lên, trong đó có những phim không đủ tầm để ra rạp. Le Monde cho rằng để cứu vãn điện ảnh Pháp, một mặt cần có sự hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà sáng tác, mặt khác chính phủ cần phải hỗ trợ.

    Các chương trình tự động nhập dữ liệu đe dọa việc làm tại Ấn Độ

    Về công nghệ cao, Les Echos nói về hiện tượng « Bùng nổ các chương trình tự động nhập dữ liệu ». Được đặt tên là « RPA », những phần mềm nằm gần ranh giới trí thông minh nhân tạo thu hút các nhà đầu tư, tuy nhiên đang đe dọa công ăn việc làm của hàng trăm ngàn chuyên gia vi tính Ấn Độ.

    Đối với những nhà sáng chế, đây là các « nhân viên ảo » đắc lực, xuất hiện bên cạnh những người thật tại các ngân hàng, công ty bảo hiểm, trung tâm hành chính. Nhưng tại Ấn Độ, người ta bắt đầu lo sợ cho tương lai của các chuyên gia vi tính làm việc cho các công ty phương Tây từ những năm 2000. Theo Viện nghiên cứu HFS, khoảng 750.000 việc làm không cần chuyên môn cao sẽ biến mất từ nay cho đến năm 2022, đặc biệt là những ai làm các công việc cần lặp đi lặp lại nhiều lần những thao tác.

    Cải cách Nhà nước, Brexit, châu Âu : Tựa chính báo Pháp

    Le Monde lo ngại « Cải cách Nhà nước sẽ dẫn đến hồi kết của những tên tuổi lớn » như trường Hành chánh Quốc gia (ENA)trong việc đào tạo ra các quan chức cao cấp tương lai.

    Về mặt xã hội, Libération chạy tựa « Vụ án France Télécom : Không có gì biện minh được cho cái chết tại nơi làm việc ». Phiên xử các cựu lãnh đạo của tập đoàn điện thoại công kéo dài hai tuần qua về tội « quấy nhiễu » cho thấy cách hành xử có hệ thống, bất chấp những vụ tự tử của nhân viên. La Croix nêu ra một kết quả thăm dò cho thấy người Pháp vẫn chia rẽ về việc tiếp nhận người tị nạn, nhưng một phần ba sẵn sàng giúp đỡ về mặt cá nhân.

    Le Figaro nhận xét « Brexit : Nước Anh nóng rực vì bầu cử Nghị Viện Châu Âu ». Thất bại được báo trước của đảng bảo thủ trong cuộc bầu cử hôm nay có thể làm cho thủ tướng Theresa May phải sớm ra đi.

    Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nhận thấy « Gọng kềm đang siết lại xung quanh Boeing ». Do không thể cho các máy bay 737 MAX hoạt động, một số hãng hàng không đòi Boeing bồi thường, trong khi tập đoàn Mỹ cố gắng lấy lại uy tín.

    (RFI) 

    Không có nhận xét nào