Header Ads

  • Breaking News

    CSVN cấm phà Vàm Cống, buộc dân phải trả tiền qua trạm BOT

    AN GIANG, Việt Nam (NV) – Một tuần sau khi xe được chạy trên cầu Vàm Cống, thì phà Vàm Cống “vẫn hoạt động bình thường” và được nhiều tài xế đi về miền Tây chọn do tránh được tình trạng kẹt xe liên miên và phí qua phà rẻ hơn nhiều so với phí qua trạm BOT T2.
    CSVN cấm phà Vàm Cống, buộc dân phải trả tiền qua trạm BOT

    Tuy vậy, theo báo Tuổi Trẻ, Cục Quản Lý Đường Bộ IV thuộc Tổng Cục Đường Bộ “đã đề nghị chấm dứt hoạt động phà Vàm Cống vào lúc 0 giờ ngày 1 Tháng Sáu.”

    Trong những ngày qua, trạm BOT T2 liên tục phải xả cửa do vấp phải sự phản đối quyết liệt của giới tài xế với lập luận “chỉ sử dụng có vài trăm mét quốc lộ 91 nhưng lại phải đóng phí toàn tuyến đường nâng cấp gồm quốc lộ 91 và quốc lộ 91B với tổng chiều dài khoảng 45 km.”

    Cánh tài xế được cho là sử dụng chiến thuật ‘”luân xa chiến’”, nghĩa là bất cứ thời khắc nào cũng luôn có từ 30 đến 40 xe hơi, xe vận tải đậu kín ở các làn đường khiến chủ đầu tư bối rối, phải xả trạm để tránh kẹt xe. Hôm 25 Tháng Năm, một số blogger tại hiện trường ghi nhận trạm BOT T2 “kẹt cứng, cứ 10 phút phải xả trạm một lần.”

    Trạm BOT T2 được truyền thông nhà nước ghi nhận đặt ở vị trí cửa ngõ độc đạo ra vào tỉnh An Giang. Điều đáng nói là trong vụ phản đối trạm T2, giới tài xế nhận được sự ủng hộ của một số cựu giới chức địa phương và họ không bị công an chụp mũ “phản động” như trong các vụ phản đối BOT ở những địa phương khác.


    Đại Tá Phan Quang Điểm, cựu phó giám đốc Công An tỉnh An Giang, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: “Từ khi cầu Vàm Cống khánh thành, hàng triệu lượt du khách khắp nơi trong cả nước đổ về An Giang sẽ bị ‘móc túi hợp pháp,’ dù họ chỉ đi vài trăm mét mà phải đóng tiền cho cả tuyến. Bây giờ, dân An Giang muốn đi lên ngắm cầu Vàm Cống cũng phải tốn phí. Hoặc đi xe về Kiên Giang, lên Sài Gòn cũng phải tốn phí. Rõ ràng là họ đang ‘móc túi’ người dân và du khách. Tôi đề nghị trạm T2 nên di dời về đúng vị trí của nó, qua khỏi ngã ba Lộ Tẻ.”

    Tuy vậy, theo báo An Giang, ông Nguyễn Việt Trí, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh An Giang, bảo lưu quan điểm rằng việc di dời trạm BOT T2 “là không khả thi, gây tốn kém không cần thiết.” Thay vào đó, ông này đề nghị “thu tiền tài xế theo đúng quãng đường sử dụng.”

    Cũng theo báo An Giang, ông Nguyễn Văn Khang, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Đầu Tư quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang, cho biết: “Chi phí đầu tư nâng cấp quốc lộ 91 và quốc lộ 91B hết 1,720 tỷ đồng (gần $73.7 triệu). Mỗi tháng, số tiền thu được từ trạm BOT T1 và T2 chỉ hơn 10 tỷ đồng ($428,420), trong khi tiền lãi ngân hàng 10.5 tỷ đồng ($449,841), tính ra vẫn đang lỗ. Nếu dời trạm BOT T2, chủ đầu tư sẽ rất khó khăn.”


    Các phát ngôn trên lý giải việc vì sao trạm BOT T2 từng bị Hiệp Hội Vận Tải Ô Tô tỉnh An Giang kiến nghị di dời tới hơn chục lần nhưng Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN vẫn bảo lưu quan điểm yêu cầu đó là “chung chung, chưa thỏa đáng.”

    Facebooker Thắng Thế Lê, một blogger có gần 30,000 lượt follow, bình luận: “Trạm BOT T2 đặt sai trái bên cầu Vàm Cống, bất cứ ai có năng lực tư duy đều thấy nó sai trái, bất cập. Việc không chịu di dời trạm cho thấy ý chí lưu manh bất chấp của chủ đầu tư trạm BOT này và cơ quan chủ quản là Bộ Giao Thông Vận Tải. Dù sao thì anh em tài xế và người dân quanh BOT T2 cũng khá may mắn so với tình trạng người dân ở các BOT khác trên cả nước, khi họ đang có sự ủng hộ bằng tư duy công chính cần phải có của chính quyền và công an các địa phương.” (T.K.)
     
    (nguoi-viet.com)

    Không có nhận xét nào