Header Ads

  • Breaking News

    Gian lận thi tú tài ở Sơn La, giá nâng điểm gần $43,000

    SƠN LA, Việt Nam (NV) – Công luận hôm 25 Tháng Năm rúng động trước tin giá nâng điểm thi tú tài mỗi trường hợp trong vụ bê bối ở tỉnh Sơn La hồi năm 2018 bình quân là 1 tỷ đồng ($42,842).
    Ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Sơn La, bị khởi tố. (Hình: Tuổi Trẻ)

    Con số này được tờ Tuổi Trẻ tiết lộ, dựa vào kết quả điều tra vụ án gian lận thi cử khiến tám bị can ở tỉnh Sơn La bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ Luật Hình Sự CSVN.

    Báo Tuổi Trẻ tường thuật: “Ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Sơn La, được phân công là ủy viên ban chỉ đạo thi của tỉnh, phó chủ tịch hội đồng thi, trưởng ban vận chuyển và bàn giao đề thi, phó ban thường trực ban coi thi, phó ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.”

    Ông Yến khai rằng “đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh này có tám trường hợp do chính giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Sơn La ‘gửi gắm,’” bài báo cho hay.

    “Cụ thể, theo ông Yến, ngày 28 Tháng Sáu, 2018, ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Sơn La, gọi ông Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho ông Yến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của tám thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo ‘đặt hàng,’” vẫn theo báo Tuổi Trẻ.


    Để sửa bài thi, báo Tuổi Trẻ cho hay “Các bị can rút bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh mang về nhà riêng tẩy xóa, sửa chữa lại theo đáp án của Bộ Giáo Dục Đào Tạo. Khi tổng hợp lại thấy điểm số chưa như ‘đặt hàng,’ họ tiếp tục sửa bài thi ngay tại phòng xử lý bài thi trắc nghiệm.”

    Về “chi phí” giúp rút bài sửa nâng điểm, có bị can trong vụ này khai rằng để rút bài, sửa nâng điểm ba môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu để xét tuyển đại học, bình quân mỗi trường hợp có “giá” là 1 tỷ đồng.

    “Được biết, quá trình điều tra, một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính,” Tuổi Trẻ cho biết thêm.


    Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lại tin của báo Người Đưa Tin cho biết, ông Hoàng Tiến Đức tỏ ra khá bất ngờ rồi trả lời “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy” khi bác tin ông “nhờ sửa bài nâng điểm cho tám thí sinh” trong kỳ thi tú tài năm 2018 do cấp dưới là ông Trần Xuân Yến khai với cơ quan điều tra.

    Con số 1 tỷ đồng được cho là nằm ngoài khả năng kinh tế của đa số người dân một tỉnh miền núi Tây Bắc được ghi nhận có hàng trăm ngàn gia đình nghèo như Sơn La. Do vậy, công luận có cơ sở để cho rằng chỉ những gia đình quan chức mới có đủ khả năng chi trả số tiền này cho con em họ trong kỳ thi tú tài.

    Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, Tỉnh Ủy Sơn La “đã yêu cầu số cán bộ đảng viên có con nằm trong danh sách những thí sinh được nâng điểm ở Sơn La phải làm giải trình.”


    Nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu bình luận trên trang cá nhân: “Các cán bộ rất quyết tâm lo cho tương lai con em mình, nhưng đây là viên gạch lót nền trên con đường lưu manh. Mà các cán bộ lấy đâu ra lắm tiền thế? Chăn nuôi heo, buôn chổi đót, chạy xe ôm? Nhất định là không. Kết quả của đớp ngoặm tiền ngân sách, bớt xén công trình công cộng mà ra. Rồi đây, khi thế hệ lưu manh sau ra đời, hành vi đớp ngoặm của chúng sẽ còn tàn bạo hơn nữa cơ.”

    Trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La, điều khiến dư luận băn khoăn là có quá nhiều dấu hiệu khuất tất trong việc điều tra.

    Hồi Tháng Tư, 2019, một số blogger đặt câu hỏi: “Bộ Giáo Dục Đào Tạo CSVN đóng vai trò gì trong vụ gian lận khi mà danh sách những trường hợp được nâng điểm thi tú tài ở tỉnh Sơn La lại được bộ đóng dấu ‘tuyệt mật?’ Theo một thông tư do Bộ Công An CSVN ban hành, danh mục ‘Bí mật nhà nước’ không bao gồm danh sách chấm thẩm định các bài thi.” (T.K.)
     
    (nguoi-viet.com)

    Không có nhận xét nào