Header Ads

  • Breaking News

    'Đòn chí mạng' với Huawei

    TTO - Từ cuộc chiến thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu của nhau, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã nhanh chóng chuyển sang cuộc chiến công nghệ với 'cú đấm chí mạng' đầu tiên đến từ Washington.

    Google đã loại Huawei khỏi danh sách được nhận một số cập nhật cho hệ điều hành Android

    Sáng 20-5 (giờ Việt Nam), những ai đang dùng điện thoại, máy tính của Hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc "sốc" trước thông tin Google sẽ dừng cung cấp các dịch vụ phần cứng, phần mềm của họ cho hãng Trung Quốc này.

    "Đòn hiểm"

    Quyết định của Google là động thái tuân thủ sắc lệnh được ông Trump ký vài ngày trước, lấy lý do đảm bảo an ninh quốc gia, cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm, dịch vụ cho bất cứ hãng công nghệ Trung Quốc nào bị liệt vào danh sách đen thương mại (entity list) nếu không được Chính phủ Mỹ cho phép.

    "Chúng tôi đang tuân thủ sắc lệnh và đánh giá các tác động của nó", người phát ngôn của Google cho biết trong thông cáo chính thức về quyết định ngừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho Huawei.

    Mặc dù thời điểm chính thức có hiệu lực của việc Google "nghỉ chơi" với Huawei ngay lúc này chưa rõ ràng, song về cơ bản, những sản phẩm tới đây của Huawei sẽ không còn được sử dụng hệ điều hành Android đang chiếm thị phần lớn nhất hiện nay trên thị trường thiết bị di động.

    Chỉ chừng đó tổn thất cũng đã đủ khiến nhiều người dùng có thể không còn muốn ngó ngàng tới sản phẩm của Huawei nữa, song nguy cơ lớn nhất chính là Huawei sẽ bị loại bỏ thẳng thừng khỏi cái gọi là "hệ sinh thái công nghệ" mà ông lớn Goolge đã và đang thiết lập ở cấp độ bao phủ trong thời Internet vạn vật (IoT).

    Bị cắt khỏi hệ sinh thái Google sẽ là một đòn chí mạng giáng vào tham vọng của Huawei muốn vượt qua Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới.

    Do đó, "cơn đau đầu" ngay lúc này của Huawei là quyết định của Google sẽ ảnh hưởng ra sao tới doanh số bán smartphone của họ.

    Đành rằng hầu hết các sản phẩm phổ biến nhất của Google như Gmail, YouTube và Google Maps đều bị cấm tại Trung Quốc (và Huawei phải sử dụng các lựa chọn thay thế trong nước như WeChat của Tencent hay Maps của Baidu), song doanh thu của công ty này lại phụ thuộc lớn vào các nước khác chứ không chỉ Trung Quốc.

    Có tới một nửa doanh số bán smartphone năm ngoái của Huawei đến từ các thị trường ngoài Trung Quốc, theo dữ liệu thống kê của hai hãng phân tích thị trường Canalys và IDC.

    Năm ngoái, phần lớn nhất trong doanh thu của Huawei đến từ các sản phẩm smartphone, laptop, máy tính bảng, các thiết bị đeo theo người như đồng hồ thông minh. Phần này đạt gần 349 tỉ nhân dân tệ (50 tỉ USD), chiếm hơn 45% tổng thu nhập năm 2018 của công ty.

    Dĩ nhiên, với vị thế là nhà sản xuất smartphone số 2 thế giới, Huawei tỏ ra không quá sốc trước biến cố.

    Họ cho biết sẽ "đánh giá những ảnh hưởng từ các hành động của Mỹ với khách hàng", đồng thời cho biết đã dành ít nhất 3 năm để phát triển xong một hệ điều hành riêng, "kế hoạch B" trong tình huống xấu nhất để không phải lụy vào các ông lớn như Google hay Microsoft.

    Trên các tài khoản mạng xã hội chính thức của Huawei tại nhiều quốc gia trong ngày 20-5 đã đăng tải thông điệp trấn an người dùng của hãng. Huawei khẳng định sẽ tiếp tục mang tới người dùng những sản phẩm và trải nghiệm dịch vụ tốt nhất.

    Công ty cũng sẽ tiếp tục cung cấp các bản nâng cấp bảo mật và dịch vụ cho các dòng sản phẩm smartphone và máy tính bảng sau quyết định dừng hợp tác của Google. Nhưng những điều này không đủ trấn an người dùng Huawei.

    Trì hoãn triển khai 5G của Huawei

    Cùng với Google, theo Hãng tin Bloomberg, các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới như Intel, Qualcomm và Broadcom ngày 19-5 đã thông báo cắt các giao dịch làm ăn với Huawei, và những quyết định này lập tức có hiệu lực.

    Các nhà sản xuất chip nhớ khác của Mỹ như Micron Technology và Western Digital cũng đã tạm ngừng giao hàng cho Huawei. Không chỉ các hãng công nghệ Mỹ, theo Hãng tin Nikkei (Nhật Bản), nhà sản xuất chip Infineon Technologies của Đức cũng dừng làm ăn với Huawei.

    Theo Đài CNN, cho tới chiều 20-5, Microsoft vẫn chưa phản hồi về vấn đề họ sẽ giải thích như thế nào với các hợp đồng cấp phép sử dụng hệ điều hành của hãng cho các laptop và máy tính bảng của Huawei.

    Tất cả những diễn biến này, theo các chuyên gia phân tích của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, "đã đặt Huawei và các mạng lưới khách hàng của Huawei trên toàn cầu vào tình trạng rủi ro lớn khi công ty này không thể nâng cấp phần mềm của họ và tiến hành các hoạt động bảo trì định kỳ cũng như thay thế phần cứng".

    Sắc lệnh cấm của Nhà Trắng cũng sẽ làm rối loạn chuỗi cung cấp toàn cầu vì các doanh nghiệp nước ngoài không thể bán các sản phẩm có chứa linh kiện, bộ phận thiết bị của Mỹ sản xuất cho Huawei, đây là phân tích của chuyên gia Lawrence Ward, một đối tác thuộc hãng luật quốc tế Dorsey & Whitney.

    Chẳng hạn, Huawei sẽ không thể mua chipset từ một nhà cung cấp Đài Loan nếu những chipset đó chứa bộ phận hay linh kiện do Mỹ sản xuất.

    Bên cạnh đó, với vị thế là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, sắc lệnh của Nhà Trắng cũng có thể làm trì hoãn tiến trình triển khai trên diện rộng mạng di động thế hệ 5 (5G) trên toàn thế giới của Huawei.

    Ngoài Trung Quốc, Huawei cũng đã ký hàng chục hợp đồng triển khai mạng 5G thương mại trên toàn cầu. Trong đó có 25 hợp đồng tại châu Âu, 10 hợp đồng ở Trung Đông. Nếu Huawei không được mua linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ, các hợp đồng này khó có thể hoàn thành.

    Bắc Kinh quyết bảo vệ lợi ích doanh nghiệp

    Theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20-5 cho biết đang đánh giá các thông tin liên quan tới việc Google dừng các hợp đồng chuyển giao phần cứng và phần mềm cho Huawei và sẽ quyết tâm bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của các công ty Trung Quốc tại nước ngoài.

    Các hãng công nghệ Mỹ cũng mất tiền tỉ

    Đài CNN dẫn phân tích của giới chuyên gia ước tính việc mất một khách hàng "sộp" như Huawei sẽ khiến các hãng công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ) tổn thất khoảng 11 tỉ USD doanh thu.

    Năm ngoái, Huawei mua 70 tỉ USD các đồ linh kiện, bộ phận thiết bị từ 13.000 nhà cung cấp. Trong số đó, 11 tỉ USD là tiền mua các sản phẩm từ hơn một chục doanh nghiệp Mỹ, trong đó có chip máy tính của Qualcomm và Broadcom, phần mềm của Microsoft và Android của Google.

    Trên Đài Fox, thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Roomney nói các công ty và người dùng Mỹ có thể phải chấp nhận hi sinh phần nào đó để đổi lấy lợi ích lâu dài trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.

    Huawei vẫn có thể sống tiếp (với hệ điều hành Android họ đang có) và xây dựng ứng dụng, cũng như dịch vụ riêng trên đó. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể thành hiện thực trong vòng một đêm.

    Bà Kiranjeet Kaur (quản lý hoạt động nghiên cứu của Công ty Dữ liệu quốc tế tại châu Á - Thái Bình Dương)

    Huawei có thể tiếp tục bán điện thoại ra bên ngoài Trung Quốc, chỉ khi nào họ tự vận hành được một phiên bản Android riêng, giống như hệ điều hành họ đang có tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Huawei cùng những chiếc điện thoại Honor của họ cần cải tiến nhiều hơn, rẻ hơn so với Samsung hay bất kỳ đối thủ nào khác ở Trung Quốc như Oppo, Xiaomi và OnePlus. Khi đó họ mới có thể thuyết phục mọi người sử dụng một thiết bị không có ứng dụng Google và App Store.

    Ông Jean Baptiste Su (chuyên gia nghiên cứu của Hãng tư vấn Atherton Research)

    Điều này giống như công tắc cho án tử tức thời, đối với tham vọng soán ngôi Samsung trên thị trường toàn cầu của Huawei.

    Bà Nicole Peng (phó chủ tịch mảng di động của Hãng phân tích Canalys)

    Viễn cảnh cực đoan về sự sụp đổ của mạng lưới viễn thông Huawei có thể đẩy Trung Quốc thụt lùi nhiều năm. Trung Quốc thậm chí có thể coi đây là một hành động khiêu chiến. Một viễn cảnh thất bại như thế sẽ có nhiều hàm ý quan trọng đối với thị trường viễn thông toàn cầu.

    Ông Ryan Koontz (chuyên gia phân tích của Công ty Rosenblatt Securities)

    NGUYÊN HẠNH (tổng hợp từ Bloomberg, SCMP và CNN)

    Không có nhận xét nào