Header Ads

  • Breaking News

    Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm rung chuyển liên minh truyền thống của Mỹ như thế nào?

    Tổng thống Trump hiện đang căng sức để thiết lập 1 liên minh toàn cầu chống Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại nhưng điều này là rất khó khăn.
    Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm rung chuyển liên minh truyền thống của Mỹ như thế nào?

    Sự trỗi dậy của Trung Quốc

    Hiện nay, tại những vườn nho ở thung lũng phía đông nam và tây nam - nơi từng sản xuất rất nhiều loại rượu vang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng - người dân Australia đã chuyển sang sản xuất những sản phẩm với giá thành rẻ hơn để xuất sang thị trường Trung Quốc.

    Kể từ năm 2008, xuất khẩu rượu vang Australia sang Mỹ đã giảm 37% và xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 959%.

    Theo The New York Times (Mỹ-NYT), ngoài Australia thì các đồng minh truyền thống của Mỹ trên khắp thế giới đang chuẩn bị cho một thế giới mà Mỹ không còn là trung tâm kinh tế, bởi bất chấp mọi phiền toái khi làm ăn với Trung Quốc nhưng logic địa lý kinh tế quan trọng hơn các đồng minh truyền thống.

    Mâu thuẫn này thể hiện rõ ở nhiều quốc gia có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Mỹ, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, có thể chưa có nước nào cảm nhận rõ sự tác động hơn Australia. Australia từ lâu được coi là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ nhưng hiện nay họ bị kéo theo hướng ngược lại bởi thị trường Trung Quốc.

    Trong cuộc bầu cử dự kiến ​​vào ngày 18/5, hai chính đảng lớn đã kêu gọi một chính sách đối ngoại cân bằng để bảo vệ liên minh an ninh quốc gia lâu dài giữa Australia và Mỹ, đồng thời tìm cách thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc.

    Các nhà lãnh đạo của hai đảng này không kêu gọi phản đối Trung Quốc mạnh mẽ như Tổng thống Donald Trump và cũng không sử dụng thuế quan để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.

    Tuy nhiên, các liên kết văn hóa giữa Australia và Mỹ vẫn còn mạnh mẽ. Quân đội hai nước - đã sát cánh chiến đấu trong Thế chiến thứ hai và gần đây đã gửi quân tới Afghanistan, Iraq. Cơ quan tình báo hai nước vẫn chia sẻ một số thông tin tối mật.

    Nhưng về kinh tế, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh Australia hiện coi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là những đối tác quan trọng ngang ngửa nhau.

    "Lợi ích của chúng tôi không hoàn toàn giống như Mỹ", cựu Đại sứ Úc tại Trung Quốc Geoff Raby nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, ông hiện cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty kinh doanh ở cả hai nước.

    "Điều này không có nghĩa là chúng tôi không thể có mối quan hệ thân thiết và hữu nghị với Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi không thể giống Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược".

    Ảnh hưởng tới quan hệ liên minh truyền thống của Mỹ

    Australia về cơ bản là một quốc gia có quy mô kinh tế tầm trung đang tìm một chỗ đứng trong nền kinh tế thế giới và muốn duy trì mối quan hệ tốt với cả hai siêu cường. Họ coi Mỹ là đồng minh trong các vấn đề an ninh quốc gia nhưng cũng hiểu rằng nền kinh tế hiện tại và tương lai của họ lại kết nối với Trung Quốc. Từ năm 2015, đã có một thỏa thuận thương mại giữa Australia và Trung Quốc.

    NYT cho rằng, dân số khổng lồ và tăng trưởng chóng mặt của Trung Quốc chắc chắn sẽ lôi kéo nhiều quốc gia vào quỹ đạo kinh tế của nước này. Nhưng sự hấp dẫn mạnh mẽ này cũng phản ánh bước đi gần đây của Mỹ - những bước đi làm suy yếu thể chế hệ thống kinh tế mà chính người Mỹ xây dựng và lãnh đạo trên toàn cầu.

    Ví dụ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp thuế các sản phẩm thép và nhôm của các đồng minh thân thiết vì lý do an ninh quốc gia, Washington đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhằm mục đích thành lập một nhóm thương mại có thể chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc v.v...

    Trong khi đó, chính phủ Australia hiện tại, đứng đầu là Thủ tướng Scott Morrison, luôn tìm cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc. Australia đã thông qua một đạo luật nhằm giảm bớt ảnh hưởng nước ngoài về chính trị và cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và an ninh mạng.

    "Chắc chắn, trong tương lai, chúng ta sẽ ở một vị trí cạnh tranh chiến lược cao hơn trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Morrison nói trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại quan trọng vào cuối năm ngoái.

    NYT cho biết, các nhà lãnh đạo của đảng Lao động Australia không hoàn toàn thân thiện với chính quyền Tổng thống Trump. Mục tiêu tranh cử của họ là giành lại quyền lực kể từ năm 2013, họ ủng hộ quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng dường như họ cũng không muốn bị kéo quá gần với Trung Quốc hoặc Mỹ.

    Các chính đảng của Australia hiện nay đều đánh giá cao mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

    "Sự im lặng về vấn đề này trong chiến dịch vận động tranh cử khiến người ta cảm thấy ghê sợ", Richard McGregor, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Lowy ở Sydney, nói, "Cả hai đảng đều biết rằng những gì họ tuyên bố khi tranh cử có thể khiến họ gặp khó khăn hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai."

    Nguyên nhân xuất phát từ cấu trúc kinh tế của Australia. Mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế nhất của Australia bao gồm quặng sắt, than và khí tự nhiên. Đây là nguyên liệu góp phần tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 30 năm qua. Nhưng các ngành công nghiệp tài nguyên thiên nhiên này chỉ là một phần của nền kinh tế Australia.

    Các trường đại học Australia có khoảng 165.000 sinh viên Trung Quốc. Họ là nguồn thu nhập quan trọng của trường này.

    Người tiêu dùng Trung Quốc đã làm cho thị trường bất động sản Australia bùng nổ, ít nhất là cho đến gần đây. Nhưng khi chính phủ Trung Quốc thực thi các biện pháp nghiên ngặt nhằm hạn chế nguồn tiên chuyển ra nước ngoài, động thái này đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến ngành bất động sản Australia lao đao.

    Ngành công nghiệp rượu vang của Australia trước đây hầu như hoàn toàn hướng đến thị trường nội địa và sau đó mở rộng xuất khẩu sang Anh và sau đó sang Mỹ. Nhưng trong 10 năm qua, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Australia.

    Tầng lớp trung lưu Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Thuế quan song phương đã giảm sau hiệp định thương mại được hai nước ký kết năm 2015. Ngoài ra, các chiến dịch quảng cáo tiếp thị quy mô lớn đảm bảo rằng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ủng hộ các thương hiệu Australia.

    Ông Tony Battaglene, người đứng đầu hiệp hội rượu vang Australia, cho biết: "Chúng tôi không muốn bất kỳ bên nào nghĩ rằng chúng tôi là đối thủ của họ, bởi vì điều này liên quan đến nền tảng chính trị nhất định và chúng tôi không muốn bị cuốn vào vòng xoáy đó".

    Năm 1994, bà Catherine Cervasio thành lập công ty Aromababy tại Melbourne để sản xuất các sản phẩm chăm sóc da hữu cơ. Bà bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang Hồng Kông và Singapore, sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục từ năm 2008. Thị trường này hiện đóng góp khoảng một nửa doanh thu của công ty.

    Mặc dù công ty chưa xuất khẩu sang Mỹ nhưng bà Savasio hy vọng sẽ phát triển kinh doanh tại Mỹ trong tương lai. "Mỹ có vị trí địa lý xa hơn," bà nói đã đến thăm Trung Quốc bảy lần vào năm ngoái và bắt đầu học tiếng Trung.

    Trên thực tế, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào những năm 1980, sự tích hợp giữa dân số và địa lý đã thu hút sự chú ý của Australia.

    Hai cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm qua khiến Australia nhận ra tình thế cấp bách để duy trì thế cân bằng giữa hai siêu cường.

    "Cộng đồng doanh nghiệp Úc hoặc chính phủ Úc không nhất thiết phải thiết lập liên minh một cách cứng nhắc với Trung Quốc hay Hoa Kỳ", Adrian Perkins, đối tác của văn phòng luật sư King & Wood Mallesons nói. Công ty này là kết quả của sự hợp nhất giữa một công ty luật Trung Quốc và một công ty luật Úc. "Điều hợp lý là giữ tất cả các lựa chọn. Chúng tôi sẽ không phải lựa chọn đóng cửa".

    NYT cho biết, đối với nền kinh tế và địa chính trị Úc, cách tiếp cận hợp lý có nghĩa là mối quan hệ đặc biệt mà Australia và Mỹ đã có sẽ không còn quá đặc biệt.
     
    An An 

    Không có nhận xét nào