Header Ads

  • Breaking News

    Thực hư cáo buộc 'đối tượng xấu lợi dụng tăng giá điện gây mất trật tự'

    Văn phòng Chính phủ Việt Nam phát đi cảnh báo "các đối tượng xấu lợi dụng việc điều chỉnh giá điện gây mất trật tự" trong lúc một nhà quan sát nói với BBC rằng "người dân bị bóp cổ thì họ họ la lên là hoàn toàn hợp lý".

    Tiền điện tăng được cho là ảnh hưởng mạnh đến các gia đình, nhất là người nghèo
    Thông báo của Văn phòng Chính phủ Việt Nam ghi: "Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của việc tăng giá điện ngày 20/3 đến sản xuất và đời sống nhân dân."

    "Các bộ cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, không để các đối tượng xấu lợi dụng gây mất trật tự an ninh xã hội."

    Hôm 8/5, nhà báo tự do Sương Quỳnh, nói với BBC:

    "Việc chính quyền làm gì sai rồi vu khống cho "đối tượng xấu" hay Việt Tân hay "thế lực thù địch" đã là chuyện thường xuyên không có gì ngạc nhiên hay là trường hợp "lạ". Việc vu khống này chỉ hòng trốn tránh trách nhiệm và đó là hành vi coi thường pháp luật cũng như người dân."

    "Một khi bị bóp hầu bóp cổ với việc hóa đơn tiền điện tăng không phải 8,3 % như công bố mà bị tăng từ 35-57% thì người dân la lên là hoàn toàn hợp lý."

    "Đó là dân Việt Nam đã bị đè đầu cưỡi cổ và bị đàn áp nhiều nên mới chỉ la thôi, còn ở các nước khác thì người dân xuống đường biểu tình đòi công ty điện bồi thường hay đòi thủ tướng, bộ trưởng phải từ chức rồi. Ví dụ như tình hình ở Pháp thời gian qua, giá xăng mới tăng vài Euro mà người dân biểu tình cả tháng nay."

    'Nhiều phản ứng khác nhau'

    Từ góc độ khác, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia kinh tế từ Đại học Strasbourg, Pháp, nói với BBC:

    "Để hiểu bài toán về giá điện ở Việt Nam, chúng ta nên hiểu rõ các yếu tố sau:

    Việc sản xuất điện ở Việt Nam phụ thuộc vào thủy điện khá cao, theo số liệu của World Bank (Ngân hàng Thế giới) thì tỷ lệ này là gần 37% vào năm 2015, trong khi đó số liệu tương ứng ở Trung Quốc là 19% và của Thái Lan là chỉ khoảng 3%. Do đó, nguồn cung cấp thủy điện ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhất là vào mùa khô."

    "Việc một mặt hàng tăng giá sẽ có tác động giảm tiêu dùng mặt hàng đó. Nhiều nghiên cứu trong ngành kinh tế đã chỉ ra điều này. Tăng giá điện sẽ kích thích hành vi tiết kiệm sử dụng điện ở các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì điện là mặt hàng cần thiết nên cần phải có thời gian thì tác động này mới hiện rõ."

    "Giá điện tăng cũng sẽ kích thích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện. Nếu nhà nước có chính sách kích hoạt các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...), việc tăng giá điện là một biện pháp hiệu quả."
    TS Ngô Trí Long: 'Biểu giá điện lũy tiến là bất cập'

    "Việc tăng giá điện vừa qua (+8,36% vào tháng 3/2019) gây nhiều phản ứng khác nhau, theo tôi có các lý do sau: Có nghi ngờ trong dân vì các tiêu cực trong ngành điện, người dân nghi ngờ là việc tăng giá nhằm giúp cho ngành điện trả các khoảng lỗ, thất thoát do tiêu cực, tham nhũng."

    "Người dân quan tâm vì điện là mặt hàng cần thiết, cũng như xăng dầu. Đây không phải là những hàng hóa xa xỉ. Việc tăng giá điện và xăng dầu có ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của người dân."

    "Tốc độ tăng giá trong một lần như vậy (+8,36%) là khá cao, tác động mạnh đến thu nhập người dân, nhất là người thu nhập thấp, mặc dù giá điện hiên nay ở Việt Nam có thể nói là không cao so với các nước khác trong khu vực. Theo tôi, về vấn đề này, Nhà nước nên có chính sách trợ giá (ví dụ như tăng trợ cấp hoặc giảm VAT trên giá điện cho các hộ gia đình nghèo, VAT hiện nay là 10%). Ở Pháp phong trào áo vàng đã bắt đầu từ cuối năm 2018 là do giá xăng dầu tăng mạnh lên một cách đột ngột (dù động cơ có lẽ hơi khác so với Việt Nam, đó là ở Pháp việc tăng giá có nhắm đến bảo vệ môi trường)."

    Giá điện 'sẽ tăng trong tương lai'

    Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú nói thêm:

    "Nhiều người đòi hỏi phải mở cửa thị trường ngành điện ở Việt Nam thì giá mới giảm. Ngược lại cũng có người nói giá điện sẽ tăng. Ý kiến riêng của tôi là Việt Nam có thể mở cửa cạnh tranh cho thị trường bán điện cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Riêng về hoạt động sản xuất điện và chuyền tải điện, bởi vì là hoạt động sản xuất cần rất nhiều vốn (nhất là vốn cố định, fixed costs), tính độc quyền xuất hiện ở đây (vì chỉ có các doanh nghiệp lớn, thuộc nhà nước hoặc tư nhân, mới dám đầu tư vào lĩnh vực này). Do đó ở đây sẽ rất cần sự can thiệp của Nhà nước."

    "Tôi cũng thiên về ý kiến là giá điện ở Việt Nam sẽ tăng trong tương lai vì ít nhất ba nguyên nhân. Thứ nhất, nguồn cung cấp điện vẫn còn phụ thuộc vào thủy điện (phụ thuộc nhiều vào thời tiết) và nhiệt điện (với giá than và gas sẽ tăng lên trong tương lai)."

    "Thứ hai, nguồn cung cấp điện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam, sẽ gây sức ép làm tăng giá. Thực vậy, theo số liệu của World Bank, lượng điện tiêu thụ tính theo đầu người ở Việt Nam còn thấp hơn Thái Lan nhưng đang có xu hướng tăng mạnh hơn (vào năm 2010, một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 1.016kWh trong khi một người Thái dùng 2.307kWh, nhưng đến năm 2015, các con số này là 1.411kWh ở Việt Nam và 2.539kWh ở Thái Lan; tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là khoảng 6,5% ở Việt Nam so với 2% ở Thái Lan)."

    "Cuối cùng là do yêu cầu tất yếu, việc tính đến tác động môi trường (sản xuất điện gây ô nhiễm không khí và tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính) sẽ đẩy giá điện lên cao, dù có mở cửa cạnh tranh hay không," Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú nói với BBC.

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào