Header Ads

  • Breaking News

    Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU sắp ký, lợi ích ‘khổng lồ’

    Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ rằng dự kiến ngày 30/6, Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết ở Hà Nội.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị ASEM Á-Âu hồi tháng 10/2018 tại trụ sở Liên minh Châu Âu ở Brussels

    Ông Phúc nói với truyền thông hôm 25/6: "EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu."

    EU cũng xác nhận Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh doanh Romania Stefan-Radu Oprea sẽ bay sang Hà Nội ký ngày 30/6.

    Tuyên bố của EU đưa ra ngày 25/6 sau khi Hội đồng châu Âu thông qua thỏa thuận.

    EU nói các thỏa thuận sẽ đem lại "lợi ích chưa từng có" cho hai phía, đồng thời "thúc đẩy quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu".

    Thỏa thuận thương mại sẽ loại bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa hai bên, theo tuyên bố của EU.

    Sau khi EU và Việt Nam ký, thỏa thuận lại còn phải đệ trình cho Nghị viện châu Âu chuẩn thuận.

    Nếu Nghị viện châu Âu cũng thông qua, thỏa thuận thương mại sẽ được Hội đồng châu Âu duyệt lần chót để đi vào hiệu lực.

    Đồng thời, thỏa thuận bảo hộ đầu tư còn chờ từng nước trong EU thông qua.

    Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây thăm châu Âu, làm việc với các nước nhằm thúc đẩy thông qua việc ký và phê chuẩn EVFTA, IPA giữa Việt Nam - EU.

    Giữa năm ngoái, Việt Nam và EU đã thống nhất tách EVFTA thành 2 hiệp định với phần chính hiệp định cũ là Hiệp định thương mại tự do (FTA) và phần còn lại là Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).

    Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Asean, chỉ sau Singapore.

    Hiệp định cũng bao gồm các điều khoản cụ thể gỡ bỏ các trở ngại về mặt kỹ thuật, ví dụ như trong ngành ô tô, và sẽ đảm bảo 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU được công nhận và bảo hộ về Chỉ dẫn Địa lý tại Việt Nam.

    EU khẳng định nhờ có hiệp này, các công ty Châu Âu sẽ có thể tham gia vào các gói đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam một cách bình đẳng như các công ty trong nước.

    Ngoài ra, Hiệp định (tự do thương mại) cũng ràng buộc hai bên phải tôn trọng và triển khai có hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các quyền căn bản của người lao động.

    Việt Nam gần đây đã phê chuẩn Công ước của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, và đã thông báo với EU ý định phê chuẩn hai công ước căn bản còn lại của ILO muộn nhất là vào thời điểm năm 2023.

    Thêm vào đó, hiệp định tự do thương mại có một kết nối về mặt pháp lý và thể chế với Hiệp định Khung về Hợp tác và Đối tác Toàn diện Việt Nam - EU (PCA), cho phép có những hành động phù hợp trong trường hợp các quyền con người bị vi phạm, theo lời EU.

    Hiệp định về bảo hộ đầu tư bao gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua Hệ thống mới Tòa án về Đầu tư đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả hai phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân

    'Rất khó đoán'

    Trước đó, hôm 20/6, trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia kinh tế từ Đại học Strasbourg, Pháp, nói:

    "Việc đại sứ EU nói EVFTA sẽ được đưa ra nghị viện châu Âu phê chuẩn vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 là tin tốt, sau nhiều tháng trì hoãn."

    "Tuy nhiên, quá trình thảo luận ở nghị viện EU thì chúng ta khó đoán trước được vì đây là các nghị sĩ EU khóa mới (mới được bầu vào tháng 5/2019), mà hình như xu hướng dân tộc chủ nghĩa và bảo hộ mậu dịch trong khóa này có vẻ cao hơn trước đây. Chẳng hạn ở Pháp thì số nghị sĩ EU của đảng cực hữu của bà Le Pen và đảng của tổng thống Macron bằng nhau."

    "Nếu nói là kết quả này đạt được nhờ phái đoàn Việt Nam vận động hay không thì tôi nghĩ là có. Việc dùng lobby ở châu Âu hay ở Mỹ là bình thường. Nếu như nghị viện EU thông qua EVFTA thì rất tốt cho hàng hóa Việt Nam, có khả năng vào châu Âu tăng cao hơn trước đây."

    "Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng hàng hóa Việt Nam cần phải theo chất lượng châu Âu nghiêm ngặt. Điều này cũng tốt cho cách làm ăn kinh tế của các doanh nghiệp Việt."

    Ông Phú cũng bình luận thêm:

    "Theo dõi về việc tường thuật về EVFTA, tôi thấy báo chí Việt Nam ít đưa tin về các thảo luận liên quan đến yếu tố chính trị."

    "Đến nay, nhiều nghị sĩ và tổ chức hiệp hội EU đã lên tiếng về việc cần đưa vấn đề nhân quyền vào việc thảo luận EVFTA với Việt Nam, nhưng chắc các báo Việt Nam tránh nhắc tới yếu tố này."

    "Thực ra, theo quan sát cá nhân, thì trong quá khứ, nghị viện châu Âu ít có tác động chính trị lên các nước ngoài châu Âu về các vấn đề chính trị, nhân quyền. Điển hình là trường hợp Iran, ta thấy trong các nước dân chủ thì chỉ có Mỹ mới có ảnh hưởng thực sự."

    "Do đó, theo tôi, các mong đợi về thay đổi chính trị kèm theo EVFTA rất khó đoán trước được."


    Hồi tháng 1/2019, bà Jude Kirton-Darling, dân biểu EU, cho BBC biết Romania đã ghi trong chương trình làm việc tạm thời là Hội đồng Châu Âu chỉ có thể ký FTA và IPA "sớm nhất là cuối tháng 5/2019".

    "Đến tháng Năm, có lẽ Hội đồng Châu Âu sẽ ký FTA, rồi để Nghị viện châu Âu khóa sau có thể bỏ phiếu," bà Kirton-Darling nói với BBC.

    Thời điểm đó, báo Việt Nam trích lời bà Kim Ngân bày tỏ mong muốn Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn EVFTA.

    Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định Việt Nam "luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà hoạch định chính sách kinh tế và doanh nghiệp châu Âu để Hiệp định được triển khai một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên".

    Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) ban đầu kết thúc đàm phán tháng 12/2015.

    Ngày 26/6/2018, để hiệp định có thể sớm hoàn tất, EVFTA được tách làm hai hiệp định, một về thương mại ̣(FTA) và một về bảo hộ đầu tư (IPA).

    Tháng 8/2018, hai bên hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với FTA và IPA.

    FTA thuộc thẩm quyền ký kết của Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu.

    IPA cần được Nghị viện châu Âu và nghị viện các nước thành viên phê chuẩn.

    Ý kiến một người dân

    Hôm 24/6, bà Ngô Thị Thứ, giáo viên trung học nghỉ hưu, nói với BBC từ TP.Hồ Chí Minh: "Tôi mong EU lập văn phòng về nhân quyền để ghi nhận ý kiến của người dân vì Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng nói đảm bảo tôn trọng nhân quyền nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại."

    "Ngoài ra, một vấn đề khác đáng chú ý là Quốc hội Việt Nam đang bàn sửa đổi luật về công đoàn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã biết về xã hội dân sự thì khá chắc nhà nước sẽ cho lập một số công đoàn độc lập trá hình và cũng sẽ đe dọa, làm khó những ai có ý định thành lập công đoàn độc lập thật sự."

    "Tôi mong EU có thể lập và công bố một văn phòng trợ giúp công đoàn để những nhóm muốn lập công đoàn độc lập có thể thông báo trực tiếp những khó khăn họ gặp phải từ chính quyền."

    "EU có thể giúp huấn luyện những ai muốn học cách thành lập, cách sinh hoạt công đoàn độc lập, và các ràng buộc pháp lý của Nhà nước Việt Nam đối với EU trong lãnh vực công đoàn và nhân quyền."

    "Một đề xuất khác là EU nên có bộ phận nhận các báo động trực tiếp của người dân Việt Nam về những vụ gian lận hàng Trung Quốc đột lốt hàng Việt Nam để tránh thuế. Sự gian lận đó đánh mất nhiều công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam và có thể cũng vi phạm hiệp định EVFTA."

    (BBC)

    Không có nhận xét nào