Header Ads

  • Breaking News

    Đỗ Thái Nhiên - Sai lầm kép


    SAI LẦM LẦN THỨ NHẤT


    Đầu thập niên 1970, Trung Quốc sống trong mong muốn thoát vòng đói khổ. Trong khi đó, Hoa kỳ có mưu định biến Trung Quốc thành một quốc gia hùng mạnh nhằm sát cánh với Mỹ trên trận đồ đối kháng với Liên Xô. Hai suy nghĩ kia gặp nhau: ngày 6 tháng 4 năm 1971, bang giao Mỹ Trung được diễn ra dưới tên gọi “ Ngoại giao bóng bàn”.
    Sai lầm kép


    Những năm kế tiếp, Washington rất hào phóng và chăm chỉ “vỗ béo” Bắc Kinh với hy vọng lơ mơ rằng kinh tế phát triển sẽ kéo theo dân chủ nhân quyền như một hệ quả tất nhiên và rằng Trung Quốc rồi ra sẽ là một đồng minh lương hảo của Hoa Kỳ. Hy vọng lơ mơ vừa kể được diễn ra hơn bốn thập niên... Cuối cùng Trung Quốc vươn mình trổi dậy như một chế độ hung hiểm. Trung Quốc giao thương với Mỹ theo các cung cách:

    1)Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

    2)Trung Quốc cưỡng bách doanh nhân Mỹ chuyển nhượng bí mật kinh doanh.

    3)Trung Quốc đẩy Mỹ rơi vào chênh lệch trầm trọng về thương mãi.

    4)Trung Quốc quyết tâm thay đổi kinh tế, không thay đổi chính trị. Chính sách này tuyệt đối chà đạp nguyên tắc chất và lượng tác động xoay chiều: lượng đổi làm chất đổi và ngược lại. Lượng là kinh tế, chất là chính trị. Kinh tế tư do (giả mạo) đi kèm với chính trị độc tài là cội nguồn của mọi tội ác chính trị kinh tế.

    Với đầu óc hung hiểm trong kinh thương, khi bước vào thế giới công nghệ, Trung Quốc nhanh chóng trở thành hung thần công nghệ.

    Hung thần đối nội: kiểm soát người dân vô cùng tinh vi và nghiệt ngã .

    Hung thần đối ngoại: khống chế thế giới bằng ma thuật tình báo truyền thông.

    Chiến tranh thương mãi Mỹ Trung chỉ là bước mở đầu của chiến tranh công nghệ, tai hại hơn, khốc liệt hơn.

    Những điều trình bày khái quát ở trên là sự diễn tả rằng : Trong các thập niên qua Hoa Kỳ đã hổ trợ Trung Quốc phát triển kinh tế trên nền tảng thay đổi kinh tế, không thay đổi chính trị. Đây là sai lầm thứ nhất.

    SAI LẦM LẦN THỨ HAI .

    Bây giờ là trung tuần tháng 6 năm 2019, Mỹ và Trung Quốc đang đụng độ lẫn nhau trên nhiều trận địa phức tạp: thương mãi, công nghệ, tiền tệ, Đài Loan, Biển Đông... Việt Nam là quốc gia quan trọng hàng đầu mà Mỹ cần “đồng minh hóa”. Mỹ thuyết phục và “kết nạp” Viêt Nam bằng hai mối lợi :

    Về kinh tế

    Chiến tranh thương mãi Mỹ Trung là cơ hội để Mỹ mặc nhiên mở đường cho Việt Nam nhận được những lợi lộc sau đây:

    “Các khoản đầu tư mới được đăng ký tại Viêt Nam đã tăng 81% và nguồn vốn xây dựng các cơ sở sản xuất mới đã tăng 215%, theo số liệu của chính phủ từ tháng 4/2019. Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ cũng tăng 28,8% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với năm ngoái.”

    ( VOA May/9/2019)

    Về quốc phòng

    “Chúng tôi nóng lòng muốn làm việc tiếp với chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng họ có các thiết bị (quân sự) tốt nhất trên thế giới và các thiết bị đó tới từ Mỹ”.

    Bà Andrea L. Thompson Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, nói trong cuộc họp báo hôm June/3/19.

    (VOA, June/9/2019)

    Kịch bản Mỹ Việt chống Tàu đã rập khuôn theo kịch bản Mỹ Tàu chống Nga. Vẫn tập trung vào viện trợ kinh tế quốc phòng. Vẫn xem dân chủ nhân quyền là người khách lạ. Vẫn thay đổi kinh tế, không thay đổi chính trị. Ngày nào đó Cộng Sản Việt Nam quay lại chống Mỹ sẽ không là một ngạc nhiên. Hai sai lầm vừa kể giống nhau như hai giọt nước. Đây là sai lầm kép.

    Vấn đề không là sai lầm kép sản sinh ra các chế độ chống Mỹ, vấn đề chính là công thức “thay đổi kinh tế không thay đổi chính trị “ dẫn đến hành động chống lại công-lý-chất-và-lượng-tác- động-xoay- chiều, chống lại dân chủ nhân quyền, chống lại loài người.

    PHƯƠNG PHÁP CHỮA TRỊ SAI LẦM KÉP

    Đâu là phương pháp giải trừ tệ nạn “thay đổi kinh tế, không thay đổi chính trị” ? Câu trả lời nằm trong tư tưởng của học giả Phan Châu Trinh ( Hội An, Việt Nam 1872-1926) .

    Tư tưởng Phan Châu Trinh được trình bày theo một bố cục đơn giản, khoa học và thuyết phục. Tiền đề triết học. Nhận thức luận. Và phương pháp luận. Bố cục vừa kể làm nổi bật nội dung rằng: Nhân quyền là quyền sống của con người được nhìn trên quan điểm thống nhất, tĩnh lặng và trừu tượng. Đi vào đời sống cụ thể của xã hội dân tộc, nhân quyền chuyển biến thành dân quyền. Nhân quyền là sao bắc đẩu của dân quyền. Tư tưởng Phan Châu Trinh phản ánh dân quyền trên ba luận điểm cốt lõi như sau:

    DÂN TRÍ là quyền của người dân được học hiểu trọn vẹn về tư tưởng giới, tự nhiên giới và xã hội giới.

    DÂN SINH là quyền của người dân được thỏa mãn mọi nhu cầu của đời sống. Nhu cầu thể chất là cơm ăn, nhà ở, công việc làm... Nhu cầu tinh thần là tự do yêu thương tổ quốc, yêu thương gia đình, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do chính trị...

    DÂN KHÍ đây là luận điểm xuất sắc và độc đáo của tư tưởng Phan Châu Trinh. Nhờ vào dân trí, người dân có được hiểu biết thế nào là “cuộc dân sinh tuyệt hảo” mà người dân có quyền được hưởng. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để người dân có đủ cam đảm xây dựng, bảo vệ và phát triển “cuộc dân sinh tuyệt hảo” kia ? Phan Châu Trinh gọi lòng can đảm vừa nêu là dân khí. Không có dân khí thì dân trí, dân sinh hiển nhiên là chỉ hai tảng đá thô thiển và nặng nề. Người dân phải được tu luyện dân khí.

    Trong diễn dạt tư tưởng, để dễ nhận thức: Dân trí, Dân sinh, Dân khí được viết thành ba phân đoạn riêng biệt. Trong thực tại đời sống dân trí, dân sinh, dân khí thường hằng gắn bó với nhau, thường hằng thống nhất. Chất và lượng thống nhất. Chính trị và kinh tế thống nhất. Thay đổi kinh tế không thay đổi chính trị là một dối gạt trắng trợn trên địa bàn trí tuệ.

    Học, hiểu và vận dụng dân khí để áp dụng tư tưởng Phan Châu Trinh trong nỗ lực kiến tạo môt xã hội dân sinh tuyêt hảo là phương pháp ngắn gọn nhất, khoa học nhất trong việc giải trừ tệ nạn sai lầm kép, tệ nạn “thay đổi kinh tế, không thay đổi chính trị”. Hơn thế nữa, tư tưởng Phan Châu Trinh còn là công dụng kiến tạo một xã hội dân chủ, nhân quyền cân bằng và bền vững.

    Sự nghiệp Phan Châu Trinh xứng đáng được tri ân.

    Tư tưởng Phan Châu Trinh cần được vinh danh và truyền bá, cần được chuyển biến thành hành động sống thực tiễn.

    Đỗ Thái Nhiên

    Không có nhận xét nào