Header Ads

  • Breaking News

    Thanos Hong Kong và viên đá thần thứ năm

    Trong một bài viết đặc sắc mang tên “End Game” trên website cá nhân, nhà văn – luật sư người Hong Kong Jason Y. Ng đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về những tranh cãi liên quan đến dự luật dẫn độ ở đặc khu này, thông qua một lăng kính thú vị: Vũ trụ Marvel từ loạt phim siêu anh hùng The Avengers.



    Bà Carrie Lam được ví von với Thanos để giới trẻ dễ hình dung những tham vọng và kế hoạch của bà đối với Hong Kong. Ảnh: AP/The Avengers.

    Hàng trăm ngàn người dân Hong Kong đã xuống đường biểu tình tối ngày 09/06/2019. Trước đó, 3.000 luật sư tụ tập diễu hành trong im lặng. Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ trở thành phong trào có số lượng người tham dự đông đảo nhất trong lịch sử Hong Kong.

    Nguyên nhân của các cuộc biểu tình đã được báo chí trong nước giải thích khá đầy đủ: người dân Hong Kong chống đối việc thông qua một dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm hình sự về Trung Hoa đại lục cho tòa án và nhà chức trách Trung Quốc xử lý. Một số giải thích dễ hiểu hơn về tranh cãi liên quan đến dự luật cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Việt Nam.

    Trái ngược với phong trào Dù vàng có nhiều quan điểm trái ngược, cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ về Trung Quốc nhận được sự ủng hộ rất lớn của hầu hết cư dân Hong Kong. Nhiều chủ doanh nghiệp thậm đồng ý cho nhân viên nghỉ có hưởng lương để thể hiện bất đồng với Bắc Kinh. Ảnh: SCMP/Robert Ng

    Nói chung, tuy những người ủng hộ dự luật này chỉ ra mục đích chính đáng của nó (xử lý các nghi phạm hình sự gây án ngoài lãnh thổ Hong Kong nhưng đang bị giam giữ ở Hong Kong), giới luật sư và nhiều người dân Hong Kong vẫn cho rằng dự luật này có rủi ro lớn đe dọa nhân quyền và nền pháp quyền (rule of law) của Hong Kong.

    Bởi vì nội dung dự luật hoàn toàn có thể bị chính quyền Hong Kong (vốn chịu kiểm soát của chính quyền Trung Quốc) lạm dụng để dẫn độ những nhà hoạt động nhân quyền và giới bất đồng chính kiến Hong Kong sang Trung Quốc để Bắc Kinh dễ bề xử lý.

    Cuộc tranh giành những “viên đá thần”

    Trong loạt phim The Avengers, nhân vật phản diện chính là một quái nhân vũ trụ tên là Thanos. Y thực hiện âm mưu cướp đoạt sáu viên đá thần kỳ có năng lực điều khiển các yếu tố quan trọng nhất vũ trụ

    Năm viên đá đó được gọi là những Viên đá Vô cực: Đá Tâm hồn, Đá Thời gian, Đá không gian, Đá Tâm trí, Đá Hiện thực, và Đá Quyền lực.

    Khi có đủ sáu viên đá này, Thanos có thể gắn chúng vào một găng tay sắt. Với quyền năng tụ họp từ cả năm viên đá, một cái búng tay dùng găng tay sắt đó có thể làm biến mất một nửa sinh vật trong toàn vũ trụ.

    Lý do cho âm mưu độc ác này của Thanos? “Giúp vũ trụ cân bằng trở lại”.

    Trong bài viết của mình, tác giả Jason Y Ng so sánh Thanos với vị Đặc khu trưởng của Hong Kong là bà Carrie Lam, người đề xuất dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

    Nếu Thanos có một lý do nghe rất mỹ miều cho âm mưu của y là “cân bằng lại vũ trụ” thì bà Carrie Lam cũng có một lý do mỹ miều không kém cho dự luật của mình: lấp một “lỗ hổng pháp lý” (legal loophole) để giúp Hong Kong không còn là “chỗ trú ẩn cho tội phạm quốc tế”.

    Vấn đề không nằm ở việc mục đích của bà tốt đẹp thế nào, mà là ở phương tiện để đạt được mục đích đó.

    Thanos chọn làm biến mất một nửa số sinh vật trong vũ trụ. Bà Carrie Lam chọn một dự luật có khả năng làm suy yếu nền pháp quyền vốn có truyền thống tôn trọng nhân quyền của Hong Kong.

    Phép so sánh ẩn dụ của tác giả Jason Y. Ng cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh hữu ích hơn nữa: Trong bối cảnh chính trị Hong Kong, dự luật dẫn độ mới này chỉ là để lắp thêm một viên đá thần đầy quyền lực vào cái “găng tay sắt” của bà Lam.

    Giống Thanos, bà Carrie Lam đang từng bước giành giật các “viên đá thần” quyền lực về tay chính quyền Hong Kong. Để cuối cùng chính quyền này có thể bằng một cái búng tay khiến cho một nửa dân số Hong Kong phải im lặng trước quyền uy của nhà nước.

    Vậy “găng tay sắt” của chính quyền Hong Kong hiện nay đang có những “viên đá thần” nào?

    Hai viên đá “Quyền lực”

    Đầu tiên là hai viên đá “Quyền lực” trong Luật Cơ bản (Basic Law) – hiến pháp của Hong Kong.

    Theo phân tích của tác giả Jason Y. Ng, Luật Cơ bản hiện nay có hai cơ chế khiến cho luật pháp Hong Kong không thực sự nằm trong tay các nhà lập pháp do người dân Hong Kong tín nhiệm bầu ra, tức là các dân biểu của Hội đồng Lập pháp (Legislative Council – Legco).

    Cơ chế thứ nhất nằm trong Điều 158 trong Luật Cơ bản, quy định quyền tối cao trong việc giải thích Luật Cơ bản thuộc về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc nằm ở… Bắc Kinh.

    Thực tế là chính quyền Hong Kong đã dùng cơ chế này để “xin chỉ đạo” từ chính quyền Trung Quốc trong một số quyết định gây tranh cãi, bao gồm các quyết định năm 2017 loại bỏ tư cách dân biểu lập pháp của một nửa số dân biểu do người dân Hong Kong bầu ra.

    Cơ chế “viên đá Quyền lực thứ hai” nằm trong Phụ lục II của Luật Cơ bản, bảo đảm là trong 70 ghế đại biểu của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông luôn có 35 ghế dành cho các nhóm cử tri nghiệp đoàn (functional constituencies). Tức là chỉ có 35 ghế đại biểu lập pháp của Hong Kong là thực sự do người dân bầu bằng lá phiếu dân chủ.

    35 đại biểu của cử tri nghiệp đoàn hoàn toàn là do khoảng 29 nhóm nghiệp đoàn, các nhóm lợi ích khác nhau bầu ra, thông qua bỏ phiếu nội bộ trong mỗi nhóm, thay vì bỏ phiếu dân chủ. Ví dụ, ghế đại biểu của nhóm cử tri nghiệp đoàn kỹ sư (Engineering functional seat) do khoảng vài nghìn kỹ sư đăng ký hoạt động ở Hong Kong bầu ra.

    Tác giả Jason Y Ng nhận định rằng các nhóm cử tri nghiệp đoàn phần lớn thường ủng hộ giới doanh nghiệp Hong Kong, ủng hộ chính quyền Hong Kong và chính quyền cộng sản Trung Quốc.

    Như vậy, thông qua 35 ghế cử tri nghiệp đoàn, chính quyền Hong Kong thực sự đã có quyền lực bác bỏ mọi dự luật do các cử tri dân chủ đề xuất, đồng thời có quyền lực “đóng dấu” rubber stamp thông qua các dự luật có lợi nhất cho chính quyền và cho nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Kinh.

    Hai viên đá “Thủ tục”

    Đã kiểm soát chặt quyền lực lập pháp trong tay, chính quyền Hong Kong dưới triều bà Carrie Lam từ năm 2014 cũng đã tận dụng hai viên đá “Thủ tục” để góp phần ngăn chặn các ứng cử viên dân chủ tham chính.

    Viên đá “Thủ tục” đầu tiên là cơ chế viên chức giám sát bầu cử (returning officer). Trong một hệ thống dân chủ lành mạnh, viên chức giám sát bầu cử phải chí công vô tư trong nhiệm vụ của mình.

    Chính quyền bà Lam đã biến cơ chế này thành một “màng lọc” để loại ra các ứng cử viên nào mang tư tưởng đối lập với chính quyền Hong Kong và với chính quyền Bắc Kinh.

    Viên đá “Thủ tục” thứ hai là một thay đổi gần đây trong quy định thủ tục của Hội đồng Lập pháp: không cho phép thực hành filibuster.

    Filibuster là một cơ chế đặc trưng trong mô hình nghị viện dân chủ Anh-Mỹ mà Hong Kong thừa hưởng từ thời còn là thuộc địa Anh. Khi thực hiện filibuster, các dân biểu Hong Kong có thể nói cho đến khi kiệt sức để ngăn chặn hoặc trì hoãn Hội đồng Lập pháp đưa một quyết định nào đó.

    Tác giả Jason Y Ng cho rằng quyền filibuster là “hàng phòng thủ cuối cùng” của các nhà lập pháp Hong Kong nào muốn chống lại các dự luật họ cho là xấu. Nay quyền này đã không còn nữa.

    Dự luật dẫn độ: Viên đá Không gian

    Trong bối cảnh chính trị như thế, tác giả Jason Y Ng cho rằng dự luật dẫn độ là viên đá thứ năm trong công cuộc cơi nới quyền lực của chính quyền bà Carrie Lam.

    Ông Ng so sánh dự luật này với viên đá Không gian trong vũ trụ Marvel. Viên đá này có khả năng mở ra các lỗ hổng không gian giúp cho người ta xuyên không từ nơi này sang nơi khác của vũ trụ trong nháy mắt.

    Tương tự, dự luật dẫn độ có khả năng khiến cho bất kỳ ai ở Hong Kong – người dân bản địa, người nước ngoài, ngay cả những khách du lịch – có thể bị “kéo xuyên không” về Trung Hoa lục địa để đối mặt với các cáo buộc hình sự.

    Thực tế là chính quyền Bắc Kinh đã từng dùng các điều khoản luật hình sự “chả liên quan gì” để xử lý những người làm họ khó chịu ở Hong Kong.

    Tác giả Jason Y Ng đề cập đến vụ những người bán sách tại Causeway Bay từng bị Trung Quốc bắt cóc về Trung Hoa lục địa năm 2015. Lần đó, một nhóm những chủ nhà sách chuyên bán sách phê phán chính quyền Trung Quốc ở Hong Kong đã biến mất một cách bí ẩn.

    Một người trong số họ sau đó bất ngờ xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc trong một màn “thú tội”. Ông này thú nhận từng phạm tội lái xe đụng người rồi bỏ chạy.

    Nhưng dự luật dẫn độ không chỉ có khả năng cho phép một chính quyền dùng một tội hình sự giả (fabricated) để bắt những người bất đồng chính kiến. Nó cũng cho phép việc khám xét và tịch thu đồ dùng, tài sản, dữ liệu cá nhân của các nghi phạm rồi chuyển những thứ đó cho cơ quan điều tra Trung Quốc.

    Theo tác giả Jason Y. Ng, việc này phải là một hồi chuông cảnh báo lớn cho tất cả mọi người ở Hong Kong, từ những chủ doanh nghiệp nhỏ cho đến các nhà báo đang đóng tại Hong Kong chuyên đưa tin về Trung Quốc, và cho đến cả các công ty công nghệ lớn như Google hay Apple.

    Dự luật dẫn độ cũng trở nên đặc biệt nguy hiểm nếu được đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang có thương chiến với Hoa Kỳ và căng thẳng ngoại giao với Canada vì vụ bắt phó chủ tịch Huawei. Giờ đây, một ai đấy quá cảnh ở sân bay Hong Kong cũng có thể bị bắt bằng các cáo buộc hình sự giả mạo, để rồi biến thành một quân cờ mặc cả trong tay chính quyền Trung Quốc.

    “Hồi kết” của cuộc đấu tranh quyền lực tại Hong Kong?

    Tác giả Jason Y Ng cho rằng viên đá thần cuối cùng mà chính quyền bà Carrie Lam đang lăm le nhắm tới cho đủ bộ sáu viên đá thần là Điều 23 của Luật Cơ bản liên quan đến chống phản động (subversion) ở Hong Kong.

    Đã có các đồn đoán ở Hong Kong rằng chính quyền sẽ không áp dụng Điều 23 này bằng các quy định luật pháp chi tiết do cơ quan lập pháp Hong Kong soạn thảo, mà sẽ “xin chỉ đạo” trực tiếp từ chính phủ Trung Quốc thông qua Điều 158 như đã nói ở trên.

    Khi dự luật dẫn độ được thông qua, những người bất đồng chính kiến Hong Kong có thể bị cáo buộc tội phản động chiếu theo một diễn giải Điều 23 của chính quyền Trung Quốc, sau đó bị dẫn độ về Trung Quốc bằng chính luật dẫn độ gây tranh cãi kia.

    Không như các siêu anh hùng Avengers, người dân Hong Kong không có máy thời gian để mà quay ngược về quá khứ để giải cứu chính mình.

    Tác giả Jason Y Ng cho rằng xuống đường biểu tình là cách duy nhất để người dân Hong Kong có thể ngăn chặn “một cú búng tay khiến toàn xã hội Hong Kong im lặng” trước quyền lực nhà nước.

    Chúng ta cùng chờ xem cuộc đấu tranh của người dân Hong Kong sẽ tiếp diễn thế nào.



    Từ khóa:dẫn độ: to extradite (v), extradition (n)
    thể chế pháp quyền: rule of law (np)
    tội phạm chính trị: political crimes (np)
    động cơ chính trị: political motivation (np)
    lỗ hổng pháp lý: legal loophole (np)
    Hội đồng Lập pháp Hồng Kông: Legislative Council (np)
    nền pháp quyền: rule of law (np) 
     
    Phùng Anh Khương  
     
    (luatkhoa.org)

    Không có nhận xét nào