Header Ads

  • Breaking News

    Tưởng Năng Tiến – Đường Sắt Cao Tốc & Những Đoàn Tầu Vét

    Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh. - Kiều


    Khi được hỏi “âm thanh của hai chữ hoà bình gợi lên điều gì cho ông,” nhà thơ Viên Linh đã trả lời rằng:

    “Tiếng máy xình xịch của xe hoả, khói phun trắng xoá đường rầy, để tôi có thể làm như Tản Đà, chán Sài gòn thì nhẩy tầu ra Hà Nội. Chán Hà Nội thì nhẩy tàu vô Nam. Và dừng lại chiếc ga xép nơi tôi đã ra đời, đã chơi đùa với con tầu sắt suốt thời niên thiếu: ga Đồng Văn” (Nguyễn Nam Anh. “Đi Xa Với Viên Linh.” Văn Mar. 1972).

    Thưở ấy, thi sĩ của chúng ta còn trẻ – rất trẻ, rất đỏm dáng (trong cách ăn mặc, cũng như ăn nói) và cũng rất ngây thơ về thời cuộc. Sự ngây thơ của ông, công tâm và khách quan mà nói, chính là nét dễ thương (chung) của rất nhiều người dân sống ở miền Nam – vào thời điểm đó.

    Trước đó không lâu, Trịnh Công Sơn cũng đã mường tượng ra một viễn ảnh thanh bình (làm say đắm lòng nguời) một cách hồn nhiên và… thơ ngây không kém:”Một đoàn tầu đi nhả khói ấm hai bên rừng… ”

    Gần nửa thế kỷ sau, sau khi đất nước hoà bình và thống nhất, trong một bức thư ngỏ của Tiến sĩ Trần Đình Bá gởi cho ông Nguyễn Hữu Bằng (Tổng Giám Đốc Công Ty Đường Sắt VN) có đoạn như sau:

    Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) tụt hậu hơn thời nô lệ (trước 1945)... Có trực tiếp đi lại bằng đường sắt mới thấy hết cảnh nhếch nhác, tệ hại, khủng khiếp của tình trạng ĐSVN hiện nay. Nào là chỗ ngồi chật như nêm, bán hàng rong lên xuống toa tàu như đi giữa chợ, bán hàng ăn uống trên tàu quá dở, giá cắt cổ, khách hàng đứng nằm la liệt trên toa, xe bán hàng của tàu kéo qua, kéo lại không biết bao nhiêu lần trong một ngày, tình trạng say xỉn, đánh bài ngay trên toa tàu thường xuyên diễn ra, thái độ phục vụ đanh đá, vô văn hóa của nhân viên trên tàu,… và rất nhiều những hình ảnh xấu trên các đoàn tàu mà ai cũng có thể nhìn thấy.

    Qua một bài viết khác (“Tại Sao Trẻ Con Ném Đá Lên Tầu”) độc giả còn được biết thêm nhiều chi tiết rất lạ lùng, và ngại ngùng, khác nữa khiến không ít người vỡ mộng về những “đoàn tầu thống nhất” của nhạc sỹ TrịnhCông Sơn.

    Tầu hoả Việt Nam trông đã không mấy hiện đại, lại còn bị bọc lưới thép ở các ô cửa sổ trông chẳng khác nào những nhà tù di động. Mà bọc lưới thép, thì bọn trẻ con không ném đá nữa, chúng ném thứ khác có thể lọt qua lớp lưới, như bùn, nước bẩn, thậm chí cả phân người.”

    Qua khảo sát, người ta vỡ lẽ ra rằng nạn ném đá lên tầu không phải là trò đùa vô bổ của đám trẻ con vô ý thức. Đó là những hành động có ý thức, trả đũa việc tầu hoả gây ra tai nạn làm thiệt hại về người và của, trả đũa những hành động khách đi tầu vứt rác và chất thải xuống hai bên đường, trả đũa việc tầu hoả gây ra tiếng ồn và làm ô nhiễm môi trường...

    Như thể để trả lời cho công luận (nói chung) trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo chí, Tổng Giám Đốc Công Ty Đường Sắt VN, ông Nguyễn Hữu Bằng tuyên bố: “Chúng tôi luôn xác định phải đi tắt đón đầu, phải làm một tuyến đường sắt hiện đại ngang bằng thế giới.

    Nói cách khác, theo như ông Bằng thì cứ bỏ mẹ nó mấy đoạn đường sắt cổ lỗ sĩ (cùng với mấy chuyện phiền phức, lặt vặt đi kèm – đại loại như thái độ phục vụ đanh đá và vô văn hóa của nhân viên, chỗ ngồi chật như nêm, bán hàng rong lên xuống toa tàu như đi giữa chợ, tình trạng say xỉn, đánh bài ngay trên toa, hoặc chuyện trẻ con ném đất đá và cứt đái lên tàu) qua một bên để “đi tắt đón đầu, làm một tuyến đường sắt hiện đại ngang bằng thế giới” – cho nó khỏi nhức đầu và… tiện việc sổ sách.

    Khỏe!

    Đề xuất này của ông Nguyễn Hữu Bằng tuy không không được Quốc Hội chấp thuận nhưng lại được sự đồng tình và nhất trí (cao) của mọi giới quan chức, ở Việt Nam – theo thông tin của Báo Pháp Luật:

    “Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.HCM (ĐSCT Bắc-Nam) đã được trình tại kỳ họp thứ bảy QH khóa XII nhưng không được QH thông qua do lo ngại về tính hiệu quả cũng như làm tăng gánh nặng nợ nần cho quốc gia… Tuy nhiên, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã khởi động lại dự án trên.”

    Cái “tuy nhiên” ngang xương (và ngang hông) này được ông Tổng giám đốc Công ty tư vấn Đầu tư và Xây dựng (đơn vị lập dự án thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) giải thích với báo giới rằng “Quốc Hội không thông qua chứ không phải bác.”

    Miệng người sang, rõ ràng, có gang có thép! Q.H có thông qua hay không chỉ là chuyện nhỏ, nếu chưa muốn nói là… đồ bỏ!

    Còn mối bận tâm về ngân khoản, nợ nần để thực hiện dự án thì đã được (nguyên) Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng – một người sang khác, và sang hơn nhiều – trình bầy chi li, rành mạch, cặn kẽ, và rốt ráo tự lâu rồi:

    “Với đà tăng trưởng hiện nay, đến 2020, GDP sẽ đạt gần 300 tỷ USD; 2030 là 700 tỷ USD; 2040 đạt 1.200-1.400 tỷ USD và đến 2050 sẽ gấp đôi số đó. GDP bình quân đầu người đến 2050 dự kiến lên 20.000 USD, thay vì mức hơn 1.000 USD hiện nay. Nếu cứ lấy ngưỡng an toàn vay nợ là 50% GDP, đến 2020, Việt Nam có thể vay 150 tỷ mà vẫn an toàn… Với mức vay nợ như vậy, chúng ta có thể làm được… Tôi yên tâm. Yên tâm rằng phải làm... “

    Theo như cách tính toán của ông Hùng thì Việt Nam hội đủ điều kiện để có thể vay tiền làm (đến) hai Dự án ĐSCT Bắc/Nam, nếu thích, chứ đâu phải một. Tôi còn nghe có người bàn rằng: “Cứ làm luôn cả hai để chạy song song cho nó thêm phần nhộn nhịp, và khiến cho đám trẻ con quê mùa – sống hai bên đường – bị rơi vào tình trạng phân tâm, không biết ném đá vào đâu nữa.”

    Tất nhiên, đó chỉ là một cách nói vui chứ vấn đề này đã được ông Nguyễn Đạt Tường, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, đặt ra và giải quyết ổn thoả rồi. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Pháp Luật & Xã Hội, ông hân hoan và lạc quan tuyên bố: “Tránh đầu tư không có tầm nhìn… Còn đối với tình tạng trẻ ném đá lên tầu, tôi tin 15 năm nữa dân trí của chúng ta sẽ khác.”

    Tầm nhìn của ông Phó Thủ Tướng, và Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt – rõ ràng – hơi xa (quá) nên khiến nhiều người e ngại và ái ngại! Tác giả Nguyễn Quang Thân lêntiếng, khuyên can đừng đánh cược tương lai:

    “Chúng ta coi kiến nghị của nhiều trí thức và nhân sĩ là nghiêm túc và có trách nhiệm, cần được xem xét cũng với tinh thần tương xứng. Bởi vì đây không còn là chuyện lời lỗ một dự án. Đây là sự tồn vong của đất nước và con em chúng ta, không từ một ai, mai sau.”

    Nhận định dè dặt của ông Nguyễn Quang Thân, tiếc thay, không phù hợp với đường lối và chủ trương truyền thống (đi tắt đón đầu) của những người Cộng Sản Việt Nam. Gần hai phần ba thế kỷ qua, họ vẫn mang tương lai của cả dân tộc này ra đánh cược đều đều. Lần nào họ cũng thắng và nhân dân thì luôn luôn đại bại.
     
    Tưởng Năng Tiến
     
    (Blog Tưởng Năng Tiến) 

    Không có nhận xét nào