Header Ads

  • Breaking News

    Uông Dương phát biểu lạc điệu với truyền thông nhà nước về thương chiến

    Từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ đến nay, hiếm thấy các Thường ủy Bộ Chính trị và các quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện quan điểm của họ. Mới đây, nhà báo Đài Loan Hoàng Trí Hiền đã tiết lộ về những phát biểu không công khai của ông Uông Dương – Thường ủy Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Thái độ của ông Uông Dương đối với chiến tranh thương mại dường như có sự khác biệt đối với những gì mà đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang tuyên truyền.



    Thái độ khác lạ về chiến tranh thương mại của Uông Dương có thể cho thấy sự chia rẽ ở cao tầng

    Ngày 4/6, nhà báo Hoàng Trí Hiền đã có một bài viết trên tờ “Thời báo Trung Quốc” tại Đài Loan, tiết lộ về phát biểu liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung của ông Uông Dương. Trước đó, ngày 24-29/5, Hoàng Trí Hiền đã cùng đoàn làm báo đến Bắc Kinh phỏng vấn.

    Trong bài viết, Hoàng Trí Hiền có nói, ông Uông Dương cho biết, tranh chấp thương mại Trung – Mỹ là nước cờ thế kỷ giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông cho rằng, hành động của Mỹ là “đang dồn ép khiến Đại lục sáng tạo”, “điều này sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách mở cửa. Đại lục thuận thế lợi dụng sức mạnh bên ngoài, để đẩy nhanh tốc độ cải cách mở cửa, giảm thiểu trở lực nội bộ”.

    Giới quan sát chú ý đến việc ông Uông Dương nói về nội tình của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, hoàn toàn không cùng giai điệu với chính quyền Trung Quốc. Và đây lại là lần đầu tiên lãnh đạo cấp Thường ủy Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trình bày một cách hệ thống quan điểm về chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.

    Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, hội nghị gần đây nhất của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã thảo luận về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, dù không thể biết được nội dung thảo luận là gì, nhưng khi ông Uông Dương gặp mặt một đoàn thể Đài Loan cũng đã đưa ra một số thông tin. Rất kỳ lạ, giọng điệu của ông Uông Dương không phải là kiểu ĐCSTQ và người dân là bị hại, mà là Mỹ bức ép Trung Quốc, bức ép Trung Quốc phải đi con đường mới. Đây hoàn toàn là một quan điểm lạc quan.

    Bài viết cho rằng, điều này rất khó hình dung rằng những lời của ông Uông Dương là “nhận thức chung” của 7 Thường ủy Bộ Chính trị. Mỹ ép buộc Trung Quốc cải cách, giảm thiểu trở lực nội bộ, sáng tạo khoa học công nghệ, đẩy nhanh tiến trình mở cửa; nếu như vậy, thì chẳng phải đang là điều mà Mỹ “muốn mà không được” sao? Ông Tập Cận Bình có nghĩ như vậy không?

    Tờ Epoch Times có bình luận nói, giọng điệu của ông Uông Dương và truyền thông nhà nước ĐCSTQ hoàn toàn không giống nhau, cũng cho thấy sự chia rẽ trong Trung Nam Hải thể hiện ra bề mặt.
    Chiến tranh thương mại tiếp tục nóng lên, nội bộ ĐCSTQ lên tiếng lộn xộn

    Đầu tháng 5, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bỗng nhiên nóng trở lại, chính quyền Trung Quốc lật lại những điều khoản đã đàm phán với chính quyền Trump. Ngày 8/5, Reuters dẫn lời của 3 nhân sĩ trong chính quyền Tổng thống Trump và 3 nhân sĩ thuộc khu vực tư nhân cho biết, tối ngày 3/5, Washington nhận được công điện ngoại giao từ Bắc Kinh, phía Trung Quốc sửa đổi một cách hệ thống bản thảo cam kết thương mại dày 150 trang, khiến cho thành quả đàm phán thương mại Mỹ – Trung trong nhiều tháng hoàn toàn đổ bể.

    Thái độ trong nội bộ ĐCSTQ đối với cuộc chiến thương mại này, trên bề mặt từ thái độ cứng rắn trong tuyên truyền của ĐCSTQ gần đây có thể suy đoán được tình hình chung, bởi vì trong hộp đen chính trị bí mật nhưng không phong kín, thì cũng khó tránh không để lộ ra nội tình chia rẽ.

    Hôm 2/6, tại Diễn đàn An ninh châu Á tại Singapore (Đối thoại Shangri-La), khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa được hỏi về vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang liên tiếp leo thang, ông Ngụy Phượng Hòa đã lớn tiếng:“Muốn đàm phán, cửa lớn mở rộng; muốn đánh, sẽ theo tới cùng.”

    Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải năm ngoái từng có thái độ cứng rắn về chiến tranh thương mại “sẽ theo tới cùng”, thì ngày 24/5 mới đây khi trả lời phỏng vấn của Bloomberg lại nói, “Trước giờ tôi cho rằng ‘chiến tranh thương mại’ là một câu không thích hợp. Thương mại có nghĩa là có lợi ích qua lại, chiến tranh nghĩa là hủy diệt lẫn nhau. Sao lại có thể để hai khái niệm hoàn toàn khác nhau đặt vào trong một câu được?”

    Ngày 12/5, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SMCP) đưa tin, một số người có ảnh hưởng thuộc phe ôn hòa trong nội bộ ĐCSTQ phản đối ông Tập Cận Bình làm bừa trong vấn đề quan hệ Trung – Mỹ, trong những người này, có người là thế hệ đỏ thứ 2 và quan chức nghỉ hưu. Họ yêu cầu chính quyền cần xem xét lại sách lược tổng thể đối với Mỹ, kêu gọi “tầng lãnh đạo ĐCSTQ tiến hành điều chỉnh chính sách”.

    Trương Mộc Sinh, một quan chức nghỉ hưu được coi là cố vấn của Lưu Nguyên (con trai cố lãnh đạo ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ) cho rằng, “Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã quá tùy tiện, chưa thể nhận thức được sự chênh lệch khổng lồ giữa Trung Quốc và Mỹ trong rất nhiều lĩnh vực”. Ông cho rằng, tuyên truyền ra bên ngoài với cái gọi là “mô hình Trung Quốc” hay “phương pháp Trung Quốc” là không cần thiết, chỉ có thể tự rước lấy chỉ trích.

    Cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Lý Nhược Cốc từng phát biểu tại một diễn đàn hồi đầu năm nay rằng, “Quan hệ Trung – Mỹ là nền tảng của quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới phương Tây”, ông kêu gọi chính quyền cần hiểu nhiều hơn về suy nghĩ của Mỹ, để điều chỉnh chính sách đối với Mỹ. Quan điểm của Lý Nhược Cốc được sự tán đồng của những nhân sĩ thuộc phe tự do, trong đó có Hồ Đức Bình (con trai của cố lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Diệu Bang).
    Chiến tranh thương mại khiến nội bộ ĐCSTQ chia rẽ, Uông Dương và Vương Hộ Ninh không cùng phe

    Đầu năm ngoái (2018), khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chưa bùng nổ, đã có kênh truyền thông Đài Loan đăng bài xã luận trích dẫn lời của nhân sĩ trong nội bộ ĐCSTQ nói, những người thuộc phe thực dụng như Vương Kỳ Sơn, Lưu Hạc, Uông Dương biết rõ rằng quốc lực kiệt quệ, không chịu nổi một trận chiến. Tuy nhiên, “thành viên chủ chốt không rành thực tế của ĐCSTQ” và “người thuộc phe bảo thủ với dụng tâm hiểm ác” lại cực lực cổ súy tình cảm chủ nghĩa dân tộc, cổ súy khai chiến với Mỹ.

    Tháng 7 – 8/2018, trong thời gian diễn ra hội nghị bí mật Bắc Đới Hà, một hiện tượng hiếm thấy đó là nhiều quan chức giấu tên của ĐCSTQ đã mượn truyền thông Hồng Kông để lên tiếng về chiến tranh thương mại. Họ nhất trí đẩy trách nhiệm chiến tranh thương mại cho bộ phận quan chức trong nội bộ đảng và truyền thông của đảng, cho rằng cao tầng nội bộ ĐCSTQ có người giải thích lệch lạc ý đồ của trung ương do ông Tập đứng đầu, từ đó liên tiếp đưa ra chỉ lệnh tuyên truyền không thích đáng.

    Reuters từng dẫn nguồn tin nói rằng, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thực sự khiến cho nội bộ ĐCSTQ chia rẽ, trong đó có ông Vương Hộ Ninh bị rơi vào phiền phức. Ông Vương Hộ Ninh bị phê bình là sử dụng “chủ nghĩa dân tộc một cách quá độ” để dẫn hướng sai ông Tập Cận Bình từ đó khiến Mỹ tức giận, và làm cho lập trường của Mỹ trở nên cứng rắn hơn.

    Từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ đến nay, Thường ủy Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh – người quản lý về mặt đảng vụ và tuyên truyền, trở thành người gây nhiều tranh cãi. Có nhận định cho rằng, ông Vương Hộ Ninh bên cạnh ông Tập Cận Bình, nhưng thực ra từ lâu đã trung thành với ông Giang Trạch Dân (người trọng dụng Vương từ thời đầu). Việc ông Vương Hộ Ninh gần đây làm tuyên truyền mạnh về chống Mỹ cũng bị nghi ngờ là đang “đặt bẫy” ông Tập Cận Bình.

    Ngày 2/6, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Sách trắng về đàm phán thương mại Trung – Mỹ, đổ lỗi rằng Mỹ khiến đàm phán thương mại đổ bể. Có nhân sĩ trong giới kinh tế Hồng Kông nói, ĐCSTQ tuyên truyền trái sự thực, không những phủ nhận cáo buộc của Mỹ mà còn chỉ trích ngược lại Mỹ. Trong Sách trắng toàn những lời giả dối, huênh hoang khoác lác và sáo rỗng.

    Đài RFI bình luận, Sách trắng này của Trung Quốc là để biện hộ cho thất bại trong đàm phán thương mại Trung – Mỹ. Phủ định những gì mà Trung Quốc không dám thẳng thắn phủ định trong nhiều tháng đàm phán. Bình luận nói, mặc dù phía Trung Quốc đã công bố sách trắng, thể hiện tư thế không sợ chiến tranh, nhưng so với ngữ điệu hung bạo của truyền thông nhà nước, dường như lưu lại một không gian có thể đàm phán nào đó. Điều này có phải là phía Trung Quốc ý thức được phía Mỹ sẽ không dễ ngừng chiến, nên chỉ đành kéo dài thời gian trước, với cái gọi là lấy thời gian để chiếm không gian?

    Trí Đạt




    (trithucvn.net)

    Không có nhận xét nào