Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam và vấn đề Đảng CS xác định ba 'thế lực thù địch'

    "Trên thế giới này, không có đồng minh vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn," đó là câu nói được nhiều người biết đến từ thế kỷ trước của cố Thủ tướng Anh, ngài Winston Churchill (1874-1965).

    Ông Võ Văn Thưởng (thứ hai, trái sang, hàng trước) cùng các đại biểu tại Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam
    Sở dĩ tôi chợt nhớ tới câu nói này vì mới đây tại Việt Nam, báo chí và truyền thông có đưa tin bài về một phát biểu của đương kim Trưởng Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản, ông Võ Văn Thưởng.

    Trong phát biểu hôm 5/7/2019, ông Võ Văn Thưởng có nhắc đến khái niệm thù địch, mà theo phân loại của ông thì có ba nhóm:
    1. "Những người nghiên cứu lý luận thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh chính trị giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
    2. "Lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài kết hợp với số chống đối, bất mãn trong nước để lập các tổ chức...như Việt Tân, Việt Nam Phục Quốc...;"
    3. "Lực lượng len lỏi, phức tạp không khó để nhận ra nhưng lại rất khó về đấu tranh đó là cán bộ, đảng viên, kể cả những đảng viên từng giữ chức vụ trung cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị của chúng ta, suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa."
    Trong quá khứ thì sao?

    Nhân đây, chúng ta thử nhìn lại xem các lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, những người tiền bối của thế hệ ông Thưởng, đã xác định kẻ thù của Đảng này thế nào trong quá khứ.

    Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ khi thành lập đã luôn xác định rõ ràng địch-ta, bạn-thù trong các thời kỳ tiến hành cách mạng dân tộc - dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa trước đây.

    Thời Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc - dân chủ, kẻ thù của Đảng là các thế lực áp bức, thống trị dân tộc Việt.

    Đó là 'thực dân Pháp', 'phát xít Nhật', 'đế quốc Mỹ' và sau có 'bành trướng xâm lược Bắc Kinh'.

    Người Việt, người nước ngoài nào phục vụ "thực dân, đế quốc và bành trướng Bắc Kinh", hoặc hùa theo và bênh vực các thế lực này đều bị coi là kẻ thù.

    Kẻ thù của Đảng cũng có thể được nhìn nhận là kẻ thù quốc gia.

    Thời Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội, kẻ thù của Đảng là "bọn giàu có ở thành thị và thôn quê".

    Đảng CS coi họ là giai cấp bóc lột, phải bị tiêu diệt về mặt giai cấp.

    Trên thực tế, tư sản, địa chủ đã bị xóa bỏ hoàn toàn chỉ trong vài ba năm.

    Lúc này, kẻ thù của Đảng chưa hẳn là kẻ thù của dân tộc Việt Nam.

    Tư hữu tư liệu sản xuất hàng ngày, hàng giờ đẻ ra tình trạng người bóc lột người, đẻ ra chủ nghĩa tư bản, như chính chỉ dẫn của cố TBT Lê Duẩn.

    Tất cả các tầng lớp lao động ở thành thị và nông thôn đều được cải tạo xã hội chủ nghĩa nhưng họ không bị coi là kẻ thù.

    Đảng có trách nhiệm lịch sử biến họ thành lực lượng xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa, thời kỳ quá độ lên xã hội cộng sản ở Việt Nam.

    Đảng mơ ước xây dựng một thiên đường trần thế trên đất nước Việt Nam. Thiên đường đó thế nào, Đảng biết, dân biết.

    'Một cách gọi khác'

    Những năm gần đây, khái niệm kẻ thù được thay bằng cụm từ "thế lực thù địch." Xét về ý nghĩa, cụm từ này chỉ là một cách gọi khác của " kẻ thù ".

    Vậy chúng ta có thể thấy gì qua việc xác định kẻ thù của ông Thưởng và cũng là của Đảng?

    Phải chăng ở đây người ta coi bất kỳ ai chống lại chủ nghĩa xã hội đều là kẻ thù?

    Để đi tìm câu trả lời, xin được trích ra đây một vài phát biểu về chủ nghĩa xã hội của tổ chức, cá nhân nổi tiếng - những đối tác quan trọng mà Đảng mong muốn được họ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

    "Chủ nghĩa cộng sản một chủ nghĩa có những chính sách chống lại con người" - Quốc Hội Châu Âu
    "Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp... "Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người " - Tổng thống Mỹ, Donald Trump nói tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (27/9/2018)

    Tới đây, lại có thể đặt câu hỏi là liệu tổ chức và những cá nhân này có là kẻ thù của đất nước, của nhân dân Việt Nam?

    Người Việt Nam khác chính kiến, lập ra các đảng chính trị có bị coi là kẻ thù hay không?

    'Chưa hẳn là kẻ thù'

    Theo tôi, họ có thể là kẻ thù của ông Võ Văn Thưởng, nhưng chưa hẳn là kẻ thù của đất nước.

    Đất nước Việt Nam là của chung của người Việt Nam, không phải của riêng ai.

    Đảng chính trị nào đấu tranh xây dựng một quốc gia Việt Nam hùng mạnh, thoát khỏi sự tụt hậu kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia-dân tộc, xây dựng Việt Nam tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân văn trên thực tế chứ không phải trên giấy thì không thể bị coi là kẻ thù dân tộc.

    Còn việc coi những người đồng chí "tự chuyển hóa, tự diễn biến" là kẻ thù thì sao?

    Đây được coi là việc nội bộ Đảng. Tuy nhiên, tự chuyển hóa, tự diễn biến là quá trình tự nhiên và lịch sử. Nó không chỉ có nghĩa xấu xa, tiêu cực mà còn có nghĩa tiến bộ, tích cực.

    Có lẽ ông Trưởng Ban Tuyên Giáo phải nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này, không thể nói khơi khơi được.

    Với tôi, hình như, ông Thưởng đã quên lời dạy của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng chính quyền cách mạng chỉ có hai kẻ thù "Giặc ngoại xâm và giặc nội xâm".

    Khi đã không xác định đúng kẻ thù quốc gia, e rằng người ta có thể nhầm lẫn bạn thành thù và thù thành bạn.

    Và bi kịch của một quốc gia là ở đó.

    Lê Văn Sinh 
    Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội

    * Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, giảng viên đã hưu trí, Bộ môn Lý luận sử học, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), tác giả đang sống tại Hà Nội.

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào