Header Ads

  • Breaking News

    Nhật lần đầu lên tiếng về vụ ‘đối đầu’ giữa VN và TQ ở Bãi Tư Chính

    Chính phủ Nhật Bản lần đầu lên tiếng với VOA Việt ngữ về vụ “đối đầu” của tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc gần một giàn khoan thăm dò của nước này ở Bãi Tư Chính, tuyên bố “mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở Biển Đông”.

    Giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật hoạt động ở Biển Đông, ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu.
    Khi được hỏi về phản ứng trước tin tàu hải cảnh của Trung Quốc có động thái “đe dọa” các tàu của Việt Nam phục vụ giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật mà tập đoàn Nga Rosneft thuê thăm dò ở Lô 06.1 ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Nhật cho biết “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc liên quan tới vấn đề này”.

    “Nói chung, chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực, và là một mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản”, tuyên bố gửi riêng cho VOA tiếng Việt có đoạn.

    “Nhật Bản luôn ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn luật pháp trên biển và muốn nhấn mạnh với tất cả các nước liên quan về tầm quan trọng của các nỗ lực tiến tới giải pháp hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép”.

    Phản ứng của chính phủ Nhật không đề cập tới câu hỏi Tokyo đã hỗ trợ gì cho Công ty Khoan thăm dò Nhật Bản (JDC), vốn sở hữu giàn khoan Hakuryu-5. VOA tiếng Việt cũng đã liên lạc với JDC, nhưng tới ngày 31/7 vẫn chưa nhận được phản hồi.

    Theo thông tin đăng tải trên trang web của công ty này, giàn khoan Hakuryu-5 “hôm 12/5/2019 bắt đầu hoạt động khoan thăm dò theo hợp đồng với Rosneft Việt Nam BV [công ty con của tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Rosneft] ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam”.

    VOA tiếng Việt đã liên lạc với công ty dầu khí Rosneft cũng như chính phủ Nga, nhưng chưa nhận được hồi đáp.

    Ít ngày sau khi xuất hiện tin tàu chấp pháp của Trung Quốc và Việt Nam “đối đầu” gần khu vực khoan của công ty Rosneft Việt Nam BV ở Bãi Tư chính, hãng Sputnik của Nga đưa tin rằng Tổng thống Nga Putin đã “cám ơn” tập đoàn này đã thực hiện việc thăm dò.

    Bất chấp áp lực từ Trung Quốc, Việt Nam mới đây thông báo gia hạn hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 “đến hết ngày 15/9/2019”.

    Các chuyên gia về Biển Đông từng nói với VOA tiếng Việt rằng sự liên quan của công ty Nga và Nhật trong vụ “đối đầu” giữa tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã “gây phức tạp” cho quyết sách của chính quyền Bắc Kinh cũng như “đa phương hóa” và “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.

    Tin cho hay, các quan chức ngoại giao của Việt Nam, Trung Quốc, Nga và Nhật sẽ có mặt ở Bangkok trong tuần này để tham dự các sự kiện ngoại giao với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

    Vấn đề Biển Đông được cho là nằm cao trong nghị trình, nhưng hiện chưa rõ sự việc Bãi Tư Chính có được đề cập cụ thể trong các cuộc gặp hay không.

    Trong tuyên bố hôm 25/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng "duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng không, hàng hải, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế".

    “Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia, ở khu vực và trên thế giới", nữ phát ngôn viên nói.

    Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia người Australia về Việt Nam, tuyên bố này cho thấy Hà Nội “để ngỏ lời mời” các cường quốc như Mỹ, Nhật, Pháp và Anh “hỗ trợ Việt Nam về mặt chính trị, ngoại giao và vật chất”.

    Chính quyền Bắc Kinh lâu nay tuyên bố chỉ đàm phán giải quyết vấn đề Biển Đông với các quốc gia trực tiếp liên quan.

    Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin, hôm 30/7, Cục Kiểm ngư đã tiếp nhận 2 tàu do Nhật Bản tài trợ để "tăng cường khả năng thực thi pháp luật về thủy sản" cũng như “hỗ trợ ngư dân khai thác hợp pháp trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”.

    Tokyo hiện cũng có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Bắc Kinh trên Biển Hoa Đông, quanh quần đảo mà người Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

    Tàu hải cảnh của hai nước cũng từng nhiều lần “vờn nhau” gần quần đảo hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật, gây căng thẳng trong quan hệ song phương.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào