Header Ads

  • Breaking News

    Carl Thayer - Có phải Trung Quốc đang gây sức ép đòi ExxonMobil dừng hoạt động ở Việt Nam?

    Đầu tuần này, những email riêng từ Việt Nam và những nơi khác cho biết công ty ExxonMobil sắp ngưng hoặc chấm dứt dự án khí đốt tự nhiên lớn ở mỏ Cá Voi Xanh tại lô 118 ngoài khơi miền trung Việt Nam do sức ép từ Trung Quốc. Vào giai đoạn này, những đồn đoán vẫn chưa thể được xác nhận. Nhà báo Bill Hayton viết trên Twitter rằng những khác biệt về thương mại liên quan đến giá của khí đốt có thể là nhân tố chính. Bill Hayton đề nghị mọi người đợi xem sao.

    Hình minh họa. Hình chụp hôm 21/9/2016 tại mọt nhà máy lọc dầu của ExxonMobil ở Mỹ
    Tuy nhiên, nếu những đồn đoán được xác nhận thì đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đã gây sức ép lên ExxonMobil, đòi công ty này tránh việc tìm kiếm và sản xuất dầu ở Việt Nam. Vào cuối năm 2007, một quan chức cấp cao của Việt Nam đã thừa nhận với tôi là Trung Quốc đã có được một bản tài liệu mật về chiến lược Biển đến năm 2020 của Việt Nam và đã bí mật cảnh báo các công ty dầu khí phương Tây rằng các lợi ích của họ ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu họ giúp Việt Nam.

    Tôi đưa thông tin này cho Greg Torode lúc đó làm cho South China Morning Post. Vào tháng Sáu năm 2008, ông ấy đã khiến ExxonMobil phải công khai xác nhận về việc Trung Quốc đã đe dọa. Vào tháng Năm năm 2009, hai giới chức thuộc chính phủ của Tổng thống Obama, phó trợ lý của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, điều trần trước một ủy ban của Quốc hội (Mỹ). Họ đề nghị một cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” để đối phó với sự cưỡng bức của Trung Quốc đối với các công ty dầu khí Mỹ.

    Năm 2014, khi xảy ra đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến giàn khoan dầu Hải Dương 981, ExxonMobil đã cử các lãnh đạo cấp cao tới Bắc Kinh để tìm hiểu ý định của Trung Quốc và ảnh hưởng đến dự án Cá Voi Xanh của công ty.

    ExxonMobil mua lại cổ phần ở các lô 117, 118 và 119 thuộc Bồn trũng Phú Khánh từ công ty BP vào năm 2009. Những lô này nằm cách tỉnh Quảng Nam 88 km, và hoàn toàn trong khu vực Đặc Quyền Kinh Tế (EEZ) của Việt Nam. ExxonMobil bắt đầu khoan tìm kiếm vào năm 2010 và nhận được những kết quả khả quan hai năm sau đó ở mỏ thứ ba, Cá Voi Xanh – 3X.

    Vào ngày 16 tháng Một năm 2017, một diễn tiến quan trọng xảy ra, Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam và ExxonMobil Vietnam ký một thỏa thuận khung dự án và một thỏa thuận về bán khí để phát triển dự án khí đốt lớn nhất Việt Nam. Các lô ở mỏ Cá Voi Xanh được ước tính có trữ lượng 150 tỷ m3 khí và có chi phí ước tính là 10 tỷ đô la. Việc khai thác khí sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023.

    Hiện tại, Công ty ExxonMobil Exploration and Production Vietnam Limited (thuộc ExxonMobil) và PetroVietnam vẫn đang hợp tác ở dự án Mỏ Cá Voi Xanh. ExxonMobil nắm giữ 64% cổ phần.

    Vào tháng Một năm nay, ExxonMobil trao hợp đồng thiết kế dự án đưa khí đốt từ lô 118 mỏ Cá Voi Xanh vào bờ cho công ty Saipem của Ý. ExxonMobil hiện đang xin các giấy phép, lên kế hoạch xin phép và thực hiện các các công việc chuẩn bị khác cho dự án.

    Hôm 13 tháng 8 năm nay, tôi được một giới chức ngoại giao cấp cao của Việt Nam cho biết “Cá Voi Xanh sẽ là mục tiêu tiếp theo”, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ở Bangkok hôm 2/8, bên lề Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN. Ông Vương Nghị đề nghị người tương nhiệm yêu cầu công ty Rosneft dừng các hoạt động khai thác ở Việt Nam. Ông Lavrov đã từ chối đề nghị này.

    Nói cách khác, nếu Việt Nam thất bại trong việc hạn chế các hoạt động của Rosneft Vietnam và chần chờ trong việc hợp tác phát triển với các công ty của nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ chuyển sức ép trực tiếp lên các công ty nước ngoài khác đang hoạt động ở Việt Nam. Một số thông tin cho rằng ExxonMobil trì hoãn việc đưa ra một quyết định về Quyết định Đầu tư Trực tiếp (FID) cho tới năm sau để xem tình hình với Trung Quốc sẽ ra sao. Nhưng hồ sơ chỉ cho thấy là quyết định xem xét FID vào năm 2020 đã được đưa ra từ tháng Một năm 2019 hoặc 5 tháng trước khi Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 đến gần Bãi Tư Chính.

    ExxonMobil hiện đang trong quá trình lấy các phê duyệt về quy định, các đảm bảo của chính phủ, các thỏa thuận bán khí và các đánh giá cạnh tranh kinh tế.

    Chính phủ Việt Nam có rất nhiều quyền lợi trong dự án này; cuối cùng thì đây là mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam. Một số người ước tính rằng chính phủ có thể thu được 20 tỷ đô la từ dự án Cá Voi Xanh. Điện lực Việt Nam, PetroVietnam và công ty Sembcorp của Singapore hiện đang thảo luận để xây dựng và vận hành 2 nhà máy điện khí với công suất 2 Gigawatt, chiếm đến 10% nhu cầu điện hiện tại của Việt Nam.

    Nếu Trung Quốc gây sức ép lên một trong hai bên hoặc cả hai bên là Việt Nam và công ty ExxonMobil, thì thời điểm này là không thích hợp. Có những đồn đoán là Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào tháng tới để mở rộng quan hệ đối tác toàn diện. Hoa Kỳ đã ra các tuyên bố mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc vì đã bắt nạt Việt Nam và đe dọa việc khai thác dầu khí lâu dài của Hà Nội. Các tuyên bố gần đây của Mỹ nhìn chung đều bao gồm sự ủng hộ đối với “việc sử dụng hợp pháp Biển Đông”. Điều này có thể hiểu là quyền khai thác các tài nguyên trong vùng Đặc Quyền Kinh Tế của các quốc gia ven biển.

    Carl Thayer

    * Carl Thayer là giáo sư thuộc trường Đại học New South Wales, Canberra, Australia. Ông là người đóng góp cho RFA các bài phân tích về ảnh hưởng của Trung Quốc tới Việt Nam.

    (RFA) 

    Không có nhận xét nào