Header Ads

  • Breaking News

    'Chính sách hình sự đặc biệt' trong vụ án AVG có vi phạm pháp luật?

    Hôm 4/9, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, tân Thứ trưởng Bộ Công an, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nói rằng Bộ Công an kiến nghị áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” với những bị can tích cực hợp tác, thành khẩn khai báo để làm rõ sai phạm trong vụ MobiFone mua AVG.

    Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại họp báo ngày 4/9/2019. Photo Nhandan TV
    Trang VNexpress trích lời ông Ngọc cho biết chính sách hình sự đặc biệt được đề nghị áp dụng cho một số đối tượng khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả tốt.

    “Đây là chính sách ưu việt mà chúng tôi kiến nghị áp dụng đối với những người khai báo thành khẩn”, ông Ngọc nói và khẳng định Bộ Công an đã điều tra toàn diện vụ án, kết quả đến đâu kết luận đến đó.

    Đây là chính sách ưu việt mà chúng tôi kiến nghị áp dụng đối với những người khai báo thành khẩn.
    Thiếu tướng công an Nguyễn Duy Ngọc


    Truyền thông Việt Nam trích kết luận điều tra cho biết trong 12 bị can được đề nghị cho áp dụng chính sách hình sự đặc biệt có chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà ... song không có cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

    Ông Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu đôla từ Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ, em trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng, trong thương vụ chỉ đạo để MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng.

    Được hỏi về thuật ngữ “chính sách hình sự đặc biệt," luật sư Nguyễn Văn Đài nói qua bao năm trong nghề ông chưa hề nghe nói chính sách này và nhấn mạnh rằng đây là một cách thức để “giúp” bị can thoát án tử hình.

    “Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, nếu người nào hối lộ từ 1 tỷ đồng VN trở lên thì sẽ đối diện với hình phạt cao nhất là tử hình. Nay truyền thông loan tin như thế thì sau này chính quyền có lý do rằng những người này đã thành khẩn khai báo, có khắc phục hậu quả thì họ có thể miễn hình phạt tử hình mà chỉ còn tù chung thân.

    “Đây là một trong những cách mà những người cộng sản thường áp dụng cho các quan chức cao cấp của họ.”

    Hôm 5/9, báo Tiền Phong dẫn lời thẩm phán Trương Việt Toàn, thuộc Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội, khẳng định rằng luật hình sự nước Việt Nam không có khái niệm “chính sách hình sự đặc biệt.”

    Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, tòa án xét xử chỉ tuân theo pháp luật và pháp luật, hoàn toàn không có chính sách đặc biệt như cơ quan điều tra đề nghị trong kết luận. Khi xét xử, nếu bị cáo có tội, tòa án sẽ chỉ căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định cụ thể trong luật để ra hình phạt.

    Luật sư Nguyễn Văn Đài nói trên kênh BHD rằng việc Bộ Công an áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” là vi phạm pháp luật Việt Nam:

    “Việc họ dùng “chính sách hình sự đặc biệt” ở đây là nằm ngoài khuôn khổ của pháp luật. Tôi nghĩ rằng đây là kết quả của một sự ‘vận động’ rất lớn.

    “Việc áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” cho ông Phạm Nhật Vũ và 11 bị can khác trong đại án này là vi phạm hiến pháp và pháp luật.”

    Trong một vụ án tham nhũng khác, hôm 4/9, Bộ Công an Việt Nam cáo buộc rằng hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã có hành vi vi phạm sử dụng tài sản Nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, giúp Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ Nhôm, thâu tóm nhà đất công sản, gây thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng, theo báo Dân Trí.

    Truyền thông trong nước cho biết ông Trần Văn Minh, cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, được xác định là người chủ mưu, cầm đầu, bị đề nghị truy tố 2 tội danh “vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai.”

    Cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cũng bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh nêu trên.

    Giải trình tại phiên họp toàn thể của UB Tư pháp ngày 4/9, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí được trang VietnamNet trích lời nói việc điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn gặp khó khăn: “Điều tra đồng chí, đồng nghiệp rất khó khăn.”

    “Ngay từ đoạn đầu đã khó khăn, riêng chuyện "mời" mấy ông bộ trưởng, TƯ vào trong trại giam cũng là một cuộc đấu tranh.

    “Nhiều người nói với tôi là đừng bắt, nhưng không bắt không làm được, trong khi Đảng hỏi tại sao không làm,” Viện trưởng nhấn mạnh.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào