Header Ads

  • Breaking News

    Quan hệ Mỹ –Trung: Cuộc chiến ngoại giao

    Chính quyền của Tổng thống Trump luôn nhất quán rằng mối quan hệ với Bắc Kinh phải đi kèm với các giá trị về tự do và quyền con người. Đây cũng là mâu thuẫn bản chất và khó khăn nhất trong quan hệ giao thương giữa Mỹ với Trung Quốc.
    Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Getty, AP).

    Thực trạng và tham vọng của hai bên

    Trung Quốc

    Với các nước phát triển, Bắc Kinh dùng quy mô thị trường tiêu thụ và đầu tư Đại Lục làm sức mạnh trong quan hệ ngoại giao.

    Với các nước nhỏ và đang phát triển theo thể chế tự do, Bắc Kinh dùng sức mua và khả năng đầu tư trực tiếp, đầu tư tín dụng để lôi kéo và gây sức ép.

    Với các nước nhỏ đang phát triển nhưng theo thể chế độc tài, Bắc Kinh sử dụng thêm vũ khí “lợi ích cá nhân” cho quan chức và đặc biệt là người đứng đầu nhằm điều khiển cả chính quyền nước đó.

    Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc thường sử dụng con bài “vấn đề vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên” để trao đổi và đàm phán.

    Đài Loan cũng được dùng đến trong đối ngoại với Mỹ và trong cả đối nội với người dân Trung Quốc.

    Bắc Kinh còn còn dùng quyền lợi tại Trung Quốc để gây sức ép với các cá nhân và tổ chức có tiếng nói.

    Mỹ

    Thiết lập quan hệ với Bắc Kinh thay vì Đài Bắc từ đầu những năm 1970 khi nhận định Liên Xô là đối thủ chính trong chiến tranh lạnh.

    Sau sự kiện Thiên An Môn, Mỹ và phương Tây cấm vận Bắc Kinh nhưng rồi lại sớm thiết lập lại quan hệ.

    Sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chính giới Mỹ cho rằng, tiếp tục quan hệ kinh tế sâu rộng sẽ đẩy Bắc Kinh đi theo con đường tự do.

    Mỹ áp dụng quy chế Tối huệ quốc vĩnh viễn (MFN/NTR) với Trung Quốc từ năm 1999 sau 20 năm cân nhắc áp dụng hàng năm.

    Mỹ đưa Trung Quốc vào WTO năm 2001, nhưng sau đó lại phải chạy theo trong các mối quan hệ với Bắc Kinh.

    Các vấn đề nhân quyền luôn được Mỹ đề cập đến trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng lại không ổn định qua các đời tổng thống.

    Quan hệ Mỹ – Trung và trật tự thế giới mới

    Việc thiết lập quan hệ với Bắc Kinh là một trong những chủ đề ngoại giao gây tranh cãi nhất tại Mỹ. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1970, khi Mao Trạch Đông chủ động muốn quan hệ với Mỹ vì mâu thuẫn Trung – Xô đã lên cao. Chính giới Mỹ thường xem đối thủ chính là Liên Xô, nên mục tiêu trong quan hệ với Trung Quốc là nhằm để tăng sức nặng trong đối đầu với Liên Xô. Đến khi Liên Xô xụp đổ vào năm 1991, quan hệ Mỹ – Trung đã đạt mức độ đáng kể về cả kinh tế và ngoại giao.

    Quan điểm chung của Washington trong quan hệ ngoại giao là phải luôn kèm theo yếu tố tự do và quyền con người. Lập luận của chính phủ Mỹ giai đoạn này, nói như cựu Tổng thống Clinton là quan hệ kinh tế bình thường với Trung Quốc “sẽ đưa Đại Lục gắn bó thêm vào nền kinh tế toàn cầu, rồi sẽ làm vững mạnh những người thuộc phe cải tổ có khuynh hướng kinh tế thị trường tại Trung Quốc”. Quy chế tối huệ quốc (MFN/NTR) được áp dụng hàng năm từ năm 1980, đã được chuyển thành áp dụng vĩnh viễn từ năm 1999.

    Về phía Bắc Kinh, quan hệ với Mỹ đã mở ra cho họ một cơ hội to lớn về mọi mặt. Sức mạnh của đất nước Trung Quốc như được bùng phát sau một thời gian dài o bế. Tất cả đều đã thay đổi, chỉ có bản chất của chính quyền Bắc Kinh thì không. Chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận rủi ro về ngoại giao và kinh tế để đổi lấy sự kiểm soát tuyệt đối đất nước và con người Trung Quốc. Sau thảm sát Thiên An Môn năm 1989, mặc dù suýt chút nữa đã bị phương Tây tuyệt giao, nhưng đặc tính chuyên chế và thậm chí các thủ đoạn trong quan hệ đối nội và đối ngoại không những không đổi mà còn trở nên tinh vi hơn.

    Một trong những phương cách ngoại giao đó là, lấy lợi ích của đối thủ trong quan hệ với Trung Quốc làm mặc cả với thái độ cứng rắn nhất. Cũng bằng cách sử dụng lợi ích, thay vì mặc cả, Bắc Kinh còn ban tặng cho những người đứng đầu. Kết quả là hầu hết các chính phủ không thể biểu đạt thái độ như mong muốn trong quan hệ với Trung Quốc. Các chính phủ chuyên chế thậm chí đều dễ dàng ủng hộ các hành động của chính quyền Bắc Kinh. Ngay cả Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vướng vào một vụ lùm xùm, khi công ty của con trai ông đã nhận được một khoản đầu tư trị giá 1,5 tỉ USD từ một công ty Nhà nước Trung Quốc chỉ 10 ngày sau chuyến công du quan trọng của ông tới Bắc Kinh.

    Chính quyền Trung Quốc lâu nay sử dụng vấn đề hạt nhân Triều Tiên như một con bài trong quan hệ với Mỹ. Một mặt hỗ trợ Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và chi phối hầu hết các quan hệ thương mại, mặt khác kiểm soát quan hệ ngoại giao của quốc gia này với bên ngoài, đặc biệt là với Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump một mặt dùng quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc để ép Bắc Kinh tác động tích cực hơn tới Triều Tiên (mà thực chất là “nhả” bớt khống chế).

    Mặt khác, Mỹ vẫn sử dụng hết mức các công cụ cấm vận kinh tế và áp lực quân sự lên chế độ Triều Tiên, ép Kim Jong Un ngồi vào bàn đàm phán. Ông Trump đã bỏ qua các thông lệ ngoại giao cứng nhắc, tiến tới gặp mặt trực tiếp các cá nhân người đứng đầu. Tất cả những yếu tố này đã dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim lịch sử, thậm chí là 3 lần chỉ trong vòng 1 năm. Sau đó ông Trump đã chủ động duy trì mối liên hệ cá nhân đặc biệt với Kim Jong Un, trong khi áp lực lên Trung Quốc và Triều Tiên ở cấp quốc gia vẫn không đổi.

    Chiến lược này đã dần vô hiệu hoá được khống chế của Trung Quốc với Triều Tiên, tháo bỏ một con bài nhức nhối mà chính quyền Trung Quốc thường sử dụng trong quan hệ với Mỹ nhiều năm qua.

    Đối với các vấn đề về Đài Loan và Biển Đông, chính quyền Trung Quốc vẫn có thái độ và phương thức cũ, tỏ ra cứng rắn như một người chủ sở hữu. Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài phát biểu đầu năm 2019 đã khẳng định sẽ không loại trừ vũ lực để tái thống nhất Đài Loan. Về phía Tổng thống Trump, ngoại trừ cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngay sau khi đắc cử, cá nhân ông không tỏ thái độ gì đặc biệt. Nhưng về thực chất, quan hệ giữ Mỹ với Đài Loan lại có những sự thay đổi lớn.

    Ngày 7/5/2019, Hạ Viện Mỹ thông qua một dự luật tái khẳng định cam kết ủng hộ Đài Loan. Tàu chiến Mỹ liên tục đi quan eo biển Đài Loan. Tổng thống Thái Anh Văn “quá cảnh” tại Mỹ 2 lần chỉ trong vòng 1 năm như một hình thức thăm ngoại giao. Năm 2019, Mỹ bán cho Đài Loan 2,2 tỉ USD vũ khí, hai bên tổ chức cuộc gặp cố vấn anh ninh quốc gia lần đầu tiên sau 40 năm, Lầu năm góc đưa Đài Loan như một quốc gia vào danh sách trong báo cáo quốc phòng mới nhất, được nói là đã hiểu chỉnh cẩn thận. Có thể nói, về vấn đề Đài Loan, ông Trump đã sử dụng chiến thuật không lớn tiếng tuyên bố, nhưng thực chất lại thực hiện rất nhiều thay đổi.

    Riêng với Biển Đông, trong vài năm gần đây Trung Quốc đã có nhiều hành động, như xây hàng loạt đảo nhân tạo với sân bay và tên lửa, tổ chức tập trận thường xuyên, xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, Philippines, tổ chức số lượng lớn tàu đánh bắt cá có trang bị vũ khí… Trong khi phía Mỹ chủ yếu mới thực hiện cam kết duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, bằng cách đưa tàu chiến thường xuyên đi qua.

    Chính quyền Trung Quốc một mặt thực hiện quân sự hoá biển Đông, mặt khác lại dùng nhiều cách chi phối chính giới 2 nước có tranh chấp chủ yếu là Việt Nam và Philippines. Do vậy các hành động của Mỹ rất khó thực hiện để ngăn cản chính quyền Trung Quốc khi chính các quốc gia có tranh chấp không thể hiện rõ thái độ. Cũng vậy, nếu chính quyền Đài Loan không thể hiện thái độ sẵn sàng thì Mỹ cũng khó có thể làm gì với Đài Loan.

    Về vấn đề Iran, chính quyền Trung Quốc có lẽ đã rút kinh nghiệm việc nhả Triều Tiên ra quá sớm. Thái độ của chính quyền Trung Quốc luôn là phản ứng quyết liệt và chấp nhận rủi ro khi lén lút mua dầu và trợ giúp công nghệ cho chính quyền Iran. Chính quyền Mỹ tiếp tục duy trì phương thức gây sức ép tối đa với Iran bằng cả cấm vận kinh tế và quân sự, đồng thời rút khỏi thoả thuận hạt nhân JPOA.

    Có thể nói, các chính quyền chuyên chế như Nga, Thổ Nhĩ Kì và Venezuela… thường bị chính quyền Trung Quốc chi phối hoặc lôi kéo nhằm tạo đối trọng trong quan hệ với Mỹ. Nhưng vấn đề hóc búa nhất là Triều Tiên đã được ông Trump ưu tiên giải quyết, trước khi chính quyền Trung Quốc “bắt bài” và đề phòng. Nó cũng cho thấy, chính vấn đề Trung Quốc mới là trọng tâm duy nhất trong quan hệ đối ngoại của chính quyền Mỹ hiện nay.

    Thực tế cho thấy, cách thức ngoại giao của chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục được áp dụng với chính quyền Mỹ, nhưng dường như đều tỏ ra không hiệu quả. Trong khi chiến lược ngoại giao của chính quyền Donald Trump có thể nói là đang thiết lập lại một trật tự thế giới mới. Với các nước đồng minh, ông Trump đa số đều đàm phán lại các thoả thuận về cả kinh tế và quân sự.

    Với riêng Trung Quốc, chiến thuật ngoại giao của ông Trump là vừa nhất quán, vừa uyển chuyển. Mặc dù luôn tỏ ra cứng rắn trong thái độ với chính quyền Trung Quốc, nhưng ông Trump lại chủ động tạo mối quan hệ có vẻ hết sức thân thiện với chủ tịch Tập Cận Bình. Trong một thể chế độc tài cao độ, phương thức ngoại giao này vừa giúp mối quan hệ ngoại giao không đi xuống dưới mức tối thiểu, vừa giúp xu hướng phản đối cá nhân Tổng thống Trump không dễ dàng trở nên cực đoan bên trong Trung Quốc. Nó đã giúp quá trình đàm phán giữa hai chính phủ có nhiều không gian hơn, cũng đồng thời làm cho chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần không thể lường trước được động thái của ông Trump.

    Một ví dụ là sau tuyên bố đầy bất ngờ về việc áp dụng thuế với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, nhiều học giả Trung Quốc đã phát biểu rằng, lúc đó họ chỉ nghĩ đó là lời nói đùa. Trước cuộc gặp Trump – Tập tại Osaka, khi thương chiến Mỹ Trung đang căng thẳng thì ông Tập đã bất ngờ đi thăm Triều Tiên. Dư luận đều cho rằng Trung Quốc đang cố gắng củng cố lá bài Triều Tiên trong đàm phán thượng đỉnh Trump – Tập. Người ta cũng không biết ông Trump sẽ sử trí ra sao để duy trì được mối liên hệ với Triều Tiên như đã đạt được. Nhưng chỉ một ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Tập, ông Trump đã bất ngờ gửi lời mời và thực hiện cuộc gặp lịch sử với Kim Jong Un ngay tại biên giới Hàn – Triều.

    Tính thống nhất cao trong quan điểm cứng rắn với Trung Quốc là điểm dễ nhận thấy trong nhân sự của chính quyền Trump. Trường hợp có sự thay đổi giữa chừng nhân sự cấp cao, thì người đến sau thường thể hiện thái độ còn cứng rắn hơn nữa. Các bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence cho thấy dường như ông còn được phân công đóng vai “bad cop – ông ác” trong thái độ với Trung Quốc, tức là thậm chí còn thể hiện cứng rắn hơn nữa so với Tổng thống Trump. Như vậy ông Trump sẽ còn nhiều khoảng trống để thăm dò phản ứng và thể hiện thái độ với đối thủ hơn.

    Đối với các cá nhân và tổ chức trên thế giới, chính quyền Trung Quốc dùng lợi ích kinh doanh tại thị trường Đại Lục hoặc trực tiếp chi tiền để chi phối hoạt động của họ. Nếu họ động đến mặt trái của chính quyền Trung Quốc, như một bài báo về hoạt động gián điệp đánh cắp công nghệ Hoa Kỳ, hay một phát biểu bảo vệ cho các nạn nhân bị bức hại tại Trung Quốc,… thì lập tức sự tình sẽ khác. Chính quyền Trung Quốc thường sử dụng tất cả các công cụ về ngoại giao, lợi ích, truyền thông, thậm chí cả xã hội đen để gây sức ép lên đối tượng. Nếu cá nhân đó có người thân sinh sống tại Trung Quốc, thì thậm chí người thân của họ cũng bị tác động hay gây khó dễ.

    Trong các quan hệ, nước Mỹ thường thể hiện quan điểm về tự do và quyền con người, nhưng riêng với Trung Quốc, diễn biến quan hệ từ năm 1970 khá phức tạp. Mặc dù quan điểm của Mỹ vẫn luôn được chính giới đề cập, nhưng các yếu tố có tính chiến lược hay quy mô kinh tế cũng tác động rất lớn. Bên cạnh đó là sự giảo hoạt của chính quyền Bắc Kinh mà nhiều chính trị gia của Mỹ cũng khó có thể tưởng tượng được. Bởi vậy, dù Mỹ là quốc gia có quan điểm mạnh mẽ nhất về tự do và quyền con người, thì cho đến ngay nay nó vẫn là khoảng tối trong lịch sử ngoại giao Mỹ với Trung Quốc (chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn trong các phần sau).

    Tình trạng đàn áp tự do và vi phạm các quyền con người của chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ ngừng nghỉ, thậm chí sau khi có thêm sức mạnh trong quan hệ với Mỹ và thế giới, nó còn sử dụng các quan hệ ấy để truyền bá các giá trị phi nhân tính ra toàn thế giới.

    Hầu hết các chính quyền chuyên chế, các hoạt động vi phạm tự do và quyền con người trên thế giới hiện nay đều có liên hệ với chính quyền Bắc Kinh. Ngay trong lòng nước Mỹ, sự tác động của chính quyền Trung Quốc cũng đã trở nên sâu rộng và hầu hết người Mỹ cũng không thể tượng tưởng nổi.

    Các chính quyền Mỹ trước đây, trong hàng mấy chục năm, hoặc là bị qua mặt, hoặc là thậm chí còn ủng hộ cho chính quyền Trung Quốc vi phạm các giá trị mà người Mỹ vẫn theo đuổi. Giờ đây, mặc dù tình thế khó khăn, nhưng thái độ của chính quyền Tổng thống Trump vẫn luôn nhất quán, đó là mối quan hệ với Trung Quốc phải đi kèm với các giá trị về tự do và quyền con người.

    Mặc dù trong những diễn biến cụ thể, người ta không dễ nhận thấy điều đó, nhưng nhìn tổng thể và đi sâu vào những khía cạnh cốt yếu, thì các giá trị chân chính này mới là điều mà ông Trump ưu tiên.

    Tất nhiên, nó cũng là mâu thuẫn bản chất nhất và khó khăn nhất trong mối quan hệ giữa hai bên. Nó có lẽ cũng là phần đáng chú ý nhất trong diễn biến quan hệ Mỹ – Trung trong thời gian tới.
     
    Đại Nghĩa

    (dkn.tv)

    Không có nhận xét nào