Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam xích lại gần Mỹ, đồng sàng dị mộng


    Một tổ nghiên cứu chính sách kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) sang Mỹ “tìm hiểu” về “thực tiễn chính sách của Mỹ”.
     Việt Nam xích lại gần Mỹ, đồng sàng dị mộng

    Hãng tin Reuters viết bài phân tích về những hành động quân sự của Mỹ gần đây ở Đông Nam Á, trong đó trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Epser, rằng Mỹ hy vọng đạt được thỏa thuận với các đối tác ở Đông Nam Á về việc sử dụng căn cứ quân sự của các nước này, và không giấu giếm rằng Mỹ muốn triển khai hỏa tiễn tầm trung tại Đông Nam Á.

    Căn cứ quân sự nào ở Đông Nam Á là tốt nhất để Mỹ làm việc đó? Chẳng phải là Đà Nẵng và Cam Ranh hay sao?

    Đọc những tin tức này, những người ủng hộ Việt Nam ngã về phía Mỹ, trong đó có người viết bài này, không khỏi xem đây là những chỉ dấu cho thấy hy vọng lâu nay của họ.

    Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta có hai góc nhìn khác nhau về sự “xích lại gần nhau” này.

    Hợp tác quân sự

    Ngoài những hoạt động có tính biểu tượng như các chuyến thăm của tàu chiến Mỹ vào các cảng Việt Nam, những tuyên bố của Hà Nội ủng hộ tuần tra Tự do hàng hải của Mỹ, tuyên bố của Washington ủng hộ Việt Nam về vụ Bãi Tư Chính,… Hai hoạt động công khai mạnh mẽ nhất là cuộc tập trận Cà Mau giữa Mỹ và ASEAN, trong đó có Việt Nam, và những chiếc tàu tuần duyên cũ Hamilton được chuyển giao cho Việt Nam.

    Một nhà quan sát người Việt cho tác giả biết, rằng những hợp tác thực tế của quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam đang diễn ra ở mức sâu sắc hơn là những gì mà hai bên công bố.

    Tôi không có chi tiết về những điều mà nhà quan sát này cho là sâu sắc nhưng căn cứ vào những cuộc thăm viếng qua lại giữa các viên chức quốc phòng hai nước, khi chỗ nọ lúc chỗ kia, khi thì đưa tin rầm rộ, khi thì chỉ là một mẫu tin nhỏ,… thì nhận xét của nhà quan sát kia có lẽ cũng khá chính xác.

    Ông Ngô Vĩnh Long, một nhà phân tích người Việt sống tại Mỹ có nói rằng, nước Mỹ đã và đang là một cường quốc hải quân, và sức mạnh hải quân đó cần những đồng minh có hải cảng tốt.

    Đồng minh Đông Nam Á nào khác có các hải cảng quân sự tốt hơn Việt Nam? Việc sử dụng các căn cứ hải quân của Việt Nam sẽ giúp Mỹ duy trì sức mạnh răn đe của hải quân, mà giảm đi rất nhiều chi phí, thay vì cứ cho tàu chiến chạy lòng vòng không nghỉ ngang dọc biển Đông.

    Mỹ đã phát hiện ra Việt Nam, kẻ thù cũ là một đồng minh rất hữu ích trong tương lai để chống Trung Quốc. Sự “phát hiện” này dựa trên hai yếu tố:

    Thứ nhất, Việt Nam là một quốc gia có lực lượng quân sự hùng hậu bậc nhất Đông Nam Á, nếu kém cạnh về số lượng thì chắc chỉ sau quốc gia quần đảo Indonesia (!)

    Thứ hai, Việt Nam có “tư thù” với Bắc Kinh, và là quốc gia hiểu rõ Trung Quốc, nếu không muốn nói là nhất thế giới, thì cũng là nhất Đông Nam Á.

    Trong bối cảnh đồng minh NATO, đồng minh Hàn Nhật, đang lủng cà lủng củng vì những sô trình diễn bi hài trong Bạch Ốc, đồng minh tứ giác Ấn Độ – Thái Bình Dương thì vẫn mới chỉ nói mà chưa làm, thì có sẵn một anh kẻ thù của kẻ thù như thế thì còn gì bằng.

    Điều trở ngại là màu sắc cộng sản của Việt Nam. Liệu điều này có làm các thổng thống Mỹ, các nhà lập pháp ở Washington DC e ngại?

    Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ hợp tác, hay “liên minh” với một chế độ độc tài. Lịch sử thế giới hiện đai có thể chứng minh dễ dàng điều đó, từ Pinochet đến Marcos, từ Park Chung Hee đến các chiến binh Mujahedin bên Kabul. Với đầu óc thực dụng Mỹ, điều đó không có gì là trở ngại, mà hơn nữa các vị cộng sản ngồi tại Hà Nội chỉ còn có cái tên.

    Đồng sàng dị mộng?

    Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa phải là một đồng minh chia sẻ những giá trị chung với người Mỹ như châu Âu, Nhật Bản, Canada,… thậm chí là Ấn Độ.

    Các vị cộng sản Việt Nam cứ ra rả lặp đi lặp lại sự độc tôn cai trị của ĐCSVN, cho đó là sự “lựa chọn” của người dân Việt Nam (Người Việt có bầu cử thực sự bao giờ mà nói là họ lựa chọn).

    Ông Nguyễn Phú Trọng và các ông khác cứ một mực phủ định sự hữu hiệu của chế độ tam quyền phân lập, cứ luôn lấy “chủ nghĩa Mác Lê” làm kim chỉ nam (mà tôi dám chắc rằng 80% đảng viên ĐCS VN không biết Mác Lê là cái gì).

    Tuy vậy ý chí của các vị ấy từ từ cũng bị khuất phục bởi những mối đe dọa từ phương Bắc, cả quân sự lẫn chính trị và kinh tế, mà màn đại trình diễn Tư Chính đang diễn ra là một minh chứng.

    Bởi thế đã có những bàn đoán rằng, sự hùng hổ của Bắc Kinh là “hại bất cập lợi”, khi đẩy Hà Nội vào vòng tay êm ái của phương Tây, vốn luôn được đa số người Việt mong muốn.

    Nhưng chuyển biến từ ý chí cộng sản sang tư tưởng bình thường, thực tế và công khai là không dễ dàng, nhất là từ những đầu óc Khổng nho mấy ngàn năm vừa được sơn màu cộng sản mấy chục năm qua (Của đáng tội là không chỉ các vị cộng sản mới là Khổng nho hủ lậu, mà hàng chục triệu người của dân tộc này cũng thế).

    Thế cho nên ta mới chứng kiến chuyến viếng thăm của “Tổ nghiên cứu chính sách của ĐCSVN” đến thủ đô nước Mỹ.

    Hãy quan sát kỹ sự kiện đó. Nó rất buồn cười.

    Chính sách của nước Mỹ được các nhà lập pháp đặt ra, rồi sau đó được thực hiện bởi cơ quan hành pháp, và hai cơ quan này độc lập với nhau. Hai bên thường xuyên cãi cọ rất căng thẳng, nhưng ông tổng thống đứng đầu hành pháp không thể cách chức các vị lập pháp được. Và các vị này do dân địa phương của họ bầu nên, họ đại diện cho quyền lợi của địa phương đó, nếu không làm tốt sẽ bị thất cử, tức là bị dân chúng cách chức.

    Việt Nam trên thực tế không có cơ quan lập pháp. Nhà cầm quyền tự đặt ra chính sách rồi đi thi hành, không ai kiểm soát, không cãi cọ chi cả. Quốc hội chỉ là cho có lệ, các vị làm cảnh này chẳng đại diện cho ai cả. Ngay trong tình trạng Quốc hội có lệ ấy, có cả mấy chục phần trăm chỉ sống ở Hà Nội, nhưng lại đại diện cho các địa phương mà họ chẳng hiểu mô tê gì về đời sống xã hội, thiên nhiên của các địa phương đó.

    Tổ “nghiên cứu” của ĐCSVN đến “tìm hiểu” các Viện nghiên cứu độc lập (think tank) là Brookings, CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nơi Việt Nam có đóng góp vài triệu đô la hàng năm cho hoạt động của nó, theo báo New York Times). Các viện này không chịu sự chi phối của bất cứ ông bà nào của chính phủ Mỹ cả. Trong khi đó, cách đây vài năm, một Viện nghiên cứu độc lập tương tự như vậy ở Việt Nam là IDS (Nghiên cứu phát triển) phải giải tán vì không thể hoạt động độc lập.

    Cả hai việc, đặt ra chính sách và cố vấn cho việc ban hành chính sách ở Mỹ và Việt Nam đều được thực hiện hoàn toàn khác nhau.

    Như vậy Tổ nghiên cứu của ĐCSVN sẽ ghi chép điều gì?

    Nói tóm lại, cả hai việc, liên minh quân sự chống Bắc Kinh, và học hỏi chính sách, đều phải được thực hiện trên nền tảng giống nhau từ hai phía, cùng chia sẻ những giá trị tinh thần giống nhau, những quan niệm về hoạt động nhà nước giống nhau.

    Tạm thời, như đã phân tích bên trên, việc dựa dẫm quân sự vào nhau giữa Mỹ và Việt Nam vì có cùng một mục tiêu chung, là có thể thực hiện được, nhưng để cho nó đừng có đồng sàng dị mộng, để cho nó lâu dài, thì cả hai xã hội cần phải tương đồng với nhau nữa.

    Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

    (baotiengdan.com)

    Không có nhận xét nào