Header Ads

  • Breaking News

    Bắc Kinh không để Hồng Kông phá hỏng Quốc Khánh Trung Quốc

    01/10 : "Ngày tang tóc" tại Hồng Kông

    « Không gì có thể lay chuyển được nền tảng quốc gia hùng mạnh của chúng ta. Không gì có thể ngăn cản đất nước và dân tộc Trung Hoa tiến lên phía trước ».


    Xô xát giữa người biểu tình Hồng Kông và cảnh sát vào ngày Quốc Khánh Trung Quốc, quận Sha Tin, Hồng Kông, ngày 01/10/2019.REUTERS/Jorge Silva

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố dõng dạc như trên trong bài diễn văn mừng 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 01/10/2019, tại Bắc Kinh.

    Nhưng thực ra, « hoàng đế đỏ » Trung Hoa không muốn để bất kỳ điều gì phá hỏng ngày vui của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng như của riêng ông. Ít nhất trong một tuần mừng Quốc Khánh, mọi khó khăn, từ tăng trưởng chững lại, chiến tranh thương mại với Mỹ, giá thịt heo tăng mạnh, khủng hoảng Hồng Kông…, được tạm gác một bên.

    Cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông được ông Tập Cận Bình nhắc đến trong bài diễn văn với khẳng định tôn trọng quy chế « một nước, hai chế độ » mà đặc khu hành chính được hưởng. Lời hứa này được thực hiện như thế nào, sau ngày Quốc Khánh, thường được đem ra làm mốc ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste, Hồng Kông.

    RFI : Bắc Kinh tổ chức kỉ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nhưng dường như Bắc Kinh không để những cuộc biểu tình ở Hồng Kông làm hỏng ngày Quốc Khánh Trung Quốc.

    GS. Jean-Pierre Cabestan : Lễ Quốc Khánh diễn ra ở Bắc Kinh, nên chính phủ Trung Quốc hy vọng là mọi sự chú ý của toàn thế giới tập trung vào Bắc Kinh, vào lễ diễu binh huy động đến 15.000 quân nhân. Đây là cuộc diễu binh lớn nhất kể từ năm 1949.

    Từ nhiều ngày nay, Trung Quốc công bố rất nhiều thông tin, bản tin, phóng sự về thành tựu mà Trung Quốc đạt được từ năm 1949, tức là từ 70 năm nay. Tất cả những hoạt động này dĩ nhiên là nhằm quảng bá cho sức mạnh trỗi dậy, thành tựu kinh tế, cũng như thành công trên trường quốc tế của Trung Quốc.

    Vì thế, theo tôi, Hồng Kông bị cố tình lãng quên, đẩy vào bóng tối ít nhất cũng trong khoảng một thời gian trước khi trở lại là mối bận tâm của chính phủ Trung Quốc. Còn hiện tại, sự kiện Quốc Khánh 01/10 vẫn là chính, Hồng Kông là thứ yếu.

    Truyền thông Trung Quốc nhận được chỉ thị không được nêu Hồng Kông, tạm gác vấn đề Hồng Kông, ít nhất là trong đợt đại lễ này. Đây là ý đồ chính trị rõ ràng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ca ngợi thành tựu của đảng hơn là những khó khăn mà đảng đang phải đối mặt, kể cả vấn đề Hồng Kông lẫn Đài Loan.

    Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh không dám can thiệp, đặc biệt là quân sự, vào Hồng Kông vì sắp đến ngày Quốc khánh. Vậy sau đại lễ này, chính quyền Trung Quốc có thể đối phó như thế nào với phong trào ở Hồng Kông ?

    Đúng là một số người nêu khả năng Trung Quốc can thiệp quân sự vào Hồng Kông, nhưng bản thân tôi, tôi không tin điều này vì cái giá phải trả sẽ rất cao mà chẳng giải quyết được vấn đề. Vấn đề của Hồng Kông là về chính trị, phải được chính quyền Hồng Kông giải quyết cùng với sự tham gia của Bắc Kinh.

    Tôi cho rằng Bắc Kinh có nhiều biện pháp khác, không chỉ thắt chặt kiểm soát chính trị đối với Hồng Kông, mà còn đối đầu với cuộc khủng hoảng, giải quyết cuộc khủng hoảng, không chỉ bằng đường chính trị, mà theo tôi, còn phải bằng các biện pháp kinh tế và xã hội nhằm giảm bớt bất cân bằng, hoặc chí ít làm dịu những lo lắng, những yêu sách của bộ phận dân cư Hồng Kông nghèo khó nhất.

    Vậy biện pháp cụ thể của Trung Quốc có thể là gì ?

    Phong trào phản kháng ở Hồng Kông đưa ra 5 yêu sách từ nhiều tháng nay. Yêu cầu đầu tiên đã được thỏa mãn vì dự luật dẫn độ sang Hoa lục đã được rút lại. Vì vậy, đây không còn là vấn đề cần bận tâm trong nay mai.

    Tuy nhiên, căng thẳng tập trung ở yêu sách thứ hai, thành lập một ủy ban điều tra độc lập về tình trạng bạo lực cảnh sát. Hiện tại bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) bác yêu sách này. Nhưng trước sự cứng rắn của người biểu tình trong cuộc đối thoại diễn ra cách đây vài hôm (tối 26/09), trưởng đặc khu Hồng Kông đã nêu lên khả năng thành lập một ủy ban như vậy sau khi ủy ban điều tra nội bộ cảnh sát hoàn thành cuộc điều tra riêng.

    Còn đối với những yêu sách khác của người biểu tình, kể cả việc ân xá cho người biểu tình bị bắt, hoặc những đòi hỏi khác mang nặng tính chính trị, như triển khai cải cách bầu cử, tôi cho rằng Bắc Kinh chưa sẵn sàng để nhượng bộ.

    Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã phải xin ý kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để rút hẳn dự luật dẫn độ. Vậy các cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền đang diễn ra hiện nay còn có ích gì, khi mà chính quyền Hồng Kông, bất cứ điều gì, cũng phải hỏi ý kiến Bắc Kinh ?

    Điều này không có gì mới mẻ cả ! Ngay sau khi công khai việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải xin phép Bắc Kinh để rút hẳn dự luật dẫn độ, bà đã tiết lộ bí mật mà mọi người đều biết. Có nghĩa là, một quyết định như vậy rõ ràng là chỉ được công bố khi được Bắc Kinh cho phép. Chính quyền Trung Quốc đã bật đèn xanh để bà đưa ra quyết định đó. Điều này không loại trừ việc Bắc Kinh chấp nhận thành lập một ủy ban điều tra độc lập, bởi vì điều này đã được tờ Nhân Dân Nhật Báo nêu lên như một khả năng sau khi chấm dứt tình trạng bạo lực.

    Tuy nhiên, tình trạng này hiện chưa chấm dứt vì bạo lực lại bùng phát trong cuộc biểu tình hôm 28 và 29/09, và cũng có thể xảy ra tương tự trong ngày 01/10. Nhưng không vì thế mà chính quyền trung ương lại không làm dịu tình hình và có thêm nhân nhượng đối với phong trào. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ lùi bước về mặt gây ảnh hưởng chính trị. Ngược lại, chúng ta thấy là Bắc Kinh sẽ cố can thiệp ngày càng nhiều hơn vào nội tình Hồng Kông, bằng cách nào đó, thông qua Văn phòng Liên lạc, cũng như những công ty phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa lục, như trường hợp xảy ra cách đây không lâu với Cathay Pacific. Việc hãng hàng không này bị buộc phải sa thải một số nhân viên thể hiện thái độ ủng hộ phong trào dân chủ đã cho thấy khả năng gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.

    Tôi nghĩ rằng rất nhiều công ty phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ áp đặt một loạt biện pháp phòng ngừa nào đó đối với nhân viên để tránh gặp rắc rối chính trị với chính quyền trung ương.

    Ngày 25/09/2019, các ủy ban của Hạ Viện và Thượng Viện Mỹ đã thông qua dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019. Dự luật này sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ Viện vào khoảng tháng 10. Vậy dự luật này sẽ tác động như thế nào đến quan hệ Mỹ-Trung ?

    Đạo luật này không tác động trực tiếp đến mối quan hệ giữa hai nước, nhưng góp phần gây áp lực. Đó là một yếu tố bổ trợ. Thực tế, đạo luật này mang tính biểu tượng vì để xác định được những nhân vật, ở Hồng Kông cũng như ở Hoa lục, đã vi phạm hoặc góp phần bóp nghẹt tự do ở Hồng Kông hoặc hạn chế nhân quyền, đây là việc không dễ dàng gì, mất rất nhiều thời gian.

    Nhưng đó là một kiểu gây áp lực, bổ sung cho những lời chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh từ vài tháng qua và như vậy buộc chính quyền trung ương phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra những quyết định quá cực đoan để xử lý các vấn đề ở Hồng Kông.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste, Hồng Kông.

    Ngày 01/10/2019, những người biểu tình đòi dân chủ xuống đường ở Hồng Kông, đáp lại lời kêu gọi tham gia « ngày tang tóc », đúng vào ngày kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

    Sau các vụ đụng độ dữ dội hôm Chủ nhật 29/09, ngay từ sáng sớm, chính quyền Hồng Kông đã huy động một lực lượng an ninh hùng hậu, quyết không để cho người biểu tình phá rối ngày Quốc Khánh Trung Quốc.

    Theo hãng tin AFP, mặc dù nhà chức trách đã ra lệnh cấm biểu tình và đã cảnh báo dân chúng là không được tham gia bất cứ cuộc « tụ tập bất hợp pháp » nào, những người biểu tình đòi dân chủ đã tập hợp tại khu Causeway Bay chiều 01/10. Khu thương mại này đã là nơi thường xuyên xảy ra các vụ xung đột dữ dội giữa cảnh sát chống bạo động và các nhóm biểu tình cực đoan.

    Trước nhiều thương xá và cửa hàng đóng kín cửa, những người biểu tình giương khẩu hiệu : « Chúng ta hãy ủng hộ Hồng Kông. Hãy cùng chiến đấu vì tự do ». Các cuộc tập hợp ít đông đảo hơn cũng đã diễn ra ở một số khu khác.

    Theo hãng tin AFP, một người biểu tình đã bị thương ở ngực do trúng đạn từ một cảnh sát thuộc một đơn vị mà trước đó đã bị những người biểu tình tấn công trong các vụ đụng độ dữ dội giữa những thành phần cực đoan với cảnh sát.

    Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, giới trẻ Hồng Kông hiện đang tham khảo rất nhiều một tấm bản đồ tương tác, được cập nhật liên tục, trên các mạng xã hội, chỉ rõ những quán nào ủng hộ biểu tình, quán nào chống.

    Đặc phái viên RFI Vincent Souriau tại Hồng Kông gởi về bài phóng sự :

    Những chiếc bàn bằng gỗ, ánh đèn rất dịu, trang trí như một công xưởng, đây là một quán bar thời thượng. Quản lý quán này là Mandy. Ông không cảm thấy phiền khi được xếp vào danh sách các quán ủng hộ dân chủ. Ông cũng không che giấu việc ủng hộ phong trào phản kháng. Mandy kể :

    Chuyện xảy ra là, trong tháng 7 vừa qua, vào lúc đang có biểu tình, nhiều bạn trẻ bị đàn áp bằng lựu đạn cay và bị kẹt lại không thể về nhà được. Tôi bèn mời họ vào quán bar để ẩn náu, và tôi nghĩ chính vì vậy mà tôi bị xem là ủng hộ phong trào biểu tình.

    Nhưng chỉ đích danh quán nào thân Bắc Kinh, quán nào ủng hộ dân chủ có nguy sẽ khiến căng thẳng leo thang hay không ? Phải chăng làm như thế chẳng khác gì khuyến khích bạo động ? Đối với Mandy, thật ra thì hai phe đã vượt quá mức giới hạn này rồi. Ông nói :

    Dầu sao thì chúng tôi không có chọn lựa nào. Trong tình hình hiện nay, nếu anh tự xem mình là « trung lập », nếu anh không để lộ ý kiến, thì có nghĩa là anh cũng đang lấy lập trường. Anh chỉ che giấu lập trường để tránh phiền phức. Đừng nên lảng tránh chính trị, vì chính trị sẽ tìm đến anh. Thôi thì cứ công khai ra đi, như vậy không còn nhập nhằng nữa.

    Mandy nói tiếp : Chuyện này chưa xảy ra, nhưng nếu tôi bị phe thân Bắc Kinh tấn công, bạn bè tôi sẽ bảo vệ tôi. Nhờ các ứng dụng điện thoại di động, thậm chí nhờ những người qua đường, chỉ trong 5 phút, sẽ có nhiều người đến ứng cứu tôi.


    Thu Hằng 
     
    (RFI)

    Không có nhận xét nào