Header Ads

  • Breaking News

    Tập Cận Bình nên ‘chấp nhận đa dạng thay vì đồng hóa’


    Sau 70 năm kể từ ngày Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, giới lãnh đạo Trung Quốc đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình đã có sự thay đổi đáng kể so với chính sách ban đầu là tôn trọng sự đa dạng của các sắc tộc ở Trung Quốc mà thay vào đó đang theo đuổi chính sách đồng hóa, một nhà nghiên cứu ở Mỹ nhận định.

    Các lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ trên lễ đài kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc

    Trong bài viết có tựa đề ‘Những gì mà Tập Cận Bình chưa học được từ các hoàng đế Trung Hoa’ đăng trên tờ New York Times, ông James A. Millward, giáo sư lịch sử Đại học Georgetown, cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng muốn đồng nhất Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng thay vì ‘tôn trọng sự đa dạng’.

    ‘Bất ổn từ ngoại vi’

    “Nhân dịp kỷ niệm tròn 70 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) ra đời vào ngày 1/10, Đảng và Nhà nước có nhiều lý do để ăn mừng: kỷ lục chưa từng có về phát triển kinh tế, nền giáo dục và sáng tạo công nghệ đẳng cấp thế giới, vai trò ngày càng nổi bật trên vũ đài thế giới. Nhưng ngay cả khi nhà cầm quyền đã làm rất nhiều cho buổi duyệt binh ngày quốc khánh, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đối mặt sự chỉ trích quốc tế dữ dội nhất kể từ năm 1989, khi họ thảm sát hàng trăm người biểu tình tay không tấc sắt ở Quảng trường Thiên An Môn. Ba mươi năm sau, sự quan ngại quốc tế tập trung vào các vùng ngoại vi của Trung Quốc: Tân Cương và Hong Kong,” ông viết.


    Theo ông thì cả hai vấn đề này đều là cái gai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như Tây Tạng, nơi tranh chấp về việc ai sẽ kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma nay đã già yếu có thể khơi dậy bất mãn lớn và Đài Loan, nơi sự ủng hộ của người dân đang gia tăng đối với một Tổng thống dám thách thức quan điểm của Bắc Kinh rằng hòn đảo này là một phần lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc.


    “Bất chấp tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những thách thức này không phải là do ‘các thế lực thù địch’, ‘những phần tử ly khai’ hay ‘bọn côn đồ’ làm. Thay vào đó, nó xuất phát từ thực tế là khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền cách nay 70 năm, đất nước mà họ cai trị không phải một Trung Hoa đồng nhất, mà là một đế chế rộng lớn với nhiều dân tộc,” ông lập luận.


    “Trong những thập kỷ đầu tiên, Trung Quốc ngầm thừa nhận điều này và tự hào tuyên bố về quá khứ này và tự hào tuyên bố bản sắc của mình là nhà nước đa sắc tộc. Nhưng giờ đây, dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tích cực hành động để xóa bỏ sự đa dạng về văn hóa và chính trị vốn là di sản của các đời đế quốc trước đó,” ông viết.


    Di sản từ triều Thanh


    Theo giải thích của Giáo sư Millward, mặc dù bộ máy tuyên truyền của Đảng khẳng định rằng tất cả các địa phương và dân tộc nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay là Trung Hoa từ xa xưa, nhưng chính triều Thanh mới tạo dựng đượclãnh thổ Trung Quốc ngày nay mà chúng ta thấy. “Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng đều là những vùng đất mà nhà Thanh chiếm được và Mông Cổ cũng vậy. Chế độ đặc thù của Hong Kong ngày nay cũng là một di sản từ triều Thanh,” ông viết.


    Ông cho biết người Trung Quốc bắt đầu định cư ở Đài Loan vào đầu những năm 1600, và vào năm 1683, nhà Thanh đã đặt dân Hán và người bản địa trên đảo Đài Loan dưới hai chế độ cai trị riêng biệt. Nhà Thanh chiếm được Tân Cương vào năm 1759, đỉnh điểm của cuộc đấu tranh lâu dài với bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ để thống trị vùng Trung Á. Triều đình nhà Thanh cai trị Tân Cương theo binh chế lỏng lẻo, cho phép chức sắc bản địa quản lý các sự vụ tại chỗ. Sau đó dân Hán mới chuyển đến sinh sống ở miền bắc Tân Cương. Tây Tạng cũng vậy, cũng bị đặt dưới sự thống trị của nhà Thanh trong các cuộc chiến với Chuẩn Cát Nhĩ nhờ vào chinh phạt và chiêu an phối hợp. Các vị Lạt ma Tây Tạng và các hoàng đế nhà Thanh đã đồng ý về nguyên tắc là mỗi bên nắm thần quyền và thế quyền tách bạch lẫn nhau.


    Còn về Hong Kong, ông cho rằng ‘đó là chuyện khác, nhưng nó xảy ra dưới triều Thanh’. Vùng lãnh thổ này đã được nhà Thanh nhượng lại cho Anh theo Hiệp ước Nam Kinh vào năm 1842 nhằm chấm dứt Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất – cũng hiệp ước này mở cửa các hải cảng khác trên bờ biển Trung Quốc cho người Tây dương đến mua bán. Hiệp ước đầy tai tiếng này, vốn được nhìn nhận rộng rãi là ‘hiệp ước bất bình đẳng’, không nghi ngờ gì là hành vi xâm lược của Đế quốc Anh. Do đó, Giáo sư Millward cho rằng ý tưởng cho phép người ngoại quốc quản lý các khu vực thương mại biên giới là một nguyên tắc trong phương cách trị quốc của triều đình nhà Thanh. Thật vậy, người Nga đã giao thương tại một lãnh địa như vậy ở Kiakhta, tức Cáp Khắc Đồ, thuộc Mông Cổ của triều Thanh kể từ năm 1727.


    Trước Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, nhà Thanh phải đối mặt với thách thức ngoài biên giới phía tây của Tân Cương giống như cách sau này họ đối phó với người Anh. Các thương buôn từ Hãn quốc Kokand (thuộc Uzbekistan) liên tục tấn công Kashgar, tức Khách Thập, thuộc Tân Cương, để gây sức ép buộc nhà Thanh trao cho các đặc quyền giao thương. Sau nhiều năm bất ổn, nhà Thanh và Kokand đã đạt được thỏa thuận mở một khu tô giới để cho phép chính quyền Kokand được áp dụng luật của họ và được đánh thuế để đổi lấy quyền quản lý thị trường Khách Thập và trao quyền tối huệ quốc cho thương nhân đến từ các vùng đất khác. Chính các quan lại nhà Thanh đã đàm phán Hiệp ước Kokand vào năm 1835 cũng đã đàm phán với người Anh sau đó và các điều khoản chính yếu của Hiệp ước Nam Kinh đã thể hiện lại những gì có trong Hiệp ước Kokand. Tô giới có thể là sự áp đặt của ngoại bang, nhưng bản thân nó cũng là công cụ của Thanh triều.


    ‘Ngầm thừa nhận quá khứ’


    “Khi lên nắm quyền vào năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ngầm thừa nhận quá khứ đế quốc này. Cũng như Liên Xô - một nhà nước xã hội chủ nghĩa khác mặc dù lên án chủ nghĩa đế quốc phương Tây nhưng bản thân lại lên nắm quyền lực ở một nước từng là đế quốc – Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không muốn bị xem là nước đế quốc xấu xa,” ông viết. “Vì vậy, họ nhìn nhận sự đa dạng sắc tộc của các dân tộc sống trong lãnh thổ mà họ kiểm soát bằng cách công nhận 55 dân tộc bên cạnh dân tộc chính là người Hán. Và họ cũng thành các khu tự trị ở khu vực người Hán không chiếm đa số người Hán – những nơi mà nhà Thanh đã từng cai trị thông qua các chức sắc bản địa không phải người Hán, trong đó có Tân Cương và Tây Tạng.”


    Theo ông phân tích thì các đặc khu kinh tế mà Đặng Tiểu Bình thành lập vào cuối những năm 1970 tại Thâm Quyến và các thành phố khác của Trung Quốc đã làm sống lại một tiền lệ có từ thời nhà Thanh. “Các đặc khu này rất giống các tô giới truyền thống ở Cáp Khắc Đồ, Khách Thập và Hong Kong. Và cũng như các tô giới của triều Thanh, họ thúc đẩy thông thương bằng cách cho các doanh nghiệp nước ngoài các đặc quyền pháp lý và thuế,” ông lập luận.


    Tương tự, lời hứa ‘Một nước, hai chế độ’ - nguyên tắc đảm bảo cho Hong Kong quyền tự chủ cao vốn được Bắc Kinh hy vọng sẽ là hình mẫu cho sự thống nhất Đài Loan trong tương lai – cũng là sự thể hiện khác trong chính sách của nhà Thanh.


    ‘Đề cao tính Trung Hoa’


    Ngay từ đầu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thừa nhận và vận dụng truyền thống từ thời nhà Thanh với những cách tiếp cận linh hoạt đối với tính đa dạng và chủ quyền. Nhưng nhiều năm sau đó, đặc biệt là kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ bỏ chính sách tương đối khoan dung này trong khi tăng cường đồng hóa dân tộc và sự cứng nhắc chính trị, Giáo sư Millward cho biết.


    Ngày nay, thay vì tôn vinh nét độc đáo của các nền văn hóa riêng biệt, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng đề cao ‘tính Trung Hoa’ đơn nhất, một kiểu bản sắc cho toàn thể Trung Quốc. Mặc dù được cho là bao gồm tất cả sắc tộc, nhưng phong tục và đặc điểm của ‘Trung Hoa’ trên thực tế là hoàn toàn giống với văn hóa người Hán. Chính phủ Trung Quốc giờ đây tuyên bố tiếng Quan thoại, trước đây được gọi là ‘Hán ngữ’, là Quốc ngữ, và quyết liệt thúc đẩy dùng tiếng Quan thoại trong các trường học và công sở, mặc dù Hiến pháp đảm bảo quyền tự do ngôn ngữ và việc sử dụng chính thức ngôn ngữ địa phương. Trung Quốc từng tích cực hỗ trợ xuất bản và giáo dục song ngữ của các ngôn ngữ thiểu số. Giờ đây, các cửa hàng sách tiếng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị bỏ trống và bị đóng cửa. Ở cả Tân Cương và Tây Tạng, giáo dục song ngữ đã được thay thế bằng các trường dạy bằng tiếng Quan thoại, và những ai đề xuất học tiếng Duy Ngô Nhĩ và tiếng Tạng đã bị ngược đãi.


    Nhà chức trách Trung Quốc đã loại bỏ chữ Ả Rập ở những nơi công cộng trên khắp Trung Quốc - bao gồm cả chữ ‘halal’ trên biển hiệu các cửa hàng và nhà hàng. Các chương trình truyền hình không phải tiếng Phổ thông đang biến mất khỏi các chương trình truyền hình. Tiếng Quảng Đông đang chịu áp lực ở Hong Kong và thành phố Quảng Châu lân cận.


    Tương tự, nhân danh Hán hóa tôn giáo, nhà nước của ông Tập đang san bằng các thánh đường và nhà thờ và đã phá hủy một vùng rộng lớn các trung tâm tu viện Phật giáo Tây Tạng ở Larung Gar và Yachen Gar, trục xuất các tăng ni và nhốt họ vào trong những nơi được gọi là trại cải tạo giống như những trung tâm hiện đang giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ.

    Sẽ không thành công?

    Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã tìm cách áp đặt nền ‘giáo dục yêu nước’ tại các trường học ở Hong Kong để bắt buộc giảng dạy lịch sử theo phiên bản của Đảng. Khi cử tri Đài Loan bầu một lãnh đạo mà Bắc Kinh không ưa hồi năm 2016, ông Tập đã đe dọa dùng vũ lực và ngăn khách du lịch từ Đại lục đến thăm hòn đảo này.


    “Chính sách của Chính phủ Trung Quốc đã làm suy yếu di sản quản lý linh hoạt và sự khoan dung sắc tộc tương đối, cũng như khiến nước này hứng chịu chỉ trích của quốc tế, làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khi làm suy yếu tính hợp pháp của đảng,” ông nhận định.


    “Hơn nữa, các trại tập trung sẽ không biến người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan thành những người ‘Trung Hoa’ trung thành ăn thịt lợn và bỏ qua tháng lễ Ramadan. Bạo lực của cảnh sát sẽ không khiến người Hong Kong từ bỏ những lời kêu gọi quyền tự trị vốn từng được hứa hẹn. Đàn áp tôn giáo và phỉ báng Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ không khiến người Tây Tạng yêu mến Đảng. Đe dọa quân sự sẽ không làm cho người Đài Loan cảm thấy gần gũi hơn với đại lục.”


    “Giấc mơ hão huyền của ông Tập về sự đồng nhất chính trị và văn hóa của Xi không chỉ đi ngược lại các cách tiếp cận truyền thống của Trung Quốc đối với sự đa dạng. Chủ nghĩa đồng hóa của ông ấy cũng gây ra sự bất ổn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã hy vọng tránh được,” ông viết.



    VOA Tiếng Việt

    Không có nhận xét nào