Header Ads

  • Breaking News

    Thời mạt Pháp, chùa là sàn giao dịch kinh doanh, sư là nhà kinh tế?

    Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dự ngôn rằng, nhân loại sẽ đi vào thời mạt Pháp, nghĩa là con người không còn có Pháp trong tâm để ước thúc bản thân, điều gì cũng dám làm, điều xấu nào cũng dám phạm, dẫn đến đạo đức ngày càng suy đồi. Ngày nay, xã hội nhìn đâu cũng thấy hàng giả: thực phẩm giả, thuốc giả, điểm giả, học vị giả, lời giả, ý giả, và đến cả sư sãi cũng giả tu làm loạn Pháp, khiến chốn chùa chiền vốn là nơi tâm linh bình lặng cũng không tránh khỏi cạm bẫy “thương trường” của danh lợi tình…


    Vụ bê bối gạ tình của vị trụ trì chùa Nga Hoàng (Vĩnh Phúc) – Đại đức Thích Thanh Toàn – cùng giấc mơ về ngôi chùa “cổ” Địa Ngục tại vị trí đắc địa ở Tam Đảo chỉ là giọt nước tràn ly của một bộ phận Phật giáo tha hóa. Bộ phận này đã và đang làm suy yếu niềm tin vào những giáo lý tốt đẹp của Phật Pháp.

    Từ giấc mơ “phát hiện” ngôi chùa cổ…

    Theo website chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN), năm 2008 “[hòa thượng Thích Thanh Toàn] ngồi thiền nhưng trong đầu lại hiện lên cảnh một ngôi chùa với những ngôi mộ cổ rõ mồn một. Không biết vị trí chính xác ở đâu chỉ thấy một mái chùa phấp phơ sương trắng với một vòng hào quang chói lòa”. Rồi thông qua một giấc mơ thấy đốm sáng trong rừng Tam Đảo, sư thầy Thích Thanh Toàn đã dẫn đầu đoàn người gồm hai Phật tử từ Hà Nội cùng bốn người dân tộc bản địa thông thuộc đường núi, không quản đêm tối vượt núi cao rừng rậm tìm ra cái gọi là phế tích của ngôi chùa mang tên “Địa Ngục” nằm sâu trong Rừng Quốc gia, bấy giờ chỉ còn là dấu tích hoang phế. Ấy là sư thầy Thích Thanh Toàn kể về việc quá trình đi tìm ngôi chùa cổ.

    Hơn 10 năm sau, vào những tháng cuối năm 2019, một nhóm phóng viên (PV) của Báo Phụ Nữ TP.HCM trong khi tác nghiệp tìm hiểu thông tin về dự án Tam Đảo II trị giá 25.000 tỷ đồng của Tập đoàn Sun Group tại rừng Quốc gia Tam Đảo, cái tên Chùa Địa Ngục nổi lên như là điểm tiếp cận đầu tiên mà nhóm PV hướng đến. Sau nhiều ngày tiếp cận Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng, đồng thời là người “khám phá” ra chùa Địa Ngục ẩn sâu trong rừng núi Tam Đảo, nhóm phóng viên với thân phận là một nữ đại gia ở nước ngoài về muốn đầu tư bất động sản ở Tam Đảo và chữa bệnh cho cậu em họ (cũng là PV) đã thu thập được khá nhiều những thông tin “quý giá” về dự án Tam Đảo II từ sư thầy: “Con nên đầu tư vào dự án Tam Đảo II, chùa Địa Ngục của thầy nằm trong lòng dự án này. Đây sẽ là một dự án lớn nhất, sang nhất, đắt nhất và lãi nhất”(Theo báo PN TP.HCM).

    Có điều, không chỉ dừng ở việc “rủ rê” PV trong vai nữ đại gia đầu tư vào một dự án nằm trong khu vực Vườn quốc gia Tam Đảo, đại đức Thích Thanh Toàn còn bị tố liên tục có những hành vi “gạ tình” PV như đòi chat sex, gửi ảnh khỏa thân, lấy tay vuốt vào phần nhạy cảm trên cơ thể PV, và đỉnh điểm là đòi quan hệ tình dục trong loạt bài bài điều tra công bố vào ngày 23/9/2019 trên báo Phụ Nữ TP.HCM.

    Những thông tin trên không chỉ gây sốc dư luận, tạo ra nhiều tranh cãi trái chiều về tính thực hư của sự việc; mà còn làm dấy lên những đồn đoán về “sự tích” chùa Địa Ngục: Đại đức Thích Thanh Toàn là ai, và giữa sư Toàn, chùa Địa Ngục và dự án Tam Đảo II của Tập đoàn Sun Group có gì liên quan đến nhau?

    Ảnh chụp màn hình trang phatgiao.org.vn
    …. đến mối liên quan giữa chùa Địa Ngục và dự án Tam Đảo II

    Tam Đảo được biết đến là địa danh gắn liền với các khu resort, các căn biệt thự từ thời Pháp cổ nhưng người Pháp đã chọn xây dựng ở Tam Đảo I, giữ nguyên Tam Đảo II để bảo vệ rừng nguyên sinh. Năm 2008, một doanh nghiệp của Mỹ cùng với Bitexco xin làm dự án khai thác du lịch nghỉ dưỡng tại Tam Đảo II, tuy nhiên, dự án này gặp phải sự phản ứng dữ dội của các nhà khoa học vì nhân sinh môi trường nên cũng không thể triển khai.

    Ngày 27/12/2016, Tập đoàn Sun Group đã tổ chức Lễ khởi công Dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo. Dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II được Tập đoàn Sun Group đầu tư với số vốn khoảng 25.000 tỷ đồng cho 3 giai đoạn, bao gồm các hạng mục chính như: Công viên, vườn thực vật, triển lãm nghệ thuật, khu vui chơi trẻ em, khu vui chơi gia đình, khu hoạt động ngoài trời, trung tâm vui chơi giải trí công nghệ cao hội tụ các trò chơi hấp dẫn hàng đầu thế giới, rạp chiếu phim, các khu du lịch tâm linh dã ngoại cùng không khí thiên nhiên trong lành.

    Dự án nằm trong khu đất thuộc địa phận Tam Đảo II và là một phần của Vườn Quốc gia Tam Đảo rộng 36.883ha. Riêng diện tích quy hoạch khu Tam Đảo 2 khoảng 300 ha (theo Home AZ.vn). Và Chùa Địa Ngục sẽ nằm ở trung tâm Đại dự án của Sun Group như lời ông Phó Chủ tịch Tập đoàn Sun Group Trần Minh Sơn đã chia sẻ với PV báo Phụ nữ TP.HCM: “…Còn chùa Địa Ngục, chắc chắn tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng bài bản… Bọn anh làm du lịch nên rất trân trọng điểm đến, đặc biệt là điểm đến tâm linh” (Thông tin trích từ báo Phụ Nữ Online)

    Mặc dù chùa Địa Ngục được sư thầy Thích Thanh Toàn “tìm thấy” từ năm 2008, nhưng vì nằm trong khu vực Vườn Quốc gia nên không được phép phục dựng lại. Theo Dân trí, từ năm 2009, Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã cho người lên khu vực chùa Đồng Cổ (chùa Địa Ngục) tại khoảnh 4, tiểu khu 75 – Vườn Quốc gia Tam Đảo, thuộc địa giới hành chính xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo – Vĩnh Phúc khảo sát, tìm hiểu. Tuy nhiên, do không phát hiện di tích cổ nên Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt không cho người tìm hiểu tiếp.

    Sau đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc có văn bản báo cáo UBND tỉnh về việc khu vực chùa Địa Ngục chưa có gì gọi là di tích để khôi phục. Từ đó đến nay, đơn vị này không có văn bản nào về việc cho phép hoạt động tín ngưỡng ở khu vực chùa Địa Ngục. Tuy nhiên Báo cáo của UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) về kết quả tổng hợp những vi phạm của ông Lê Hữu Long khi đang còn tu hành, mang pháp danh Thích Thanh Toàn, cho biết: Từ đầu năm 2009 đến 2011, sư Toàn đã tự ý thuê người vào khu vực để chặt cây, đào bới, xây dựng lều lán, tự ý đưa tượng Phật, chuông và nhiều vật dụng khác và tổ chức thờ cúng. Từ năm 2012-2015, sư Toàn tiếp tục dựng nhiều lều lán, đặt tượng Phật, bát hương… thờ cúng.

    Thượng tọa Thích Thanh Phương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Tam Đảo cho biết, sư thầy Thích Thanh Toàn đã nhiều lần vi phạm các Nội quy Ban Tăng sự, và quy định về trật tự xây dựng, quy định bảo vệ rừng và bị kỷ luật cảnh cáo. Nhưng suốt trong một thời gian dài cho đến trước khi bị báo Phụ Nữ TP.HCM phanh phui tội lỗi, chùa Địa Ngục do sư Toàn dựng nên trái phép vẫn hiện diện giữa núi rừng Tam Đảo, là điểm đến chinh phục của các phượt gia, là chủ đề hot trên các blog về du lịch. Thậm chí, có cả một cuộc kêu gọi trên mạng để bảo vệ chùa, trước sự “xâm lăng” của dự án Tam Đảo II.

    Đây là một đoạn trong tiêu đề bài viết “Chùa Địa Ngục trước nguy cơ bị di dời”, được đăng trên trang Phatgiao.org.vn ngày 13/2/2019:

    “Chùa Địa Ngục nằm giữa đại ngàn núi rừng Tam Đảo, không ai biết ngôi chùa có từ khi nào, một điều chắc chắn nó đã bị lãng quên một thời gian quá dài, nhưng thông tin lưu truyền về ngôi chùa ấy thì vẫn còn đâu đó trong quá trình phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Cho tới năm 2008, sau một đêm nằm mơ thấy đốm sáng trong rừng Tam Đảo, sư thầy Thích Thanh Toàn đã cùng một nhóm người đi vào rừng đi theo lối chùa Tây Thiên, sau nhiều lần đi đi lại lại tìm ngôi chùa Địa Ngục, mọi thứ đã đổ nát chỉ còn lại nền móng của một hoang tích.”

    Khi hỏi một cán bộ đã có thâm niên 20 năm công tác tại Vườn Quốc gia Tam Đảo về việc tại sao chùa Địa Ngục xây dựng trái phép mà lại ngang nhiên tồn tại trong suốt một thời gian dài như vậy, nhóm PV báo Phụ Nữ TP.HCM đã nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không làm gì được. Chúng tôi chỉ biết lập biên bản và báo cáo lên trên… Công an tỉnh còn chả làm gì được nữa là”.

    Dù câu trả lời nửa chừng bỏ ngỏ, nhưng thực tế chùa Địa Ngục, sư Thích Thanh Toàn và người đứng đầu dự án Tam Đảo II đã “hé lộ” mối dây ràng buộc khi Phó chủ tịch Tập đoàn Sun Group Trần Minh Sơn chia sẻ với PV báo Phụ Nữ TP.HCM rằng: “Ngày xưa, tỉnh Vĩnh Phúc định trục xuất thầy Toàn, chính anh là người nói đỡ để thầy ở lại. Còn chùa Địa Ngục, chắc chắn Tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng bài bản… Bọn anh làm du lịch nên rất trân trọng điểm đến, đặc biệt là điểm đến tâm linh”. Còn sư Toàn thì tiết lộ: “Dự án này đầu tiên do Sông Hồng Thủ Đô đứng ra xin, sau đó Sun nhảy vào. Liên danh chỉ là cái cớ thôi, của chú Sơn bên Sun Group hết. Chú ấy còn đang bảo đưa thầy 300 tỷ để xây chùa Địa Ngục”.

    Những năm gần đây, người dân đã chứng kiến một hiện tượng bất thường chưa từng thấy khi xuất hiện những dự án tâm linh rộng hàng ngàn ha đất. Những công trình chùa to lớn này thường kết hợp tour du lịch nên còn gọi là du lịch tâm linh. Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp đang “móc nối” với các nhà sư thoái hóa để lợi dụng triệt để việc “kinh doanh tâm linh” nhằm “móc ví” người dân bằng mọi cách…

    Khi chùa không còn là nơi để tu hành….

    Chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam lại “hưng thịnh” như hiện nay nếu nói về sự phát triển nóng của hệ thống thờ tự. Theo Wikipedia thì Việt Nam hiện có 14.775 ngôi chùa, trong số đó, có những ngôi chùa rất hoành tráng với mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, lập nhiều kỷ lục trong khu vực lẫn cả thế giới. Lưu ý rằng, Phật giáo truyền thống nước ta không có các chùa to lớn như thế. Đó là những chùa mới xây.

    Kể đến phải có quần thể chùa Bái Đính rộng 540ha tại tỉnh Ninh Bình, hiện đang giữ nhiều kỷ lục nhất như là ngôi chùa rộng nhất Việt Nam, tượng Phật bằng đồng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có nhiều tượng La Hán nhất, có giếng ngọc lớn nhất, và sở hữu nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam. Có lẽ đây cũng là ngôi chùa “tiện nghi” nhất khi ngay trong khuôn viên chùa còn có cả… khách sạn và quán cà phê.

    Tất nhiên du khách tới đây lễ Phật, vãn cảnh thì không có gì là miễn phí cả. Dù không bị buộc phải chi tiền, nhưng hầu như du khách nào tới đây cũng đều phải sử dụng dịch vụ của chùa như phí gửi xe ô tô 40.000đ, xe máy 15.000đ, vé xe điện 2 lượt 60.000đ, vé lên bảo tháp 50.000đ, thuê hướng dẫn viên 300-500.000đ và ngay cả… đi vệ sinh cũng mất 2.000đ/lượt. Đó là chưa kể đến vô số hòm công đức rải rác khắp nơi trong khuôn viên Bái Đính.

    Chùa Bái Đính chỉ là một trong số những đại công trình do tư nhân đang làm chủ những địa điểm tâm linh. Trong khi rất nhiều công trình dân sinh cần đầu tư như bệnh viện quá tải, trường học xuống cấp, cầu cống sập đổ, lún ngập, nguồn nước ô nhiễm… thì những “siêu dự án” vẫn tiếp tục mọc lên với quy mô ngày càng khủng. Như dự án khu tâm linh tại đảo Cái Tráp (Hải Phòng) ngoài tượng Phật cao 150m còn có cả khu biệt thự nghỉ dưỡng, sòng bạc casino… Dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) rộng 18.940ha sẽ có bảo tháp lớn nhất thế giới với sức chứa lên tới 10 nghìn người. Dự án Chùa Tam Chúc (Hà Nam) có diện tích lên tới 5.000ha với tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng, mục tiêu khi hoàn thành sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới. Dự án khu du lịch tại chùa Hương đề xuất rộng 1.000ha, với vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Và gần đây là dự án Tam Đảo II với diện tích quy hoạch khoảng 300ha, được Tập đoàn Sun Group đầu tư với số vốn khoảng 25.000 tỷ đồng.

    Điều đáng nói là, tất cả các dự án gắn liền với tâm linh đều rộng từ vài trăm đến vài ngàn hecta đất ấy, thì đa số chùa, tháp – khu vực tâm linh chỉ chiếm một diện tích vô cùng khiêm tốn so với tổng thể dự án dành cho các khu dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí. Ví dụ như quần thể khu Bái Đính có diện tích 1.700ha, nhưng quần thể chùa chỉ chiếm diện tích 80ha. Chùa Tam Chúc sẽ được cho là rộng nhất thế giới chỉ chiếm 144ha, trong khi diện tích chủ đầu tư được giao lên tới 5.100ha. Dự án Cái Tráp rộng 450ha trong khi khu tâm linh chỉ chiếm 88,7ha. Không khó để nhận ra, đi kèm với cái diện tích nhỏ bé ấy, là hàng loạt các bất động sản dành cho nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, sòng bài… “song hành” cùng nhà Phật.

    Hệ quả theo sau những đại công trình ấy là thiên nhiên bị tàn phá, cây rừng bị chặt phăng, đất ruộng của dân bị thu hồi… Người dân muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng, vào chùa lễ Phật đều phải qua “BOT” của các doanh nghiệp, mua vé vào cổng và trả tiền cho nhiều khoản dịch vụ. Đó là lý do mà đường bộ lên Bà Nà đã bị khóa, cửa rừng Tam Đảo bị đóng kín, muốn lên Bảo Tháp chùa Bái Đính thành kính chiêm ngưỡng và lễ Phật cũng bị thu tiền. Chưa nơi đâu mà dịch vụ thu phí lại nhiều như những khu du lịch tâm linh này, mà thực chất là “mảnh đất” màu mỡ để các doanh nghiệp trục lợi kiếm tiền, buôn tăng bán Phật. Chùa thì rộng lớn, tượng Phật thì đồ sộ, cảnh quan thì hoành tráng, nhưng thực tế đó không còn là miền đất thanh tịnh để các nhà sư tu hành, mà nó tương phản với thực trạng đạo đức xuống cấp nghiêm trọng.

    Trong Phật giáo hàng ngàn năm truyền thống, chùa chiền vốn là không gian để các tăng ni tu hành thanh tịnh, để nghe tiếng chuông chùa vào buổi sáng, tiếng gõ mõ lúc hoàng hôn, đọc kinh thờ Phật dưới ánh đèn le lói. Chùa cũng là nơi để người thuộc đủ mọi giai tầng trong xã hội đến tĩnh tâm, tìm kiếm sự an nhiên và thờ cúng ở đó. Tu hành đòi hỏi một trái tim trong sạch không truy cầu bất cứ điều gì. Thờ cúng cũng cần có một môi trường nghiêm túc và trang nghiêm.

    Người xưa nói: Núi không cần cao, có tiên sẽ linh, sông không cần sâu, có rồng sẽ linh, chùa không cần to, có người chân tu thì sẽ linh. Văn hóa truyền thống vốn nhấn mạnh vào nội hàm tinh thần như thế. Và chỉ có như thế, thì mới có thể đem lại lợi ích tâm linh theo đúng nghĩa cho quảng đại quần chúng.

    Tuy nhiên, các ngôi chùa đã bị biến thành các địa điểm du lịch vì lợi ích kinh tế, trở thành sàn giao dịch tâm linh. Các loại lễ cúng sao, giải hạn, cầu an, tụng niệm tang lễ, cầu siêu, đưa vong lên chùa, bán khoán, …vốn không có trong giáo lý nhà Phật, giờ được nhà chùa làm “mềm hóa” theo kiểu tín ngưỡng dân gian, và được chúng sinh hưởng ứng, tạo nên một “thị trường” nhộn nhịp chưa từng thấy trong những năm gần đây.

    Nhiều ngôi chùa đã trở thành nơi chuyên cung cấp “dịch vụ tín ngưỡng” mang tính trao đổi: đổi chác lời cầu nguyện lấy sự mưu cầu, đổi chác tiền bạc để lấy sự an tâm… Đây đó, mái chùa bị biến thành một “cơ sở tâm linh” nhuốm màu vật chất với các hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan, mà buồn thay, do chính những “người của nhà chùa” đứng ra tổ chức. Trong khi một bộ phận nhà chùa có thu, giàu lên rất nhanh thì một bộ phận người dân cũng “mua” được sự “an lạc” tạm thời.

    Thế nên, mới có chùa nổi tiếng về cúng sao giải hạn, có chùa được biết đến với “dịch vụ” gọi vong, có chùa chuyên làm lễ cầu duyên, và cũng có ngôi chùa mà quan chức tấp nập đến vì “linh thiêng” trong việc đem đến cho họ quyền lực… Phật giáo, và bất cứ một tôn giáo chân chính nào, ra đời đều với mục đích làm điểm tựa tâm linh cho con người, khiến con người hướng đến những điều tốt đẹp hơn, sống tốt hơn. Thực ra tôn giáo chân chính có hai mục đích: một là để phổ truyền một phương pháp tu luyện nào đó, giúp ai có căn cơ tốt có thể theo đó mà đắc Đạo tu lên cao; hai là giúp duy trì đạo đức của xã hội.

    Giáo lý của Phật giáo, vốn dĩ không hướng đến sự tìm kiếm, mưu cầu mọi thứ từ chung quanh mà thực chất là sự tự giác ngộ và giải thoát chính bản thân khỏi những đam mê, lầm lạc, u tối, tham lam. Nhưng một bộ phận sư trụ trì lại đóng vai trò như chủ một doanh nghiệp biết huy động vốn, ra giá, mời chào đầu tư… mà không còn chuyên tâm vào việc tu hành nữa dẫn đến những vụ bê bối “đình đám” liên quan đến chuyện tiền bạc, sắc giới…

    Hằng ngày, những vị sư trụ trì này giao thiệp với đủ loại nhân sỹ, với quan chức chính phủ, với giới doanh nhân trong xã hội như những ông chủ các doanh nghiệp. Thời gian phần nhiều bị chi phối vào các cuộc tiếp đãi khách khứa và xử lý công việc, còn đâu thời gian tu hành, tâm của họ không đặt vào cõi bồng lai, “tứ đại cũng chẳng giai không nữa” và đền chùa cũng chỉ là “đơn vị công tác” của họ mà thôi. Phương pháp tu luyện “mặt nhìn vào vách núi” do Lão tổ Đạt Ma truyền lại cần có một hoàn cảnh thanh tịnh, đến nay đã không còn lại chút gì.

    Với những tai tiếng xảy ra liên tục, gần đây nhất là vụ “giải vong” ở chùa Ba Vàng, vụ Đại đức Thích Thanh Toàn “rủ rê” đầu tư bất động sản và “gạ tình” phóng viên, vấn đề tâm linh đã bị các nhóm lợi ích, giới doanh nhân và một bộ phận các nhà sư thoái hóa biến chất coi là một lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận khổng lồ.

    Mạnh Cường

    (Trí thức VN) 

    Không có nhận xét nào