Header Ads

  • Breaking News

    Khi Trung Quốc vượt lằn ranh đỏ tại Biển Đông


    (VNTB) - Hải Dương 8, một tàu khảo sát của Trung Quốc đã xâm lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn vẹn lãnh thổ và an ninh kinh tế của Hà Nội.
     Khi Trung Quốc vượt lằn ranh đỏ tại Biển Đông

    Vào tháng 7, tàu này vào EEZ của Việt Nam, nơi nó tiến hành cuộc khảo sát địa chấn kéo dài nhiều tuần, gây ra một cuộc đối đầu căng thẳng giữa các tàu quân sự và bảo vệ bờ biển Việt - Trung. Với 200 hải lý tính từ bờ biển, EEZ cho phép một quốc gia có quyền chủ quyền khai thác bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào trong khu vực đó.

    Tháng trước, một tàu khoan dầu khổng lồ của Trung Quốc tên Lam Kình đã tiếp cận bờ biển của Việt Nam, cách ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi 90 km, tạo ra nguy cơ đối đầu hàng hải giữa hai nước, theo Marine Traffic, một trang web theo dõi hải trình.


    Sự xuất hiện của tàu Trung Quốc gần sát bờ biển Việt Nam là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục gia tăng sự căng thẳng, và thực tế là đang tiến hành cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam – vốn đang hợp tác thăm dò – sản xuất dầu khí với Rosneft của Nga. Theo một nhà quan sát, sự xuất hiện của Lam Kình không chỉ báo hiệu chính trị, mà còn là một hoạt động - buộc Việt Nam phải tăng cường năng lực hàng hải không chỉ ở Bãi Tư Chính mà còn cả đối với Lam Kình . Điều này làm phức tạp tình hình đối với Hà Nội vốn ở trạng thái bất cân xứng với Trung Quốc về năng lực của lực lượng phòng vệ hàng hải.

    Mặc dù Việt - Trung nhiều năm qua bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp ở vùng Biển Đông, khu vực được đánh giá là giàu năng lượng và một tuyến đường hàng hải quan trọng quốc tế, thì sự xâm lấn vào vùng EEZ của Việt Nam gia tăng trong vài năm gần đây, có lẽ để thực hiện giấc mơ bá quyền của Trung Quốc trong khu vực và trùng với lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nhà nước cộng sản Trung Quốc.

    Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn”, đánh dấu một vùng rộng lớn, hình chữ U, bao trùm phần lớn thềm lục địa Việt Nam.

    Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 đã vô hiệu hóa các yêu sách của Trung Quốc trên hầu hết vùng Biển Đông và cái gọi là quyền lịch sử và đường chín đoạn của nước này. Tuyên bố, Bắc Kinh không có quyền đối với vùng nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ Quần đảo Trường Sa. Phán quyết cũng cáo buộc Bắc Kinh đã phá hủy sinh thái và môi trường biển bằng cách thiết lập các đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng để củng cố các yêu sách của nước này. Phán quyết của PCA chắc chắn là một chiến thắng của một trật tự dựa trên các quy tắc của thế kỷ 21 đối với các kế hoạch thế kỷ 19 của Trung Quốc.

    Hiện nay, gánh nặng kiềm chế Trung Quốc và thành lập cơ chế quản lý xung đột ở Biển Đông nằm ở ASEAN. Vào tháng 6, khi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN gặp nhau, tuyên bố của chủ tịch hiệp hội này đã ghi nhận sự lo lắng và mệt mỏi về các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông, đã lưu ý đến các hoạt động cải tạo đất và các hoạt động trong khu vực, làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra ở Bangkok, bắt buộc tổ chức này phải thể hiện sự đoàn kết hơn nữa và nhấn mạnh trọng tâm vào sự kiềm chế của Trung Quốc.

    Trong khi Ấn Độ có cách tiếp cận tương đối thận trọng đối với vấn đề Biển Đông, quốc gia này không thể đứng ngoài với căng thẳng gia tăng trong khu vực, đến từ tinh thần hiếu chiến của Trung Quốc. Ấn Độ phải dành cho Biển Đông một ưu tiên cao hơn và nghiêm túc hơn trong chính sách đối ngoại có tính đến thực tế kinh tế địa lý. Bởi, Biển Đông là tuyến đường thủy quan trọng mà qua đó 5.000 tỷ USD thương mại đi qua mỗi năm. Eo biển Malacca - điểm nghẽn nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông - xử lý khối lượng dầu gấp năm lần so với kênh đào Su-ê. Mối quan hệ chiến lược của Ấn Độ với các nước trong khu vực, đặc biệt là với Malaysia, Indonesia, Singapore, Việt Nam và Philippines đã trở nên ấm cúng hơn theo Chính sách hướng Đông của Thủ tướng Narendra Modi.

    Quan trọng hơn, Ấn Độ-Thái Bình Dương gần như là láng giềng mới của Ấn Độ. Ấn Độ có nhiều nghĩa vụ hơn trong hòa bình và trật tự ở Biển Đông. Và ASEAN, cũng muốn Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trong vai trò kiến trúc sư chính trị, kinh tế và an ninh mới nổi của Ấn Độ-Thái Bình Dương, phù hợp với một vị thế mới của Niu-Đêli, một cường quốc mới nổi, trước sự trỗi dậy không ngừng và đầy thô bạo của Bắc Kinh.

    Thực tế, khi căng thẳng Biển Đông gia tăng, Hà Nội đã kêu gọi Ấn Độ ủng hộ để chống lại Bắc Kinh. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu đã kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi nêu vấn đề với Chủ tịch Tập Cận Bình. Và ông hy vọng Ấn Độ sẽ can thiệp như một lực lượng vì hòa bình trong tình hình leo thang mà ông mô tả là nghiêm trọng.

    Trước đó, Hà Nội đã nhiều lần kêu gọi Niu-Đêli đóng vai trò của mình để xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông, vốn đang gặp nhiều khó khăn.

    Trong thời gian Trung Quốc xâm phạm EZZ, Việt Nam triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển để bảo vệ dự án đang tiến hành ở khu vực Biển Đông, bao gồm cả các tàu đang hỗ trợ giàn khoan. Các phi hành đoàn Trung Quốc đã sử dụng megaphones và cảnh báo người Việt bằng ba ngôn ngữ Tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh để tạm dừng hoạt động, một quan chức Việt Nam cho biết. Hiện tại, tình hình Biển Đông có thể được tóm tắt bằng tiêu đề của bài báo WSJ: Việt Nam đã nói với Trung Quốc ra khỏi vùng biển của mình. Và phản ứng của Bắc Kinh là "không, chính Việt Nam mới ra khỏi vùng biển".


    Nguồn:

    https://timesofindia.indiatimes.com/blogs/toi-edit-page/crossing-a-red-line-chinese-transgressions-in-south-china-sea-need-strong-pushback/

    https://www.express.co.uk/news/world/1186154/south-china-sea-beijing-hanoi-vietnam-india-tensions-asia-politics

    https://www.wsj.com/articles/vietnam-told-china-to-get-out-of-its-waters-beijings-response-no-you-get-out-11572625722

    An Viên lược dịch và tổng hợp

    Không có nhận xét nào