Header Ads

  • Breaking News

    Khống chế người dân là vũ khí ‘mạnh nhất’ của chính quyền Trung Quốc trong tình thế gian nan

    Cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh đang diễn ra trên tất cả các mặt trận, từ thương mại đến gián điệp, từ quân sự đến quyền con người… Không ít người cho rằng cuộc chiến tổng lực này sẽ làm cho chính quyền Trung Quốc phải thay đổi, khi mà nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, Bắc Kinh mất uy tín và dân chúng sẽ đứng lên phản đối. Nhưng diễn biến tại Trung Quốc thật khó lường khi mà mức độ “khống chế dân chúng” của chính quyền Trung Quốc là không thể tưởng tượng.

    Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập trong một cuộc gặp năm 2017 (ảnh VOA).

    Quá trình và cách thức khống chế dân chúng của chính quyền Trung Quốc

    Ngày nay, người ta thường xuyên thấy các cuộc phản đối, biểu tình tại Trung Quốc. Nhưng người dân Trung Quốc xuống đường thường vì hai lý do: một là đấu tranh vì bị động chạm đến quyền lợi trước mắt, quyền lợi sát sườn; hai là biểu tình do chính quyền dẫn dắt. Ví dụ, sau các va chạm vì tranh chấp tại quần đảo Sankaku/Điếu Ngư năm 2012, hàng trăm ngàn người dân Trung Quốc xuống đường tuần hành chống Nhật, đập phá cửa hàng Nhật, đốt xe ô tô thương hiệu của Nhật…. Tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc đã dẫn dắt dư luận: “Việc tẩy chay các sản phẩm Nhật Bản là một quan điểm nổi trội để thể hiện phẩm giá bất khả xâm phạm của người Trung Quốc”.

    Nhưng khi chính quyền Trung Quốc nhận thấy nguy cơ cuộc biểu tình mất kiểm soát, họ lập tức dẫn dắt ngược lại và hành động ngay để dẹp bỏ. Cũng tờ báo trên lại viết: “những khu phố đầy mùi khói, ô tô bị lật nhào và những con người với mặt mũi méo mó không phải là cảnh mà một xã hội văn minh nên có, nó giống một xã hội tăm tối gớm ghiếc nhiều hơn… Cần ngăn chặn phá hoại và phóng hỏa, cũng cần có các biện pháp lâu dài để xoa dịu sự thù địch”. Hàng ngàn tờ báo sẽ tuyên truyền liên tục, cùng với sự vận động, đe doạ của tất cả các cơ quan, các cán bộ cơ sở… chỉ trong một thời gian ngắn có thể khống chế được người biểu tình.

    Quá trình khống chế dân chúng của chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu từ sau năm 1949. Từ việc đàn áp các đối tượng nắm giữ tư tưởng của xã hội truyền thống, bao gồm nhóm người có tài sản, trí thức, tôn giáo. Từ bắt giam, xử bắn đến nhục mạ nhằm thủ tiêu vai trò dẫn dắt tư tưởng xã hội của các nhóm người này. Tiếp theo là cuộc Đại cách mạng văn hoá, cưỡng chế phá huỷ văn hoá trên phạm vi toàn xã hội. Sử dụng công cụ tuyên truyền một chiều cường độ cao để bài xích các giá trị truyền thống, vu cho là phong kiến, là mê tín.

    Song song với quá trình phá huỷ là thay thế, ép nhập vào dân chúng một bộ “văn hoá” biến dị, lấy triết lý tranh đấu làm căn bản. Tuyên truyền một chiều cùng các hoạt động trấn áp tàn khốc, làm cho dân chúng Trung Quốc từ im lặng vì sợ hãi, dần dần chuyển sang chấp nhận tư tưởng biến dị một cách không tự biết. Ngày nay, hàng tỉ người Trung Quốc đã hoàn toàn sống trong lối tư tưởng biến dị ấy. Họ như một đống cát lớn, rời rạc và dễ dàng bị dẫn dắt.

    Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, chỉ số tăng trưởng GDP đã ở mức thấp nhất trong 27 năm qua. Thất nghiệp ngày càng gia tăng, đời sống dân chúng sẽ nhanh chóng khó khăn. Nhưng chính quyền Trung Quốc dễ dàng tuyên tuyền cho dân chúng một lối nghĩ rằng, “tất cả đều do đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch”, “phương Tây đang nghen ghét với sự phát triển của Trung Quốc”…

    Phong trào đòi tự do của người Hồng Kông đã trở nên mạnh mẽ từ đầu tháng 06/2019. Ngày 17/06/2019, tờ CHINADAILY đã đăng bài báo có tiêu đề “Các phụ huynh Hồng Kông biểu tình chống sự can thiệp của Mỹ”. Các thông tin về biểu tình Hồng Kông cũng bị xoá sạch trên internet tại Trung Quốc. Dân chúng Trung Quốc dù đều biết tới tình hình Hồng Kông, nhưng lối nghĩ của họ vẫn phổ biến là “phải giữ chính sách một quốc gia hai chế độ”. Họ không thể biết rằng, bản thân chính quyền Trung Quốc mới là bên đã vô hiệu hoá chính sách này. Tất nhiên nhiều người dân Trung Quốc cũng mơ hồ hiểu được các vấn đề, nhưng họ cũng không dám thể hiện ra vì hai chữ “sợ hãi”.

    Khống chế người dân liệu có giữ yên được Trung Quốc?

    Ngay cả giả định cuộc xung đột Mỹ – Trung sẽ làm cho nền kinh tế Trung Quốc bị cô lập, cuộc sống của người dân Trung Quốc lâm vào khủng hoảng, thì người dân Trung Quốc có vẻ như sẽ không làm gì để thay đổi chính quyền. Họ đã phải sống như vậy trong nhiều thập kỷ. Lại thêm bài học của láng giềng Triều Tiên, bằng sự khống chế theo mô hình tương tự, người dân Triều Tiên hàng ngày ở trong đói khổ, vẫn phải “tôn sùng” các thế hệ lãnh tụ họ Kim trong hơn nửa thế kỷ qua.

    Ngày nay, sự khống chế của chính quyền Trung Quốc đã mở rộng sang các tất cả các lĩnh vực và đối tượng. Công đoàn, ngân hàng trung ương, toà án, truyền thông… thay vì độc lập với chính phủ thì lại càng bị chỉ đạo bởi chính phủ. Chính quyền khống chế tất cả các lĩnh vực tại Trung Quốc, nên dễ dàng lấy quyền và lợi ích làm ăn tại Trung Quốc, để khống chế các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.

    Chính quyền Trung Quốc không thể đáp ứng được đa số các yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump. Những yêu cầu này rất sòng phẳng, nhưng chúng đã động chạm tới những quan điểm quản lý cơ bản của chính quyền Trung Quốc: đó chính là vấn đề toàn trị, khống chế tất cả các lĩnh vực, kiểm soát tất cả các đối tượng tại Trung Quốc. Do vậy, hai bên càng đàm phán càng thì mức độ căng thẳng càng lớn, xung đột càng mở rộng.

    Chính quyền Trung Quốc lấy sự khống chế để tồn tại 70 năm qua, nay họ tiếp tục sử dụng “vũ khí khống chế” để mở rộng quyền lực và đối chọi với nước Mỹ. Không biết có phải là “già néo sẽ đứt dây” và “vật cực tất phản” hay không, nhưng hiện thời người dân Trung Quốc có vẻ chưa minh bạch rõ ràng bằng người Mỹ về chính những vấn đề của mình, trong khi chính quyền Washington thì đang ngày càng rõ ràng, cương quyết lên án Bắc Kinh giao thương gian dối, trộm cắp tài sản trí tuệ và vi phạm nhân quyền.

    Đại Nghĩa

    ĐKN

    Không có nhận xét nào