Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Hùng - Năm cách đưa 39 thi thể về mà không tốn thêm ngân sách

    Hơn ba tuần sau vụ chết tập thể 39 người Việt trên đường đi tìm đường cứu nhà, chính quyền Việt Nam chưa nói gì tới chuyện hỗ trợ các gia đình đưa thi thể người thân về. Hiện cũng đang diễn ra những tranh cãi về chuyện ai sẽ trang trải các chi phí đưa 39 người xấu số về lại quê hương nơi có những chùm khế chua khiến họ đành nhắm mắt đưa chân.

    Một thân nhân thắp nhang tại bàn thờ cô Bùi Thị Nhung, một trong số 39 nạn nhân tại Anh.
    Trước tiên phải khẳng định rằng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói những gì xảy ra là “thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng” chứ không phải tai nạn bình thường và Việt Nam sẵn sàng có những “biện pháp bảo hộ công dân”. Nhưng Việt Nam chưa bao giờ nói bảo hộ công dân trong trường hợp họ chết trong tình trạng không khác gì bị tra tấn như thế bao gồm những hành động cụ thể nào.

    Cũng phải nói thêm trong số 39 nạn nhân có hai em mới 15 tuổi, tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường? Các em học trường nào? Khi các em vắng mặt biết bao nhiêu buổi học, các thầy cô giáo khi đó ở đâu? Việt Nam cũng có tới 17 tổ chức có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi trẻ em, vậy liệu họ có trách nhiệm gì không? Ủy ban Quốc gia về trẻ em thậm chí còn do một phó thủ tướng đứng đầu.

    Và tôi vẫn khẳng định rằng “thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng” xảy ra có phần do lỗi của chính quyền. Về mặt vĩ mô, họ không làm cho người dân cảm thấy họ có thể yên tâm làm giàu trên quê hương mình như người dân Nhật Bản hay Hàn Quốc. Họ cũng không cố gắng để công dân của họ có thể đàng hoàng tới Anh mà không cần visa như người Singapore hay Malaysia. Chỉ người dân của một đất nước nghèo khó mới sẵn sàng chui vào thùng công-ten-nơ để đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Về chuyện làm sao để có thể đưa 39 người về nước mà không tốn thêm ngân sách, tôi có thể nghĩ ra ít nhất năm cách sau đây:

    (1) Trong số 39 người chết thảm có 21 người Nghệ An, quê hương của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Bác Hồ” có nguyện vọng được “hoả táng” trong khi gia đình của 39 “cháu” lại mong muốn được nhìn mặt người thân lần cuối. Vậy nên nếu thực hiện theo đúng di chúc của vị cố chủ tịch thì mỗi năm đâu còn tốn nhiều tỷ để duy trì thi thể đang ngày một phân huỷ trong nhiều năm tới. Số tiền được tiết kiệm trong hàng chục năm tới đây dư sức để trang trải chi phí một lần đưa 39 người Việt xấu số về lại quê hương. Như vậy mong ước của mọi người con Nghệ An sẽ đều được thoả mãn. Thậm chí còn đủ tiền làm một công viên 39 nho nhỏ bên cạnh khu bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong công viên đó nên đặt 39 chiếc ghế tưởng nhớ những con người đã chết thảm trong thùng phần vì đất nước họ suốt 50 năm qua không thực hiện được nhiều điều trong di chúc của người được tôn sùng như thánh.

    (2) Tôi không rõ báo Nhân Dân ngân sách một năm hiện nay bao nhiêu, nhưng chắc khá nhiều. Từ hồi năm 2014 mà ngân sách của tờ này đã là 46 tỷ đồng. Người dân gọi đó là báo “Cán Bộ” vì dân nào đọc tờ báo ấy. Vậy dẹp nó đi để lấy tiền đưa người dân về quê hương. Điều này có thêm cái lợi nữa là nhân dân không còn bị tờ đó tuyên truyền chống lại mình nữa. Cứ cho là mỗi năm ngân sách cho Nhân Dân là 46 tỷ đồng thì 10 năm đã là 460 tỷ. Số tiền tiết kiệm được trong nhiều năm tới còn giúp cho người dân Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều vùng nghèo khác có điều kiện sinh sống và làm ăn trên quê hương thay vì tha phương cầu thực.

    (3) Việt Nam vẫn còn có Hội đồng Lý Luận Trung ương mà người dân gọi là “Hội đồng Lú Lẫn”. Hội đồng này vừa bị ném đá khi nhạc sỹ Trần Long Ẩn tuyên bố nền văn học nghệ thuật của Việt Nam Cộng hoà là “độc hại”. Tôi nghĩ giải tán hội đồng độc hại này cũng sẽ tiết kiệm được tiền trong nhiều năm tới, đủ để trang trải chi phí cho 39 gia đình có nguyện vọng nhìn mặt người thân lần cuối.

    (4) Chính quyền vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc vận động vô bổ, tốn tiền ngân sách mà thường không mang lại kết quả gì đáng kể. Thường các cuộc vận động này là cơ hội để các quan chức kiếm chác. Một trong những cuộc vận động như thế là vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cuộc vận động này có vô vàn các loại chi phí khác nhau trong đó có cả các chuyến đi của cán bộ ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm. Riêng chi phí cho mỗi xã ở Việt Nam đã là 20 triệu đồng mỗi năm. Thử hỏi Việt Nam có bao nhiêu xã và cuộc vận động này liệu tới bao giờ kết thúc? Đây là một khoản nữa có thể ngưng tiêu để góp phần “bảo hộ công dân”.

    (5) Bộ Ngoại giao Việt Nam hãy phối hợp cùng Bộ Cộng an để điều tra xem ngành ngoại giao đã lạm thu của người dân bao nhiêu tỷ trong hàng chục năm qua và đề nghị tất cả các cán bộ ngoại giao hoàn lại khoản tiền này để làm quỹ ủng hộ những đồng bào xấu số như trong trường hợp 39 người ở Anh. Báo cáo Minh bạch Sứ quán 2019 đã chỉ rõ nhưng nơi nào là điểm nóng về tình trạng này và cũng đã được gửi tới thủ tướng chính phủ và bộ trưởng ngoại giao. Tôi cũng đã gửi tới Bộ Ngoại giao đề nghị phản hồi về cáo buộc từng có đại sứ quán mời người dân sang nước giáp EU để từ đó họ đi vào khối này nhưng tám người đã chết ngạt trên đường vào mà thế giới không hề hay biết. Tiện đây cũng đề nghị Bộ Ngoại giao điều tra luôn.

    Đây chỉ là năm cách đầu tiên tôi nghĩ tới chứ không phải là duy nhất. Hội đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh có người gặp nạn hãy nhân dịp này suy nghĩ giúp nhà nước các cách khác nữa để vừa giảm gánh nặng ngân sách trong nhiều thập niên lại vừa giúp hàng trăm người trong số gia đình và bạn bè của 39 người tử nạn có dịp đưa tiễn họ trên chính nơi họ coi là quê hương.

    Nguyễn Hùng

    (Blog VOA)

    Không có nhận xét nào