Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 7 tháng 12 năm 2019

    Tổng thống Trump rộng mở đường sang nhiệm kỳ thứ 2

    Những chỉ số kinh tế mới nhất – 266.000 việc làm được tạo ra vào tháng 11, thất nghiệp ở mức thấp trong 50 năm – đã nêu bật một điểm rõ ràng: Con đường thắng cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm tới của Tổng thống Trump đang rất rộng mở, theo bình luận của CNN.


    Thông tin này đến chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ra lệnh cho các ủy ban của Hạ viện soạn thảo các điều khoản luận tội ông.

    Trên trang Twitter cá nhân, ông Trump tuyên bố:

    “Nếu không có những thứ khủng khiếp mà phe cánh tả cực đoan và phe Dân chủ gây ra, thị trường chứng khoán và nền kinh tế thậm chí còn có thể tốt hơn. Và biên giới sẽ đóng trước tội ác ma túy, băng đảng cùng tất cả những vấn đề khác! #2020”.

    Philippines khiếu nại Trung Quốc ‘hành động tàn bạo’ ở Biển Đông

    CNN hôm 5/12 cho hay các cựu quan chức Philippines đã khiếu nại lên ICC việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc – những người bị cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người – đã có những “hành động tàn bạo” ở Biển Đông.

    Theo đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario và cựu Thanh tra Conchita Morales đệ trình lên ICC một khiếu nại về việc ông Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và cựu Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa đã “hành động tàn bạo” ở Biển Tây Philippines, một phần của Biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền.

    Nhưng công tố viên ICC cho biết họ không thể có phán quyết gì đối với khiếu nại này vì Trung Quốc không tham gia Quy chế Rome – một hiệp ước khai sinh ra ICC.

    Hãng Ericsson nộp phạt 1 tỉ USD vì hối lộ quan chức 5 nước

    Hãng viễn thông của Thụy Điển đã chấp nhận nộp phạt hơn 1 tỉ USD để giải quyết những cáo buộc hối lộ tại ít nhất 5 quốc gia.

    AFP trích dẫn thông cáo của người đứng đầu Bộ phận hình sự chuyên trách của Bộ Tư pháp Mỹ, ông Brian Benczkowski, nêu: “Hành vi hối lộ của Ericsson liên quan tới các lãnh đạo cấp cao và kéo dài suốt 17 năm tại ít nhất 5 nước, tất cả nhằm một ý đồ sai lệch là tăng lợi nhuận”.

    Ericsson bị cáo buộc đã hối lộ tại 5 nước gồm Djibouti, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Kuwait.

    Cảnh sát Hồng Kông nhận được chỉ số đánh giá hài lòng thấp nhất

    Lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã nhận được đánh giá hài lòng thấp nhất trong số tất cả các lực lượng duy trì kỷ luật, theo một khảo sát tiến hành tháng trước, theo HKFP.

    Viện Nghiên cứu Ý kiến ​​Cộng đồng Hồng Kông (PORI) đã phỏng vấn 1.062 người qua điện thoại từ ngày 21— 26/11. Lực lượng cảnh sát ở đây đã nhận được 35,3 trong số 100 điểm, trong số đó 40% số người được hỏi cho 0 điểm.


    Các cuộc biểu tình quy mô lớn tại thành phố cảng đang bước sang tháng thứ sáu. Ban đầu nhằm chống lại một đạo luật dẫn độ hiện đã bị rút, phong trào này đã biến thành một phong trào đòi dân chủ với phạm vi rộng lớn hơn và một cuộc điều tra vào các hành vi của cảnh sát.

    Nạn nhân hiếp dâm tại Ấn Độ bị thiêu chết

    Cô gái 23 tuổi qua đời tại bệnh viện sau hai ngày bị nhóm nghi phạm thiêu sống trên đường đến phiên tòa xử vụ hiếp dâm.

    Nạn nhân không qua khỏi sau hai ngày điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ vì bị bỏng quá nặng, theo Reuters. Cô bị nhóm 5 người đàn ông tưới xăng lên người và thiêu sống khi đang tới tòa án quận Unnao, bang Uttar Pradesh để dự phiên xét xử vụ án cưỡng hiếp mà cô là nạn nhân.

    Cô nộp đơn tố cáo hồi tháng 3, sau khi bị 5 người đàn ông trên cưỡng hiếp tập thể vào tháng 12/2018. Ba nghi phạm trong số này bị bắt nhưng được tại ngoại tuần trước, còn hai kẻ bỏ trốn. Hiện cảnh sát đã bắt cả nhóm nghi phạm.

    Cố vấn kinh tế trưởng Nhà Trắng: Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đang ở rất gần

    Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, cho biết Mỹ và Trung Quốc đang “tiến gần” đến một thỏa thuận thương mại, nhưng chính quyền Trump sẵn sàng bỏ đi nếu không đạt được các điều khoản mong muốn.

    “Tổng thống đã nói nhiều lần rằng nếu thỏa thuận không có lợi, nếu những điều khoản đảm bảo khả năng cản trở hành vi đánh cắp trong tương lai, nếu quy trình thực thi không có lợi, thì ông ấy nói rằng chúng tôi sẽ không tiếp tục. Chúng tôi sẽ bỏ đi”, ông Kudlow nói với đài CNBC hôm thứ Sáu (6/12).

    Hai nước đang đàm phán để hoàn tất cái gọi là thỏa thuận thương mại giai đoạn một khi mức thuế 15% đối với giá trị hàng nhập khẩu 165 tỷ USD của Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12, ông Kudlow cho biết hai bên đang tiến gần đến một thỏa thuận.

    “Thỏa thuận đang đến rất gần. Có lẽ là còn gần hơn hồi giữa tháng 11”, ông Kudlow cho hay, “Thực tế là những cuộc đàm phán mang tính xây dựng, hầu như ngày nào cũng diễn ra. Chúng tôi thực sự đang ở rất gần… Không có hạn chót ngẫu nhiên nhưng thực ra ngày 15/12 vẫn là một mốc rất quan trọng để quyết định áp thuế hay không”.

    Ông Kudlow mô tả các cuộc thảo luận gần đây giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là “căng thẳng”.

    “Tôi nói là căng thẳng bởi đây là một vấn đề rất quan trọng”, ông Kudlow nói, “Có rất nhiều thứ đang bị đe dọa ở đây khi anh đi qua các danh mục hàng hóa khác nhau… Chúng tôi không thể chấp nhận, chúng tôi không thể cho phép bất cứ nước nào, Trung Quốc hay bên nào đi nữa, đánh cắp những đột phá công nghệ và quy trình vi xử lý tiên tiến liên quan tới công nghệ 5G, dù muốn hay không”.

    Tổng thống Trump cho biết hôm thứ Năm (5/12) rằng các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh đang diễn ra “rất tốt đẹp”.

    Tạp chí Wall Street Journal báo cáo hôm thứ Năm Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về lượng hàng hóa nông nghiệp mà Trung Quốc sẽ mua.

    Chuyên gia Mỹ: Hãy ngừng đầu tư vào các công ty Trung Quốc vi phạm nhân quyền

    Các chuyên gia Mỹ cho rằng đã đến lúc các quỹ hưu trí Mỹ cần ngừng đầu tư vào các công ty tiếp tay cho Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và người biểu tình Hồng Kông, theo New York Times.

    Tháng trước, chính phủ Mỹ đã ban hành các lệnh trừng phạt đối với 8 công ty Trung Quốc vì đồng lõa trong cuộc đàn áp người Hồi giáo Trung Quốc ở Tân Cương. Có đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và các dân tộc thiểu số khác, đã bị “giam giữ” – bị đưa đi xa khỏi gia đình và bị tống vào những trại giam khắc nghiệt mà chính phủ Trung Quốc khăng khăng gọi là các trung tâm giáo dục.

    Trước những biện pháp trừng phạt đó, 2 chuyên gia Mỹ có uy tín là bà Danielle Pletka, phó chủ tịch cấp cao về nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và học giả Derek Scissors, đặt câu hỏi tại sao Hệ thống Hưu trí Giáo viên Tiểu bang California (CalSTRS) và các quỹ khác của Mỹ không tuyên bố rằng họ sẽ ngừng đầu tư vào các công ty bị trừng phạt, và tại sao quỹ hưu trí của nhân viên liên bang lại sẵn sàng chuyển tài sản hưu trí sang một quỹ chỉ số (Index fund), mà trong đó có các công ty Trung Quốc vào năm 2020?

    Hai chuyên gia này nhận định Trung Quốc là một đất nước, được lãnh đạo bởi một chính quyền độc tài và vô đạo đức. Ngoài những nỗi kinh hoàng đang diễn ra ở Tân Cương, thì những người trẻ tuổi đang đấu tranh cho tự do ở Hồng Kông, lo sợ bị lực lượng an ninh Trung Quốc đối xử hung bạo.

    Ở Biển Đông, Hải quân Trung Quốc hầu như thôn tính một vùng rộng lớn lãnh thổ của các quốc gia khác, và vùng biển quốc tế.

    Các công ty Trung Quốc, chịu trách nhiệm trước Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có lẽ đã cài đặt phần mềm giám sát vào những thiết bị không người lái và điện thoại, được mua bán trên toàn thế giới. Bắc Kinh đã ‘gây xáo trộn’ các ứng dụng cho trẻ em trên điện thoại di động. Các tin tặc Trung Quốc được cho là đã đánh cắp thông tin cá nhân và thông tin tài chính của hàng triệu người Mỹ, chưa kể đến khả năng thâm nhập vào các kế hoạch phòng thủ tiên tiến nhất của Mỹ.

    Vì lý do đạo đức, các tổ chức tài chính lớn và quỹ hưu trí của Mỹ trong những năm gần đây đã tránh xa việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các nhiên liệu hóa thạch, súng và các khoản đầu tư khác. Tuy nhiên, liên quan đến việc cung cấp vốn cho các công ty Trung Quốc, bao gồm cả những tổ chức trực tiếp tham gia giám sát hoặc hỗ trợ quân đội Trung Quốc, thì rất nhiều tổ chức của Mỹ đã không chống lại sự đầu tư này.

    Các doanh nghiệp nhà nước và cả công ty tư nhân trên danh nghĩa của Trung Quốc, đều được hưởng quyền tiếp cận gần như hoàn toàn vào thị trường vốn của Mỹ, bao gồm việc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, và các khoản đầu tư lớn từ một số quỹ hưu trí lớn nhất của nước Mỹ.

    Vào giữa năm 2019, Trung Quốc là một trong 10 quốc gia hàng đầu mà Hệ thống CalSTRS đã đầu tư vào. Theo dữ liệu gần đây nhất, từ tháng 6/2019, CalSTRS sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu của Công ty công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision, vốn phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ chính quyền Trump, vì đã sản xuất thiết bị giám sát mà chính quyền Mỹ cáo buộc, đang được sử dụng tại các trại tập trung Tân Cương.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào