Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc dọa Mỹ về luật Hồng Kông nhưng vẫn muốn thỏa thuận thương mại

    Dù lớn tiếng đe dọa sẽ trả đũa Mỹ về đạo luật nhân quyền Hồng Kông, giới lãnh đạo Bắc Kinh vẫn mở rộng cửa cho khả năng ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Washington. Lý do, theo các nhà quan sát, là vì Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác.

    Ảnh: Youtube
    Hôm 29/11, khi người biểu tình Hồng Kông vẫy cờ Mỹ, cầm ảnh Trump và hát quốc ca Hoa Kỳ tỏ lòng cảm ơn Tổng thống Mỹ vì đã ký thông qua 2 đạo luật ủng hộ cuộc đấu tranh vì dân chủ tại Hồng Kông thì giới cầm quyền Bắc Kinh im lặng một cách bất thường. Trước đó chỉ vài ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nổi trận lôi đình đe dọa rằng Mỹ sẽ phải chịu toàn bộ hậu quả nếu Tổng thống Trump ký dự luật này, đồng thời triệu tập cả Đại sứ Mỹ Terry Branstad tới để phản đối. Nay, chẳng ai trong chính quyền Trung Quốc có thể trả lời câu hỏi rằng “biện pháp trả đũa” Mỹ của họ là gì, mà chỉ quay sang “thúc giục” ông Trump không thực thi nội dung của đạo luật này.

    Trong một buổi họp báo mới đây, khi được hỏi rằng việc Trump ký luật có ảnh hưởng tới đàm phán thương mại hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tránh trả lời trực tiếp, nhưng đề nghị Mỹ không thực thi đạo luật này bởi làm vậy có nguy cơ “làm tổn hại quan hệ song phương và hợp tác ở các lĩnh vực quan trọng”.

    Cảnh Sảng và truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn lặp lại những phát ngôn hùng hổ quen thuộc mỗi lần Washington làm gì khiến họ mếch lòng, nhưng đây chỉ là những đe dọa mơ hồ và sáo rỗng. Việc Bắc Kinh im lặng về thương mại – công cụ lớn nhất mà Trung Quốc có thể dùng để trừng phạt Trump – cho thấy Trung Quốc cần thỏa thuận này đến mức nào và sự trượt dốc của nền kinh tế nước này là vấn đề trọng yếu được Bắc Kinh xếp trên cả Hồng Kông.

    Hu Xijin, Tổng biên tập của tờ Thời Báo Hoàn Cầu, công cụ truyền thanh của Đảng cộng sản Trung Quốc mới viết trên Twitter rằng Trung Quốc đang cân nhắc cấm cửa những nghị sĩ đã soạn ra 2 đạo luật này được phép tới Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau.

    “Nó quả thực khiến bầu không khí khó chịu hơn, nhưng không nên ảnh hưởng tới đàm phán thương mại”, Wang Yong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Peking nhận định về việc ông Trump thông qua đạo luật Hồng Kông.

    “Cả 2 bên đều có đủ lý do để tách bạch thương mại, Hồng Kông và các vấn đề chính trị khác”.

    Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc, cố vấn trong nội các chính phủ Trung Quốc, nhận định rằng lời đe dọa “trả đũa nếu Mỹ tiếp tục đi sai đường” là rất mơ hồ và Mỹ đã làm điều tệ nhất có thể là ký thành luật dự luật trên.

    Ông Shi cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ rất xấu mặt nếu cứ đồng ý thỏa thuận giai đoạn một với Mỹ bất chấp đạo luật Hồng Kông.

    Còn Gordon Chang, một tác giả phê phán Trung Quốc nổi tiếng ở Mỹ thì nhận định rằng lời đe dọa của Trung Quốc chỉ là một trò cười vô hại, bởi Bắc Kinh đang ở một vị thế không thể “động vào khách hàng lớn nhất của mình được”.

    Theo Fox News, tác giả của cuốn “Sự sụp đổ sắp đến của Trung Quốc” nói “Bất cứ điều gì Bắc Kinh làm sẽ gây tổn hại cho bản thân họ nhiều hơn cho chúng ta, xét về việc nền kinh tế nước này đang cận kề vách đá đến mức nào và chế độ cộng sản Trung Quốc có thể tự hủy hoại nếu cứ trả đũa Mỹ”.

    “Trong 4 thập kỷ, chúng ta được giới tinh hoa và các nhà lập pháp nói rằng ta không thể động vào Trung Quốc. Hôm thứ Tư, Tổng thống Trump đã làm điều mà những người tiền nhiệm không dám làm – bảo vệ nước Mỹ khỏi một Trung Quốc đang tấn công chúng ta. Lực lượng xâm phạm vào nền tự trị của Hồng Kông chính là thứ đang phá hoại xã hội của chúng ta trên tất cả các mặt”.

    Trước khi ký đạo luật, ông Trump vẫn gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “bạn tôi” và nói ông sát cánh với cả ông Tập và cả Hồng Kông, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận thương mại “lớn nhất lịch sử” với Trung Quốc.

    “Tôi ký những dự luật này xuất phát từ sự tôn trọng với Chủ tịch Tập, Trung Quốc và nhân dân Hồng Kông. Các đạo luật được ban hành với hy vọng rằng các lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc và Hồng Kông sẽ có thể hòa giải một cách thiện chí những khác biệt, mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho tất cả mọi người”, ông Trump tuyên bố trong khi ký dự luật sau đó một ngày.

    Người biểu tình coi đây là một chiến thắng và một lời cảnh báo cho chính quyền Bắc Kinh và Hồng Kông. Với Trung Quốc, ngoài sự tức giận khó nguôi, chưa ai biết hình dạng của các “biện pháp trả đũa cứng rắn” mà người đại diện ngoại giao của nước này liên tục đe dọa là gì.

    “Dù trong trường hợp nào, cứ để cho Trung Quốc sửng cồ và gắt gỏng đối với các dự luật mà Tổng thống trump đã ký. Thứ Tư là một ngày tuyệt vời cho nước Mỹ, cho nhân dân tự do trên khắp thế giới”, ông Chang viết.

    Trọng Đức

    (Trí thức VN)

    Không có nhận xét nào