Header Ads

  • Breaking News

    Con đương tơ lụa hay con đường bẫy nợ - Từ câu chuyện của Myanmar đến Việt Nam


    Chuyến thăm của ông Tập đến Myanmar
     Con đương tơ lụa hay con đường bẫy nợ - Từ câu chuyện của Myanmar đến Việt Nam

    Ngày 17/1/2020, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức đến Myanmar - quốc gia thuộc ASEAN. RFI cho biết có hai dự án quan trọng được đề xuất trong chuyến thăm này, đó là: Bắc Kinh đề nghị xây dựng một hành lang kinh tế Trung Quốc-Miến Điện (CMEC) với một cảng nước sâu 1,3 tỉ đô la tại Kyaukphyu ở bang Rakhine, mở lối vào Ấn Độ Dương cho Trung Quốc. Một dự án lớn khác có thể được bàn bạc trong dịp này, đó là đập thủy điện 3,6 tỉ đô la ở Myitsone, bang Kachin. Với chuyến thăm này của ông Tập, Myanmar thể hiện quyết tâm tiến sâu vào quan hệ với Trung Quốc trong Dự án Con đường tơ lụa mới. Dự án này là một phần trong Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) do ông Tập khởi xướng từ 2013.

    Vai trò địa chính trị của Myanmar

    Myanmar là một mắt xích quan trọng trong chiến lược vươn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Tầm quan trọng của Myanmar bắt đầu từ vị trí địa chính trị của quốc gia này. Myanmar là một trong các quốc gia có biên giới trên đất liền giáp với Trung Quốc. Với học thuyết quốc phòng của Trung Quốc, Trung Quốc muốn chi phối được Myanmar để tạo ra một vùng đệm, bảo vệ sự an toàn của Trung Quốc trước sự tấn công của các cường quốc khác. Mặt khác, Myanmar lại có đường thông ra vịnh Bengal. Đây là vị trí tuyệt vời để Trung Quốc có thể thiết lập một đường ống dẫn dầu chạy từ vịnh Bengal thông qua Myanmar tới Côn Minh (Trung Quốc).

    Các học giả hay nhắc tới vị trí hiểm yếu của eo biển Malacca, vốn nằm giữa Singapore và Malaysia. Khoảng 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua eo biển này. Lượng dầu mỏ dự trữ của Trung Quốc chỉ đủ cho một tháng sản xuất, do đó, Trung Quốc lo ngại rằng, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tuyến năng lượng này, mà eo biển này đang có sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ và đồng minh. Chính vì vậy, Trung Quốc phải chủ động an ninh năng lượng, và vì thế, Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng các đường ống dẫn dầu đến Trung Quốc, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến vận chuyển Malacca. Trong bối cảnh đó, Myanmar có vai trò quan trọng đối với Trung Quốc là như vậy.

    Thêm nữa, Myanmar là một quốc gia thuộc ASEAN. ASEAN lại hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Myanmar lại gần như không có lợi ích gì ở biển Đông. Vì thế, kéo được Myanmar về phía mình là “lợi cả đôi đường” cho quốc gia muốn “xưng hùng xưng bá” ở biển Đông.

    Myanmar và BRI

    Myanmar vừa bước ra khỏi giấc ngủ triền miên dưới thời chế độ quân sự độc tài, hà khắc. Myanmar cần rất nhiều vốn và dự án để phát triển hạ tầng, “đánh thức nàng công chúa ngủ quên” bấy lâu nay. Vì thế, chính quyền Myanmar hiện thời đang tìm thấy ở Trung Quốc một nhà đầu tư giàu có và hào phóng. Điều đó đã thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia lên mức cao hơn.

    Tuy nhiên, có quá nhiều chuyện phải bàn về câu chuyện đầu tư từ Trung Quốc. Đã có rất nhiều quốc gia châu Á và châu Phi vướng phải “gánh nặng nợ nần” từ các dự án có sự tham gia của Trung Quốc. Một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho biết có 23 quốc gia nằm trong danh sách mắc rủi ro cao bởi “bẫy nợ” từ Trung Quốc, 8 quốc gia trong số đó đang mắc phải “gánh nặng nợ nần” với Trung Quốc.

    Giống như đa phần các quốc gia ASEAN lục địa khác, Myanmar cũng có một thể chế với sự quản trị thiếu minh bạch, cộng với sự tham nhũng, nên các dự án với Trung Quốc sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những bất công tồn tại.

    Cũng giống như đã làm với Lào, các nhà đầu tư Trung Quốc đang khuyến khích Myanmar xây các dự án thuỷ điện. Dự án mà trong chuyến đi này ông Tập sẽ đề cập tới là dự án đập thủy điện 3,6 tỉ đô la ở Myitsone, bang Kachin. Tập đoàn quân sự cầm quyền trước đây đã ký với Tập Cận Bình năm 2009, nhưng dự án đã phải ngưng lại do bị dân chúng chống đối. Một khi con đập được xây dựng thì cả một vùng có diện tích bằng đất nước Singapore sẽ bị chìm dưới lòng nước, gây ra những thiệt hại vĩnh viễn cho dòng sông Ayeyarwady và những xáo trộn về môi trường mà khó lòng dự đoán được.

    Các quốc gia phát triển bây giờ đã quá hiểu cái giá phải trả cho các đập thuỷ điện. Lợi ích thì chỉ một số người được hưởng, còn lại thì chịu thiệt hại rất nhiều về môi trường và tái định cư.

    Các chuyên gia Myanmar đã khuyến nghị chính quyền Myanmar những vấn đề sau khi tham gia BRI của Trung Quốc:

    Một là phải cải tổ lại Uỷ ban Phụ trách BRI của Myanmar. Không để Uỷ ban này đặt dưới quyền của một người hoặc một nhóm cho dù dưới sự chỉ đạo của bà Aung San Suu Kyi. Mà Uỷ ban này phải có các thành viên là các chuyên gia trong các thinktank và các thành viên của các tổ chức xã hội dân sự. Các chuyên gia trong các thinktank là những người có đầy đủ kiến thức chuyên môn, am hiểu về vấn đề. Các thành viên của tổ chức xã hội dân sự tham gia nhằm giám sát, tạo sự minh bạch, công khai trong các hoạt động.

    Hai là công khai tất cả các thông tin về các dự án. Tất cả các hợp đồng được ký kết ra sao?giá cả nguyên vật liệu và nhân công thế nào? Tiến độ cam kết của dự án tới đâu? Tất cả những thông tin đó cần công khai cho công chúng biết và theo dõi.

    Ba là tất cả các dự án phải được đặt trên lợi ích của đất nước Myanmar. Myanmar cần xây dựng một khung khổ pháp lý rõ ràng và minh bạch để việc tiến hành các dự án không gặp các trở ngại không cần thiết.

    Trông người lại ngẫm đến ta

    Những khuyến nghị của các chuyên gia Myanmar cũng đúng với trường hợp Việt Nam. Việt Nam đã và đang vướng vào vòng “bẫy nợ” của Bắc Kinh. Việt Nam đang là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất từ ảnh hưởng của các con đập của hai quốc gia trên thượng nguồn Mekong là Trung Quốc và Lào. Tuy nhiên, thay vì có chính sách rõ rệt để ứng phó, thì chính quyền Việt Nam đang để mặc cho người dân Đồng bằng sông Cửu long tự xoay sở. Người dân Việt Nam còn bất mãn hơn khi mới đây được biết một công ty Việt Nam là Petro Vietnam Power Corporation sẽ là một bên tham gia xây đập Luang Prabangvới Lào. Con đập này sẽ cùng với nhiều con đập khác trên thượng nguồn góp phần “giết chết” Đồng bằng sông Cửu long.

    Chúng ta nên biết, các tài liệu quan trọng của Đảng Cộng sản luôn đánh giá vai trò quan trọng của lực lượng nông dân Việt Nam, vì đây là lực lượng đông đảo nhất của xã hội Việt Nam. Cho nên, nếu để mặc cho nông dân “chết dần” như vậy, chính quyền Việt Nam sẽ nguy khốn khi “người nông dân nổi dậy”.


    Hoàng Gia Phúc
     
    RFA

    Không có nhận xét nào