Header Ads

  • Breaking News

    Tổng tham mưu trưởng quân đội VN ‘hớ’ tin mua thêm chiến hạm từ Nga

    Tổng giám đốc Tập Đoàn Đóng Tàu Ak Bars, Cộng Hòa Tatarstan (Nga) phản bác tin cho rằng Việt Nam đặt đóng cặp chiến hạm Gepard 3.9 thứ ba và cho đến giờ “vẫn chưa có động tĩnh gì.”

    Chiến hạm Trần Hưng Đạo, một trong bốn chiến hạm lớp Gepard 3.9 của Việt Nam, trong lần thăm Nhật Bản năm 2018. (Hình: Anh Sơn/Thanh Niên)
    Theo báo Đất Việt, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Thượng Tướng Phan Văn Giang, tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, CSVN cho biết: “Trong khoảng năm năm tới, Việt Nam có thể chưa mua thêm tàu ngầm, nhưng tàu mặt nước thì sẽ tiếp tục được bổ sung. Hải Quân Việt Nam hiện nay được đánh giá là hiện đại nhất ASEAN.”

    “Với lực lượng tàu mặt nước, theo thông tin từ phía Nga, Việt Nam đã có ý định nghiêm túc và sắp tiến tới ký hợp đồng chính thức để đóng cặp chiến hạm Gepard 3.9 thứ ba với ‘vũ khí mạnh hơn.’ Ngoài ra, dự án Molniya 1241.8 cũng đang trong giai đoạn đàm phán để chế tạo thêm.”

    “Bên cạnh đó, một nguồn bổ sung tàu mặt nước nữa cho Hải Quân Việt Nam chính là nhận viện trợ từ ngoại quốc mà cụ thể ở đây là Hải Quân Nam Hàn, khi sắp tới nước này sẽ loại biên thêm nhiều tàu hộ vệ lớp Pohang và Ulsan để trao tặng đối tác chiến lược.”

    Hải Quân CSVN tự cho là đang có đội tàu ngầm lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. (Hình: Tùng Dương/Đất Việt)

    Thế nhưng, báo Thanh Niên dẫn tin từ trang RealTime (Nga) ngày 17 Tháng Giêng, 2020, cho hay ông Renat Mistakhov, tổng giám đốc Tập Đoàn Đóng Tàu Ak Bars, cho biết việc đặt đóng thêm hai chiến hạm Gepard 3.9 cho Hải Quân Việt Nam vẫn chưa có đàm phán nào thêm, và tất cả đều rơi vào “im lặng.”

    “Dĩ nhiên là trên truyền hình có đưa tin về việc đặt đóng hai chiếc Gepard thứ ba, chúng tôi hy vọng nếu họ mời thì chúng tôi sẽ thực hiện. Tuy nhiên đến nay vẫn không có đơn đặt hàng nào từ quốc gia ASEAN, chỉ có sự im lặng,” ông Mistakhov nói.

    Ak Bars là tập đoàn làm chủ Nhà Máy Đóng Tàu Gorky ở Zelenodolsk (Cộng Hòa Tatarstan, Nga), nơi chuyên đóng các tàu tên lửa và đã đóng bốn chiến hạm Gepard 3.9 cho Việt Nam.

    Trước đó, báo chí Nga cho hay trong chuyến thăm và làm việc của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội CSVN với tổng thống Cộng Hòa Tatarstan hồi Tháng Mười Hai, 2019, truyền hình Tatarstan đưa tin “hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc Việt Nam đặt đóng thêm cặp chiến hạm Gepard 3.9 thứ 3.”

    Tuy nhiên, các nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga cho hay việc đàm phán đặt đóng thêm chiến hạm Gepard thực tế đã chấm dứt sau thời gian kéo dài hơn hai năm, kể từ khi Việt Nam nhận cặp chiến hạm thứ hai.

    Lý do của việc ngừng đàm phán này, theo các chuyên gia Nga là do cặp chiến hạm Gepard thứ ba “sẽ không được trang bị động cơ turbin khí như bốn chiếc trước đó, do loại động cơ này Nga vẫn chưa thể sản xuất được mà phụ thuộc nguồn cung từ Ukraine.”

    Theo đó, kể từ sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea, chính quyền Ukraine đã ngưng cung cấp động cơ turbin khí khiến ngành đóng tàu Nga lao đao. Cặp chiến hạm Gepard thứ hai của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng từ sự việc này, khiến thời gian giao tàu trễ gần hai năm.

    Ngoài ra, ông Frolov nhận định, Việt Nam không chuộng đặt đóng thêm chiến hạm Gepard còn do lớp tàu này được phát triển từ “Dự Án Tàu Tuần Tra 11661” vào những năm 1980, và lớp tàu này đã được khai thác nhiều thông qua việc sản xuất đến sáu chiếc (hai chiếc thuộc Hải Đội Caspi và bốn chiếc của Hải Quân CSVN).

    Theo các chuyên gia, tàu 11664 do dựa trên thiết kế của Gepard 3.9 có từ những năm 1980 rõ ràng không bằng các tàu hỏa tiễn lớp 20380 và 20385 mà các nhà máy đóng tàu Severnaya Verf và Amur (tại St.Petersburg, Nga) đang đóng cho Hải Quân Nga, với kích cỡ tương đương nhưng thiết kế thiên về tàng hình và có hệ thống phòng không Redut hiện đại (12-16 ống phóng thẳng đứng, tầm bắn từ 30 đến 150 cây số).

    Chiến hạm lớp 11664 mà Việt Nam định đặt mua “vẫn yếu về phòng không như tàu Gepard 3.9 khi chỉ trang bị hệ thống pháo, hỏa tiễn tầm gần Palma chỉ có thể chống được UAV hay máy bay, hỏa tiễn hành trình riêng lẻ chứ không chống được cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hàng loạt.”

    (Người Việt) 

    Không có nhận xét nào