Header Ads

  • Breaking News

    Trần Công Lân - Tìm Hiểu Tư Tưởng Lý Đông A (P2)


    Trong bài trước nói về tìm hiểu Duy Dân qua căn bản triết học, khoa học và sử học. Để biết về 3 môn này thì không phải dân thường (đáy tầng) có thể hiểu được. Trong thời chiến tranh, Lý Đông A (LĐA) có viễn kiến về Duy Dân, tình trạng nước Việt trong tương lai và thời thế đang xoay chuyển. Ông chỉ có thể truyền lại cho hậu thế những gì ông suy nghĩ. Những đảng viên quanh ông cố gắng ghi lại và trao truyền cho đến ngày nay. Vì khả năng và điều kiện giới hạn nên những gì LĐA để lại cần phải thanh lọc, tu chỉnh. Tiếc rằng từ 1945 đến 1975, Duy Dân dưới thời VNCH tại miền nam VN đã phân hóa vì đấu tranh và bỏ lơ phần lý thuyết. Tam sao thất bổn. Chữ tộ đánh chữ tác… càng làm cho Duy Dân chủ nghĩa thêm rối bời. Hiện nay tài liệu LĐA đăng trên trang website ” Thangnghia.org ” tuy có thêm phần chú giải nhưng để xác định chữ nào của LĐA, chữ nào thêm vào là điều khó khăn. Chưa kể tinh thần quá kính trọng LĐA đến nỗi các chi bộ Duy Dân không ai dám đề nghị tu chỉnh.

    Một vài bìa sách của Ly Đông A, xuât bản trươc năm 1975 tại Sài Gòn

    Thêm vào đó hình thức phổ biến tài liệu về LĐA rất cẩu thả. Tài liệu nào cũng kết thúc “Thái Dịch Lý Đông A. 48xx tuổi Việt (19xx)”. Hậu sinh đọc như vậy sẽ hiểu rằng đó là LĐA đã viết như vậy. Nhưng hỏi những đảng viên Duy Dân thì nói rằng đó là chép lại từ lời dạy của LĐA. Nếu đã là ghi lại lời dạy (giống như lời Chúa, Phật dạy) thì phải ghi rõ ràng “lời Ngài /Thầy/Người đã nói…” Đó là chưa kể những lời, chữ khó hiểu mà người ghi lại không nắm được nên tìm chữ khác thay thế cho… người đọc dễ hiểu, khỏi thắc mắc, đặt câu hỏi mà người ghi lại không thể trả lời hay giải thích được.

    Thử hỏi nếu VN mất vào tay Trung Cộng, VN xóa sổ trên thế giới. Nòi giống Việt “linh lạc”(chữ của LĐA) thì tài liệu Duy Dân để thờ cũng thế thôi. Hoặc giả có cán bộ đem Duy Dân đi rao giảng mà dân Việt không thích thì sao? Có lãnh tụ giỏi mà không có cán bộ thì “cứu cánh có biện minh cho phương tiện” không? Nếu có cán bộ mà thiếu lãnh tụ thì sẽ hoạt động như thế nào?

    Không đủ kiến thức và khả năng chính trị thì đương đầu về quân sự sẽ ra sao? Cách mạng là cao độ của chính trị. Chính trị còn có trường dạy. Cách mạng có trường nào dạy? Cách mạng của cộng sản là một hình thức ăn cướp có lý thuyết mượn danh triết học, khoa học; cạo sửa lịch sử để giành chính nghĩa về mình.

    Sự phổ biến Duy Dân là điều bất đắc dĩ vì quá khứ cho thấy đã không phát triển được cả nhân sự lẫn lý thuyết. Nhưng một khi phổ biến công chúng thì phải chấp nhận “đầu voi, đuôi chuột”. Duy Dân không phải chỉ để bàn. Phải có cơ duyên, ý chí, kiến thức, tu dưỡng mới thích hợp. Vì mỗi cá nhân chỉ đóng được một vài trò nên để thực hiện Duy Dân cần có những nhân sự cốt cán, then chốt để phát triển. Hãy tưởng tượng một cơ chế có lãnh đạo (tổng thống, CEO, hội đồng lãnh đạo trung ương…) rồi tới… lính thì sẽ hoạt động ra sao? Ai làm tướng? Ai làm quan? Ai tiên phong? Ai yểm trợ?

    Tìm người bạn đồng hành

    Có sơ đồ tổ chức là điều may nhưng để tìm người lại khó hơn. Phải nhận diện được nhân tài thì mới có “dụng nhân như dụng mộc”. Làm sao thử thách trình độ “tu dưỡng” của mỗi cá nhân? Của Lãnh đạo? Của tổ chức? Làm sao kiểm soát và cân bằng (check and balance) trong sinh hoạt chính trị? Có chấp nhận phê bình hay chỉ là đóng kịch như CSVN? Làm sao thực hiện đan quyền trong nội bộ “đảng” trước khi cầm quyền hay thực hiện đan quyền trong cơ chế Hiến Pháp?

    Nếu trong nhóm nhỏ đã không thực hiện đan quyền thì hy vọng gì cơ cấu chính quyền Duy Dân sẽ có đan quyền?

    Như vậy sự phổ biến Duy Dân nếu không quy tụ những ai quan tâm, hiểu biết về Duy Dân hay LĐA thì coi như bỏ thùng rác. Ai muốn bàn hưu tán vượn cũng được. Nhưng để xây dựng thì phải có trình độ tu dưỡng, kiến thức, quyết tâm.

    Cái nhìn tổng thể của LĐA làm nhiều người đi lạc. Họ thích phần nào thì nhảy vào bàn phần đó. Nhưng thiếu tổng thể thì sẽ rối loạn. Tư tưởng LĐA là một cấu trúc đa chiều, nhiều cửa… như lò bát quái. Ai muốn vào cửa nào cũng được. Nhưng rồi làm sao liên lạc với cửa khác? Làm sao ra để giảng cho cán bộ, cho dân chúng?

    Nhiều người theo LĐA chỉ vì tiếng tăm của LĐA nhưng nếu chưa có cán bộ huấn luyện thì theo LĐA làm gì? Nhai lại chữ của LĐA sẽ không bao giờ thực hiện được tư tưởng LĐA.

    Ai hiểu LĐA, cấp độ nào? Ai đọc LĐA cũng muốn nuốt hết. Nhưng có ai nuốt trôi không?

    KHÔNG.

    Nuốt chưa phải là tiêu hóa. Có nguyên tắc nhưng đem vào thực tế sẽ như thế nào? Đã bao nhiêu người “viết”(giảng) về LĐA từ 1945 đến nay nhưng có ai hiểu và áp dụng không?

    Chuyện khó là tìm người.

    Tìm người như thế nào? Ở đâu? Thử thách ra sao? Đâu là sự thật? Đâu là niềm tin? Sống như thế nào? Sống như vậy thì chết ra sao? “tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bách thắng”. Làm sao biết lòng người? Bạn? Thù?

    Chỉ mới đi vào chính trị thì đã mọc đuôi, mọc nanh ra rồi thì làm sao nói đến Cánh Mạng?

    Nếu bạn là người biết tu dưỡng, có quyết tâm, kiến thức… Bạn lên đường rồi…..

    Làm gì? (What needs to be done? Lenin).

    Hãy tìm một người đồng hành. Một tri âm. Chuyện kết nghĩa “huynh đệ”, “đồng sanh, đồng tử” là chuyện lương sơn bạc. Hãy xây dựng niềm tin nơi nhau trên căn bản tu dưỡng. Không phân biệt trình độ, học vấn, tuổi tác…. Từ 1 mà bạn có thể thành 5 là thành công. Bạn có một tiểu tổ rồi đó. Điều đó không phải dễ.

    Có người rồi bạn làm gì? Phân công? Chọn đường?

    “Tam nhân đồng hành, nhất ngã vi sư”. Ba người đi chung, tất phải có người dẫn đầu. Đó là vấn đề lãnh đạo.

    Lãnh đạo và lãnh tụ

    Lãnh đạo là người biết đường để hướng dẫn người khác và dĩ nhiên phải biết người khác muốn gì. Lãnh tụ chỉ là người có tài kết hợp một số người và “tụ” lại một chỗ: nói nhảm.

    Làm sao thử thách để tìm ai là lãnh đạo và ai là lãnh tụ? Người học giỏi chưa chắc thành công trong đời. Người thành công trong xã hội chưa chắc đã là người học giỏi. Người khôn ngoan, học giỏi, thành công trong xã hội chưa chắc đã là người lãnh đạo cách mạng. Bạn đi tìm nhân vật chính trị hay con người cách mạng? Bạn hiểu ý nghĩa của cách mạng chứ? LĐA đã tóm tắt các cuộc cách mạng của thế giới qua “Huyết Hoa”. Ai muốn lãnh đạo cách mạng hãy thử thách qua Huyết Hoa.

    Bạn có thể đặt câu hỏi để xác nhận khả năng lãnh đạo của người khác hay không? Trong cách mạng không có vấn đề kính trọng, bằng cấp, chức vụ, gia tộc…. Cách mạng giống như ra trận, không thể sơ hở. Lầm lẫn là thất bại, bị tiêu diệt, tan vỡ…. Không dám phê bình, xây dựng, kiến thiết thì không thể làm cách mạng được (chưa nói đến hy sinh).

    Chọn người theo Duy Dân không phải chỉ hô hào cách mạng như kiểu cộng sản lường gạt dân. Hoặc lập đảng, nhóm, tổ chức với những người chỉ biết vâng dạ (yes men) thì khác gì bọn buôn ma túy (mafia). Cách chọn người và dùng người sẽ nói lên bạn có thực là Duy Dân hay giả mạo. Chưa cần phải khảo sát sự hiểu biết của bạn về Duy Dân.

    Lãnh đạo phải biết nhìn người, nhìn việc. Sai lầm thì tổ chức không phát triển được, nhất là để thực hiện chủ nghĩa Duy Dân. Khoan nói đối diện Bạn-Thù hay thực hiện cách mạng. Ai hiểu tư tưởng LĐA phải có khả năng truyền đạt cho người khác. Nếu chỉ là nhai lại chữ của LĐA thì làm sao người dân “đáy tầng” có thể hiểu?

    Nếu lớp 1 không truyền đạt cho lớp thứ 2 thì bao giờ mới đến đáy tầng: lớp chót, XYZ tận cùng hằng số?

    Lãnh đạo biết gì? LĐA đã nói hết trong “sinh mệnh tâm lý” và “tu dưỡng thắng nhân”.

    Ai hiểu khả năng là gì? Tất năng là gì? Mệnh lý có thể thay đổi được không? Tu dưỡng bao giờ mới xong? Chưa xong thì làm sao hoạt động? Ý nghiệp của bạn ra sao? Đức nghiệp của bạn như thế nào?

    Còn Trinh-Bình- Hòa của bạn như thế nào? “Bình” là bình đẳng, công bình bác ái. Nếu bạn không bình đẳng trong chính tâm bạn thì làm sao bình đẳng với người ngoài. Khi bạn không chấp nhận lời phê bình của người mà tìm cách né tránh thì có là “Bình” không. Làm sao có “hòa” được khi “bình” không có?

    Cái khó của Tu Dưỡng Thắng Nhân là LĐA đã viết vậy. Người đời sau biết vậy. Những khổ nỗi, thời mạt pháp thì sư cũng còn giả thì đâu là chốn tu dưỡng. Nếu tu chưa tới hay không đúng thì làm sao phân biệt biệt Hư-Thực? Chân (Thực) hay giả (Hư) khi ẩn, khi hiện — chỉ có người nắm được thực tướng của từng cấp bậc, trình độ thì mới rõ…. Nhưng nếu gặp kẻ cao tay ấn hơn (có trình độ giả mạo cao siêu hơn) thì làm sao biết được?

    Hiện nay có bao nhiều người hoạt động chính trị, đảng phái dám đối diện vấn đề này? Nếu chưa vượt qua được mà dám nói chuyện “Phục Việt”, xây dựng VN, nói chuyện với CSVN… thì chỉ là chuyện hoang đường.

    Người Việt đang ở khắp nơi trên thế giới. Học cái hay của người nhưng phải biết cái dở của mình. Bằng cấp không làm nên lãnh đạo. Hy sinh không đủ để lãnh đạo. Cách mạng không thể chỉ là lãnh đạo độc tôn, độc tài. LĐA đã nói “giáo dục là khởi điểm của chính trị và cũng là chung điểm”. Nếu chưa phải là nhà giáo dục thì nên đi học…giáo dục. Nếu đã là nhà giáo dục mà chưa cải tạo được… một người thì làm sao có tổ chức, làm sao thay đổi đất nước, nhân loại?

    Giáo dục là học hỏi, tìm hiểu, biết nghe, biết phân biệt, biết chấp nhận sai lầm, phê bình …. Cá nhân có nhân cách hay không là ở giáo dục chứ không phải tốt nghiệp bác sĩ, tiến sĩ….

    Bạn tìm được người chưa?

    Tháng 11 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

    (quanvan.net)

    Không có nhận xét nào