Header Ads

  • Breaking News

    Bán 3 tỷ đô vũ khí nhưng ông Trump chưa có thỏa thuận mậu dịch với Ấn Độ

    Trong chuyến thăm Ấn Độ, Tổng thống Donald Trump công bố các hợp đồng quân sự 3 tỷ USD với chính phủ Narendra Modi.

    Ngoài bang Gurajat và thủ đô Dehli, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump còn tới thăm Taj Mahal, 'ngôi đền của tình yêu' được xây dựng ở thế kỷ thứ 17 ở Ấn Độ
    Công bố của ông Trump hôm thứ Ba được báo chí Ấn hoan nghênh, nhưng hai bên 'còn phải làm việc nhiều, để tiến tới thỏa thuận mậu dịch', theo tờ India Today 25/02.

    Tại họp báo chung với tổng thống Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ Modi bày tỏ sự lạc quan rằng hai bên sẽ đạt thỏa thuận mậu dịch.

    Theo Vineet Khare của BBC Hindi, thương mại song phương Mỹ-Ấn Độ hiện dừng ở con số 160 tỷ Mỹ kim.

    Chưa có thỏa thuận mậu dịch như mong đợi

    "Nhưng hy vọng về một thỏa thuận như vậy đã lắng xuống trong nhiều tuần qua, khi Mỹ bày tỏ quan ngại về các vấn đề như tăng thuế, kiểm soát giá cả và chênh lệch trong thương mại điện tử.

    Nhập cư lao động lành nghề và chế độ thị thực cho người Ấn vào Mỹ cũng là những vấn đề khác được quan tâm," nhà báo BBC cho biết.

    Về phía mình, Ấn Độ muốn Hoa Kỳ khôi phục lại cho Ấn Độ quy chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP), vốn hỗ trợ các nước đang phát triển.

    Năm 2019, ông Trump đã chấm dứt các ưu đãi kiểu này với Ấn Độ.

    Hoa Kỳ nói sẽ bán cho Ấn Độ các loại vũ khí, phi cơ "hiện đại" còn Thủ tướng Modi xác nhận rằng đây là dấu hiệu "quan hệ đối tác chiến lược" Mỹ-Ấn đang tiến triển.

    Ấn Độ sẽ mua 24 trực thăng MH-60 Romeo với giá 2,6 tỷ USD.

    Một hợp đồng khác gồm sáu chiếc AH-64E Apache, tổng trị giá 800 triệu USD.

    Dù không đi vào chi tiết các món hàng, Tổng thống Trump nói nước Mỹ "sản xuất ra các loại vũ khí tốt nhất: phi cơ, hỏa tiễn, rocket, tàu chiến".

    "Nay chúng ta sẽ bán hàng cho Ấn Độ, gồm cả hệ thống phòng không hiện đại, các loại phi cơ có người lái và không có người lái."

    Giới quan sát cho rằng con số 3 tỷ USD tuy nhỏ, ít hơn tiền Ấn Độ bỏ ra mua vũ khí từ nhà sản xuất truyền thống là Nga, nhưng hợp đồng này có tính biểu tượng cao.

    Một số ý kiến cũng cho rằng chiến lược tăng cường hợp tác với Dehli sẽ giúp Washington có đòn bẩy gây sức ép lên Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực.

    Ấn Độ là quốc gia thù địch với Pakistan, đồng minh nặng ký của Trung Quốc ở Nam Á.

    Tách dần khỏi hàng Nga?

    Từ thập niên 1960, Ấn Độ thường mua vũ khí của Liên Xô, gồm các loại như trực thăng Mi-4, xe tăng T-55, tên lửa chống hạm SS-2 Styx.

    Sau Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ tiếp tục mua vũ khí từ Nga và chỉ năm 2019 đã bỏ ra 14,5 tỷ USD mua súng đạn, phương tiện quốc phòng từ bạn hàng truyền thống này.

    Nhưng gần đây, Dehli đã mua từ Mỹ phi cơ tuần tra P-8 Poseidon và trực thăng tấn công Apache.

    Ngoài ra, Ấn Độ tự sản xuất xe tăng, tàu chiến, súng tiểu liên theo giấy phép và mô hình của Nga nhưng chất lượng các loại vũ khí này không bằng hàng nguyên bản.

    Năm 2018, Ấn Độ rút khỏi dự án hợp tác sản xuất phi cơ SU-57 cùng Nga.

    Dù vậy, giới quan sát cho rằng trong nhiều năm tới đa số vũ khí Ấn Độ vẫn còn có nguồn gốc từ Nga hoặc từ các dự án hợp tác chuyển giao công nghệ của Nga.

    Chuyến thăm 36 tiếng và bạo động ở thủ đô

    Trong chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ 36 tiếng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump còn tới thăm Taj Mahal, 'ngôi đền của tình yêu' được xây dựng ở thế kỷ thứ 17, một trong những thắng cảnh nổi tiếng thế giới.

    Tổng thống Mỹ trước hôm tới thủ đô Dehli đã thăm Gujarat, bang quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi, người chào đón ông cùng hàng nghìn công dân Ấn thuộc phe ủng hộ chính quyền.

    Trong ngày 25/02, ngay tại thủ đô Dehli, ở nơi chỉ cách cuộc đón tiếp TT Trump vài dặm đã nổ ra xung đột chết người vì biểu tình phản đối luật công dân chính phủ Modi áp dụng.

    Có ít nhất bảy người bị thiệt mạng trong cuộc xung đột, gồm một cảnh sát nhưng 150 người bị thương.

    Vụ việc làm lu mờ chuyến thăm của TT Hoa Kỳ, theo BBC News từ Dehli.

    Luật công dân mới ra của Ấn Độ bị chỉ trích là thiên vị đa số theo Ấn giáo và phân biệt đối xử người theo Hồi giáo và các dân tộc nhỏ hơn tại quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo.

    Nhưng chính phủ của ông Modi, người công khai cổ vũ cho phong trào dân tộc chủ nghĩa Hindu, nói luật này sẽ ân xá cho các nhóm thiểu số mà cho tới nay không được hưởng quyền công dân.

    Bạo lực tại khu phố Hồi giáo ở Đông Bắc Delhi đã nổ ra từ Chủ Nhật.

    (BBC)

    Không có nhận xét nào