Header Ads

  • Breaking News

    Hiệu Minh - CN4.0, văn phòng tại gia và thời virus Corona


    Sáng thứ 2 đầu tuần sau Tết nghỉ dài ngày, một người bạn đang bị tắc đường ở Hà Nội alo cho tôi, than thở và ước, giá như được làm việc tại gia. Giải pháp này không phải không có lý nhất là thời virus Corona lây lan đáng sợ. Vài triệu học sinh đang nghỉ dài ngày vì phương tiện học online chưa sẵn sàng trong khi bố mẹ vẫn phải bươn chải ngoài đường.
    CN4.0, văn phòng tại gia và thời virus Corona
    Thời dịch SARS (2003) hoành hành rất nhiều người đã nghĩ, giá như không cần đến văn phòng và được làm việc tại nhà bởi lo sợ sự lây nhiễm. Đang làm cho World Bank ở Hà Nội, nhóm IT phải cung cấp thiết bị, nối đường truyền tới từng nhà cho những cán bộ chủ chốt của văn phòng để họ có đủ điều kiện như đang ngồi ở cơ quan.

    Tưởng là đắt đỏ nhưng thực tế văn phòng từ xa chỉ cần một laptop có webcam, thuê bao internet hoặc dial-up modem, một phone để bàn và cellphone. Bàn ghế làm việc, điều hòa, điện nước, nhu yếu phẩm khỏi lo vì gia đình đang tích trữ. Nhân viên quan trọng có thể liên lạc toàn cầu mà không cần tới văn phòng, lo kẹt xe, ô nhiễm và nhất là sợ dịch SARS.

    Cứ 3 tháng lại có một thử nghiệm làm việc tại nhà cho một số nhân viên. Họ có thể mặc pijama thoải mái gọi phôn hoặc video với đồng nghiệp bên Washington DC, miễn là camera chỉ chiếu mặt. Vào họp rồi thì hình thức đâu còn quan trọng mà nội dung mới là ưu tiên.

    Từ vụ SARS với thử nghiệm văn phòng tại gia này mà sau này World Bank đã thiết lập một cơ chế làm việc “officeless anywhere anytime – mọi nơi mọi lúc” không chỉ tránh dịch bệnh lây nhiễm khi cần thiết mà nếu bị khủng bố, chiến tranh, tai họa thiên nhiên, những người chủ chốt vẫn điều hành văn phòng như thường.

    “Thời gian là tiền bạc”, câu ngạn ngữ nói cách đây gần 500 năm giờ vẫn nguyên giá trị. Nhân loại vẫn chưa nghĩ được nhiều để thời gian biến thành tiền nhiều hơn. Họ vẫn phải đi rất xa để tới nơi làm việc nhất là dân văn phòng mà công việc chính liên quan đến giấy tờ, mà đi đúng vào giờ buổi sáng đầy năng lượng, hiệu suất làm việc cao thì đổ vào chuyện kẹt xe, ô nhiễm, đi cả giờ mới tới nơi, không hề hấn gì đã là một điều may mắn.

    Đó là chưa kể bao tài năng ở xa tít mù khơi bên kia bán cầu có thể làm việc cho công ty nếu như lãnh đạo chấp nhận cho họ làm việc từ xa, đỡ lo không gian cho họ ngồi, bàn ghế, thiết bị, điện nước kể cả nhà vệ sinh. Nhiều bà nội trợ có thể vừa trông con nhỏ vừa làm việc cho văn phòng, miễn là những công việc không bắt buộc phải có mặt. Internet, IoT, CN4.0 đang là game-changer – đang thay đổi trò chơi.

    Nếu bạn gọi sang Mỹ để yêu cầu trợ giúp gì đó về thẻ tín dụng bị mất, bị ăn cắp, với dịch vụ 24/7 lúc nào cũng có người trả lời. Không phải người Mỹ ngồi cả đêm để đợi phone mà cuộc gọi đó có thể gửi sang Ấn Độ, nơi có hàng ngàn người Ấn nói giọng Anh-Mỹ sẵn sàng trả lời bạn mà họ có văn phòng tại một ngôi nhà nhỏ nào đó ở Chennai.

    Một thống kê cho hay, có tới 50% phụ nữ phải từ bỏ công việc cao cấp hoặc trên trung bình do phải lo gia đình. Môi trường văn phòng “Officeless anywhere, anytime, anyone” sẽ giúp phụ nữ hướng nội chuyên chăm lo con cái có việc làm tại gia, thu nhập ổn định, bớt phụ thuộc vào chồng và bình đẳng giới cũng từ đó mà ra. Khỏi phải nói về sự cân bằng giữa công việc và gia đình.

    40 năm trước trong một hội thảo về máy vi tính tại Việt Nam đã có một cuộc tranh luận nảy lửa về việc máy vi tính để vừa trên bàn làm việc có thể thay thế chiếc IBM 360 chiếm mấy gian phòng, không ít người tin chuyện này có thể xảy ra. Nhưng hôm nay đứa trẻ trâu cầm cái smartphone thực chất là chiếc máy tính có sức mạnh tính toán gấp hàng trăm ngàn lần chiếc IBM thuở nào.

    Ví dụ chiếc Samsung Galaxy S6 Edge có giá 800$ (2015), bộ xử lý Quad-core 1.5 GHz, 3G RAM, 50.000 MIPS (50.000 triệu phép tính/giây) và cân nặng cỡ vài lạng. Trong khi chiếc IBM 360/75 (năm 1975) có giá 23 triệu đô thời giá hiện nay, bộ xử lý IBM2075, tốc độ 1MIP (1 triệu phép tính/giây), nặng 30 tấn, không có audio, video, không màn hình.

    Ví dụ cho thấy công nghệ thay đổi chóng mặt nên cách thức hoạt động của văn phòng cũng thay đổi theo. Bây giờ nói chuyện Officeless (văn phòng ảo) cũng tương tự như 40 năm trước nói về máy tính lớn và máy vi tính qua 4 thập kỷ đã thay đổi thế giới.

    Những ngày này virus Corona đang hoành hành trong khu vực, dân chúng đến chỗ đông người không thể không lo lắng vì sự lây nhiễm qua đường hô hấp. Tới hôm nay (24-2) theo số liệu của WHO, thế giới có 77.331 người mắc bệnh, trong đó Trung Quốc có 77.262 ca, 2618 người bệnh đã tử vong. Đọc những tin này không thể không lo ngại vì sự lây nhiễm nguy hiểm.

    Hiện không có số liệu chính thức về số lượng cán bộ văn phòng tại Việt Nam, nếu ước khoảng 2 triệu và họ được làm việc tại gia thì lưu lượng giao thông cũng giảm đi đáng kể, lây nhiễm cũng bớt.

    Văn phòng từ xa như hồi ứng phó với dịch SARS của World Bank là một kịch bản đáng suy nghĩ và không khó thực hiện, không chỉ cho việc đối đầu COVID 2019 mà còn thiên tai, địch họa, dịch bệnh trong tương lai.

    Người bạn than trên đường bị tắc thời virus lạ, con cái không tới trường gây bao hệ lụy và ước mong của anh hoàn toàn có thể làm được nếu có tư duy mới về CN 4.0 và văn phòng tại gia thời virus Corona.

    Hiệu Minh. 25-02-2020

    Hiệu Minh

    Không có nhận xét nào