Header Ads

  • Breaking News

    Mạnh Kim - Trước khi có dịch, thế giới đã xem Trung Quốc là… “đại dịch”

    Xét về an ninh quốc gia, trước khi cơn đại dịch cúm Vũ Hán hoành hành và gây ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng trên toàn cầu, thế giới đã bắt đầu tìm cách “phong tỏa” sự “lây nhiễm” của “virus Tập Cận Bình”, bằng việc dè dặt hoặc thậm chí khước từ những thương vụ đầu tư bạc tỷ của Trung Quốc bởi lý do an ninh quốc gia…

    Dịch cúm Vũ Hán đã đánh bồi một cú cực nặng vào MIC 2025 cũng như sự tự tin ngạo mạn của Tập Cận Bình (Shutterstock)
    Đóng sầm cửa

    Tháng 8-2018, Chính phủ Đức lần đầu tiên phủ quyết một thương vụ của Trung Quốc (nhà sản xuất thiết bị hạt nhân Yantai Taihai dự kiến mua Leifeld Metal Spinning – công ty chuyên sản xuất thiết bị không gian và hạt nhân Đức). Tháng 5-2018, Canada chặn đứng thương vụ China Communications Construction mua công ty xây dựng Aecon, vì “lý do an ninh quốc gia”… Hậu quả, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp tính toàn cầu của Trung Quốc đã lần đầu tiên giảm kể từ năm 2002, từ đỉnh điểm 196,15 tỷ USD năm 2016 xuống còn 124,6 tỷ USD – theo số liệu của Hội thảo LHQ về phát triển và mậu dịch. Hiện tượng này cho thấy một sự lo ngại tăng dần liên quan an ninh quốc gia của phương Tây đối với Trung Quốc, đặc biệt công nghiệp kỹ thuật – nhận xét của Jeremy Zucker, đồng giám đốc bộ phận luật thương mại quốc tế thuộc hãng luật Dechert (Washington DC). Cơ sở cho sự lo ngại còn là tuyên bố bá chủ thế giới về công nghệ trong vòng 7 năm tới của Tập Cận Bình, với chương trình “Made in China 2025”.

    Riêng Mỹ, các thương vụ trị giá hàng trăm tỷ đôla đã bị ngăn chặn, trong đó có thương vụ mua Skybridge Capital của tập đoàn Trung Quốc HNA (Hải Hàng tập đoàn hữu hạn công ty); thương vụ mua công ty bán dẫn Xcerra trị giá 580 triệu USD mà Sino IC Capital đứng đằng sau; thương vụ mua Qualcomm với 117 tỷ USD của Broadcom – một công ty Singapore có quan hệ gần gũi Bắc Kinh… Gần đây nhất, Shenmei Energy Investment thuộc tập đoàn năng lượng Shenzhen Energy dự tính mua các dự án trị giá 232 triệu USD do Recurrent Energy Development quản lý cũng bị Ủy ban đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ (CFIUS) chặn đứng, bất luận Recurrent Energy đã ký biên bản thỏa thuận vào ngày 11-10-2017.

    Có thể kể thêm vài trường hợp ngăn chặn nữa của CFIUS: vụ Canyon Bridge Capital Partners của Trung Quốc dự tính mua nhà sản xuất bán dẫn Lattice Semiconductor với giá 1,3 tỷ USD; vụ Ant Financial (“Mã Nghĩ Kim Phục”, thuộc tập đoàn Alibaba Group) dự tính mua MoneyGram International với 1,2 tỷ USD; vụ Zhongwang USA mua nhà sản xuất nhôm Aleris Corp… Tổng quát, trong nửa đầu năm 2018, số tiền đầu tư vào Mỹ của Trung Quốc chỉ còn 1,8 tỷ USD – giảm hơn 90% so với năm 2017 và thấp nhất trong bảy năm.

    Vấn đề an ninh quốc gia thật sự là yếu tố không thể bỏ qua khi xét đến các thương vụ đầu tư của Trung Quốc. Tháng 4-2018, giám đốc Cơ quan tình báo Đức Hans-Georg Maassen đánh động rằng Trung Quốc đã sử dụng chiêu mua các công ty kỹ thuật Đức để tiếp cận bí quyết công nghệ. Tính đến nay, trị giá thương vụ mà Trung Quốc thu tóm các công ty Đức đã lên đến 14 tỷ USD – so với vỏn vẹn 530 triệu USD năm 2015. Việc chặn đứng Trung Quốc, với châu Âu, bắt đầu nóng hổi vào năm 2017, khi Đức, Ý và Pháp cùng kêu gọi hình thành một cơ chế chung kiểm soát các thương vụ đầu tư từ nước ngoài. Sự việc càng “khẩn cấp” kể từ khi tập đoàn sản xuất robot khổng lồ của Đức, Kuka, bị Midea của Trung Quốc mua 13,5% cổ phần vào năm 2016 với 1,3 tỷ USD – chưa kể vụ hãng sản xuất xe hơi Trung Quốc Geely đầu tư 9 tỷ USD vào Daimler vào tháng 2-2018 – giúp chủ tịch Li Shufu (Lý Thư Phúc) của Geely trở thành cổ đông lớn nhất Daimler…

    Tháng 9-2017, chủ tịch Ủy ban EU, Jean-Claude Juncker, đề xuất tạo ra một khung “chuẩn EU” để khảo sát và đánh giá các thương vụ đầu tư từ nước ngoài. Cũng trong năm 2017, Quốc hội Đức thông qua đạo luật với nội dung rằng các thương vụ trong đó nhà đầu tư mua vượt quá 25% cổ phần phải được xem xét yếu tố an ninh quốc gia. Tính đến tháng 3-2018, 12 trong 28 nước EU đã áp dụng cơ chế giám sát thương vụ đầu tư từ nước ngoài. Tạo ra luật giám sát đầu tư nước ngoài là cách đối phó bài bản đối với chiến dịch thu tóm công ty nước ngoài được thực hiện bài bản của Bắc Kinh. Đầu tháng 8-2018, Tòa Bạch Ốc đã ký đạo luật mở rộng quyền hạn nhiều nhất cho CFIUS trong lịch sử 43 năm của cơ quan này.

    “Made in China 2025” phá sản sớm?

    Yếu tố gây lo ngại là chương trình đầy tham vọng “Made in China 2025” (MIC 2025). Ngày 7-7-2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Quốc vụ viện công bố chương trình Made in China 2025 (MIC 2025) nhằm đưa Trung Quốc đạt những thành tựu công nghệ kỹ thuật trong vòng 10 năm. Bản thiết kế 38 trang nhấn mạnh các lĩnh vực trọng yếu cần được đầu tư gồm bán dẫn, robot, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dược phẩm, thiết bị y tế, không gian-hàng không, thiết bị hàng hải… Đến năm 2025, Trung Quốc có thể “tự cung tự cấp” 70% công nghệ kỹ thuật cao; và đến năm 2049 – kỷ niệm “100 năm lập quốc” – thì Trung Quốc phải là bá chủ thị trường thế giới. Một nhóm chuyên gia hàng đầu đã được thành lập dưới điều hành của Phó Thủ tướng Mã Khải (Ma Kai).

    Vấn đề ở chỗ Trung Quốc thiếu nhiều nền tảng để có thể xây dựng một nền công nghiệp kỹ thuật cao. Dù đầu tư rất mạnh vào công nghiệp hàng không trong nhiều thập niên nhưng mãi đến năm 2017, tập đoàn Comac mới có thể sản xuất hàng loạt máy bay thương mại C919, cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus A320. Comac cho biết họ có 700 đơn hàng từ các hãng hàng không nội địa. Tuy nhiên, “máy bay nội địa” của Comac sản xuất chỉ có đuôi và cánh là “made in China” trong khi phần còn lại, đặc biệt động cơ, thì mua từ các nhà sản xuất nước ngoài trong đó có General Electric! C919 của Comac không là câu chuyện có tính mỉa mai duy nhất liên quan MIC 2025. Tháng 8-2018, một công ty khởi nghiệp của Trung Quốc – Redcore – tuyên bố phá vỡ thế độc quyền về trình duyệt web (browser) của Mỹ bằng cách tạo ra trình duyệt hoàn toàn “made in China”. Chỉ sau đó ít lâu, Redcore đã bị phát hiện chôm mã nguồn Google Chrome! Tính đến nay, sau hơn 20 năm và tốn hàng tỷ USD, Trung Quốc vẫn chưa thương mại hóa được hệ điều hành máy tính.

    Về căn bản, MIC 2025 không thể đạt được bằng nội lực mà phải “thu gom” bí quyết công nghệ bằng chiêu đầu tư nguồn vốn hoặc mua công ty nước ngoài. Trung Quốc thậm chí mua chuộc cả giới tài chính Mỹ. Trong bài báo ngày 6-11-2017, tờ Business Insider cho biết, những ông trùm tài chính và cố vấn tham gia thương vụ đàm phán Broadcom-Qualcomm gồm có Bank of America, Citi, Deutsche Bank, JPMorgan, Morgan Stanley, Goldman Sachs, Evercore và Silver Lake Partners. Nếu thành công, thương vụ này là một trong những thương vụ tốn chi phí cố vấn nhiều nhất, với 280 triệu USD!
    Tham vọng MIC 2025 khó thành (Getty Images)

    “Chúng ta, về cơ bản, vẫn còn ở giai đoạn “đi theo sau”, đặc biệt xét về kỹ thuật lõi, thứ mà mình không thể mua” – nhận xét của Zhang Haiou (Trương Hải Âu), giáo sư Đại học Huazhong (“Hoa Trung khoa kỹ đại học”). Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thông tin Miêu Vu (Miao Wei) cũng thừa nhận Trung Quốc cần 30 năm nữa để trở thành cường quốc công nghệ. Tháng 6-2018, Lưu Á Đông (Liu Yadong), tổng biên tập tờ Khoa Kỹ Nhật Báo trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, thậm chí nói rằng Trung Quốc đang tự biến thành trò hề nếu tiếp tục nghĩ mình có thể qua mặt Mỹ để đứng đầu công nghệ thế giới. Zhong Wei (Chung Vĩ), giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, viết trên trang cá nhân rằng, Trung Quốc cần chấm dứt dùng chương trình MIC 2025 như một chiến lược phát triển, vì Mỹ và châu Âu xem đó như bằng chứng không thể chối cãi về tham vọng thống trị công nghệ thông qua các hoạt động được nhà nước bảo trợ.

    Trong thực tế, thế giới đã và tiếp tục có những biện pháp đối phó trước chương trình MIC 2025 bằng việc thiết lập chính sách gắt gao hơn khi xem xét các thương vụ đầu tư từ Trung Quốc. Với Mỹ, sự kiềm chế Trung Quốc còn thể hiện ở chính sách visa đối với du học sinh (hiện có khoảng 350.000 sinh viên Trung Quốc, chiếm 1/3 du học sinh nước ngoài, đang học tại Mỹ). 25% sinh viên tốt nghiệp chương trình U.S. STEM (Science Technology Engineering Mathematics) đều là dân Trung Quốc! Tháng 2-2018, tường trình trước Thượng viện, giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng sự có mặt số lượng lớn sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đang trở thành “mối lo ngại về an ninh quốc gia”. Phản ứng trước tình trạng này, Chính phủ Mỹ đã giảm visa cho sinh viên STEM từ năm năm xuống một năm, đồng thời việc xét hồ sơ cũng khó khăn hơn.

    Chỉ năm năm nữa là “khóa sổ” tổng kết những gì đạt được cho kế hoạch MIC 2025 với nhiều thách thức khó vượt, giờ Trung Quốc lại “làm khó” chính mình bằng việc “made in China”… một trận dịch kinh hoàng. Tham vọng MIC 2025 và “giấc mộng Trung Quốc” trở nên xa vời. Tập Cận Bình hẳn đã cười khẩy trước thái độ “chống trả” mà các nước phương Tây nhắm đến Trung Quốc. Bàn cờ thế giới dường như đã nằm gọn trong tay ông. Tuy nhiên, Tập giờ lại đối mặt với bàn cờ vây mà đối thủ là… một con virus. Cao thủ như Tập cũng không thể biết nó sắp tới “chơi” nước cờ nào.

    Mạnh Kim

    (Sài Gòn nhỏ)

    Không có nhận xét nào