Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Xuân Nguyên - Đôi lời với các nhà thơ thời đại dịch Covy

    CÁC NHÀ THƠ NÊN XẤU HỔ TRƯỚC HAI CÔ GIÁO LÀM THƠ.

    Nhà lý luận phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên
    Hai cô giáo dạy văn trung học, họ không phải là nhà thơ, nhưng họ đã viết nên những câu thơ của họ để nói về hiện tình đất nước thời họ sống. Cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh viết bài “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” (2016) giữa những ngày vùng biển quê nhà đang bị ô nhiễm nặng nêu lên những câu hỏi về những vấn đề nhức nhối của đất nước mong được chia sẻ và tìm một lời giải đáp. Cô giáo Chu Ngọc Thanh ở Gia Lai viết bài “Đất nước ở trong tim” (2020) ca ngợi sự đồng lòng đồng tâm của chính phủ và người dịch trong việc phòng ngừa và ngăn chặn dịch cúm COVID-19 mong lan tỏa niềm vui. Hai cô giáo đều lấy cảm hứng từ đất nước và viết ra thành thực cảm xúc, suy nghĩ của mình. Họ viết thơ theo quan niệm về thơ của họ cốt để dùng hình thức đó bày tỏ được thái độ của mình trước cuộc sống, trước những ngổn ngang thế sự xã hội mà với lương tâm và trách nhiệm của một công dân họ thấy cần phải lên tiếng. Chê bai thơ họ làm ai cũng có thể, nhưng dám viết ra thật lòng mình, nhất là trong trường hợp bài thơ của Trần Thị Lam, thì không phải ai cũng có thể.

    Thì đấy, các nhà thơ chuyên nghiệp đã viết gì trong thời cuộc hiện nay. Họ không viết gì cả! Họ cao đạo, họ làm nghề, nên họ giữ mình, họ im lặng và ngoảnh mặt trước những thảm cảnh tang thương của nước nhà, trước những khổ đau oan trái của người dân. Khi có một sự việc, một biến cố xảy ra trong cuộc sống, mạng xã hội phản ứng tức thì với rất nhiều ý kiến, trong đó có không ít những bài thơ sâu sắc, thấm thía của các người dùng facebook. Các nhà thơ nghĩ gì? Họ nghĩ đó không phải là thơ. Họ coi thế là “làm nhục” thơ. Và họ nghĩ viết thơ thế sự như thế là mất giá nên họ không viết. Họ đành câm để giữ giá thơ của họ. Họ không biết cô giáo Trần Thị Lam đã khốn đốn một dạo ra sao vì bài thơ của mình. Bài thơ đó nếu đứng tên một nhà thơ tên tuổi sẽ còn vang động hơn nữa. Nhưng các nhà thơ tên tuổi còn bận sợ hãi. Còn cô giáo ở Hà Tĩnh thì không. Vì cô không muốn đứng trên bục giảng nói dối học sinh của mình.

    Các nhà thơ nên xấu hổ trước hai cô giáo làm thơ.

    Có thể hai cô đã đọc hoặc chưa biết những câu thơ sau đây của nhà thơ Chile Pablo Neruda (1904 – 1973), nhưng các nhà thơ chuyên nghiệp ở ta mà không biết chúng thì càng đáng xấu hổ. Trong bài thơ đúng như tên gọi “Giải thích” P. Neruda đã giải thích cho các đồng nghiệp và bạn đọc vì sao ông lại viết một thứ thơ trần trụi, nóng bỏng như vậy.

    “Bạn sẽ hỏi vì sao thơ tôi
    Không nói đến mộng mơ, hoa lá
    Không nói đến những hỏa diệm sơn hùng vĩ
    Của đất nước quê hương?
    Hãy đến xem máu chảy trên đường
    Hãy đến xem
    Máu chảy trên đường
    Hãy đến xem máu chảy
    Trên đường”
    (Đào Xuân Quý dịch từ tiếng Pháp)

    Xin chú ý câu thơ “Hãy đến xem máu chảy trên đường” đã được nhà thơ lặp lại ba lần với cách ngắt câu khác nhau. Ông muốn nhấn mạnh máu đã chảy và nhà thơ phải đến xem thật kỹ, thật nhiều lần, thật tận mắt máu đã chảy thế nào để câu thơ viết ra không lạnh tanh. Máu người không phải là nước lã. Và thơ càng không thể đem nước lã pha vào máu.

    Máu Đồng Tâm đã chảy.

    Thơ có chảy máu cùng nhân dân?

    Lẽ ra câu hỏi này Thủ tướng Chính phủ và những người lãnh đạo đất nước phải đặt ra cho các nhà thơ nhà văn gọi là chuyên nghiệp, cho Hội Nhà văn trung ương và các hội văn nghệ địa phương trong cả nước. Nếu nhà chính trị hỏi được thế thì các nhà thơ sẽ ào ào viết ngay, không kiêng dè và sợ hãi. Còn một lời khen của thủ tướng, một bằng khen của chủ tịch tỉnh cho cô giáo Chu Ngọc Thanh vì coi bài thơ đó như một lời truyên truyền chống dịch theo kiểu tư duy và cách làm chính trị ở ta thì được các nhà thơ hân hoan chê bai thơ và nhân thể chửi xéo. Họ quên mất rằng nhiều tập thơ bài thơ được khen được giải lâu nay cũng chỉ vì ý nghĩa tuyên truyền cho chính trị, chứ giá trị thơ không có hoặc rất thấp.

    Ôi làm thơ và làm nhà thơ ở xứ ta thực khó thay!

    Hà Nội 21.2.2020

    Phạm Xuân Nguyên
    Nhà lý luận phê bình Văn học


    (FB Phạm Xuân Nguyên) 

    2 nhận xét:

    1. Tiếng Thơ là tiếng lòng của chính tác giả trước nhất, sau đó là tiếng lòng của độc giả trong trường hợp Thơ viết cho những biến động của xã hội: Đây là ý nghĩ của tôi.
      Vì sao ư? Người cầm bút há chẳng phải viết để có người đọc sao? Và nếu thế thì viết điều gì cho độc giả đón nhận với tất cả tấm lòng để nhận ra Chân - Thiện- Mỹ trong tác phẩm ấy?
      Bài thơ của cô giáo Lam Hà Tĩnh đã vượt qua sự trắc nghiệm hay nói đúng hơn là điều kiện ắt có và đủ của một tác phẩm nói về nỗi đau thương câm nín của đất nước khi cô viết lên một sự thật trần truồng của xã hội mà ai cũng thấy, cũng biết, nhưng không ai dám viết!
      Bài thơ thứ nhì của cô giáo Thanh thì chỉ ngay bước đầu tiên là Chân thì đã vấp ngã rồi. Sự thật đã bị lời thơ bẻ cong thì ngòi bút cũng cong như thế và tác giả cũng sẽ phải "cong người với búa rìu dư luận".
      Độc giả chưa hẳn là người biết làm thơ, nhưng họ chấm điểm một tác phẩm thường rất chính xác!

      Trả lờiXóa
    2. Tôi xin mạn phép trang báo được chép lại hai bài thơ, để thế hệ đời sau nhìn ra chân sự thật: Một bài thơ đầy tâm huyết và đau đáu cho mệnh nước của cô giáo Lam (Hà Tĩnh) và một bài thơ thuộc thể loại "Đạo thơ" của cô giáo Thanh(Gia Lai).
      Làm nghề giáo mà đạo văn, đạo thơ, đạo ý thơ là điều không thể chấp nhận được.

      ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH?
      Cô giáo Trần thị Lam (Hà Tĩnh)

      Đất nước mình ngộ quá phải không anh
      Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
      Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
      Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…

      Đất nước mình lạ quá phải không anh
      Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
      Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
      Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…

      Đất nước mình buồn quá phải không anh
      Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
      Rừng đã hết và biển thì đang chết
      Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…

      Đất nước mình thương quá phải không anh
      Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
      Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
      Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…

      Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
      Anh không biết em làm sao biết được
      Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
      Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…

      Cô giáo Trần thị Lam (Hà Tĩnh)
      (Bài thơ này được viết vào tháng 4-2016)


      ĐẤT NƯỚC Ở TRONG TIM
      Cô giáo Chu Ngọc Thanh

      Đất nước ở trong tim
      Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em
      Nhưng làm được những điều phi thường lắm
      Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm
      Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào.
      Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao
      Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng
      Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận
      Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy.
      Với người láng giềng đang lúc lâm nguy
      Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế
      Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể
      Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn.
      Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan
      Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại
      Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi
      Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.
      Với chuyến du thuyền đang "khóc" giữa đại dương
      Mình mở cửa đón họ vào bến cảng
      Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn
      Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.
      Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa
      "Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại"
      Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi
      Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.
      Từ mái trường này em sẽ lớn lên
      Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước
      Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước
      Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim.
      Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm
      Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả
      Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa
      Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!

      Tác giả: Chu Ngọc Thanh (2020)

      Trả lờiXóa