Header Ads

  • Breaking News

    Phòng virus corona: Tại Việt Nam, toàn dân đeo khẩu trang có hiệu quả?

    Việt Nam là một quốc gia có nguy cơ hàng đầu chịu ảnh hưởng của dịch virus corona mới, do lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam đứng hàng thứ tư thế giới. Ngày 30/01/2020, thủ tướng Việt Nam nêu phương án ''mạnh'': Có thể toàn dân sẽ phải đeo khẩu trang để phòng dịch. Liệu biện pháp như trên có chống

    Xưởng may khẩu trang bảo hộ tại Tổng công ty May 10, Long Biên, Hà Nội, Việt Nam (Ảnh chụp ngày 05/02/2020) REUTERS/Kham


    Ngày 20/01/2020, Trung Quốc thừa nhận dịch virus corona chủng mới hoành hành tại thành phố Vũ Hán (Wuhan). Ngày 23/01, Bắc Kinh phong tỏa Vũ Hán để dập dịch. Phương án toàn dân đeo khẩu trang để chống virus từ Trung Quốc được người đứng đầu chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, nêu ra như một biện pháp ''mạnh'' để ngăn ngừa dịch bệnh.

    Theo báo chí trong nước, chiều 30/01, trong cuộc họp do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì để bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra, ông Phúc cho hay cần tiếp tục thảo luận thêm nhiều biện pháp mạnh hơn để giảm thiểu tối đa nguy cơ, trong đó có thể toàn dân phải đeo khẩu trang để phòng bệnh.

    Cũng vào thời điểm này, trong xã hội Việt Nam dấy lên một phong trào đeo khẩu trang rộng khắp, trên đường phố, tại các cuộc tập hợp đông người, cũng như trong trường học... Sau khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới tuyên bố ''tình trạng y tế khẩn cấp'' do bệnh dịch virus corona (2019-nCoV), ngày 31/01, nhiều trường học đã bắt buộc học sinh đến trường phải đeo khẩu trang liên tục trong lớp học. Cùng với việc nhu cầu khẩu trang tăng vọt là một phong trào cung cấp khẩu trang miễn phí rộng khắp từ Nam chí Bắc, từ phía nhiều cá nhân, cơ sở tư nhân, hay cơ quan nhà nước, đặc biệt từ phía cảnh sát giao thông.

    Khẩu trang có xu hướng ngày càng được đông đảo xã hội Việt Nam nhìn nhận như là một biện pháp hiệu quả, một biện pháp mạnh giúp cho việc ngăn ngừa dịch bệnh corona mới. Tuy nhiên, khẩu trang có thực sự là một biện pháp hiệu quả để phòng chống virus viêm phổi cấp từ Trung Quốc?

    Không nên đưa ''khẩu trang đại trà'' thành chính sách quốc gia

    Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn, Đại Học New South Wales tại Úc, từ nhiều năm nay phản đối mạnh mẽ việc khuyến khích đeo khẩu trang tràn lan, với mục tiêu phòng ngừa các căn bệnh lây qua đường hô hấp. Trong một bài viết mới đây mang tựa đề ''Khẩu trang trong việc phòng chống virus, tiếp cận qua EBM'' (EBM tức Y học dựa trên bằng chứng), Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh là ''khẩu trang không có hiệu quả như chúng ta tưởng''. Không kể các loại khẩu trang đặc biệt mà các nhân viên y tế sử dụng trong môi trường bệnh viện, nhiều nghiên cứu thực nghiệm được công bố trên các tạp chí có uy tín cho thấy ''khẩu trang trên thực tế không giúp gì trong việc phòng chống virus cúm ở quy mô cộng đồng, dĩ nhiên không thể loại trừ tính chất tích cực (về mặt tâm lý) của khẩu trang'', với tư cách là ''sự lựa chọn cá nhân. Nhưng không nên đưa khẩu trang thành một chánh sách cấp quốc gia''.

    Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ''hầu như tất cả các cơ quan y tế nước ngoài (1) đều không khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang nếu (bản thân) không có triệu chứng và đang ở trong môi trường có nguy cơ thấp. Hiện nay, theo số lượng thực tế, nguy cơ bộc phát 2019-nCoV ở Việt Nam được đánh giá là rất thấp''. Điều đáng ngạc nhiên, theo ông, là ''nhiều người vẫn muốn cho rằng Việt Nam có nguy cơ cao. Và với suy nghĩ đơn giản, người ta nghĩ rằng khẩu trang sẽ là biện pháp phòng ngừa dịch 2019-nCoV. Phát biểu về viễn cảnh cả nước sẽ dùng khẩu trang để phòng chống dịch bệnh chắc được các nhà sản xuất và phân phối khẩu trang đón nhận nồng nhiệt, nhưng nó không nhất quán với dữ liệu khoa học''.

    Tác dụng và giới hạn của khẩu trang

    Về tác dụng và giới hạn của khẩu trang, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với Bác sĩ Phan Đình Hiệp (Melbourne, Úc) (cuộc phỏng vấn thực hiện ngày 03/02/2020). Bác sĩ Phan Đình Hiệp cho biết :

    ''Ai cũng biết là khẩu trang có tác dụng phòng ngừa các bệnh lây qua đường hô hấp, nhưng mà mức độ như thế nào, đó là vấn đề chúng ta cân nhắc ở đây. Cái lợi ích, cái thiệt hại như thế nào? Bởi vì nhiều khi chúng ta đeo không đúng, không đúng loại khẩu trang, không đúng mục đích thì lúc đó lợi bất cập hại. Ví dụ nhiều người không biết rằng có loại khẩu trang rất đắt tiền, ví dụ loại N95, chỉ dùng cho những người chăm sóc những bệnh nhân bị những bệnh lây qua đường hô hấp, rất đặc biệt, ví dụ như bệnh sởi hay con virus Vũ Hán. Còn lại, nói chung để ngăn ngừa bệnh, người ta khuyên là nên dùng ở mức thấp hơn, loại ''khẩu trang phẫu thuật'', gọi là khẩu trang ba hay bốn lớp. Nhưng lợi ích của nó không hoàn toàn như mọi người tưởng, nghĩa là cứ đeo vào là bảo vệ được (1). Vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra là khẩu trang trước hết để bảo vệ người khác nếu mình mắc bệnh, bằng cách ngăn lại các dịch tiết ra ngoài, hơn là bảo vệ bản thân khỏi tác động từ bên ngoài vào. Và có thể nói là trên 80% người dùng và thậm chí hơn nữa đeo không chính xác. Rồi khẩu trang còn có cỡ nhỏ, cỡ lớn… làm sao có thể kín hết được. Chưa kể đến việc đeo kín quá, đối với những người vốn bị yếu đường hô hấp, thì đeo cái đó vào, người ta lại càng khó thở thêm. Tóm lại, nó là vật ngăn cản, làm giảm nguy cơ truyền bệnh, nhưng tác động cụ thể thì tùy mỗi người và tùy tình hình cụ thể ở mỗi quốc gia.

    Nếu như chúng ta đang ở thành phố Vũ Hán thì phải đeo, vì đó là môi trường quá nhiều người bị. Ở Việt Nam có nên đeo khẩu trang không? Chúng ta có lượng người Trung Quốc qua quá lớn, cả đường không và đường bộ. Và đặc biệt là tuy đường không đã đóng rồi, nhưng đường bộ vẫn còn, như vậy người Trung Quốc hiện diện trên nước chúng ta khá lớn, tức là cái nguy cơ khá lớn… Nếu như phải đi vào những môi trường nguy hiểm, giống như ở sân bay, ở cửa khẩu, hay những lễ hội có thể có rất nhiều người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, thì phải đeo''.

    90 triệu dân đeo khẩu trang: Chính quyền lúng túng

    Về phương án toàn dân đeo khẩu trang phòng virus đến từ Vũ Hán, Bác sĩ Phan Đình Hiệp nhận xét: ''Mình không thể hình dung là có cả một quốc gia phải mang khẩu trang hết. Có vẻ đây là một sự lúng túng. Giống như đây gọi là vấn đề ''xử lý khủng hoảng truyền thông''. Có lẽ đó cũng giống như là những nơi mà không có sự minh bạch thông tin, hay là những nơi không có sự phản biện về y tế, thì nó thường xảy ra như vậy. Giống như nguyên tắc của vụ Vũ Hán mà chúng ta tính kỹ lại, thì lúc đầu có sự giấu diếm thông tin cơ bản... Những vụ như thế này đâu có cần phải như vậy. Cái này (giải pháp toàn dân đeo khẩu trang) thể hiện ra là người ta quan tâm, nhưng cũng thể hiện là người ta lúng túng''.

    Trở lại với thời gian sau khi chính quyền Trung Quốc thừa nhận có dịch (sau ba tuần lễ che giấu), chính quyền Việt Nam bị chỉ trích đã phản ứng chậm trễ, trước hết là đối với số lượng khách du lịch Vũ Hán tại Việt Nam (ước tính khoảng hơn 4.000 người), chưa kể dòng người từ Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ sang Việt Nam trong nhiều ngày, sau ngày chính quyền Bắc Kinh công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán và nhiều thành phố tỉnh Hồ Bắc (Hubei). Các nhóm khách du lịch Trung Quốc có nguy cơ cao mang virus 2019-nCoV gần như đã không hề bị đặt dưới sự giám sát. Khách quan mà nói, Việt Nam rõ ràng là nạn nhân của tình trạng bất minh của phía Trung Quốc, do Trung Quốc che giấu dịch trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cách phản ứng của chính quyền Việt Nam cũng thể hiện cho sự thiếu minh bạch và thiếu mục tiêu rõ ràng trong việc xử lý hệ quả của tình trạng tràn ngập khách du lịch Trung Quốc có nguy cơ mang virus cao.

    Bác sĩ Phan Đình Hiệp tuy thừa nhận số liệu chính thức người nhiễm virus Vũ Hán là không lớn, nhưng khẳng định nguy cơ tiềm ẩn rủi ro là khá lớn, do số lượng lớn du khách Trung Quốc có mặt khắp nơi (chưa kể đến người Việt từ Trung Quốc hồi hương do dịch), điều này giải thích cho tâm trạng lo âu phổ biến trong xã hội Việt Nam, khiến người dân dễ dàng tìm đến khẩu trang, như biện pháp được coi là phòng vệ hiệu quả, cho dù về mặt thực nghiệm y học, không có gì cho thấy đeo khẩu trang đại trà là một biện pháp phòng dịch thực sự hữu hiệu.

    Chính trong bối cảnh này, đề xuất thảo luận và các khuyến cáo từ phía chính phủ sử dụng khẩu trang phòng dịch đại trà toàn dân có thể coi như là một giải pháp dễ dãi, đặt gánh nặng tự vệ về phía người dân, mà không coi việc chính quyền đặt mục tiêu cô lập nguồn dịch, kiểm soát nguồn dịch là trách nhiệm số một phải chủ động làm sớm, làm ngay từ đầu. Chính quyền Việt Nam sau đó, cùng với việc WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp, đã có nhiều biện pháp được đánh giá là mạnh mẽ hơn, nhưng chủ trương dùng khẩu trang đại trà vẫn có xu hướng dường như ngày càng được coi là một trụ cột trong chính sách phòng dịch cộng đồng. Và điều này có nhiều nguy cơ lợi bất cập hại.

    Khẩu trang trong lớp học: ''Giải pháp không thực tế!''

    Tình hình đặc biệt nổi rõ trong hiện trạng sử dụng khẩu trang phổ biến trong nhà trường. Cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai 2020, hình ảnh các lớp học tràn ngập khẩu trang được đăng tải rộng rãi trên truyền thông trong nước. Về vấn đề này, Bác sĩ Phan Đình Hiệp nhận xét:

    ''Cái đó không thực tế! Bởi vì nếu dịch mà tràn lan đến nỗi mỗi em đi học phải mang khẩu trang thì phải đeo hết, thì dịch đến mức phải nghỉ học rồi. Người lớn đeo còn khó chuẩn nữa, huống chi là các em. Rồi đi học các em còn phải nói… Đi học làm sao có thể ngồi yên được. Nếu gọi là khẩu trang đi trường học thì không còn thực tế nữa. Em nào bệnh thì em ấy ở nhà, còn nếu cả lớp mà mang khẩu trang đi học thì lúc đó là đại dịch của cả quốc gia. Chứ không còn là tiểu dịch nữa''.

    ''Cảm giác an toàn giả tạo''

    Đeo khẩu trang rõ ràng tạo cảm giác an toàn, nhưng mặt khác khiến người ta có thể sao lãng sự chú ý đến vấn đề quan trọng hơn, đó là xác định ''nguồn dịch bệnh'' và tìm cách cách ly nguồn dịch. Bác sĩ Phan Đình Hiệp cho biết:

    ''Có một điều người ta không biết rằng, khi đeo cái khẩu trang vào, thì nó tạo nên một cái cảm giác an toàn giả (2), tức là cảm giác mình an toàn, nhưng thực sự không an toàn. Trong khi chúng ta phải đấu tranh chuyện khác, chuyện công khai giảm nguồn dịch. Cần nhất là giảm nguồn dịch. Nguồn dịch từ đâu? Chắc chắn là từ bên Trung Quốc qua là cái chính ! Rồi chúng ta phải cách ly người bệnh. Chúng ta phải dặn là những người bệnh không đi ra chỗ công chúng đông người. Rồi chúng ta phải dặn người bệnh là không nên cố gắng đi làm, đi học… Tức là phải hiểu vấn đề bệnh, để có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng. Cái đó mới quan trọng. Còn nếu đeo cái khẩu trang như vậy, mà bên cạnh thằng bạn bị bệnh ngồi đó, thì tỉ lệ bảo vệ của cái khẩu trang không được bao nhiêu so với chúng ta dạy được ai đó có bệnh thì ở nhà, tự cách ly, để điều trị tốt. Lợi hại nằm ở điểm đó''.

    Hoảng sợ do không có một chính sách quốc gia hiệu quả

    ''Trong không khí hoảng loạn như vậy, thì người ta nghĩ là ai cũng phải cho con khẩu trang để bảo vệ, ai cũng phải lo hết mức cho con mình. Thành ra gia đình nào cũng muốn em bé được đeo khẩu trang đi học. Nhưng mà để hỏi xem họ đeo có chuẩn xác cho con của họ không. Thực sự là đeo không chuẩn xác thì không bảo vệ được bao nhiêu. Đem đứa bé đi học với khẩu trang như vậy thì hệ thống không còn chuẩn. Mình nghĩ là cái đó phải chỉnh từ cái gốc của hệ thống y tế. Chứ không phải là đến lúc mà hoảng quá mỗi người đều tự lo cho mình mà không nghĩ đến cái giải pháp gọi là giải pháp chính sách - giải pháp của quốc gia. Giải pháp quốc gia không có nghĩa là bắt mọi người phải đeo hay bắt mọi người không đeo, mà là sự giáo dục y tế và sự phòng bệnh, định lượng bệnh như thế nào, dịch như thế nào. Nếu cái đó tốt thì sẽ không xẩy ra chuyện cả lớp phải mang khẩu trang''.

    Hiện tại tình hình đang có nhiều chuyển biến. Tính đến đêm ngày 04/02, 60 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam (trên 63 tỉnh) đã cho học sinh nghỉ học để giảm nguy cơ lây nhiễm, đa số cho đến ngày 09/02. Tình trạng học sinh phải đến trường với khẩu trang đại trà như trước nhìn chung tạm thời không xảy ra. Tuy nhiên, câu hỏi về vai trò của chiếc khẩu trang trong chính sách phòng chống dịch lây nhiễm qua đường hô hấp của chính quyền Việt Nam tiếp tục còn đó.

    Dịch do virus 2019-nCoV xuất phát từ Vũ Hán, cho dù tỉ lệ tử vong không cao so với nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác, nhưng gây rất nhiều lo ngại từ phía quốc tế, một phần chủ yếu do tính chất không minh bạch của chính quyền Trung Quốc. Việt Nam, một mặt là nạn nhân của chính sách bất minh của Trung Quốc (chính sách bất minh này đã đặt Việt Nam vào tình trạng bị động rất lớn, khi số du khách có nguy cơ nhiễm virus tràn ngập nhiều khu vực tại Việt Nam), nhưng mặt khác, cách phản ứng thiếu minh bạch, thiếu hiệu quả, chậm trễ và rất bị động của chính quyền Việt Nam trong vấn đề khách du lịch Trung Quốc, trong thời gian đầu, cũng gây không khí hoang mang khá phổ biến trong xã hội, cho dù về mặt chính thức, đến ngày 04/02/2020, trên cả nước chỉ có 10 trường hợp được coi là bị nhiễm virus nói trên (nhiều người đặt câu hỏi phải chăng chính quyền Việt Nam bị Trung Quốc chi phối nên đã không thể nhanh chóng có được các biện pháp chủ động).

    Chiếc khẩu trang mong manh gánh trách nhiệm cho chính quyền

    Trong bối cảnh này, chiếc khẩu trang mong manh - có thể có một số tác dụng nhất định với người Việt Nam (trong việc phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt trong một xã hội mà các tập quán bảo vệ vệ sinh chung nơi công cộng chưa phải đã thực sự phổ biến đủ mức) – đã bị phó thác cho một sứ mạng vượt quá xa khả năng thực sự của nó: Giúp Toàn Dân Ngăn Dịch.

    Việc nâng quá cao vai trò của loại khẩu trang thông thường trong việc phòng dịch vừa qua, một mặt, đáp ứng tâm lý lo lắng phổ biến của người dân trong xã hội, mặt khác, cũng phần nào đã giúp cho chính quyền giải tỏa được một cuộc ''khủng hoảng về truyền thông'' do chậm đối phó với dịch. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn trong khi chọn giải pháp này, gánh nặng phòng dịch vô hình chung đã nghiêng hẳn về phía người dân ; trách nhiệm của chính quyền trong việc xác lập một chiến lược phòng chống dịch quốc gia hiệu quả đã bị giảm nhẹ. Những sai lầm của chính quyền, đặc biệt trong việc xác định và khống chế nguồn dịch, dễ dàng được xuê xoa, bỏ qua.

    Dịch virus corona 2019-nCoV một khi qua đi, nhiều nỗ lực chống dịch theo hướng đúng của phía chính quyền Việt Nam chắc chắn sẽ được ghi nhận. Thế nhưng, ắt hẳn giới chuyên môn, các nhà y khoa, các nhà kinh tế, các nhà xã hội học, sẽ có những đánh giá toàn diện về những cái giá phải trả cho chiến lược đối phó với dịch bệnh lần này. Trong đó có câu hỏi về những tốn kém và hệ quả nhiều mặt của chiến dịch tuyên truyền cho việc sử dụng khẩu trang đại trà toàn dân, những mặt lợi, mặt hại, ắt hẳn cũng sẽ phải được đặt ra.

    Ghi chú

    1- Theo bộ Y Tế Pháp, việc mang ''khẩu trang phẫu thuật'' (tức loại khẩu trang ''ba lớp'' thông thường) chủ yếu có giá trị phòng bệnh cho người khác, khi bản thân mình mang mầm bệnh, ''việc mang loại khẩu trang này cho bộ phận dân cư không nhiễm bệnh, với mục tiêu tránh nhiễm virus không nằm trong các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo, và tính hiệu quả của biện pháp này không được chứng minh'' (AFP, ngày 28/01/2020).

    2 - Bà Sylvie Briand, giám đốc vụ Đối phó Toàn cầu với các Nguy cơ Lây nhiễm của WHO, nhấn mạnh với người không nhiễm virus, có một nguy cơ lớn là khẩu trang có thể tạo ''cảm giác an toàn giả tạo''. Một trong các biện pháp quan trọng được WHO khuyến cáo là rửa tay thường xuyên, bởi nguy cơ lây nhiễm qua đường tiếp xúc với virus trong các dịch thể mà người bệnh để lại là lớn (AFP, ngày 04/02/2020).



    Trọng Thành

    RFI

    Không có nhận xét nào