Header Ads

  • Breaking News

    Tại sao Mỹ không tin các số liệu về dịch corona của Trung Quốc?


    Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết chính quyền Washington cảm thấy thất vọng về việc thiếu minh bạch của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng liên quan đến dịch bệnh do virus corona mới gây ra. Vậy lý do nào khiến Washington nghi ngờ các số liệu của Trung Quốc?
    Tại sao Mỹ không tin các số liệu về dịch corona của Trung Quốc?

    Cuối tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình tại Nhà Trắng, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết chính quyền Washington cảm thấy thất vọng về việc thiếu minh bạch của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng liên quan đến dịch bệnh do virus corona mới gây ra.

    “Thật đáng ngạc nhiên về các con số cứ nhảy lên xuống,” ông Kudlow bình luận khi Bắc Kinh thông báo điều chỉnh cách thống kê các ca nhiễm bệnh và ca tử vong, khiến số liệu các ca nhiễm tăng đột biến tới hơn 15.000 ca mới.

    Cụ thể, các trường hợp được chẩn đoán lâm sàng là nhiễm bệnh được xếp luôn vào các ca nhiễm mới thay vì chờ đợi kết quả xét nghiệm axit nucleic trong phòng thí nghiệm như trước đây. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc lại cho biết cách tính mới chỉ tính riêng cho tỉnh Hồ Bắc, còn tất cả các địa phương khác sẽ giữ nguyên cách tính các ca nhiễm bệnh.

    Giám đốc hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump cho biết Washington rất thất vọng vì đã nhiều lần đề nghị hỗ trợ nhưng Trung Quốc vẫn không gửi lời mời, và thất vọng vì sự thiếu minh bạch của Trung Quốc. Ông Kudlow nói rằng vẫn còn đó những hoài nghi và không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ hợp tác như lời họ hứa.

    “Chủ tịch Tập đã cam kết với Tổng thống Trump rằng Trung Quốc sẽ cởi mở và sẽ chấp nhận sự giúp đỡ của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Liên Hợp Quốc và WHO nhưng họ không để chúng tôi làm vậy. Tôi không biết động cơ của họ là gì. Tôi chỉ biết rằng ngày càng nhiều người đang phải chịu đựng ngoài kia. Liệu Bộ Chính trị Trung Quốc có thực sự trung thực với chúng tôi không?”, ông Kudlow đặt nghi vấn.

    Vậy lý do nào khiến Washington nghi ngờ các số liệu của Trung Quốc? Trí Thức VN xin tổng hợp một số sự kiện nổi bật để thay cho nhận định về việc này:

    1) Tờ CNBC nhận định Mỹ đã không tin tưởng Trung Quốc từ những năm 1950 khi chính quyền ĐCSTQ đưa ra những chỉ tiêu sản xuất phi thực tế [nhất là trong thời kỳ “Đại nhảy vọt”], khiến cho các địa phương phải báo cáo số liệu giả, gây ra nạn đói thảm khốc giết chết hơn 40 triệu người dân Trung Quốc.

    2) Trong cuộc đàn áp học sinh, sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, chính quyền ĐCSTQ đã tìm cách xóa mọi “dấu vết” có thể trước người dân trong nước và thế giới. Hệ thống tường lửa kiểm duyệt đã chặn tất cả các thông tin liên quan đến cuộc đàn áp. Người dân Trung Quốc khi tra cứu chỉ nhận được những hình ảnh tươi đẹp về quang cảnh thanh bình của quảng trường Thiên An Môn.

    3) Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999 đến nay, chính quyền Trung Quốc đã liên tục phủ định tội ác bức hại người tu luyện, mổ cướp nội tạng, cho dù không giải thích được về nguồn gốc của số ca cấy ghép tăng đột biến. Năm 2016, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt hoạt động mổ cướp nội tạng đối với các tù nhân lương tâm, đồng thời kết thúc cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Năm 2018, Hiệp hội nhân quyền quốc tế lên án tội ác mổ cướp nội tạng do ĐCSTQ hậu thuẫn đối với các tù nhân lương tâm. Năm 2019, Phó chủ tịch “Ủy ban về các nguy cơ hiện tại: Trung Quốc” của Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ tiến hành cuộc điều tra chính thức về tội ác của ĐCSTQ trong việc mổ cướp nội tạng của tù nhân lương tâm là người tập Pháp Luân Công.

    4) Trong đại dịch SARS năm 2002 – 2003, chính quyền Trung Quốc cũng bị nghi ngờ việc che dấu thời điểm bắt đầu dịch, chậm trễ ứng phó, che giấu số người tử vong, khiến dịch bệnh lan ra hàng chục nước trên thế giới. Những người dám lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh cho thế giới như bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh thời bấy giờ thì bị chính quyền ĐCSTQ cắt đứt liên lạc với bên ngoài, giam lỏng, buộc phải im lặng.

    5) Tại Tân Cương, ĐCSTQ đã phủ nhận việc có các “trại cải tạo”, bên trong giam giữ trái phép, tra tấn, tẩy não hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, nói rằng đó là cần thiết để trấn áp các “phần tử khủng bố”, ngoài ra còn nói rằng đó các “Trung tâm giáo dục và đào tạo nghề” để giúp đỡ người đang bị giam giữ có kỹ năng và hòa nhập xã hội.

    6) Kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump điều hành đất nước, Mỹ đã liên tục đưa ra cáo buộc và bằng chứng về việc Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, thao túng tiền tệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, ngoại giao bẫy nợ, gián điệp công nghệ v.v. Các cuộc đàm phán thương mại liên tục bị trì hoãn, chậm trễ do Trung Quốc liên tiếp “lật kèo.”

    7) Trong dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích cách hành xử của Mỹ, cáo buộc Washington gieo rắc nỗi sợ hãi và không có hỗ trợ nào “ra hồn” cho Bắc Kinh. Trong khi đó, cơ quan y tế của Mỹ không ngừng đưa ra lời đề nghị hỗ trợ, nhưng Trung Quốc tuy mặt nói sẵn lòng nhưng đã 6 tuần trôi qua vẫn không hề có động thái gửi lời mời hay tiến hành các thủ tục để Mỹ sang hỗ trợ, mặc cho dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát.

    Nêu trên chỉ là một vài sự kiện điển hình trong rất nhiều lĩnh vực Mỹ tỏ ý không tin tưởng Trung Quốc. Nhiều học giả tại Trung Quốc và trên thế giới đã đưa ra nhận định, rằng sự dối trá của ĐCSTQ là sự dối trá có hệ thống, từ trên xuống dưới, không từ thủ đoạn, có thể sẵn sàng hy sinh mạng người dân để bảo toàn cho sự “ổn định” của Đảng, theo “Cửu Bình”.

    Lê Vy (t/h)
     
    (trithucvn.net)

    Không có nhận xét nào