Header Ads

  • Breaking News

    TQ đánh VN năm 1979: Viết sử vẫn chỉ như mẩu tin chiến sự?

    Cuộc chiến tranh Biên giới Việt - Trung, nổ ra vào ngày 17/2/1979, với hệ lụy kéo dài ít nhất khoảng một thập niên, dường như chưa được phản ánh đúng mức trong các tài liệu về sử học chính thống ở Việt Nam hiện nay, như ý kiến từ giới nghiên cứu cho BBC News Tiếng Việt hay hôm 20/02/2020.
    TQ đánh VN năm 1979: Viết sử vẫn chỉ như mẩu tin chiến sự?


    Ý kiến này cũng cho hay ngay tại cấp một Đại học Quốc gia hàn đầu tại Việt Nam, như ở khoa Lịch sử, cũng ít hoặc không có luận văn, luận án của sinh viên, nghiên cứu sinh được triển khai để nghiên cứu về cuộc chiến này.

    Bình luận tại một Hội luận chuyên đề đặc biệt nhìn lại cuộc chiến tranh do Trung Quốc phát động trên các tỉnh ở biên giới phía Bắc Việt Nam 41 năm về trước, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Sinh từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói:

    "Sự kiện Trung Quốc đánh sang đồng loạt 6 tỉnh biên giới ở phía Bắc Việt Nam đã xảy ra đến nay 41 năm, nhưng ở Việt Nam, ở khoa Lịch sử của tôi, khi tôi còn làm việc ở đó, ở trường Đại học Tổng Hợp (Hà Nội) và sau này là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), theo chúng tôi biết, chưa có một luận án nào của sinh viên Đại học và trên Đai học, làm về chủ đề này.

    "Tôi không hiểu vì sao lại có chuyện như thế. Nhưng sau này thì tôi hiểu là vì sau khi chính quyền của hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký hiệp định Thành Đô, và sau đó giới chức cao cấp nhất của hai quốc gia gặp gỡ nhau, tôi không biết là họ nói với nhau những gì, nhưng cả hai phía từ sau năm 1990 cho đến năm ngoái, tôi thấy trong khoảng thời gian 30 năm đó, về phía Việt Nam và cả Trung Quốc nữa, người ta cố tình quên đi sự kiện này.

    Trong một bộ sách 15 tập, 10.000 trang, mười nghìn trang là bao nhiêu từ, bao nhiêu chữ, mà dành cho một sự kiện Trung Quốc tấn công sang tàn sát nhân dân Việt NamNhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Sinh

    "Bằng chứng là giới trẻ sinh ra sau sự kiện này, gần như không biết có câu chuyện đau thương mà người Việt Nam phải gánh chịu, hàng trăm nghìn người Việt Nam đã bỏ xác trong cuộc chiến tranh đó. Vậy mà không có một luận án nào ở bậc Đại học và trên Đại học ở khoa Lịch sử, là khoa khoa học cơ bản được đặt ra và nghiên cứu."

    'Là mẩu tin, không là lịch sử!'

    Về việc phản ánh cuộc chiến này trong sách giáo khoa và tài liệu sử học chính thống ở Việt Nam thời gian gần đây, ông Lê Văn Sinh bình luận:

    "Sách giáo khoa lớp 12 dạy môn này, dạy sự kiện này, tôi có xem và thấy rằng nếu đếm ra thì chỉ được có 136 chữ thôi, với một số số liệu về sự kiện về trang thiết bị của hai phía,

    "Một sự kiện và bộ lịch sử 15 tập cũng chỉ đếm ra được 131 chữ thôi, cộng với 18 con số, để nói về một sự kiện gây ra một tác động vô cùng to lớn từ bấy giờ cho đến nay, vậy mà lịch sử của chúng ta (Việt Nam) chỉ ghi được như thế!

    "Tôi liên tưởng đến sự kiện Đồng Tâm vừa diễn ra đây, hôm 09/01/2020, nó chỉ diễn ra trong một đêm 08 và rạng sáng ngày 09/01, mà một bài báo mô tả sự kiện đó để cho người đọc có thể hiểu được gốc rễ của vấn đề và diễn tiến của câu chuyện ra làm sao trung thực, thì cũng không có một bài báo nào mà có thể dùng một trăm ba mươi mấy từ để diễn đạt được câu chuyện này."

    Khi được hỏi các tài liệu lịch sử chính thống của Việt Nam như trên đã trình bày cụ thể gì và thế nào, cũng như ai là người chủ biên hay chịu trách nhiệm chuyên môn cho các tài liệu được viết thành sách lịch sử như thế, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói:

    "Một trăm ba mốt (131) chữ được ghi trong tập 14 của bộ sách lịch sử gồm 15 tập chỉ ghi là ngày giờ năm ấy 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt qua biên giới 1.400 km, tiến vào sáu tỉnh ở phía Bắc Việt Nam và quân ta (Việt Nam) đã diệt được bao nhiêu pháo, bao nhiêu xe tăng, rồi tổ chức giết được 62.500 tên địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại ba trung đoàn, 18 tiểu đoàn"

    "Chỉ có tóm tắt như vậy thôi, đó là một mẩu tin. Đó không phải là lịch sử. Chủ biên của bộ sách này là Viện sử học Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Trong một bộ sách 15 tập, 10.000 trang, mười nghìn trang là bao nhiêu từ, bao nhiêu chữ, mà dành cho một sự kiện Trung Quốc tấn công sang tàn sát nhân dân Việt Nam, hàng trăm nghìn người dân chết chỉ có vậy..."


    Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Lạng Sơn là một trong những địa phương của VN bị Trung Quốc tấn công

    "Tôi nghĩ rằng không thể viết lịch sử của cả một cuộc chiến, mà người ta gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, như thế. Mặc dù nó chỉ diễn ra trong vòng ba tuần thôi. Ngày 17/02/1979, Trung Quốc phát động cuộc tấn công vào toàn tuyến biên giới Việt Nam, ngày 05/3, họ chiếm được thị xã Lạng Sơn và cũng đồng thời ngày đó là Chủ tịch Tôn Đức Thắng phát lệnh Tổng động viên trên toàn nước Việt Nam để chống lại cuộc xâm lăng của người Trung Quốc, nhưng cũng đồng thời ngày đó, Đặng Tiểu Bình tuyên bố rút quân."

    "Ông ta nói đã dạy cho Việt Nam một bài học, nhưng mà cuộc chiến không kết thúc ở đó, nó còn kéo dài cho đến khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, thì người Trung Quốc mới dừng đánh, tức là đến tận năm 1989, nghĩa là sự kiện này phải được nối dài, phải được kéo dài sang tận năm 1989, vậy mà lịch sử của chúng ta (Việt Nam) chỉ viết được từng ấy dòng thôi, thì theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi không coi đó là lịch sử!"

    Viết sử theo ý muốn nhà cầm quyền?

    Từ Viện Nghiên cứu Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, đưa ra bình luận tại cuộc thảo luận với BBC, trong đó ông đề cập tới ý nghĩa tác động sâu rộng của sự kiện và cuộc chiến tranh này trên bình diện quốc tế, khu vực cho tới tận ngày nay.

    "Tôi đọc ở đâu đấy người ta bảo là lịch sử mà từ khi có các nhà viết sử thì lịch sử không còn là lịch sử nữa. Bởi vì các nhà viết sử phải viết theo ý muốn của nhà cầm quyền. Tôi nghĩ là nó không chỉ có tác động trong khu vực mà nó còn tác động tới toàn cầu, nó thể hiện ở ba khía cạnh.

    Trước cuộc chiến tranh 1979-1989, dầu sao vẫn còn có hai hệ thống, vẫn còn có hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nhưng rõ ràng cuộc chiến tranh Trung - Việt đã sắp xếp lại, nó đã đảo lộn bàn cờ khu vực Đông Á và bàn cờ thế giớiTiến sỹ Đinh Hoàng Thắng

    "Khía cạnh thứ nhất là sau cuộc chiến 10 năm của Việt Nam, một cuộc chiến mà Trung Quốc xâm lược Việt Nam, thì thế giới có một suy nghĩ hoàn toàn khác về trật tự quốc tế.

    "Trước cuộc chiến tranh 1979-1989, dầu sao vẫn còn có hai hệ thống, vẫn còn có hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nhưng rõ ràng cuộc chiến tranh Trung - Việt đã sắp xếp lại, nó đã đảo lộn bàn cờ khu vực Đông Á và bàn cờ thế giới. Tất nhiên ở đây có thể có người nói là do có phá bức tường Berlin mới là điểm sụp đổ. Vâng, đấy là đỉnh điểm, đấy là bề nổi của tảng băng.

    "Nhưng Trung Quốc đã ngấm ngầm phá hoại hệ thống XHCN từ bên trong. Và không phải từ cuộc chiến đó, mà từ những mâu thuẫn Trung - Xô những năm 1960, 1970 từ cuộc chiến với Liên Xô năm 1969 cho đến cuộc chiến xâm lược Việt Nam 1979-1989 là đỉnh điểm.

    "Sau cuộc chiến tranh đó thì cái gọi là Chủ nghĩa Cộng sản ở Trung Quốc hay là cái mà ngày nay gọi là CNXH mang màu sắc Trung Quốc thực ra nó chỉ là cái vỏ, cái nhãn thôi."

    "Nói cách khác, nó chỉ là phương tiện để Trung Quốc thực hiện bành trướng thông qua cuộc chiến tranh nóng, chiến tranh xâm lược hoặc là thông qua những tác động bằng sức mạnh mềm để gây ảnh hưởng.


    Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Sách lịch sử của Việt Nam nói Việt Nam 'giết được 62.500 tên địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn' của đối phương

    "Và thế giới có dịp định nghĩa lại về Trung Quốc. Trung Quốc là gì đối với các nước lân bang? Từ các nước lớn như Ấn Độ, Liên Xô đến các nước nhỏ hơn như Việt Nam.

    Nguyên Vụ trưởng, Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam thời kỳ trước đây (2001-2007), cũng đề cập đến điều mà ông gọi là tính liên tục lịch sử và tính toán, điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc liên quan và thông qua cuộc chiến nổ ra 41 năm trước:

    "Tác động thứ hai là thế giới thấy rõ cái tính liên tục lịch sử (history continuity). Tính liên tục lịch sử ở đây tức là cái chu kỳ hơn là từng sự kiện hay từng chiến dịch. Và cuộc chiến tranh Trung Việt, nhìn bề ngoài người ta cứ nghĩ là đánh nhau nội bộ giữa các nước cộng sản.

    "Nhưng mà sau một thời gian, đặc biệt là cái sự biến mất của hệ thống CNXH thế giới, thì người ta hiểu ra đây là một cuộc Nam tiến nguy hiểm của Hán tộc.

    Cuộc chiến này phần nào buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc, các thế hệ sau này phải thay đổi lại tính toán chiến lượcTS. Đinh Hoàng Thắng

    "Nói chính xác hơn, đây là một cuộc tràn ngập lãnh thổ của văn minh Hoa hạ. Nói Hán tộc chưa chính xác, vì Hán tộc chỉ là một cái địa danh thôi.

    "Và trong cuộc tràn ngập lãnh thổ này, thì cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Trung Quốc đã bao nhiêu lần "bán đứng" Việt Nam.

    "Các nhà nghiên cứu tổng kết có 5 lần: 1954, 1972, 1974, 1977 và 1979. Cho nên để thấy cái gọi là "cùng chung vận mệnh" mà bây giờ Trung Quốc nói, thì nó chẳng có ý nghĩa nào cả đối với những ai muốn tìm hiểu bản chất quan hệ Việt - Trung.



    Bản quyền hình ảnh David Hume Kennerly Image caption Ông Đặng Tiểu Bình, ở vị trí Phó Thủ tướng, tiếp đại sứ George Bush và Tổng thống Gerald Ford ở Bắc Kinh tháng 12/1975. Ngay từ khi đó, Trung Quốc đã có các bước chuyển động về phía Hoa Kỳ

    "Còn thực ra, so với các triều đại phong kiến trước, thì tần suất xâm lược Việt Nam ít hơn là khi mà có 'cùng chung vận mệnh'.

    "Khía cạnh thứ ba nói về tác động, cuộc chiến này phần nào buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc, các thế hệ sau này phải thay đổi lại tính toán chiến lược.

    "Vì họ biết rằng nếu họ vẫn đường hướng như cũ, họ không thể lừa thế giới được mãi. Trung Quốc lần này quyết ăn thua với Mỹ và phương Tây để thay đổi trật tự thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ hai."

    Và nhà nghiên cứu, phân tích, chính trị, bang giao quốc tế này kết luận:

    "Như vậy với tất cả những diễn tiến quân sự từ sau cuộc chiến với Việt Nam, Trung Quốc hiểu ra rằng là Trung Quốc sẽ không có cửa để ra với thế giới. Đó là bối cảnh của những chính sách như 'Thao quang dưỡng hối' (tạm hiểu: náu mình chờ thời) cho đến 'Dò đá qua sông' cho đến 'Vành đai - Con đường' cho đến 'Giấc mộng Trung Hoa.'

    "Cho nên hôm nay chúng ta ôn cố tri tân là để thấy cái "đường xa nghĩ nỗi sau này mà lo", mà để liên hệ với hiện tại. Tức là chúng ta không 'đem xăng đi cứu hỏa' với tình hình khó khăn hiện nay của Trung Quốc," ông Đinh Hoàng Thắng nói với BBC News Tiếng Việt.

    Theo BBC

    Không có nhận xét nào