Header Ads

  • Breaking News

    Trần Minh Triết - Nghỉ học hay không nghỉ học?

    Nghệ thuật của người làm chính sách là cân nhắc tất cả những hệ quả có khả năng xảy ra để có được một chính sách hợp lý cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tất cả những chính sách thái quá, cực đoan đều gây ra những hệ quả tiêu cực trong dài hạn. Nghỉ học đến hết tháng Hai là hợp lý nhưng kéo dài đến hết tháng Ba sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.
    Trần Minh Triết - Nghỉ học hay không nghỉ học?
    Bài viết này không đưa ra khuyến nghị nên cho phép tiếp tục nghỉ học hay không, mà chỉ phân tích về những thiệt hại xã hội phải gánh chịu nếu cho phép nghỉ học, cũng như phương pháp tiếp cận của các nước trong khu vực, trên cơ sở đó, các nhà làm chính sách có thể cân nhắc kỹ càng hơn trước khi quyết định.

    Dư luận xã hội: Nghỉ học hay không nghỉ học?

    Theo kết quả thăm dò của báo điện tử VnExpress, tính đến sáng 21/1, có 50% độc giả đồng ý với phương án học sinh đi học lại vào tháng Tư, 38% đồng ý với phương án từ tháng Ba, 12% đồng ý với phương án từ 24/2.

    Các bậc phụ huynh Việt Nam đang chia rẽ xung quanh một quyết định chung của quốc gia: học sinh sẽ đi học lại vào lúc nào trong bối cảnh dịch bệnh Corona vẫn đang diễn ra.

    Quan điểm ủng hộ việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên về phía chính quyền thể hiện qua công văn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, kiến nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống nhất kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên đến hết tháng Ba.

    Lập luận của những người ủng hộ việc kéo dài thời gian nghỉ học tập trung vào việc đặt sức khỏe và sự an toàn của học sinh lên trên hết. Việc thay đổi thời gian học nhằm “đảm bảo sự an toàn cho học sinh, giúp các địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục chủ động trong việc xây dựng triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học”.

    Mặc dù nỗi lo sợ về dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, nhưng không phải ai cũng đồng ý với phương án kéo dài việc nghỉ học cho học sinh, sinh viên đến hết tháng Ba. Kết quả thăm dò của VnExpress cũng cho thấy chỉ có 50% ý kiến ủng hộ việc kéo dài thời gian nghỉ học, đồng nghĩa với việc 50% ý kiến còn lại không ủng hộ.




    Cuộc sống xáo trộn, kinh tế thiệt hại

    Thiệt hại đến cuộc sống thường ngày của người dân và hoạt động kinh tế của cả nước là lập luận mấu chốt của những người phản đối việc kéo dài thời gian nghỉ học.

    Theo một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của dịch virus corona đối với kinh tế – xã hội năm 2020, tính đến ngày 5/2, dịch Corona có tác động mạnh làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo hai kịch bản

    Theo kịch bản 1, nếu dịch được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với chỉ tiêu. Trong đó quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.

    Với kịch bản 2, nếu dịch được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với chỉ tiêu). Trong đó quý I, GDP tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

    Những con số vĩ mô “vô hồn” không thể nào phản ánh được hết tác động của những ảnh hưởng và thiệt hại về kinh tế đối với người dân bình thường.

    Các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Facebook, mới chính là nơi phản ánh rõ nét và chính xác nhất những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra cho cuộc sống của người dân khi chính phủ quyết định cho học sinh nghỉ học, một quyết định chung dựa trên lợi ích của toàn dân nhưng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với nhiều người dân khác chịu ảnh hưởng bởi quyết định đó. Tự do ngôn luận là điều cần thiết để xã hội phát triển vì có tự do thì những người bị thiệt hại do chính sách chung gây ra mới có cơ hội lên tiếng và tiếng nói của họ mới được chuyển lên những người ra quyết định.

    Thông tin là dữ liệu đầu vào của quy trình lập chính sách. Bóp nghẹt tự do báo chí, tự do ngôn luận, mạnh tay ngăn chặn những thông tin trái chiều trong ngắn hạn có thể điều chỉnh suy nghĩ của xã hội theo ý muốn của chính quyền, nhưng về dài hạn sẽ tạo ra những hệ quả nghiêm trọng khi thông tin từ bên dưới không được phản ánh và đo đạc kịp thời.

    Nhiều trường tư nhân bị ảnh hưởng nặng đã “khóc” trong mùa dịch Corona vì học sinh nghỉ học kéo dài. Học sinh nghỉ học theo quyết định chung của nhà nước thì các trường tư nhân không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên. Bài toán cân đối thu – chi của họ không hề đơn giản. Nhiều trường đã buộc phải tinh giảm nhân sự hoặc cho giáo viên nghỉ không lương.

    Các cơ sở dạy tiếng Anh do tư nhân mở ra cũng phải nghỉ theo. Các lớp học thêm do thầy cô giáo mở ra tại nhà cũng phải nghỉ khi chính quyền ra thông báo thầy cô giáo nào tổ chức học thêm trong thời gian TP. Thanh Hoá chỉ đạo nghỉ học, dù trong hay ngoài nhà trường, đều phải bị kỷ luật đến mức buộc thôi việc.

    Ảnh hưởng dây chuyền của cả nền kinh tế là điều có thể nhìn thấy. Khi học sinh nghỉ học, trường học không còn nhu cầu tiêu thụ các thực phẩm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh, ảnh hưởng đến các đơn vị cung ứng thực phẩm cho các trường.

    Học sinh nghỉ học, cuộc sống của nhiều phụ huynh bị đảo lộn khi phải nghỉ việc ở nhà trông con nếu không có ông bà trông trẻ giúp hoặc không tìm được người để gởi trẻ. Không phải gia đình nào cũng có ông bà hoặc có tiền để tìm được người giữ trẻ trong một thời gian dài. Nhu cầu được gởi con để đi làm là một nhu cầu rất thiết thực của nhiều phụ huynh, nhiều trung tâm nhận trông học sinh nghỉ học vì dịch Corona ở Hà Nội xuất hiện. Tuy nhiên, việc gởi con cho một cơ sở giáo dục tư nhân theo thỏa thuận giữa phụ huynh và các trường mầm non tư nhân đều bị xem là vi phạm quy định của nhà nước. Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội còn ra văn bản cấm tuyệt đối trường mầm non tư thục nhận trẻ trong thời gian nghỉ học phòng Corona. Quyền cá nhân của những phụ huynh muốn gởi con cho một cơ sở giáo dục tư nhân trong mùa dịch Corona liệu có đáng được quan tâm không?

    Học sinh lớp 12 phải thi cuối cấp, nhiều học sinh phải làm hồ sơ du học. Liệu các quyền lợi cá nhân đó có được các nhà hoạch định chính sách quan tâm đến trước khi quyết định?



    Các nước khác đang phản ứng như thế nào?

    Các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi virus Corana gây ra như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc có phản ứng bình tĩnh và lý trí hơn so với Việt Nam trong việc cho học sinh nghỉ học.

    Nếu Việt Nam cho học sinh nghỉ học trên toàn quốc, các quốc gia khác lại chọn nhiều cách khác nhau, bao gồm ít nhất ba cách:

    Không nghỉ học nhưng hạn chế các sinh hoạt ngoại khóa, như Singapore và Thái Lan. Lý do được Bộ giáo dục Singapore đưa ra là nếu đóng cửa trường học, chưa chắc học sinh ở nhà và việc cho học sinh nghỉ học sẽ làm gián đoạn chương trình giảng dạy và làm xáo trộn cuộc sống thường ngày của phụ huynh. Thái Lan cũng có phản ứng tương tự khi cho phép trường học tiếp tục mở cửa.

    Nghỉ học ở những thành phố có dịch, những thành phố không có dịch vẫn đi học bình thường. Đó là phản ứng của Nhật Bản khi tạm đóng cửa các thành phố có dịch như Osaka, Nara để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Còn các thành phố khác chưa có dịch, trường học vẫn hoạt động bình thường. Hàn Quốc phản ứng tương tự Nhật Bản khi chỉ đóng cửa tạm thời các trường học ở những khu vực nhiễm bệnh hoặc có người nhiễm virus Corona từng đến.

    Nghỉ học hai tuần trên toàn quốc, sau đó sẵn sàng đóng cửa trường học khi phát hiện dịch. Đó là cách Đài Loan phản ứng. Lịch học mùa xuân bị hoãn hai tuần tới ngày 25/2 và học sinh phải kéo dài học kỳ. Riêng các trường mầm non tư thục có quyền mở cửa. Từ 25/2, các trường phổ thông mở cửa trở lại, nhưng nếu phát hiện ca nhiễm bệnh thì tùy trường hợp sẽ xử lý theo các cách khác nhau. Nếu một lớp có một giáo viên hoặc học sinh nhiễm bệnh thì cả lớp phải nghỉ. Nếu hơn một người nhiễm thì cả trường phải đóng cửa. Nếu một quận hoặc thành phố có một phần ba trường đóng cửa thì toàn bộ trường trong quận/thành phố đó phải nghỉ. Thời gian nghỉ đều là 14 ngày trong mọi trường hợp.

    Điều đáng quan tâm là ngoài Trung Quốc, Nhật Bản là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt dịch virus corona với 161 ca nhiễm. Trong khi đó, tính đến 21/2, Hàn Quốc có 156 ca, Singapore có 85 ca, Thái Lan có 35 ca, Đài Loan 26 ca, và Việt Nam chỉ có 16 ca nhiễm, trong đó 15 ca đã phục hồi, không có người tử vong.

    ***

    Quyết định cho phép học sinh nghỉ học là một quyết định chung, ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ sở giáo dục trong cả nước, cho dù đó là giáo dục công lập hay giáo dục tư nhân. Quyết định đó cũng ảnh hưởng đến việc dạy và học, cũng như cuộc sống của hàng ngàn giáo viên, hàng triệu học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, các nhà quản lý dường như không đánh giá một cách thấu đáo những hệ quả tác động lên cuộc sống của nhiều người dân, đặc biệt là những nhóm không có khả năng phản biện chính sách.

    Chính sách cho học sinh nghỉ học trong vài tuần lễ có thể được đánh giá tốt trong thời điểm công chúng lo sợ. Tuy nhiên, bất kỳ một chính sách chung nào tác động đến toàn bộ hệ thống cũng sẽ tạo ra những hệ quả tiêu cực cho một bộ phận người dân mà người làm chính sách không thể lường hết. Hệ quả tiêu cực sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu chính sách đó kéo dài.

    Theo Luật Khoa

    Không có nhận xét nào