Header Ads

  • Breaking News

    Virus corona ảnh hưởng du lịch, sản xuất, tiêu dùng ở Đông Nam Á

    Tại Đông Nam Á, khu vực nổi tiếng về giá nhân công rẻ và chi tiêu của người tiêu dùng mạnh, các nước từ Myanmar đến Philippines dự đoán trong năm 2020 tăng trưởng kinh tế sẽ hơn 6%. Giờ đây, mới 6 tuần lễ đầu năm 2020, không ai có thể chắc chắn về mức tăng trưởng này.

    Nhân viên y tế Campuchia đến Sihanoukville để kiểm tra sức khoẻ hành khách và thuỷ thủ đoàn trên tàu Westerdam (ảnh chụp ngày 13/2/2020)
    Dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc đã làm cạn dòng du khách đến Malaysia, Singapore và Thái Lan vì các nước này hạn chế nhập cảnh để kiểm soát sự lây lan của virus. Tiếp theo là các hãng hàng không bị ảnh hưởng, với 25.000 chuyến bay bị hủy trên toàn thế giới. Các nhà sản xuất để xuất khẩu tại Việt Nam, trung tâm hãng xưởng của Đông Nam Á, không thể có được nguyên liệu thường xuyên từ Trung Quốc trong tháng này vì dịch bệnh bùng phát khiến cho mọi việc phải ngưng lại.

    Và hàng loạt dân chúng sợ hãi trong số khoảng 630 triệu dân của tiểu lục địa này không dám ra đường mua sắm.

    Bên ngoài Trung Quốc, “ảnh hưởng kinh tế tức thời mạnh mẽ nhất được biểu hiện qua con số du khách sụt giảm và việc xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc cũng kém hơn, và hội nhập vào chuỗi cung cấp của Trung Quốc,” theo Dịch vụ Các nhà đầu tư của Moody đánh giá tuần này.

    Bệnh về đường hô hấp do virus corona được phát hiện vào tháng 12 năm ngoái tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Cho đến nay virus này đã làm hàng chục ngàn người nhiễm bệnh và số thiệt mạng đã quá 1.100 ca, hầu hết tại Trung Quốc. Trung Quốc đóng cửa những thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất và kéo dài ngày nghỉ Tết âm lịch để giữ cho virus không xâm nhập các trường học và nơi làm việc. Hầu hết công nhân đều trở về nhiệm sở hôm 10/2.

    Đông Nam Á, vì mối quan hệ kinh tế và thương mại mật thiết với Trung Quốc, sẽ đặc biệt chịu ảnh hưởng, các kinh tế gia tin như vậy.

    Du khách ở nhà

    Du khách từ Trung Quốc đến Đông Nam Á thường lên đến cao điểm vào mùa Tết âm lịch nhưng đã giảm sút từ ngày 1/2 vì các tour du lịch bị bỏ do hạn chế nhập cảnh của những quốc gia nơi đến.

    Gần Kota Kinabalu, một thành phố của Malaysia mà du khách Trung Quốc yêu biển thường đến, các khách sạn trống rỗng từ ngày 1/1.

    Tại nước láng giềng Brunei, các giới chức di trú vặn hỏi du khách Trung Quốc là họ có đi thăm Vũ Hán trước khi đến đây hay không.

    Singapore cấm du khách từ Trung Quốc vào ngày 31/1.

    Đông Nam Á cảm thấy “lo sợ” và “hoảng loạn”, ông Rajiv Biswas, kinh tế gia trưởng về châu Á-Thái Bình Dương tại công ty nghiên cứu thị trường HIS Markit, nói.

    “Nếu chúng ta chỉ nhìn vào cơn chấn động về du lịch, thì đây đã là một cơn chấn động tiêu cực lớn ít nhất là trong quý 1 năm nay,” ông Bisward nói. “Mặt khác, việc này tùy thuộc vào câu hỏi là dịch bệnh kéo dài bao lâu, nhưng theo cách vụ việc diễn ra như hiện nay, không chắc dịch bệnh sẽ bất thình lình biến mất.”

    Singapore nhận 18% tổng số du khách từ Trung Quốc đến trong năm 2018. Trung Quốc chiếm 20% số du khách quốc tế đến Philippines trong năm ngoái và chiếm 11% du khách đến Malaysia.

    Ngườ dân Đông Nam Á tự gây thiệt hại cho các kỹ nghệ dịch vụ của họ bằng cách ở nhà để khỏi bị lây nhiễm. Họ tránh các cửa hàng, khách sạn và những sinh hoạt công cộng, thay vào đó là dự trữ hàng hóa không hư hỏng phòng trường hợp phải nằm nhà trong một thời gian dài.

    Chuỗi cung ứng sản xuất

    Việc sản xuất tại những quốc gia như Việt Nam và Campuchia sẽ bị thiệt hại vì các hãng xưởng không chắc nhận được nguyên liệu từ Trung Quốc. Trung Quốc cung cấp thép và những bộ phận điện tử. Các nhà đầu tư đã mở nhiều hãng xưởng tại Đông Nam Á trong thập niên qua để tránh chi phí cao ở Trung Quốc, giúp thúc đẩy dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 6,8% ở Campuchia và Myanmar cùng với 6,7 % ở Việt Nam.

    Tuy nhiên một số hãng xưởng tại Việt Nam đã đóng cửa trong tháng này, vì thiếu nguyên liệu, ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội nói.

    Các công ty chế tạo xe như Toyota, Hyundai và Ford đã ngưng việc tái mở cửa những xưởng máy tại nhiều nước sau những ngày nghỉ Tết, ông S. Rajaratnam thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói trong cuộc nghiên cứu ngày 31/1.

    Apple cũng đã cảnh báo về “ảnh hưởng của virus đối với việc sản xuất của công ty này trong khi xem xét lại kế hoạch cho chuỗi cung cấp của công ty,” cuộc nghiên cứu nói.

    Ảnh hưởng đến 6 tháng

    Ảnh hưởng của virus đối với các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ kéo dài từ 3 đến 6 tháng, các nhà phân tích tin như vậy. Tốc độ phục hồi sẽ tuỳ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ đối với các công nghiệp đang gặp khó khăn và khả năng của Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh bùng phát.

    “Lẽ dĩ nhiên trong quý đầu và sang đến quý hai sẽ chắc chắn có ảnh hưởng rõ rệt, tuy nhiên sau đó sẽ tùy thuộc vào việc ảnh hưởng này kéo dài bao lâu và liệu các công ty có chịu nổi hay không,” ông Liang Kuo-yuan, chủ tịch Viện Nghiên cứu Polaris ở Đài Bắc, nói.

    “Nếu bạn là công ty lớn thì không có vấn đề. Tuy nhiên nếu bạn là công ty nhỏ và trung bình, bạn không thể chịu nổi và phải đối mặt với vấn đề phá sản.”

    Đã có hy vọng le lói

    Giới hữu trách Việt Nam yêu cầu các ngân hàng giữ lãi suất cho vay thấp để kích cầu nền kinh tế. Và trong lãnh vực công nghệ, chuỗi cung ứng các máy chủ điện toán đã phục hồi “tốt hơn dự kiến” sau khi người Trung Quốc trở lại làm việc ngày 10/2, công ty nghiên cứu thị trường TrendForce nói

    (VOA)

    Không có nhận xét nào